Sử liệu của vương quốc Champa cũ, có nhiều giai thoại về cuộc đời vị hoàng đế cuối cùng là vua Po romé và 3 người phụ nữ, một là công chúa Chăm, một là công chúa Ê Đê, và một là công chúa Ngọc Khoa, con của chúa Nguyễn như trong bài ca Chiêm Thành Ni Danak Po Romé có câu: “Vua Po Romé có 3 vợ: 2 người giống da sậm và 1 người Việt Nam…”. Tuy nhiên trong 3 người vợ đó, chỉ có công chúa Ê Đê H Drah Jan Kpă – con gái cưng của một tù trưởng Ê Đê, là người đã sinh ra con cái cho vua Po Romé.
Tháp Po Romé, tiếng Chăm là “Bimong Po Romé” được xây dựng từ thế kỷ XVII, thờ vị vua Po Romé, vị vua cuối cùng của vương quốc Champa, là di tích được xếp hạng quốc gia hiện nay, là một trong những di tích văn hóa quan trọng của dân tộc Chăm.
Theo nguồn sử liệu thì vua Po Romé thuộc tộc người Churu, thuở nhỏ tên là Jakathaot. Po Romé sinh ra trong một gia đình khá giả ở Panduranga bởi người mẹ đồng trinh. Vì chưa có chồng mà có con, nên mẹ con Po Romé bị ông bà ngoại đuổi khỏi nhà, lang thang từ làng này sang làng khác.
Po Romé lớn lên trong hoàn cảnh đó, cùng mẹ kiếm sống bằng cách đi chăn trâu thuê. Cậu bé cũng thường xuyên bị chế nhạo tại các nơi biết lai lịch của mình. Vượt qua những lời dị nghị, Po Romé lớn vụt lên thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, vóc dáng khác người.
Định mệnh đã đưa đẩy chàng làm mục đồng cho vua Po Mưh Taha. Po Romé có tài bắn cung, mỗi chiều đi về, chàng mang về những thỏ, sơn dương…Truyền thuyết kể là, trưa nọ, ham mê theo dấu chân nai, chàng đi mãi vào rừng đến mệt lả rồi nằm nghỉ dưới gốc cây cao.
Đang thiu thiu ngủ, mở mắt ra chàng nhìn thấy hai cục than lửa đỏ lựng giữa tán lá: một con rồng khổng lồ đang nhìn đăm đắm mình, chàng hoảng hốt bỏ chạy và lạc đường, mãi tối mò mới tìm đến nhà. Sáng sau khi thức dậy, thần sắc Po Romé hoàn toàn đổi khác: phương khi, oai vệ lạ thường.
Lúc này, vua Po Mưh Taha đã già nhưng chưa tìm được người nối ngôi, vì ông chỉ có 1 người con gái. Một hôm, nghe thấy tiếng Po Romé đuổi chó su nhà, vị chiêm tinh của vua Po Mưh Taha bảo đấy chính là giọng vua tương lai của Champa.
Tháp Po Romé |
Khi xem kỹ tướng mạo Po Romé, vị chiêm tinh tiến cử chàng lên nhà vua và được chấp thuận. Công chúa Bia Than Cih được gả cho Po Romé. Vài tháng sau, Po Romé lên ngôi vua trị vì đất nước, sau khi lên ngôi vua lấy tên hiệu là Po Romé, trị vì vương quốc Champa (1627 – 1651).
Po Romé là vị vua có nhiều công trạng đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc Chăm như: dung hòa sự mâu thuẫn giữa cộng đồng người Chăm Ahiér (Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bà-la-môn) và cộng đồng người Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo cũ).
Po Romé cho lập thủ đô Kraung Ala ở Bal Caung, phát triển công trình thủy lợi như đập Cà Tiêu (Banâk Katéw), đập Chavin (Banâk Caping), đập Marên (Banâk Marén)… tưới cho đồng Kraung Biuh hàng vạn mẫu, củng cố triều đình, trao chức Tả tướng quân, Hữu tướng quân cho Xah Bin, Palak Bin.
Rồi thân hành qua Kalentan 7 năm dùi mài kinh Coran lẫn phép thuật, gồng mình để hóa giải mâu thuẫn tôn giáo đang ngày càng trầm trọng trong vương quốc. Với công lao như vậy nên khi mất, vua được cộng đồng người Chăm tôn thờ như một vị thần.
Po Romé là một vị vua có nhiều công lớn với dân tộc Chăm và cũng là một người đàn ông rất say mê nhan sắc. Sau khi kết hôn với người vợ đầu Bia Than Cih (người Chăm Bàni), Bia Than Cih không có con, điều đó làm vua Po Romé hết sức đau buồn, cuộc hôn nhân giữa vua Po Romé và hoàng hậu Bia Than Cih vì thế cũng không trọn vẹn.
Po Romé đã lặn lội đi khắp các xứ sở để tìm thuốc về chữa bệnh cho hoàng hậu nhưng tìm kiếm mãi cũng vô vọng. Một hôm, vua Po Romé đến xứ sở của người Ê đê, ông tình cờ gặp cô gái Ê đê xinh đẹp H Drah Jan Kpă và đã say đắm H Drah Jan Kpă ngay cái nhìn đầu tiên.
Công chúa Ê đê H Drah Jan Kpă là con gái cưng của một vị tù trưởng người Ê đê. H Drah Jan Kpă là con gái rượu của vị tù trưởng Ê đê này. Trong tiếng Ê đê, H Drah Jan Kpă có nghĩa là công chúa Hạt mưa, vì thế vị công chúa Ê đê này còn được người Ê đê xưa đến nay gọi cung kính và yêu quý với tên Công chúa Hạt mưa.
Tù trưởng rất yêu quý Công chúa Hạt mưa, coi Công chúa Hạt mưa là vật báu trong nhà, luôn nói sẽ tìm cho H Drah Jan Kpă một người chồng xứng đáng. Nhan sắc của H Drah Jan Kpă được người Ê đê ví đẹp như hạt mưa, có thể tưới mát cả mùa màng khô hạn, đem đến sức sống mới cho muôn cây, muông thú.
Khi vua Po Romé gặp H Drah Jan Kpă, vua đã đưa H Drah Jan Kpă về kinh thành, cưới nàng làm vợ hai. Nàng trở thành thứ hậu Bia Than Can của Po Romé. Sau này, vua Po Romé còn có thêm một người vợ là công chúa Ngọc Khoa – con chúa Nguyễn, gọi là nàng Bia Ut, nhưng chỉ có nàng Bia Than Can là người duy nhất sinh cho vua Po Romé những đứa con kháu khỉnh.
Theo sử liệu của người Chăm, khi công chúa Hạt mưa về kinh thành, nhan sắc của nàng như nhan sắc của nữ thần mặt trời, đã chinh phục các thần dân của vua Po Romé.
Tất cả đều tin rằng, nàng Bia Than Can không chỉ là người vợ đẹp của vua Po Romé, mà còn là người sẽ sinh ra đứa con nỗi dõi cho hoàng tộc Chăm, đúng như cái tên công chúa Hạt mưa – cái tên của sự đâm chồi, nảy lộc của nàng.
Quả nhiên sau này điều đó đã thành sự thật, ngày thứ hậu Bia Than Can hạ sinh các công chúa, hoàng tử, là những ngày kinh thành Champa say men lễ hội, chào đón người kế nghiệp của vua Po Romé.
Vua Po Romé đã có 2 người vợ xinh đẹp, đã có những đứa con xinh xắn và một vương quốc với những thần dân yêu quý vị vua của mình. Thứ hậu Bia Than Can là người hiền lành, tuy sinh con cho vua Po Romé nhưng biết phận thứ thiếp, nên giữ được mối giao hảo với hoàng hậu Bia Than Cih.
Hai người vợ của vua Po Romé sống hòa bình với nhau trong hoàng cung. Nhưng sau này vua Po Romé vẫn cưới thêm một người vợ, là công chúa Ngọc Khoa, con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Công chúa Ngọc Khoa là nàng công chúa có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Một lần vì muốn sang vương quốc Champa chơi, công chúa Ngọc Khoa đã đóng giả dân buôn qua biên ải. Sang đến vương quốc Champa, nhan sắc của nàng công chúa đã nhanh chóng theo tin đồn đến tai nhà vua.
Vua cho mời nàng vào cung và ông vua tuổi ngũ tuần nhưng vẫn còn phong độ dạt dào đã bị choáng váng bởi nhan sắc nàng công chúa tuổi vừa đôi tám. Vua Po Romé lập tức cho người sang gặp Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, xin hỏi công chúa Ngọc Khoa về làm vợ.
Lúc đó, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đang phải lo chiến sự bốn bề, đâu đâu lãnh thổ cũng bị xâm phạm, vì muốn giữ được giao hảo giữa hai vương quốc nên đã đồng ý gả công chúa Ngọc Khoa cho vua Po Romé.
Về đến hoàng cung, công chúa Ngọc Khoa là ái phi được vua Po Romé cưng chiều nhất. Khi công chúa Ngọc Khoa ốm nặng, có vị chiêm tinh vào cung Po Romé, phán rằng công chúa không bị bệnh, vị chiêm tinh đã bị vua Po Romé đuổi về quê.
Có vị chiêm tinh khác nói rằng, muốn nàng Bia Út khỏi bệnh, nhà vua phải triệt đi cây Krek, cây lim thần biểu tượng sức mạnh của vương quốc. Sau một thoáng ngập ngừng, vua đã làm theo. Đích thân vua là người vác cây rìu đi chặt.
Sau ba nhát, thân cây Krek to lớn đổ nhào, máu Krek tuôn chảy suốt bảy đêm. Nàng Bia Út khỏi bệnh. Hai người lại mặn nồng hương tình. Chỉ tiếc là vì say mê nhan sắc của nàng công chúa nước Việt, vua Po Romé dần bỏ quên chuyện chính sự. Ông trở thành vị vua cuối cùng của vương quốc Champa.
Vua Po Romé chết đúng vào lúc vương quốc Champa sụp đổ. Theo tục lệ Champa xưa, những người vợ của vua phải lên giàn hỏa thiêu cùng chồng, để theo hầu hạ vua. Nhưng trong những người vợ vua, chỉ có công chúa Hạt mưa – thứ phi Bia Than Can là dũng cảm nhảy vào lửa chết theo chồng.
Để tưởng nhớ vị thứ hậu chung thủy và dũng cảm, nhân dân Champa đã lập một ngôi tháp phụ, bên cạnh tháp Po Romé. Sau này khi ngôi tháp sụp đổ, tượng bà được đưa vào tháp chính, bên cạnh tượng vua Po Romé.
- Đinh Thế Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét