Vì thế, hai bên cầu chỉ có con đường hẹp cho người đi bộ và đầu mối cho khách đi xe lửa chỉ có Ga Hàng Cỏ. Nhưng chính cây cầu khổng lồ này lại có tác động trực tiếp khiến Hà Nội phát triển, dân cư đông đúc và nhu cầu đi lại bằng xe lửa trong nước ngày càng lớn.
Vị trí nhà ga nhằm ưu tiên số đông khách cùng hàng hoá
Đến năm 1923, chính quyền thuộc địa mới khai thông con đường được mở rộng hai bên cầu cho ôtô qua lại và Cty Hoả xa Đông Dương mới “trổ” thêm một nhà ga ở ngay đầu cầu phía Nam, nơi đó lại cũng rất gần các bến tàu sông và ôtô (Bến Nứa) và chỉ đi một đoạn nắn là vào khu Chợ Đồng Xuân sầm uất.
Đây cũng là một trong những lý do (giả thiết) liên quan đến hiện tượng hướng lên xuống cầu Long Biên của các phương tiện giao thông lại ngược với luật lệ thông thường là theo lề bên phải. Từ Hà Nội lên cầu bên trái theo hướng thẳng từ Hàng Đậu lên, còn hướng từ Gia Lâm sang cũng theo lề bên trái xuống dốc phía sát Hàng Khoai..
Ga Đầu Cầu tuy nhỏ nhưng đẹp và tiện lợi cho khách nhờ có 2 lối lên
Vị trí nhà ga góp phần để ưu tiên số đông khách cùng hàng hoá đi xuống cầu là rẽ thẳng vào khu chợ Đồng Xuân hoặc vòng ra bến ô tô (nay là chợ Long Biên) hoặc theo dọc đường Bờ Sông (nay là Trần Nhật Duật) để xuống tàu sông tại các bến rải rác đến Cột Đông hồ (nay là vị trí cầu Chương Dương) cho tới Phà Đen.
Thiết kế đơn giản và vững chãi khiến nhà Ga Đầu Cầu tuy nhỏ nhưng đẹp và tiện lợi cho khách nhờ có 2 lối lên: hoặc theo dốc cho xe cộ xuống cầu ở phía Hàng Khoai, hoặc leo những bậc thang dốc xuống thẳng phố Duranton (nay là Nguyễn Thiệp). Bây giờ nhà Ga vẫn còn nhưng kiến trúc cảnh quan lộn xộn đã mất đi vẻ đẹp vốn có.
Dương Trung Quốc
(S.t bưu ảnh của P.Chapplaine và NMHùng)
__________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét