Đền Bình Nhâm khánh thành ngày 11-2-2003. Đền tọa lạc trên khuôn viên rộng, thoáng mát sát phía Bắc thị trấn Lái Thiêu, phía Bắc trụ sở HĐND, UBND xã Bình Nhâm, trước mặt là quốc lộ 13 (cũ), nay là đường Cách Mạng Tháng 8 và sông Sài Gòn. Mặt tiền của đền có cổng tam quan lớn, nổi bật tên ''Đền Bình Nhâm''. Giữa sân đền rộng dựng tấm bia bằng xi-măng, đá rửa màu hồng hoành tráng. Trên bia khắc đậm nét bài văn diễn tả khái quát nguồn gốc, đặc điểm của xã từ thời mở đất (300 năm trước) với 4 tộc họ: Nguyễn, Trần, Lê, Võ là những ''tiền hiền'' khai khẩn, chủ nhân đầu tiên của vùng đất 654 ha, của 4 ấp Bình Thuận, Bình Hòa, Bình Phước, Bình Đức thuộc tổng Bình Chánh, huyện Bình An, phủ Phước Long, dinh Phiên Trấn. Các bậc tiền nhân đã biến vùng sình lầy cặp sông Sài Gòn thành ruộng lúa nước,
dọn sườn gò làm vườn cây ăn trái, mở lò gốm sứ, dựng lò đường, xưởng mộc, thông rạch Cây Me, Bà Chiêu, Bà Dớn, Bà Đệ với sông Sài Gòn về tưới mát vườn cây và giao lưu với các miền bằng ghe thuyền thuận tiện. 'đất lành chim đậu'' đến đầu thế kỷ XX, sau trận bão Giáp Thìn (1904) xã đón nhận bà con từ các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Long An... bị thiệt hại nặng và người Hoa (Triều Châu, Phúc Kiến...) về cùng chung lưng đấu cật, yên dân lập nghiệp. Đến cuối năm 1996, dân số xã đã lên đến 13.593 nhân khẩu, bình quân 1.873 người/km2, là xã có mật độ dân cư đông nhất tỉnh Bình Dương. Hiện nay, xã Bình Nhâm thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sự thật đó được văn bia ghi nhận:
''Bình Nhâm ta xưa
Nhà Bè nước chảy chia hai. Người bẻ lái về Đồng Nai, kẻ day thuyền về Gia Định. Tả ngạn sông Sài Gòn đất lành chim đậu.
Khai hoang lập vườn
Dọn gò làm ruộng
Ngã tư Cây Me làm chợ
Đường ngang lốí dọc, đắp lộ, bắc cầu, xanh thẳm rừng sầu riêng, măng cụt
Nhà ai đó văng vẳng câu hát ''Chiều chiều mượn ngựa ông Đô... đưa cô về chợ Thủ... bán hũ bán ve, bán bộ đồ chè''
Bảng lảng khói lò chén, lò đường
Xóm làng đây ám lời ru ''Mít vườn nhỏ múi, thơm lâu ầu ơ nào khi gánh nặng qua truông anh chờ...
Trên bia còn khơi dậy truyền thống chiến đấu. Lớp người trước ngã, lớp sau đứng lên với gậy gộc, giáo mác bảo vệ thành quả khẩn hoang làng ấp, chống giặc ngoại xâm từ thuở Hội kín đến giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin. Ròng rã hơn nữa thế kỷ qua, người Bình Nhâm vẫn một lòng theo Đảng và Bác Hồ.
''Năm 30, ở làng ta, hạt giống đỏ ươm từ năm 23 - 27, giờ đã nảy mầm.
Tháng 8, tại Bình Nhâm, đội tiên phong năm, bảy người sau thử thách đã thành chi bộ...
Càng vào bên trong đền như đánh thức tâm linh văn hóa của ta về một đùng đất được khắc họa kỳ công vừa cổ kính, vừa hiện đại. Bộ cột kèo bằng xi-măng (giả gỗ) trông đồ sộ và kiên cố. Mái đền cong vút mang dấu ấn kiến trúc đền chùa Việt Nam cổ kính ở vùng đất phương Nam trù phú. Gian giữa đặt bàn thở Tổ quốc với lá ''quốc kỳ'' trên cao, tượng Bác Hồ ở giữa, bộ lư đèn bằng đồng đồ sộ, sáng giới. Hai bên bàn thờ Tổ quốc có đôi liễn khắc chữ vàng 'Tiền hiền khai khẩn - Hậu hiền khai cơ” trên nền đỏ, chỉ rõ đây là bàn thờcác bậc tiên liệt của đất nước, người có công khai phá vùng đất này. Phía trước bàn thờ có tấm bia lớn, khắc tên 6 đảng viên của Chi bộ Bình Nhâm, thành lập tháng 8-1930 là Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một (Chi bộ Nhà máy Toa xe Dĩ An, thành lập tháng 1-1930, nhưng thuộc huyện Thủ Đức, tỉnh Gia định).
1 . Trương Văn Phèn (Ba Phèn) Bí thư Chi bộ
2. Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết)
3. Nguyễn Văn Lộng (tự Chùa)
4. Đinh Văn Sáng (Tám Sáng)
5. Nguyễn Văn Nâu (Sáu Nâu)
6. Hồ Văn Cống
Đến năm 1932, Chi bộ xã Bình Nhâm đã tập hợp nhiều đồng chí các xã lân cận, có trách nhiệm hoạt động trên toàn huyện Lái Thiêu đã đổi tên thành ''Chi bộ Cộng sản huyện Lái Thiêu'', do đồng chí Đinh Văn Sáng làm bí thư. Hai bên tả, hữu bàn thờ còn có hai tấm bia lớn ghi danh sách 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (với tỷ lệ 1%o dân số), 129 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, còn có hai tấm bia lớn ghi danh sách 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (với tỷ lệ 1%o dân số), 129 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, khá cao. Đền Bình Nhâm uy nghi và bề thế đã tái hiện lịch sử văn hóa vùng đất Lái Thiêu - Thủ Dầu Một, mãi mãi tỏa sáng cho hôm nay và mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét