TRẦN THANH ĐẠM | ||||
Đình thần Phú Long cách chợ 500m về phía Tây Nam thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Đình do cư dân người Việt đến lập nghiệp xây dựng từ năm 1825. Đây là ngôi đình cổ kính được trùng tu nhiều lần còn lại đẹp nhất của tỉnh Bình Dương.
Vào ngày 8-1-1853 (nhằm ngày 28-11 âm lịch, năm Tự Đức thứ 5), triều đình có sắc chỉ cho đình Phú Long, huyện Bình An (nay là huyện Thuận An) thờ thần “Bảo an chính trực” là thần hoàng có công giúp dân khai hoang lập ấp, an cư lạc nghiệp.
Đình tọa lạc trên khuôn viên rộng khoảng 1 ha, nằm sát sông, có rạch thông ra sông Sài Gòn, rất thuận tiện giao thông đến các vùng miền trong xứ.
Đình kiến trúc theo mô típ phương đông cổ là “trùng thềm điệp ốc”, có nhiều bậc tam cấp bước lên chính điện và nhiều nhà trải dài mỗi bề 40x50m. Mặt tiền cẩn vào bê tông bằng mảnh gốm, sức màu sắc lóng lánh.
Chẳng những cảnh quan thâm nghiêm thanh tịnh đầy ấn tượng mà đây còn là nơi ẩn trú, hội họp bí mật của những chiến sĩ cách mạng vùng Lái Thiêu từ mùa xuân Giáp Thân (1944) trong không khí rạo rực chuẩn bị tổng khởi nghĩa, đến suốt hai thời kỳ kháng chiến vừa qua. Phải chăng là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà lý thú của người thiết kế làm tăng vẻ uy nghi của đình và với con mắt tinh tường của các chiến sĩ ta đã biến nóc nhà kín của tòa chính điện thành nơi trú ẩn hoạt động đánh địch. Đó là một tấm đan bằng bê tông rộng khoảng hơn 2m chạy theo suốt chiều dài của tòa chính điện, vừa là máng xối, vừa là bệ nâng khối lớn trang trí gồm nhiều khung lớn nhỏ khác nhau về “lưỡng long tranh châu biểu trưng cho sự hòa hợp âm dương trời đất và con người. Mái ngói âm dương của tòa chính điện trải dài sát đến bệ trang trí. Ở 2 đầu hồi có 2 lỗ tròn và có nắp đậy che mưa nắng tạo thành một nóc nhà kín, người cúi lom khom đi lại trên đó được.
Mãi đến khi tôn tạo lại đình, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ta đã tìm thấy trên nóc nào là cờ đỏ sao vàng cờ mặt trận, võng ni-lông, mũ cối, thuốc đỏ, bông băng. Theo cụ Tư Biết, 80 tuổi (còn sống) và các cụ Năm Hoặc, 89 tuổi; Năm Huệ, 85 tuổi (mới qua đời cách đây vài năm), nguyên là đoàn viên Thanh niên Tiền phong thời kỳ tiền khởi nghĩa và cơ sở mật trong kháng chiến đã từng ẩn náu ở đây, cho biết thêm. Hồi đó các chiến sĩ ta hàng ngày vẫn sống trong tình “quân dân cá nước”. Nhưng khi giặc vây ráp đã có đường thoát hiểm là lẩn vào vườn đình có cây cao bóng cả rậm rạp, rồi leo lên mái hậu đình, chui vào nóc nhà kín. Nhiễu lần ta phải ẩn náu trên đó một vài ngày, chờ cho chúng rút đi mới tụt xuống tiếp tục hoạt động. Còn nguồn thực phẩm đã có các cơ sở mật tiếp tế, được che giấu trong các vật hiến cúng, không bao giờ thiếu.
Thế là, nóc nhà kín đã che giấu cơ quan đầu não huyện Lái Thiêu từ thời tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến để lãnh đạo đánh giặc. Nhưng quân thù thường, hùng hổ vây ráp đường thủy, đường bộ liên miên, vạch từng gốc cây ngọn cỏ trong vườn đình mà chúng vẫn như đui, như điếc.
Nhân dân làng Phú Long rất tự hào về truyền thống bảo mật, che giấu cán bộ của mình. Bà con còn rất khâm phục tinh thần gan dạ và cặp mắt tinh đời của chiến sĩ ta đã biết tìm nơi trú ẩn kín đáo, làm cho địch bị đánh bất ngờ. Bà con đã gọi các chiến sĩ ấy là những “Đại thánh” hiện về trên nóc đình Phú Long, như những “Tôn Ngộ Không” trong truyện Tây Du Ký bên Trung Quốc ngày xưa.
Đình thần Phú Long xứng đáng được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 22-12-2001.
|
Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011
Đình thần Phú Long: Một di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét