LÊ GIANG - HẠ TRÚC - Bảo tàng Bình Dương
Tọa lạc tại ấp 1, xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đình Tân An cách trung trung tâm tỉnh lỵ khoảng 7km về hướng bắc và cách UBND xã Tân An 500km. Đến di tích, có thể theo đường quốc lộ 13 từ thị xã Thủ Dầu Một đến ngã 3 Suối Giữa rẽ trái, chạy thẳng đến UBND xã Tân An, sau đó rẽ về phía trái khoảng 500m là đến di tích. Đường đến đình được rải nhựa nên rất thuận lợi khi đến đình, phương tiện đi lại có thể bằng xe máy, ô tô...
Như tất cả các ngôi đình Bình Dương được xây dựng vào thời kỳ đầu tiên, đình Tân An nằm trong vùng trung tâm chợ, gần bến sông Bến Thế (nên người trong vùng quen gọi là đình Bến Thế, chợ cũng gọi là chợ Bến Thế) là địa điểm thông thương giao lưu buôn bán của người dân địa phương và giữa địa phương này với những người nơi khác đến nên sầm uất, thịnh vượng. Theo phong thủy và cũng là do tín ngưỡng của dân làng, đình nằm trên một gò đất cao, mặt hướng ra sông Sài Gòn tiện cho việc bà con trong vùng hoặc những nơi khác tới tham dự lễ hội trong dịp Kỳ yên khi phương tiện đi lại của người dân trước đây chủ yếu bằng thuyền bè.
Đình được xây dựng vào năm 1820 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu đình chỉ là mấy gian nhà lá đơn sơ nên đặt tên chữ là “Tương An miếu”, do nhân dân của 4 xã: Tương Bình (nay là Tương Bình Hiệp), Tương An (nay là Tân An), Tương Hòa (nay là Định Hòa) và Cầu Định (nay là Hòa Định) lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị trí đình được đặt tại làng Tương An. Khoảng 30 năm sau đó, tiên tổ dòng họ Nguyễn (làm chức Ban biện) đứng ra chủ trì xây dựng lại ngôi đình với quy mô lớn, có hình dáng như bây giờ. Mặt khác, dòng họ Nguyễn là một trong những lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất Tân An khai hoang lập nghiệp và có công trùng tu ngôi đình làng nên được dân làng tôn làm “Tiền hiền - Hậu hiền” và được thờ trong ngôi chánh điện để tỏ lòng thành kính.
Vào ngày 19 tháng 11 năm Tự Đức thứ 21 (1869), vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại Nhà thờ dòng họ Nguyễn (hiện là nhà ông Nguyễn Tri Quan). Theo sắc vua Tự Đức ban thì vị thần được thờ chính trong đình là Thành Hoàng Bổn Cảnh.
Ngày 26-4-2004, đình Tân An được UBND tỉnh Bình Dương ký quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, đình Tân An được Nhà nước cấp kinh phí trùng tu, bảo quản thích hợp và lễ hội đình Tân An được tổ chức theo định kỳ hàng năm “cúng nhỏ”, đáo lệ 3 năm “cúng lớn”..
Đình được xây dựng theo lối kiến trúc sắp đọi, 4 mái, gồm 3 khu chính. Bước qua cổng đình trước tiên ta gặp nhà võ ca là nơi đoàn hát bội biểu diễn những năm đáo lệ Kỳ yên. Nhà võ ca mới được Ban quý tế đình (chủ trì là ông Lê Văn Út - Trưởng Ban quý tế) đứng ra xây dựng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức môn nghệ thuật của bà con khi tới cúng đình trong dịp lễ hội.
Khu chánh điện là nơi đặt 15 bàn hương án nối tiếp nhau, là nơi trưng bày lễ vật tế hiến thần linh trong dịp lễ; là nơi thể hiện rõ nét nhất bàn tay tài hoa của những người con đất Tân An qua nghệ thuật trang trí, tạo hình hoa quả mà các nghệ nhân thể hiện trong mỗi dịp Kỳ yên; qua hàng loạt hoành phi, câu đối, án thờ. Những hoành phi, câu đối trong đình có nội dung ca ngợi cảnh quê hương đất nước thanh bình, thịnh đẹp, ca ngợi công đức to lớn của thần. Đặc biệt nơi án thờ đặt giữa khu có một bài thơ Đường 4 câu tả cảnh của lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Quốc với cảnh trời xanh nước biếc không gian mênh mông làm cho người đến viếng đình liên tưởng đến quang cảnh hữu tình của đình Tân An - Bến Thế mà ông Trần Trọng San đã tạm dịch như sau:
Vầng hồng đã tựa non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào biển khơi
Muốn xem ngàn dặm xa xôi
Bên lầu Quán Tước trông vời núi sông.
Ngoại trừ một số ban thờ ghi rõ tính danh của vị thần được thờ như ban thờ tiên sư - bậc thầy dạy nghề (nói chung) cho dân chúng trong làng từ buổi đầu lập làng cho đến ngày nay, kể cả nghề làm hương chức xưa, cán bộ ngày nay; ban thờ nữ bách tính, nam bách tính; bàn thờ Tổ quốc đặt tượng Bác Hồ như là thờ người đứng đầu đất nước; còn lại là các vị thần theo ngưỡng dân gian (như Thổ thần là vị thần cai quản đất đai, phù trợ nông dân được mùa bội thu, đời sống phát triển), các vị phúc thần, danh nhân hữu công. Và hệ thống thần linh phức tạp xoay quanh thần Thành Hoàng gắn với những tín ngưỡng và nghi lễ riêng đã tô đậm thêm nét đặc thù của các ngôi đình ở Nam bộ nói chung, đình Tân An nói riêng.
Cuối cùng là hậu điện – nơi thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, tả ban, hữu ban và tiền hiền, hậu hiền. Điện thờ thần Thành Hoàng được ngăn cách với khu chánh điện bằng vách ngăn, có bệ để mỗi người khi bước chân qua cửa đều phải cúi đầu kính cẩn trước thần và tăng thêm vẻ tôn nghiêm, thần bí, trang trọng nơi gian thờ. Ban thờ thần Thành Hoàng có 3 bậc: bậc một dùng để chưng lễ vật trong các nghi lễ; bậc hai dùng dâng hương, đăng, trà, rượu; bậc ba nghinh sắc thần, bậc này còn gọi là bàn thần. Bàn thần là nơi đặt sắc phong sau nghi lễ thỉnh sắc, trên vách phía sau bàn thần có ghi chữ “Thần” bằng chữ Hán. Khác với đền miếu thờ nhân vật lịch sử, hiếm thấy đình làng thờ hình tượng cụ thể. Dù sao chữ “Thần” - biểu tượng được thờ ở đây có lẽ cũng phù hợp với đặc điểm tính chất của thần Thành Hoàng, đối tượng tín ngưỡng mang tính khái niệm biểu trưng của một phiếm thần hơn là một thực thể lịch sử - xã hội. Vượt qua nhận thức “Thành Hoàng là thần bảo vệ thành lũy, hào lũy” nguyên nghĩa gốc từ Trung Quốc, hoặc “vị thần đại diện cho vua để bảo vệ toàn dân, trong làng” mang tính chính thống và phổ biến cả nước, thần Thành Hoàng trong tâm thức người Việt ở Nam bộ chủ yếu là “Thành Hoàng Bổn Cảnh” với nghĩa đó là “vị thần của cộng đồng dân cư” địa phương tại chỗ (không nhất thiết là một ngôi làng khép kín như ở miền Bắc) nó đồng hóa và gần gũi với anh linh những thế hệ đi trước có công lao mở đất, lập làng, dựng ấp (Tiền hiền khai khẩn) và có công trạng mở trường, lập chợ, đắp đường (Hậu hiền khai cơ) cũng như bao gồm các hồn thiêng của anh hùng, liệt sĩ hóa thân cùng khí thiêng sông núi và cả các thần thánh thiêng liêng đang ngự trị tại vùng đất mới hoặc mang vào từ vùng quê cũ ở miền Bắc, miền Trung... Và một điều như đương nhiên, thần Thành Hoàng là nam thần, mang khí dương, đem lại sức mạnh cho muôn loài, muôn vật.
Phía bên trái bên phải thần là Tả ban, Hữu ban – lực lượng hầu cận, phò tá Thần. Tiền hiền, Hậu hiền là những bậc tiền bối có công xây dựng và trùng tu ngôi đình trong những ngày đầu thành lập. Họ là lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp, khởi đầu cho quá trình hình thành và phát triển của cư dân Tân An ngày nay.
Phía đông, tây là khu nhà trù, là nơi dùng để tổ chức tiệc trong những ngày tế lễ. Nơi đây cũng có những câu “chào” bằng tiếng Hán đón tiếp các vị khách tới viếng đình, thể hiện lòng hiếu khách của bà con nơi đây.
Hai bên tiền đình, phía trước võ ca là hai miếu có kiến trúc cổ, dáng vẻ cổ kính thờ Bạch Mã Thái giám - phương tiện đi lại của thần và thần Hổ - thần cai quản núi rừng được coi như những lực lượng hộ vệ cho thần Thành Hoàng. Ở đây ta thấy rõ nhất đặc trưng dung hợp, tích hợp thần linh vì có nhiều tượng thờ các vị thần khác: Thổ địa...
Như phần lớn những đình tại Bình Dương, phía trước đình là “đài xã tắc”, là nơi thờ thần Đất và thần Lúa nếp, biểu tượng của thần đất đai, mùa màng. Thờ Xã tắc là cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đất nước thái bình. Trên đài vẽ hình Nghê chở án thư phỏng theo tích nghê chở hình tượng Hà đồ trong lịch sử Trung Hoa; trên hai vai tạc hình thần Hổ đang trong tư thế sẵn sàng đối phó với mọi nguy hiểm nhưng không hung dữ.
Cảnh quan nơi đây biểu trưng cho sự tôn nghiêm của một ngôi đình: tĩnh lặng, u nhàn nhưng lại vô cùng sinh động, rộn rã, tưng bừng trong mỗi dịp hội làng; là nơi cho chim chóc yên ổn bay về trú ngụ mỗi chiều, hình ảnh cây đề vặn mình vươn lên trên cổng đình, rễ cây trùm phủ cổng đã trở thành một hình ảnh lãng mạn đi vào những cuộc triển lãm ảnh đẹp, trở thành hình ảnh biểu trưng đặc sắc khi nhắc tới cảnh quan đình Bình Dương.
Theo đúng lệ xưa “tam niên đáo lệ Kỳ yên”, vào những năm Tí, Mão, Ngọ, Dậu tính theo lịch 12 con giáp là những năm đình Tân An đáo lệ tổ chức Kỳ yên trong dịp Hạ điền chạp miễu. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 3 đêm từ 14 đến 16-11 là dịp trăng sáng để bà con thuận tiện vui chơi và đi lại. Đây cũng là dịp thủy triều dâng cao và theo quan niệm của nhân dân đó là điềm của mùa màng bội thu, của vạn vật tốt tươi, của tiền của dồi dào...
Kỳ yên là dịp để những nông dân trước là bày tỏ tình cảm của mình với thần linh, sau là dịp gặp mặt nhau bàn luận công việc làm ăn và bày tỏ tình cảm, trao đổi kinh nghiệm. Trong lễ hội Kỳ yên, một mặt người nông dân đền ơn thần linh đã phù trợ, giúp sức cho họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, được “hòa muôn, triệu triệu; được an cư, lạc nghiệp, được quốc thái, dân an”. Nó có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vậy nên trước lễ hội Ban quý tế đình phải chuẩn bị thật chu đáo để lễ hội diễn ra không có sơ suất gì.
Ban quý tế đình Tân An gồm 30 người, trước ngày lễ hội diễn ra 1 tuần, Ban quý tế đình họp lại và phân công thành những ban: ban tiếp tân có nhiệm vụ đón khách; ban trật tự giữ gìn an ninh trong khi diễn ra lễ hội; ban nấu nướng phụ trách việc mua sắm, làm tiệc; ban tài chính phụ trách việc chi tiêu; ban lễ vật có nhiệm vụ nhận và trả lễ vật bà con dâng cúng. Với tính cách khoáng đạt, tâm lý “mở” giờ đây công việc của đình làng không chỉ là đặc quyền của nam giới mà các bà, các mẹ biết lo toan công việc cũng được mời vào Ban quý tế đình, tham gia công việc nấu nướng, cúng tế. Năm nào đáo lệ cúng lớn, Ban quý tế đình liên hệ mời đoàn hát trước 1 tháng, tìm người tài đức làm lễ xây chầu, phát thiệp mời Ban quý tế những đình lân cận để giao lưu... Những người trong Ban nghi lễ trước khi tham gia hoạt động làm lễ phải tắm rửa sạch sẽ để tẩy uế (quán tẩy).
Việc dọn dẹp vệ sinh đường sá dẫn đến đình, quét dọn, vệ sinh những ban thờ, mọi ngõ ngách trong đình được tiến hành. Hàng loạt những câu đối, tấm liễn viết chữ Hán bằng mực đỏ với nội dung cầu cho dân khang vật thịnh, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu cho lễ Kỳ yên năm nay được thành công... được trang hoàng trên từng cột đình. Cửa hậu điện và tất cả những cánh cửa khác trong đình được mở rộng để đón bá tánh tới cúng đình. Đặc biệt ở cổng đình người ta đào hai rãnh hai bên, chỉ chừa lại một lối đi ở giữa chỉ vừa một người đi để khi tới cổng đình ai cũng phải đi chậm lại, phải từ tốn, khiêm nhường trước thần. Không chỉ có Ban quý tế đình mà mỗi người dân trong làng cứ mỗi dịp Kỳ yên cũng nô nức chuẩn bị lễ vật. Từ trước khi lễ hội diễn ra khá lâu họ đã đăng ký trang trí 15 bàn trong gian chánh điện vì theo quan niệm gia đình nào được trang trí sẽ gặp nhiều may mắn trong năm nên những gia đình có nhiều đóng góp xây dựng, tu bổ đình sẽ được ưu tiên. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị thật chu đáo cho ban thờ mà mình phụ trách. Bởi lễ hội là dịp trưng bày tài nghệ, sự khéo léo của dân chúng. Thể hiện qua những con rồng, phượng kết bằng trái cây, hoa lá, qua cách trang trí mâm thờ; qua những mâm xôi, các loại bánh trái của chị em phụ nữ làm lễ dâng thần vừa thể hiện lòng thành, vừa mong thần phù hộ cho gia đình sang năm mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.
Công việc chuẩn bị đến chiều ngày 13 phải hoàn tất để làm lễ thỉnh sắc nghinh thần về đình.
Lễ thỉnh sắc (6 giờ 30 phút ngày 14)
Lễ Kỳ yên được bắt đầu bằng nghi thỉnh sắc thần, tiến hành vào 6 giờ 30 phút ngày 14-11. Ngay từ 5 giờ 30 phút Ban nghi lễ đã tập trung đông đủ tại đình, ăn mặc chỉnh tề, tắm rửa thân mình thật sạch sẽ, mỗi người lo phần việc của mình để nghi lễ diễn ra thật trọn vẹn.
Sắc thần vốn là một văn bản do vua ban ra lấy danh nghĩa công nhận hoặc gia phong tước hiệu cho một vị thần thánh nào đó (ở đây chủ yếu là cho thần Thành Hoàng ở các đình làng) nhưng thực chất đó là sự thể hiện ý chí chủ quan muốn khẳng định quyền lực của triều đình phong kiến. Ngoài yếu tố ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến hoặc do tâm lý truyền thống, do nguyện vọng muốn được “chính danh”, muốn “hợp thức hóa” ông thần của làng mình (cũng tức là sự công nhận đất làng) và thần thánh hóa, tăng thêm tính thiêng của thần, người nông dân Nam bộ khi long trọng nghênh đón và giữ gìn sắc phong của vua ban dường như trước sau vẫn có một tâm lý phổ biến và hợp tình hợp lý rằng: Sắc thần chính là một biểu tượng của truyền thống dân tộc, của mối liên hệ không thể cắt đứt giữa làng với nước, một mối quan hệ Nhà – Làng – Nước không phải chỉ tồn tại trong tâm thức sâu thẳm của cộng đồng mà còn là một nhu cầu văn hóa tinh thần bức xúc pha lẫn màu sắc sinh hoạt tâm linh của những con người tha phương trên vùng đất mới, nhất là ở vào các thời điểm đất nước chịu nhiều biến động đau xót lúc ấy... Lễ thỉnh sắc thần hay lễ rước thần trang trọng, rầm rộ mở đầu lễ hội Kỳ yên hàng năm ở các ngôi đình Nam bộ xưa nay ắt hẳn có mang những yếu tố văn hóa tinh thần đặc biệt như vậy.
Nội dung Sắc thần tại đình Tân An như sau:
Phiên âm:
Sắc Tương An Thành Hoàng chi Thần.
Nguyên tặng Bảo An Chính Trực Hữu Thiện chi Thần hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tứ Kim phi ưng cảnh mệnh miễn niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng chi Thần, nhưng chuẩn Bình An huyện, Tương An xã y cựu phụng sự thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Tự Đức nhị thập nhất niên thập nhất nguyệt thập cửu nhật.
Tạm dịch:
Sắc phong cho Thần Thành Hoàng đình Tương An. Trước tặng là Thần Bảo An Chính Trực Hữu Thiện, giúp nước phò dân linh ứng tính đã lâu. Nay ta ít đức lãnh sứ mạng lớn, liên miên nghĩ đến công ơn Thần, nên gia tặng Thần hiệu: Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng. Lại chuẩn cho xã Tương An huyện Bình An thờ phụng thần như cũ. Còn Thần thì có trách nhiệm bảo vệ cho dân của ta.
Kính vậy thay.
Tự Đức năm thứ 21, ngày 19 tháng 11 (1869).
Nghi thỉnh sắc, lễ vật gồm một tợ thịt heo, một đĩa trái cây, một bình bông để trang trí, ba nhang đại và hai đèn cầy tiểu. Tất cả các lễ vật được đặt trong đĩa, mỗi đĩa do một ông trong Ban nghi lễ rước từ trong bàn chánh điện ra tới long đình đặt ngoài cổng đình, trong đàn xã tắc rồi kính cẩn đặt vào trong long đình. Nhang đại chỉ được thắp lên khi rước sắc từ nhà tiền hiền về đình.
Vốn dựa vào hình thức là một nghi lễ rước quan đại thần của triều đình xưa, lễ Thỉnh sắc thần của đình Tân An là một trong những nghi thức tô đậm nhất màu sắc chính thống (truyền thống) theo khuôn mẫu phong kiến cho thần Thành Hoàng và cho lễ hội đình nói chung. Đi đầu đoàn rước thường là phải có cờ “lệnh”, hai bên là lễ bộ cùng với các nghi trượng khác... Lại có hai bảng đề những chữ “Túc tĩnh” (đứng yên) và “Hồi tị” (lùi ra) ở hai mặt của mỗi bảng dẫn trước để dẹp đường cho thần đi qua. Tiếp theo là các đồ tự khí, tượng trưng cho uy quyền của thần như cờ soái, ấn kiếm, võng, áo mão... rồi đến long đình bên trong đặt các lễ vật. Đi theo đoàn rước ngoài Ban nghi lễ đình mặc áo dài khăn đóng màu vàng (màu chỉ dùng trong nghi thỉnh sắc và hồi sắc), màu xanh, quan viên chức sắc và nhân dân địa phương còn có những thanh niên, thiếu nữ đóng vai “Lễ sinh”, “Đào thài”, đặc biệt là đội “Lính áp hầu” đầy đủ nón chóp, quần áo đỏ nẹp vàng đùi quấn xà cạp, tay cầm giáo... Mặc dù vậy, đám rước sắc ấy vẫn chủ yếu mang không khí hội hè đình đám với tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc và có cả múa lân hết sức vui vẻ, náo nhiệt...
Đoàn rước bắt đầu từ đình tới nhà tiền hiền Nguyễn Tri Quan – nơi cất giữ sắc thần, cũng là di tích được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Long đình được đặt ngoài cổng, đoàn rước sắp xếp lại đội hình, mũ áo chỉnh tề, Ban nghi lễ bái lạy theo lời xướng của ông chánh tế rồi lần lượt bưng lễ vật làm lễ Thỉnh sắc thần. Lễ vật trước tiên đặt trên bàn thờ vua Thành Thái đặt giữa nhà, Ban nghi lễ thắp đèn nến, dâng hương đại, dâng lễ vật lên án thờ cao nhất nơi sắc thần được trang trọng đặt trên đó mà mỗi lần làm lễ thỉnh, hồi sắc người ta phải bắc thang để rước sắc thần xuống hoặc đặt sắc trở lại. Ông chánh tế đọc lời khấn nguyện rước thần về đình chứng dự lễ hội. Vị trưởng lão đội sắc thần trên đầu nghinh tới long đình, ông chánh tế vai đeo gươm của thần đi phía sau. Khi sắc thần đã được đặt trong long đình thì vị trưởng lão sẽ mang thanh gươm của thần. Tất cả mọi người trong đoàn rước đều bái lạy tại bàn vua Thành Thái, lễ sinh cầm nến, các bà, các chị theo đoàn rước mỗi người cầm ba nén hương, đoàn rước lên đường rước sắc thần - thần về đình.
Trên đoạn đường nghinh sắc bán kính 1km từ đình thần, qua nhà tiền hiền, với ý nghĩa để thần biết cuộc sống của người dân, để ban phát lộc cho rộng rãi, long đình và sắc thần ghé thăm chợ - trung tâm kinh tế trong toàn xã, những gia đình dọc đường, cả các thần thuộc tín ngưỡng dân gian ngự ở các miếu với ý nghĩa mời về “chung vui” lễ Kỳ yên. Long đình đi tới đâu, không khí hội hè nô nức tới đó, đoàn người tham gia vào lễ nghinh thần ngày một nhiều, một đông hơn. Có người còn tranh tới chạm tay vào long đình, vuốt lên đầu, lên mặt con trẻ mong con cháu mình được lộc thần mà sáng dạ, thông minh... Khi đoàn rước tiến tới gần cổng đình, trong đình nổi mõ, trống, chiêng, mỗi thứ 3 hồi, nhang đèn được thắp sáng để đón Ông về. Tiếng trống mõ trong đình, tiếng trống mõ của đoàn rước cứ quyện lấy nhau tạo thành không khí vô cùng tưng bừng, rộn rã mà lại rất linh thiêng.
Mõ, trống, chiêng là 3 tự khí luôn có trong đình Nam bộ. Trước khi tế, lấy vải đỏ phủ cái mõ, cái chiêng, cái trống; bên cạnh ba nhạc khí này, cắm ngọn nến, đốt cháy, phải chăng gợi sự quan trọng lửa thời xưa, âm thanh và ánh sáng rất cần thiết. Mõ là khí vật riêng chỉ ở đình thờ thần Thành Hoàng mới dùng – nơi chăm sóc trực tiếp việc làng thời xưa. “Mõ”, chữ Hán gọi là Thác, theo Đào Duy Anh, là miếng gỗ để đánh canh ban đêm. Đình ở Nam bộ, đánh mõ gọi là Kích thác. Phải chăng đây là bảo lưu một lệ hồi xưa, nghe tiếng mõ thì dân làng hiểu là họp dân hoặc báo động trộm cướp, giờ đây tuy không còn nhưng tại đình làng nó còn giữ vai trò tinh thần, mang tính chất tượng trưng.
Đoàn rước tiến vào từ cổng chính, qua nhà võ ca, qua chánh điện để bước vào hậu điện. Trước tiên vẫn là đèn nến, là hương – vật soi đường, dẫn đường đi trước rồi đoàn rước lần lượt theo thứ tự tiến vào sau. Ông từ trông coi đình và một vị trong Ban nghi lễ (ở đây là ông Út Đen, vị chịu trách nhiệm chính trong lễ Kỳ yên năm nay) đã đứng sẵn hai bên ban thờ Ông, đón lễ vật của đoàn rước đặt lên ban thờ. Dưới lời xướng của ông chánh tế, ông trưởng lão quỳ trước án thần làm lễ rồi đặt khánh sắc thần lên bàn thần, vẫn phủ vải đỏ (khánh đặt sắc thần luôn đóng lại và phủ vải đỏ, chỉ khi nào làm lễ mới được mở ra). Ban quý tế và những người trong đoàn rước đồng lai bái, bà con – lúc này đã có mặt tại đình thấy thần về cũng nô nức tiến vào bái lạy.
Ông chánh tế thay mặt bà con khấn mời thần an vị. Giờ đây mọi hoạt động của buổi lễ đều đặt dưới sự giám sát của thần, không khí trong đình trở nên linh thiêng, trang trọng hơn, không ai dám tùy tiện vì sợ thần trách phạt.
Lễ thỉnh sanh (14 giờ ngày 14)
Nghi thỉnh sanh (thực ra là Tĩnh sanh vì tĩnh có nghĩa là trong sạch, tinh khiết) là nghi thức xin ý kiến thần, trình con vật sẽ tế thần khi con vật còn sống. Để thần vui lòng mà phù hộ, ban nhiều phước lộc cho làng thì lễ vật để dâng lên thần không thể tùy tiện, sơ sài và qua đó cũng thể hiện lòng kính ngưỡng của người dân. Trước đây con vật dùng tế thần là trâu và diễn lễ “sát ngưu tế thần”. Dần dà, do điều kiện ngày càng khó kiếm trâu tế thần nên bà con làm lễ xin dâng heo thay trâu. Heo tế thần phải là heo đực, tuyền sắc (vì theo quan niệm của dân gian, heo lai là heo không thuần chủng, không tinh khiết), khỏe mạnh, ngon thịt, không có dị tật. Giải thích về nghi thỉnh sanh, các vị tiền bối trong làng kể rằng: sở dĩ có nghi thỉnh sanh, có Ban nghi lễ thay mặt thần kiểm tra vật tế là do trong làng có một truyền thuyết. Truyền thuyết kể rằng trong làng có một anh chàng rất thông minh, láu cá có lần tới xin thần ban cho điều ước nguyện. Anh ta hứa với thần rằng nếu được toại nguyện anh ta sẽ cúng thần một con heo lang. Thần đồng ý mà cho điều nguyện của anh ta thành sự thật. Anh chàng vì nghèo, vì láu cá nên đã mang một củ khoai lang tới cúng tạ ơn thần. Đợi lâu không thấy, thần hiện về báo mộng mà quở rằng: trước đây nhà ngươi có hứa tạ ta một con heo lang, tại sao đã thất hứa. Anh ta mới cãi đã đem củ “lang” tới tạ rồi. Thần biết mình mắc lừa mà không làm gì được. Vì vậy sau này lễ vật dâng lên thần, thần yêu cầu phải kiểm tra xem vật tế có đúng là thật không và phải kiểm tra lúc heo còn sống. Trong mỗi năm Kỳ yên, tùy theo khả năng của từng đình mà có thể có từ một tới hai hoặc ba con “heo tế”. Nhưng chỉ con heo đầu tiên mới cần phải thực hành lễ Thỉnh sanh, kiểm tra heo, những con sau đó được yết để tế mà không cần phải trình thần. Theo kiêng cữ ở đây, người dân trong làng kiêng không nuôi, bán heo tế thần và khi đi mua heo làm lễ người ta không nói đây là heo để tế thần vì nếu biết người bán sợ sẽ buôn bán không phát đạt.
Nghi thỉnh sanh là một trong chuỗi những nghi thức quan trọng sau lễ Thỉnh sắc như lễ Túc Yết (lễ nghênh chào và ra mắt thần), lễ Đàn Cả (lễ tạ ơn thần), tế tiền hiền, hậu hiền là những lễ thức có ý nghĩa, nội dung, vị trí riêng nhưng hình thức gần như tương tự nhau gồm các bước nhạc lễ khai lễ, lễ sinh dâng lễ vật, chánh tế đọc văn tế.
Thực hành nghi lễ có học trò lễ, chánh tế và bồi tế, ngoài ra còn có tể giả (người yết heo) có nhiệm vụ dắt heo lên trình Ông và mang heo đi yết. Tất cả đều mặc áo dài khăn đóng, màu xanh có bông.
Trước khi thực hành nghi lễ người ta chuẩn bị một con dao, mấy tờ vàng bạc đã được se tròn lại đặt trên đĩa cát, hương, đăng, trà, rượu. Tất cả được sắp xếp trình lên bàn hội đồng. Ngoài ra người ta còn chuẩn bị một túi nilông để có thể hứng phần không sạch của vật tế, tránh làm ô uế trước thần. Các vị trong Ban nghi lễ đứng ngay ngắn theo đội hình. Heo sống đã được tắm rửa sạch sẽ, cột chặt lại trên đòn, khiêng tới trước bàn hội đồng.
Nghi lễ được thực hiện tuần tự theo lời xướng của xướng quan, qua các bước: niệm hương, dâng hương, dâng rượu. Đến đây, xướng quan xướng “Tĩnh sanh”, ông chánh tế và tể giả và những người tham gia nghi lễ mỗi người cầm 1 cây đèn, 3 tờ vàng bạc đi phía sau lễ sinh bên hữu đi vòng quanh con heo xem có tì tích gì không. Nếu không có gì thì mới đốt 3 tờ vàng bạc, đổ rượu rồi dùng dao kê miết một đường ngay ở cổ heo coi như thần chấp nhận lễ vật và tễ giả mới dắt heo đi yết. Ban chấp sự dâng trà lên thần. Lễ tất.
Trước đây heo sẽ được cột vào một thân cây trước cổng đình, người đồ tể đặt chậu dưới máng yết heo, trong rắc 1 ít muối. Chuẩn bị xong người ta đặt heo lên máng, người đồ tể cầm dao chọc vào yết hầu sao cho chỉ một nhát dao là huyết chảy ra thật nhiều, thật mạnh vì người ta tin rằng huyết càng chảy mạnh thì may mắn trong năm đó càng lớn. Khi huyết heo chảy ra người ra lấy keo hứng 3 chén huyết heo, 3 chung lông heo, lấy giấy đỏ bịt lại. Khi làm heo xong, đem heo lên cúng phải có 3 chén huyết và 3 chung lông heo đó. Sau phần nghi lễ, một vị trong Ban trị sự đem keo huyết đó chôn tại một gốc cây trong khuôn viên đình. Giờ đây, khi trình heo tế lên thần, người ta chở heo đến nhà ông tể giả và yết heo tại đó nhưng vẫn lấy huyết và lông cho vào keo, chôn dưới một gốc cây tại đình. Vì vậy ông tể giả trước khi khiêng heo đi sẽ lấy mấy tờ vàng bạc để bịt miệng chung mao huyết.
Nghi xướng: cung tay thì 2 học trò lễ lên bái nhau một bái xoay ra bái ông trưởng lão và người tể giả. Mỗi người cầm 1 cây đèn và 3 tờ vàng bạc, học trò phía hữu đi trước, ông trưởng lão và người tể giả đi theo sau, đi đến con sanh, đứng lại đó chờ người học trò lễ còn lại ở tại nghi xướng, tĩnh sanh, xướng:
- Tĩnh sanh: Ông trưởng lão và học trò lễ và người tể giả đi vòng quanh con heo xem có tì tích gì không, xong rồi mới đốt 3 tờ vàng bạc ấy rồi giao cho tể giả, còn người học trò trở lại nghi xướng.
Khi làm heo phải lấy 3 chén huyết heo và 3 chung lòng heo, lấy giấy đỏ bịt lại đến khi làm heo xong mang heo lên cúng phải có 3 chung huyết và 3 chung lông heo.
Lễ Thỉnh sanh kết thúc tốt đẹp nghĩa là thần đã chấp nhận lễ vật của dân làng, đồng ý những mong ước, những lời cầu cúng mà chánh tế đã thay mặt bà con dâng lên thần trong lời khấn nguyện.
Không khí lễ hội trong đình lúc này thật sinh động, nô nức, bà con trong làng, người phương xa tới. Tất cả đều đổ về đình tham gia cúng thần. Lễ vật thường là xôi, thịt heo luộc, thịt heo quay, hoa, quả và một số bánh trái địa phương bà con tự làm. Tất cả phải được trang trọng rước tới đình bằng cách đội đầu hoặc gánh, không được bưng bê vì sợ bị ô uế. Xôi được đặt trong thúng, bên trên che bằng lá chuối, heo quay hay heo sống cũng được trang trí, được phủ bằng giấy đỏ, bên trên cắm một con dao. Lễ vật mang tới đình trước tiên phải được đặt trên bàn trong gian nhà trù, Ban tiếp tân đứng nhận, kiểm tra lễ vật rồi mới đưa vào cúng thần để tránh tình trạng lễ vật để không theo trật tự hoặc có gia đình để lễ vật quá lâu. Đem tới cúng đình, khi về ai cũng xắt lại một phần lễ vật để lại đình, góp vào bữa tiệc đình, chỉ đem một phần về gọi là lấy lộc cho những người trong gia đình và mang biếu bà con nơi xa.
Gánh hát bội mà Ban quý tế đình thuê cũng đến vào buổi chiều. Khi tới đình, trưởng đoàn hát mặc theo lối diễn thay mặt cho gánh hát bưng bàn thờ tổ đến trước cổng đình, đứng đợi. Một người trong Ban nghi lễ đã có thỏa thuận từ trước cũng mặc áo dài khăn đóng bước ra đón. Trưởng đoàn hát trình bày lý do, xin được vào phục vụ thần trong dịp Kỳ yên rồi rước bàn thờ tổ đến trước bàn thần. Cả gánh hát cùng vào bái lạy thần, bàn thờ tổ sẽ được rước xuống dưới nhà võ ca nơi đoàn hát nghỉ lại.
Lễ Túc yết (19 giờ ngày 14)
Tiếp sau lễ Thỉnh sanh là lễ Túc yết: khi heo đã được mổ bụng, làm sạch, bày trong máng trên bàn hội đồng trước khánh thần, đầu con vật xoay về hướng bàn chánh thần, bên cạnh đặt một đĩa lòng, trên lưng cắm 1 con dao, cùng lễ vật của bà con dâng cúng. Chủ lễ và Ban chánh tế, Ban nguyện hương ngồi chứng dự.
Lễ Túc yết, tức là Ban tế lễ gom lại, trình diện, diễn tập, có thể so sánh với dịp cúng giỗ ông bà, trước ngày giỗ chánh thức là buổi cúng Tiên thường. Đây là một trong hai lễ chính, quan trọng nhất của lễ hội Kỳ yên vì vậy thời gian diễn ra lâu hơn, cách thức chặt chẽ hơn, gồm hai phần: nghi thức và đọc chúc văn.
Thực hiện nghi lễ trong nghi Túc yết gồm học trò lễ, ông chánh tế và đào thài. Học trò lễ gồm 16 lễ sinh được phân công đứng ở các bàn nghi và xếp thành hai hàng để dâng lễ vật. Khi dâng lễ vật, lễ sinh bước theo trống nhạc, chân vẽ chữ “bát” tiến về bàn thờ thần. Tùy theo tiếng nhạc mà lễ sinh bước mau, thưa nên cuộc lễ cũng có thể kéo dài hay rút ngắn. Có tất cả 6 đào thài, là người của đoàn hát. Từ Hán – Việt âm gốc của thài là thai, đây là tiếng tôn xưng đối với người trên, như gọi các người trên là thai tiền. Do tránh tiếng đào thai nên đọc trại là đào thài. Đào thài, mỗi bên tả ban, hữu ban 1 vị đi phía sau lễ sinh, 4 người ở giữa khi dâng lễ vật, tùy theo tuần cúng, đào thài vừa đi vừa thài. Đào thài chỉ tham gia hai lễ chính là lễ Túc yết và lễ Đăng cả. Bắt đầu từ bàn chấp sự (bàn dành cho các vị thần quản trị ngôi đình trong lệ Kỳ yên có nhiệm vụ chứng chiếu lòng thành, chấp nhận nghi lễ), đào thài đi sau lễ vật, thài theo nhịp trống vào đến bàn thần. Kết thúc thài khi lễ sinh hoàn tất nghi lễ dâng lễ vật. Trong cả hai lễ đào thài giống nhau gồm các bài: thài tuần hương, tuần sơ, tuần á, tuần chung, ẩm phước, thọ tợ, tuần trà và phần chúc với nội dung dâng lễ vật lên thần và cầu chúc cho thần “thánh thọ vô cương”, tạ ơn thần đã ban phước trước nay và mong thần tiếp tục ban nhiều phước lộc cho bá tánh nhân dân, cầu cho “người no nhà đủ thảnh thơi”, “thánh đức thôn trung vững bền”...
Trong nghi thức tế lễ, nhạc lễ chiếm một vị trí rất quan trọng. Nhạc lễ bắt đầu nghi thức tế và lễ sinh dựa vào tiếng trống để bước lễ. Nhạc lễ Việt Nam xuất hiện từ thời nhà Đinh (968), nhưng đến đời nhà Trần (1225) nhạc lễ mới được chú trọng phát triển và được sử dụng rộng rãi không phân biệt thành phần xã hội. Nhạc lễ Việt Nam là sự kết hợp của ba dòng nhạc: nhạc Việt, nhạc Hoa và nhạc Champa. Song dòng nhạc Champa chiếm vị trí quan trọng trong nhạc lễ Việt Nam bởi tính chất ai oán, sầu thảm của nó. Nhạc lễ sử dụng trong cúng đình là nhạc bát âm (8 loại âm thanh) gồm: âm kim (kim loại), âm thạch (âm đá), âm ty (âm lụa), âm trúc (âm tre), âm bào (âm sanh), âm thổ (âm đất), âm cách (âm da), âm mộc (âm gỗ). Nhạc công của ban nhạc thường có 7 nhạc công nhưng cũng có thể gồm 4 nhạc công như dàn nhạc lễ tại đình Tân An là đủ. Tùy vào nội dung thỏa thuận giữa Ban nhạc lễ và Ban quý tế đình mà nhạc lễ có thể phục vụ cả những khi có người tới cúng thần hoặc chỉ phục vụ nhạc khi lễ sinh thực hiện nghi lễ tế thần và phối hợp với nhạc của đoàn hát bội khi đoàn hát diễn. Phục vụ lễ kỳ an, trong từng nghi cúng, Ban nhạc lễ lần lượt thực hiện bài bản với từng loại nhạc cụ.
Dưới sự hướng dẫn, qua lời xướng của xướng quan, nghi lễ được thực hành tuần tự, đầy đủ. Mỗi ban đều lo nhiệm vụ của mình. Trên bàn hội đồng nơi Ban nghi lễ tề tựu đặt một chiếc giá sơn đỏ, bên trên gác chúc văn đã gấp lại; trên bàn nhỏ đặt hương, đăng, trà, quả, rượu. Trong ánh đèn sáng trưng, trong không khí khói hương nghi ngút, trong sự trang hoàng lộng lẫy của gian chánh điện, nghi cúng vừa có không khí nô nức, háo hức của hàng ngàn bà con chen vào xem, vừa có cái trang nghiêm của nghi lễ. Tiếng mõ, tiếng trống, tiếng chiêng lần lượt nổi lên rồi hòa quyện, đan xen vào nhau vang lên trong không gian thần thánh tựa như tiếng gọi của cả trăm năm, tụ hội hồn thiêng đất trời. Con người, thần thánh, thiên nhiên chưa khi nào lại gần nhau đến thế. Nhạc lễ tiếp lệnh, tiến ra giữa bàn hội đồng đánh bản “tiếp giá nghinh thần” mời rước thần cùng tất cả các vị phước thần, các vị thần tín ngưỡng dân gian, tiền hiền, hậu hiền, anh hùng liệt sĩ về cùng chung vui, cùng ban phước lộc trong lễ Kỳ yên.
Khi nhạc sanh tựu vị là tới phần thực hành nghi lễ của lễ sinh. Lễ sinh chân bước lễ theo chữ “bát” trong tiếng nhạc của các bài Hạ, Nam, Đảo, tay bưng khay lễ vật gồm dâng một tuần hương, 3 tuần rượu, một tuần trà, một tuần hoa quả dâng lên bàn thần, tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền. Mỗi bàn đều có một vị trong Ban nghi lễ túc trực để tiếp nhận lễ vật đặt lên bàn. Đào thài thài sau lễ sinh, ăn mặc rực rỡ mà kín đáo, tay cầm quạt phe phẩy, miệng hát bài thài tạo nên một quang cảnh dập dìu như sóng rất đẹp mắt.
Khi hết ba tuần rượu, ông chánh tế sẽ đọc chúc văn. Chúc văn là bản văn ca ngợi công đức của thần và cầu xin ân đức thần. Trước đây chúc văn được đọc với lời lẽ ê a, như tụng kinh, rất khó nghe và được viết bằng chữ Hán trên nền giấy đỏ. Nay người chấp sự đọc theo kiểu cải cách, dễ nghe hơn và âm vẫn là âm tiếng Hán nhưng là chữ quốc ngữ do đã được phiên âm ra.
Chúc văn đọc xong được đốt rồi lấy rượu rảy lên để gửi lời khẩn cầu của bá tánh cho không riêng thần Thành Hoàng mà cho cả tập hợp phúc thần theo tín ngưỡng dân gian được mời về cùng “phối hưởng” trong ngày lễ Kỳ yên. Đốt chúc văn xong lễ sinh tiếp tục dâng một tuần trà, một tuần hoa quả. Lễ tất. Các vị trong Ban nghi lễ đồng bái lạy rồi lui ra.
Một nghi lễ đầy đủ gồm 74 bước. Mỗi bước đều mang tính chất trang nghiêm, tạo nên một không gian lễ hội linh thiêng, thần thánh mà chỉ có trong không gian đình, trong niềm kính ngưỡng vô bờ mà lòng tin của người dân gửi gắm vào mới có được. Thế mới biết rằng, không chỉ trong thời gian đầu, do xa xứ, tha hương, do cần một chỗ dựa tinh thần vững chắc để dựa vào trước một thiên nhiên hùng vĩ, kỳ bí con người ta mới tin, mới thờ thần Thành Hoàng mà tín ngưỡng đó đã ăn sâu vào gốc rễ tâm hồn người Việt, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mỗi làng xã, mỗi con người để đứng trước biến đổi không ngừng của xã hội giá trị văn hóa đó vẫn bất biến.
Sau lễ Túc yết người ta đem heo xuống xẻ thịt, chế biến thành các món ăn phong phú, đa dạng tùy vào bàn tay khéo léo của Trưởng Ban hậu cần. Nhưng dù gì, một heo cúng cũng phải được luộc lên, đầu heo đặt trên bàn chánh, các bàn: tiền hiền, hậu hiền, tiên sư, nam nữ bách tính... mỗi bàn một be sườn, một tợ thịt heo luộc, một khúc lòng; riêng bàn Thần Nông đặt nọng heo. Nước luộc heo dùng nấu cháo phục vụ bà con và những người túc trực tại đình về khuya. Bà con lúc này kéo tới đình rất đông vì tiết mục chính phục vụ bà con – phần hội sắp bắt đầu – tiết xây chầu đại bội và diễn tuồng.
Tiết xây chầu đại bội (21 giờ ngày 14)
Ở Nam bộ, khi người ta nhắc đến lễ hội thường kèm theo câu nói cửa miệng “yến diễn ca xướng”, nghĩa là khi đình đám thì phải có tiệc tùng diễn xướng, trong đó hát bội và ca nhạc tài tử là chương trình không thể thiếu. Riêng phần hát bội trong cúng đình vốn vừa là hình thức sinh hoạt văn nghệ, giải trí với chương trình hát tuồng hào hứng (phần hội) vừa là nghi thức nghiêm túc với tiết mục Xây chầu, Đại bội và Tôn vương, Hồi chầu để mở đầu và kết thúc chương trình hát tuồng đó (mang tính chất lễ). Căn cứ vào lời lẽ chúc tụng, ta có thể đoán chắc việc Xây chầu bắt nguồn từ thời Gia Long.
Xây chầu còn gọi là lễ Khai tràng, sẽ được cử hành sau lễ Túc yết của đình và trước lễ Đại bội của đoàn hát. Bởi “đuôi Xây chầu, đầu Đại bội” và trong tâm thức của dân gian xây chầu - đại bội là một nghi lễ rất quan trọng, nếu tổ chức trọn vẹn sẽ thuận gió hòa mưa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc muôn nhà... Ta có thể hiểu là phần cầu an khi xong phần tế lễ vậy. Xưa, nông nghiệp là gốc của sự phát triển, là yếu tố căn bản để vua ngồi vững trên ngôi báu, dân không nhiễm tật xấu, nảy sinh trộm cướp, nghe lời xúi giục kiểu “sấm truyền” dị đoan mê tín. Muốn ổn định thời tiết, ổn định trật tự xã hội, theo quan niệm xưa, phải tuân theo sự vận hành của trời đất mà kim chỉ nam là Kinh Dịch, với thuyết Âm Dương, Bát Quái (càn, khảm, cấn, chấn...), ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Việc Xây chầu nhắc nhở nguyên tắc ấy. Làng xã nằm trong vũ trụ lớn. Xây chầu, nói đơn giản, là dùng tiếng trống chầu, đánh rõ từng tiếng, để khuyấy động, nhắc nhủ hòng đổi mới trời đất với việc dùng âm thanh và ánh sáng. Phải có ngọn nến cháy nên giá đặt cái trồng (gọi trống này là Thái cực), trống phải sơn màu đỏ, mặt trống vẽ hình tròn âm dương.
Vì tầm quan trọng đó, lễ Xây chầu được chuẩn bị rất kỹ càng. Kỹ từ người đứng xây chầu đến thời gian xây. Người đứng xây chầu phải là một cụ cao niên trong làng, có sự hiểu biết, có đạo đức, có cuộc sống mẫu mực và con cháu đề huề bởi người nào không hội đủ những tiêu chuẩn đó, nếu đứng xây chầu sẽ không trấn yểm được tà khí, có thể gục ngay tại sân đình hoặc về thọ bệnh mà mất. Thời gian xây chầu mỗi dịp một thay đổi chứ không cố định một giờ do giờ xây chầu phụ thuộc vào giờ thủy triều. Người hiểu biết sẽ tính giờ con nước lên cao nhất trong ngày và lấy đó là giờ làm lễ vì theo quan niệm của người xưa đó là giờ tốt nhất. Đó là tâm thức của cư dân sống bằng nông nghiệp, của những con người vùng sông nước.
Hình thức xây chầu:
Xây chầu có ba hình thức: Xây chầu văn, xây chầu võ, và xây chầu bán văn bán võ. Tại đình Tân An, nghi thức theo xây chầu văn. Phần đầu của lễ Xây chầu là phần nghi thức tế do Ban nghi lễ đình đảm trách, cũng gồm các phần: niệm hương, dâng hương, dâng rượu, đọc chúc văn. Khi chúc văn được đọc xong, Ban trị sự dẫn người xây chầu nhập đàn. “Đàn” Xây chầu không phải trên một đàn cao mà được thực hiện ngay trong khoảng trống tại gian chánh điện và cũng không trước bàn nghi nào. Trong khoảng trống đó người ta đặt một trống cái trên đặt dùi trống. Mặt trống được phủ khăn đỏ. Xây chầu gồm 3 phần.
+ Phần thứ nhất: Bắt đầu nghi lễ ông bái cầm hai chéo khăn đỏ, trên có đặt dùi trống rê xung quanh và khấn những câu có nội dung nói lên ý nghĩa của lễ Xây chầu:
1. Kích cổ kỳ đường thấu tứ phương
2. Thinh chấn huyên thiên phu thượng hạ
3. Điền nhiên động địa đáo đàng tràng
4. Xuân thu huyết thực tế như tại
5. Hương hỏa nghi sanh ứng hữu thường
6. Ủng hộ quốc gia tăng phước khánh
7. Huê phong kiến chúc thọ vô cương
+Phần thứ hai: ông bái và nhất nhất cử động của người xây chầu đều mang ý nghĩa:
1. Nhất bái thiên thiên gián phúc
2. Nhị bái địa địa gián nghinh tường
3. Tam bái thánh thần an định vị
4. Phò trì hương đãng thọ thiên thu
5. Nguyên đường kim thánh thọ vô cương
6. Minh tề bổn cảnh thiên hạ thái bình
7. Nguyên chư lão tiêu diệt, chấp tri thủ trung chỉ
+ Phần thứ ba: Mỗi câu đọc xong ông đánh một tiếng trống: “Chánh thần ứng, tà thần khứ”.
Thơ phù viết:
Chánh thần ứng, tà thần khứ
Nhất trừ tai ương, nguyện chủ tai tiêu diệt
Nhị trừ tà quỉ
Tam tống hung tai
- Nhất trịch thiên linh gián phúc (nhịp dùi trống 1 tiếng)
- Nhị trịch trừ địa sát tai ương (nhịp dùi trống 1 tiếng)
- Tam trịch trừ tà ma, lai khê thủ (nhịp và cúi đầu)
Tùng tư hương đãng thọ miên trường
- Nhất điểm thông thiên thiên thượng chí (đánh 1 tiếng)
- Nhì điểm thấu địa địa thần lai (đánh 1 tiếng)
- Tam điểm chánh thần an định vị (đánh 1 tiếng)
Phò trì hương đãng thọ thiên thu
Tiền phát cổ tam thinh (đánh 3 tiếng)
Hậu phát cổ tam liên
Nhất liên thấu triệt thiên đình (đánh 1 hồi 27 tiếng)
Nhị liên thấu triệt thông trung giới (đánh 1 hồi)
Tam liên thấu triệt long cung (đánh 1 hồi là đủ 3 hồi)
PHẢN NHẤT TRỊCH
Cầu thỉnh thánh thần cổ tam thinh (đánh 3 tiếng)
Chư thánh chư thần đồng tụ hội
Tùng tư hương đãng thọ miên trường
Nguyên đương kim Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hoàng đồ củng cố Quốc kế kỳ xương
Bắc đẩu qui tôn tinh thần lai tiếu ngạo
Bác thiên xuân động bái nô xa nhất kích
KÍCH TAM THINH
Nhất thinh nguyện sắc thấu thiên đình (đánh 1 tiếng)
Nhị thinh nguyện quốc thái dân an (đánh 1 tiếng)
Tam thinh nguyện hương đãng bá tánh nhân dân (đánh 1 tiếng) nam phụ lão ấu phường xã Tân An hòa bình khương thái.
LỄ THÀNH
Qua nghi lễ Xây chầu ta thấy đó là hình thức mượn sức mạnh của thần tiễu trừ tà ma, quỷ mị, tai ương, hung tai; dùng tiếng trống khai thông thiên địa, khai thông nguồn sức mạnh trong trời đất làm cho “chánh thần ứng, tà thần khứ” ban phước thọ cho dân, ủng hộ quốc gia tăng phước khánh, làm cho “quốc thái dân an”, mùa màng, vạn vật tươi tốt, người người no đủ, hạnh phúc. Nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam phải chăng phảng phất đâu đây, ta nhớ đến trống đồng Ngọc Lũ (Đông Sơn), những hồi trống của nhạc đời Tây Sơn. Dùng triếng trống để tế thần, đồng thời huy động thần lực, trí tuệ của dân tộc. Cũng có thể coi đây là nghi lễ cầu mưa của cư dân nông nghiệp mà tiếng trống là tiếng sấm báo hiệu những cơn mưa mang đến sự tốt tươi, sự phát triển, sinh sôi, nảy nở của cây trồng.
Kết thúc lớp khai tràng, ông chấp sự đánh 3 hồi trống, bao nhiêu tiếng không quan trọng nhưng sao cho tới 3 tiếng trống cuối cùng (rục... rục... rục) thì tiếng trống chiến trên sân khấu của đoàn hát cũng đáp lại và lễ Đại bội bắt đầu.
Lễ Đại bội tiến hành ngay sau lễ Xây chầu. Lễ này do các nghệ nhân đoàn hát bội đảm trách. Lễ Đại bội có nguồn gốc từ cung đình nhằm ý nghĩa giải thích một cách hình tượng thuyết dịch lý từ thái cực sinh lưỡng nghi, rồi tam tài, tứ tượng, ngũ hành, bát quái thông qua hình thức nghệ thuật cụ thể là bằng các màn múa (kèm các lời cầu chúc mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh...). Ở các đình thần Nam bộ cũng bắt chước lễ này nhưng được thu hẹp trong phạm vi làng xã và những lời chúc tụng không phải cho vua quan mà là cho dân làng. Theo các nhà nghiên cứu thì từ bội là thuật ngữ người xưa dùng để chỉ một trò diễn trong lễ cầu siêu cho người chết, có từ thời Lý đi kèm với lẽ cúng của Phật giáo: “Trong chay ngoài bội”. Sau đó dùng để chỉ một loại hình nghệ thuật: Hát bội. Tiết mục Đại bội gồm 5 màn:
Trước tiên là màn Thiên Lôi mở cửa trời. Màn múa thể hiện cảnh trời đất còn hỗn mang – hình tượng thái cực và rồi Thiên Lôi bằng lưỡi búa tầm sét của mình tạo ra sấm sét, cho mưa xuống mới tạo thành sự sống của con người mà thần thánh hóa bằng việc “mở cửa trời”.
Thái cực sinh lưỡng nghi – hai nghi: nghi âm và nghi dương thể hiện bằng hình tượng mặt trăng và mặt trời. Màn múa thể hiện sự tuần hoàn, trôi chảy của thời gian, sự vận động của vạn vật trong thời kỳ trời đất mới phân chia. Có cảnh nhật thực rồi nguyệt thực và cuối cùng là sự vận động, tuần hoàn trơn tru để tạo mưa thuận gió hòa.
Màn thứ 3 là màn 3 ông Phước, Lộc, Thọ tay cầm bình bông, hoa quả hát lời chúc phúc, lộc, thọ cho dân, cho xã Tân An. Lời chúc mang nội dung cầu cho non nước thịnh giàu, dân khang vật thịnh, cầu cho bội thu sản phẩm, mùa màng tốt tươi. Có sự thỏa thuận trước giữa Ban quý tế đình và đoàn hát bội về nội dung cầu chúc do đặc điểm của người dân nơi đó sống chủ yếu bằng nghề gì. Nếu là nghề nông thì bài hát chúc cho mùa màng bội thu, là nghề ngư thì cầu cho cá tôm đầy thuyền... Bình bông và hoa quả là lễ vật dâng lên thần, Ban nghi lễ đình cử người nhận lễ vật và ngược lại sẽ “lì xì” lại cho đoàn hát.
Lưỡng nghi sinh tứ tượng, màn thứ 4 là sự xuất hiện của 4 vị thần cai quản bốn phương đông, tây, nam, bắc. Bốn vị còn mang ý nghĩa “phong điều vũ thuận”, “hải yến tứ phương”. Mỗi thần trong tay cầm một tấm liễn viết bằng chữ Hán màu đen trên nền giấy đỏ có nội dung nguyện cầu, chúc tụng:
“Kích cổ tam thông đãng đãng chức dân phúc lý
Hoàng dương nhất cục hi hi nhân vật hòa bình
Lập vũ ca tràng chí tại nhĩ hà văn thủ lạc
Trần chung cổ cục tâm tồn hương hội thừa hoan”
Nội dung lời chúc của những tấm liễn là do người am hiểu lễ nghĩa, am hiểu chữ Hán trong địa phương viết, thay mặt nhân dân mà viết nên lời chúc, lời nguyện dâng lên thần. Bằng động tác múa đẹp mắt, 4 vị thần lần lượt xếp thành 3 chữ Hán: Tứ Thiên Vương. Kết thúc màn múa ở chữ Vương, ông từ sẽ nhận 4 tấm liễn này dán lên trên 4 cột đình trong chánh điện.
Tiếp theo là “Ngũ hành” - năm vật chất cấu thành vũ trụ theo thuyết ngũ hành gồm: kim (kim loại), mộc (cây cối), thủy (nước), hỏa (lửa) và thổ (đất). Thể hiện trong màn múa gồm 4 nữ tượng trưng cho 4 “hành” và một vị nam tượng trưng cho hành thổ - hành trung tâm. Ngũ hành cũng hát lời chúc bình an, may mắn, làm ăn phát đạt cho vùng đất Tân An.
Màn cuối cùng gọi là màn “Gia quan tấn tước” – phong tước cho thần cũng bằng tấm liễn màu đỏ viết chữ Hán và đóng “cửa trời”. Đến đây màn Đại bội kết thúc và cũng kết thúc ngày thứ nhất của lễ hội. Bà con kéo nhau ra về hẹn ngày hôm sau ra đình để cúng thần và thưởng thức chương trình hát bội.
Người dân xem đại bội tuy không hiểu rõ nguồn gốc, gốc tích của từng truyền thuyết, ý nghĩa của mỗi màn diễn nhưng dựa vào những lời hát chúc ai cũng biết rằng đây là màn diễn cầu phước cho bá tánh, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an... và ai cũng bị cuốn hút bởi những vũ điệu đẹp mắt, ấn tượng, sự hài hước, tươi vui mà đoàn hát đem lại. Đó cũng là tinh thần của mỗi người dân khi đi cúng đình vậy, vừa thể hiện lòng kính ngưỡng, vừa mang về tâm trạng tươi vui, phấn khởi và háo hức mong chờ những dịp Kỳ yên sau.
Chương trình hát bội diễn ra trong 2 ngày, diễn 3 tuồng, ngày đầu diễn 2 tuồng: “Ngọc Kỳ Lân xuất thế”, “Lưu Bị cầu hôn Giang Tả - người đẹp nhất Giang Đông”, tới sáng 16 diễn tuồng “San Hậu thứ 3”. Tuy mỗi tuồng hát và hát bao nhiêu tuồng là có sự thỏa thuận giữa Ban quý tế đình và đoàn hát nhưng dù diễn tuồng nào thì nội dung chính là những cảnh đầu diễn cảnh loạn lạc và những màn cuối bắt buộc chính nghĩa phải thắng gian tà, kẻ xấu phải bị trừng trị... Như vậy, ngay trong bản thân chức năng hát bội trong cúng đình cũng không hoàn toàn là trò diễn văn nghệ mang tính chất hội mà còn là mang tính cách nghi lễ. Vì vậy phải có người “cầm chầu” thay mặt thần khen khi đoàn hát diễn hay và chê khi đoàn hát diễn dở, diễn không hết tuồng. Người cầm chầu bình thường gõ trống chầu khi diễn viên hát dứt câu, nhưng nếu diễn viên hát dở hoặc muốn phê phán, ông cầm chầu đánh trống chầu ngay khi người diễn viên cất tiếng, gọi là “chặn họng” để diễn viên biết mà hát tử tế. Nhưng ở đình Tân An này, do biết sự linh thiêng của thần nên không diễn viên nào dám sơ suất và tuồng nào cũng diễn ra đầy đủ nội dung, thời gian và chất lượng.
Trước đây trong lễ hội Kỳ yên phần hội thể hiện không rõ nét, chủ yếu là qua những tuồng hát của đoàn hát bội. Có lẽ đó là dấu ấn trong tâm thức của người dân trong những ngày đầu tổ chức Kỳ yên. Nơi đây vốn hoang vu, rừng rú rậm rạp, thú dữ lúc nào cũng rình rập quanh vùng nên mỗi năm tới dịp bà con tề tựu đông đủ cúng thần nhưng cũng không dám tập trung lâu, chỉ dám tranh thủ cúng một buổi rồi mọi người đưa nhau về vì vậy mà trong lễ hội đình làng miền Nam thiếu vắng những trò chơi dân gian rất phổ biến như lễ hội đình làng miền Bắc. Nhưng những năm gần đây, đất nước hòa bình, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, nâng lên một tầm mới, nhu cầu tâm linh và thưởng thức nghệ thuật cũng như tham gia những trò chơi dân gian ngày càng được coi trọng. Vì vậy Kỳ yên năm nay, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, xã đoàn thanh niên Tân An đã tổ chức những trò chơi như ném còn, đẩy gậy, nhảy bao bố, thi đấu bóng chuyền... thu hút nhiều thanh niên trong xã tham gia tạo nên một không khí rất lễ hội và cũng thật lành mạnh. Cây còn được dựng đơn giản, không bằng tre và cũng không cao như trong trò ném còn của các dân tộc ít người anh em nhưng để ném quả còn xuyên qua được trong vòng tròn quả thật không đơn giản. Bởi thay vì làm bằng cát thì quả còn ở đây là trái bóng tennis được bọc trong tấm vải đỏ. Tuy không dễ nhưng đội nào cũng cố gắng ném qua một lần vì trong tâm tưởng ai cũng tin rằng ném qua được vòng tròn đó thì may mắn sẽ đến rất nhiều trong năm.
Lễ tế tiền bối, hậu bối và chiến sĩ (10 giờ ngày 15)
Tế tiền bối, hậu bối và chiến sĩ là nghi lễ tưởng nhớ đến công ơn “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” - lớp người đầu tiên tới khẩn hoang, có công lao lập ấp, lập làng, xây dựng đình miếu và chiến sĩ trận vong là những người có công khẳng định công lao, giữ gìn từng tấc đất mà tổ tiên đã mất bao mồ hôi xương máu khai khẩn, tạo dựng. Tế tiền bối, hậu bối và chiến sĩ là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ hội Kỳ yên, thể hiện một tâm lý xuyên suốt, sâu sắc trong tâm thức người Việt: lòng biết ơn tổ tiên mà trong nhà đó là thờ ông bà, ra làng là thờ Thành Hoàng, tiền bối, hậu bối và chiến sĩ - dòng chảy lịch sử của những cuộc đấu tranh để có cuộc sống ấm no, yên bình, hạnh phúc như ngày hôm nay. Tế tiền hiền phía trước đình và tế hậu hiền phía hậu đình. Tham gia nghi lễ có học trò lễ, xướng quan và chánh tế. Lễ vật là một tợ thịt, xương sườn, hương, đăng, trà, quả, rượu. Nghi lễ cũng gồm các nghi thức: dâng hương, dâng rượu, dâng trà, đọc chúc văn và đốt văn tế. Trong nghi tế tiền hiền, hậu hiền có văn tế riêng. Viết rằng: “Tiền đại kinh doanh, hậu nhân tấn kế quyền khai thiết lập, kiến tạo. Đình từ tế trị phất mạnh vạn cổ phương danh, thiên thu nghĩa khí. Công ký can đức ký trọng hải tùng tiền công an thành chi chí đại vị viên quan trưởng lão chi công quy vị hiền lương tiên triết chi vị chứng thôn thần phi bạc cung trần chi lễ bảo hộ thôn trung, phò trì hương lý” là những lời tri ân công đức “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” và hôm nay Ban nghi lễ thay mặt bá tánh soạn lễ mọn mời các vị về chứng dự và “bảo hộ thôn trung, phò trì hương lý”.
Chúc văn:
“Trịnh bổn thôn viên quan, công nhân viên chức, hương chức tân cựu, nam phụ lão ấu, đại tiểu đẳng tư nhơn đồng triết lệ tế tiền nhân. Chánh lễ cẩn vĩ bàn soạn thanh chước kim ngân, hương đăng hoa quả thứ phẩm chi nghi cảm chiêu tế du. Tiền đại tiên hiền tiên triết chi vị tiền giảng, viên quan chi vị, tiền giảng dịch mục chi vị, tiền giảng liệt sĩ chi vị.
Viết:
Tiền đại kinh doanh hậu nhân tấn kế quyền khai thiết lập kiến tạo. Đình từ tế tự phát manh vạn cổ phương danh thiên thu nghĩa khí. Công ký can đức ký trọng khải tùng tiền công an thành chi chí đại viên quan trưởng lão chi công quy vi hiền lương tiên triết chi vị chứng thôn thần phỉ bạc cung trần chi lễ bảo hộ thôn trung, phò trì hương lý.
Ngưỡng lại.
Tiền nhân chi gia huệ giả.
Phục vi thượng hưởng”.
Chúc văn đọc xong được đốt và rưới bằng rượu theo đúng tâm linh người Việt: như vậy lời khấn của mình đã được “gửi” đi.
Lễ Đàn cả (19 giờ 30 phút ngày 15)
Lễ Đăng/Đàn Cả hay Đoàn cả là lễ chánh cúng của lễ hội Kỳ yên, mang ý nghĩa tạ ơn thần. Người dân bày lễ dâng cúng lên thần với tâm nguyện tạ ơn thần đã cho những năm mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh. Nghi lễ quan trọng không chỉ vì hình thức nghi lễ mà vì bản thân tính chất của lễ đăng cả. Bởi nhớ ơn, tạ ơn, tri ơn người mang lại ấm no, hạnh phúc, an bình cho bản thân, cho làng xã mình là một trong những nét tiêu biểu trong tính cách người Việt. Vả chăng, dâng lễ vật tạ ơn thần là để tiếp tục mong cầu những điều tốt đẹp khác nữa nên chẳng ai không lễ thần với tất cả tấm lòng thành tâm của mình.
Lễ vật dâng lên thần trong nghi Đăng cả là một heo tế - heo đực, màu đen, không dị tật. Heo đã được yết, mổ bụng, làm sạch, đặt trong máng trên bàn hội đồng, ở giữa lưng heo có cắm một con dao, bên cạnh là một đĩa lòng.
Nghi thức diễn ra giống như đã “diễn tập” trong lễ Túc yết. Nhưng thực hành nghi Đăng cả có nhiều học trò lễ hơn, gồm 16 người và trên điện thờ thần có 6 học trò lễ đứng ở 3 cửa hộ vệ cho thần, nghi thức được thực hành trang nghiêm, cẩn trọng hơn. Khi dâng lễ vật, học trò lễ tiến lên bàn thần bằng 4 hàng, có Đào thài hát bài thài phía sau. Nghi lễ qua 2 phần: phần đầu dâng hương, 3 tuần rượu (sơ hiến, á hiến, chung hiến), dâng trà, dâng hoa quả và phần thứ hai là thụ lộc thần: uống phần rượu và ăn phần thịt, trái cây đã cúng mang tính chất tượng trưng, ăn và uống thay mặt cho dân làng.
Từng bước thực hành nghi lễ đều gợi đến việc nghênh đón, tiếp đãi vua, quan thời xưa như khi xướng quan hô: “Khởi cổ lịnh”: nhạc công đánh 3 hồi trống lịnh. Đây là cái trống nhỏ, cầm tay, có cán. Thời xưa, vua hoặc quan đại thần đi ngoài đường, có tên quân hầu cầm loại trống này, chạy phía trước, mở đường. Tiếng trống này giúp ta tưởng tượng vị thần đang ở trên đường vào đình miếu, đã tới ngoài cổng rồi. Nhạc lễ đánh bản Nghinh Thiên Tiếp Giá, dành tiếp rước nhà vua, tưởng tượng như vị thần đang ngự trên bàn thờ, thay mặt cho nhà vua để nhận lời thỉnh cầu của dân làng. Dâng rượu cho thần gọi là “Hiến tước”. “Tước” là kiểu chén đựng rượu bằng đồng, thời cổ, thời đại đồ đồng. Tước có 3 chân ngắn và 2 cánh ngạnh; vị thần (hoặc quan to) cầm tước với 3 cái chân, đưa lên miệng, ngửa mặt mà uống, nhờ 2 cái ngạnh tựa vào má mà rượu không đổ ra ngoài.
Thời gian thực hành ở nghi Đăng cả khá lâu, khoảng hơn 1 tiếng. Ban nghi lễ thực hành nghi lễ với những động tác trang nghiêm, chậm rãi. Những người lớn tuổi xem lễ, rảnh rang có thể thư giãn tinh thần trong bầu không khí đầy ánh sáng lung linh của nến, giọng thôi thúc liên tục của nhạc lễ, thêm màu sắc và bước đi cách điệu của học trò lễ. Những bước đi của học trò lễ như mô phỏng phần nào dáng đi của vũ sinh trước kia thường múa dành cho ông hoàng, bà chúa thưởng thức riêng ở cung điện, rồi du nhập vào phía đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Nai, trở thành món ăn “bình dân” cho dân gian, khi khẩn hoang. Những người cố cựu, bảo lưu truyền thống xưa, bảo đó là sáng kiến của Tả Quân Lê Văn Duyệt, khi ngài làm Tổng Trấn cai quản toàn Nam bộ. Ở Huế, có múa hát riêng cho vua chúa và hoàng tộc thưởng thức như là đặc quyền, đặc lợi; vào Nam bộ, Lê Văn Duyệt với quyền hạn lớn như vị Phó vương cũng tự xem mình đặc quyền đặc lợi không kém và bình dân hóa những thứ giải trí của giới quý tộc. Tham khảo những sách ghi lại các kiểu đi theo hình chữ Hán thấy mỗi lần dâng là một kiểu chân đi khác nhau. Nhưng do điều kiện không có người truyền dạy cũng như đơn giản hóa dần nên hiện ở đình Bình Dương chỉ phổ biến kiểu chân đi chữ “bát”.
Tiếp ngay sau lễ Đăng cả là tuồng “Lưu Bị cầu hôn Giang Tả - người đẹp nhất Giang Đông”. Bà con lúc này tới đình càng đông, vòng trong vòng ngoài bao lấy sân khấu đình, không chỉ là những người lớn tuổi mà rất đông nam thanh nữ tú vừa là cúng thần, vừa đi chơi hội.
Tôn vương
Tôn vương là hình thức mượn một tình tiết trong phần kết của một vở tuồng được chọn trước - ở đây là vở San Hậu có nội dung “Tôn vương tức vị” (với nghĩa bóng là vua đăng quang và quân thần chúc tụng) nhằm vừa kết thúc chương trình hát bội vừa tạo ra hình tượng sân khấu hóa các nhân vật quần thần trong triều đình đồng loạt kéo xuống cùng với Ban tế lễ của đình cùng vào chúc tụng thần Thành Hoàng để rồi sau đó kết thúc phần hát bội trong lễ hội Kỳ yên. Đây là một màn tuồng vừa mang tính chất hội, vừa mang tính chất nghi lễ, có ý nghĩa tâm linh rất lớn trong lòng mỗi người dân. Đó là sự suy tôn của họ với vị thần làng, là sự “chính danh” của thần trong xã hội, đối với triều đình. Vì vậy lễ hội Kỳ yên trong những năm đất nước còn loạn lạc ở đình Tân An không có màn “tôn vương” mà chỉ có “tôn tướng”. Đây cũng là một nét thể hiện tinh thần của người dân đất Tân An, quyết không cúi đầu hàng phục trước bè lũ xâm lăng và được thể hiện vừa sâu sắc, vừa rõ ràng qua một nghi lễ trong lễ hội đình làng.
Lễ đưa sắc
Tôn vương là kết thúc phần “hội” của lễ hội và lễ đưa sắc diễn ra sau đó để kết thúc phần “lễ”. Đây là nghi sắc là lễ đưa sắc thần về nơi tọa vị - nhà tiền hiền Nguyễn Tri Quan và còn gọi là hồi sắc. Nghi tiết thực hiện như nghi thỉnh sắc: từ đội hình đoàn rước, lễ vật rước đến nghi thức thực hành nghi lễ nhưng lộ trình ngược lại. Trước khi rước sắc đi Ban nghi lễ đồng bái lạy, ông chánh tế khấn xin rước thần hồi lại nhà. Long đình được đặt trước cổng đình, đoàn đưa sắc đứng đợi theo thứ tự, ông trưởng lão đội khánh sắc đi trước, ông chánh tế vai mang kiếm thần theo sau. Khi khánh sắc đã được đặt trong long đình, ông chánh tế hô “an thần vị du long xa” như lời hiệu lệnh, đoàn rước lên đường.
Lời khấn nghi hồi sắc cơ bản như sau:
“Quê hương tế lễ an bày, các cao phẩm giá hồi cung
Cung vi tôn thần thánh sắc cúng lễ hoàn thành,
Khấu bái cung thần, thỉnh oai tựu vị”
Sắc thần lại được trang trọng đặt trên ban thờ nhà tiền hiền để rồi 3 năm sau nghi lễ lại diễn ra, tuần hoàn, trôi chảy trong dòng chảy văn hóa không bao giờ ngừng.
Tín ngưỡng không như tôn giáo là chỉ dành cho những người tin theo một tôn giáo như Nho giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo. Tín ngưỡng xuất hiện rất lâu đời và có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người dân. Đó là sự thờ phụng, sự tin theo nơi tiềm năng vào những lực lượng siêu nhiên có tính kế tục từ thời trước qua thời sau, từ thế hệ cha anh đến thế hệ con cháu. Không bắt buộc, không giảng đạo lý, không bắt tin theo nhưng ai cũng tin, cũng thành tâm, cũng ngưỡng vọng, bởi đó là những phúc thần, những người phù hộ cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp. Lễ hội theo tín ngưỡng cũng vậy, không bắt buộc nhưng lại thu hút rất đông bà con đến tham dự. Ai cũng phải ghé vào cúng rồi xin, rồi trong năm đó mới yên tâm làm ăn được. Lễ hội các vị thần theo tín ngưỡng diễn ra ở đình, miếu và ý nghĩa nhất, rõ nét nhất, linh đình nhất, màu sắc nhất vẫn là lễ hội diễn ra ở đình. Người dân Tân An cũng mang theo những tiềm thức đó, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau từ ý nghĩa cho tới nghi thức và lễ hội trở thành lễ hội cổ truyền, điển hình nơi đây, là phong tục tập quán của địa phương. Nó đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, là chỗ dựa tinh thần của nhân dân (hy vọng thần luôn phù hộ cho dân làng sống bình yên...). Mỗi năm Kỳ yên là dịp bà con trong làng tập trung về đông đủ, tỏ lòng thành kính đối với người có công bảo vệ xóm làng, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, là kế thừa nét văn hóa cổ truyền ông cha để lại cũng như thể hiện bản sắc văn hóa của cư dân người Việt. Thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong công tác chung của làng xã. Giúp cho mỗi người dân trong địa phương cảm nhận được nét văn hóa cổ truyền mà ông cha để lại, có ấn tượng sâu sắc về lễ hội. Qua đó có thái độ và hành động trân trọng đối với những gì mà địa phương mình có. Thể hiện mối quan hệ, giao lưu giữa các làng này với làng khác, địa phương này với địa phương khác (mời Ban quý tế đình, miếu bạn đến cúng đình làng mình).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét