Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

TUYẾN DU LỊCH LONG THÀNH – NHƠN TRẠCH

1. Làng bến gỗ:

Từ ngã ba vũng Tàu đi theo Quốc lộ 51 gần 4 km du khách sẽ đặt chân tới một vùng văn hóa trên dưới ba trăm năm tuổi : đó là làng cổ Bến Gỗ.

Không biết chính xác làng lập vào năm  nào, nhưng biết chắc nơi này buôn bán gỗ, tre nứa từ rừng về Sài Gòn-Chợ Lớn. Làng Cổ Bến Gỗ bao gồm các xã An Hòa, Long Hưng, một phần xã Phước Tân (huyện Long Thành) và phường Long Bình Tân (Biên Hòa) ngày nay.

Các nhà khảo cổ nghiên cứu phát hiện Bến Gỗ chứa nhiều di vật cuả các cư dân, tộc người sinh sống trước đây khoảng 2.000 năm vào thời đại đồ đồng.

Đình An Hòa được xếp hạng di tích lịch sử và là niềm tự hào của xã Long Hưng. Đình chứa đựng nhiều công trình đồ gỗ tinh tế như các liễu đối, hoành phi; các mô tuýp truyền thống như lưỡng long triều nguyệt, cúc liên chi, mây sông nước, ngũ phủ lâm môn được thể hiện trên các đầu dư, trụ đỡ, xà ngang.

Nhà thờ Bến gỗ xây dựng năm 1932, là loại nhà thờ sớm nhất TP.Biên Hòa.

Bến Gỗ nổi tiếng về đua thuyền từ đầu thế kỷ 19. Thuyền làm bằng gỗ nhẹ dài 16 mét , rộng 1,6 mét. Đội thuyền 24 người gồm một chỉ huy, một phách nhì đánh phèng chiêng cổ vũ, một múc nước, một xà bát đứng lái, năm cặp giữa khoang, năm cặp đốc hậu. Ngày nay, truyền thống đua thuyền Bến Gỗ vẫn còn giữ được, hằng năm đều có đội đua tham dự các giải địa phương, khu vực và từng đại diện khu vực tham gia thi toàn quốc.

2. Đình thờ Phú Mỹ:

Ra khỏi thị trấn Long Thành 2km, ở ngã ba chợ Chiều mở ra con đường nhựa chênh chếch về hướng tây nam dẫn du khách đến xã Phú Hội anh hùng. Và gần đây mỗi khi về thăm Phú Hội người ta thường ghé thăm đình Phú Mỹ.

Đình Phú Mỹ cổ kính rêu phong, mái lợp ngói âm dương, náu mình dưới tán rừng cổ thụ, mang kiến trúc tiêu biểu cho đình làng Nam Bộ. Cũng tại nơi đây ghi dấu một nghĩa cử thiêng liêng của lòng dân Phú Hội.

Tháng 10/1969 được tin Bác Hồ vĩnh viễn ra đi, lòng dân Phú Hội đau như dao cắt. Trong nỗi bi thương, các Bô lão nghĩ cách tri ân Bác trước kẻ thù. Viện lý do các bức hoành phi đình Phú Mỹ bị mối mọt hư nhiều, cần được sửa chữa lại, các ông Nguyễn Văn Nương và Tám Liệt đã làm lại ba bức hoành phi mới với nội dung:

Hồ thiên nhi thiên

Chí vọng thâm ân

Minh hoài hậu đức

(Ba từ đầu câu ghép lại thành tên Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Hiện nay, ba bức hoành phi này được trưng bày tại Nhà bảo tàng Đồng Nai.

3. Chiến khu rừng sát và đền thờ liệt sĩ huyện nhơn trạch:

Rừng Sác là một vùng rừng ngập mặn hàng ngàn km vuông nằm ở phía Đông Nam tỉnh Đồng Nai, thuộc địa phận các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, ăn thông một dải với rừng Sác Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh).

Vùng rừng nay có thảm thực vật nước mặn rất phong phú với nhiều loại cây đước, da, sú, có, mắm, bần…đan níu nhau thành nhiều tầng lớp và rất lắm cá tôm.Đây là vùng địa hình sình lầy, mênh mông sông nước với hằng trăm sông lạch đan nhau chằng chịt.

Vùng Rừng Sác trở thành căn cứ địa cách mạng ngay từ những năm đầu tiên kháng Pháp. Nơi đây cũng từng là chứng tích cho các cuộc rải thảm bom B52, chất độc hóa học, các cuộc càn quét qui mô lớn với sự tham gia của nhiều binh chủng, tàu chiến và vũ khí hiện đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng cũng chính nơi đây đã khẳng định chân lý, niềm tin và ý chí con người là vượt lên tất cả. Từng dòng sông, con lạch, giồng đất nơi đây đều lấp lánh chiến công: Tàu quân sự của Pháp bị chìm, tàu Victory hàng vạn tấn của Mỹ cùng chung số phận, kho bom thành Tuy Hạ, Kho xăng Nhà bè bốc cháy….

625 liệt sĩ Đoàn 10 và 1.400 liệt sĩ  của 12 xã huyện Nhơn Trạch đã ngã xuống tại chiến trường sôi động ác liệt này. Để tưởng nhớ công ơn và chiến tích anh hùng của cha anh, Đền thờ Liệt sĩ Nhơn Trạch được xây dựng tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, nơi cửa ngõ bước vào chiến khu Rừng sác năm xưa.

4. Khu di tích cù lao giấy:

Khu du lịch Cù Lao Giấy, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch là điểm du lịch hấp dẫn du khách hiện nay. Đây là vùng sông nước miệt vườn với cây cối xanh tươi. Đúng như tên gọi, khu vực này trồng nhiều bông giấy và có cả nhà máy sản xuất giậy

Ngoài thú vui ngắm cảnh sông nước yên bình bao quanh cù lao, trò chuyện với bạn bè trong các ngôi nhà sàn mái lá, nằm võng nghỉ ngơi bên rìa bờ sông để hít thở không khí trong lành, thoáng mát... du khách còn có thể tham gia các trò chơi tại khu pinic như chèo xuồng hoặc nhảy cầu, tắm sông với phao an toàn...Du khách đến với Cù Lao giấy ngoài phong cảnh yên bình, thơ mộng còn được thưởng thức các món nướng đặc sản miệt vườn rất ngon miệng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét