AT- Cách thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chừng 25km đường đèo dốc, ôtô chạy non một giờ sẽ đến khu du lịch Tam Đảo. Đường dốc trung bình 15 độ nghiêng, quanh co, ngoằn ngoèo men theo sườn núi, dọc hai bên đường chập chùng rừng thông bạt ngàn, lá reo vi vu trong gió.
Chùa Vàng ở Tam Đảo |
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn |
Càng gần Tam Đảo không khí càng mát lạnh, du khách sẽ thấy choáng ngợp bởi vẻ hùng vĩ của núi cao vời vợi, vực sâu hun hút, sương mây mờ mịt. Tam Đảo thơ mộng hiện ra với những biệt thự thấp thoáng trong mây, dựa lưng vào triền đồi, vách núi. Thị trấn du lịch này nằm dưới chân núi Thiên Thị (Chợ Trời) cao 1.375m của dãy Tam Đảo xanh thẳm.
Người Pháp, vào đầu thế kỷ 20, đã phát hiện ra vẻ đẹp tuyệt vời của Tam Đảo. Họ cho xây dựng nơi đây thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng với hơn 160 ngôi biệt thự nằm rải rác trên các sườn núi. Trải qua thời gian với nhiều biến động, Tam Đảo chỉ còn lại một số ít những ngôi biệt thự, nhà cổ, phần lớn đã hoang tàn đổ nát. Ngày nay, Tam Đảo đã có bộ mặt mới hơn, vừa hiện đại vừa cổ kính nhưng không kém phần thơ mộng, lãng mạn.
Đến Tam Đảo, du khách thường viếng đền Mẫu, chùa Vàng, thác Bạc, bởi đấy là những di tích, danh lam, thắng cảnh gắn liền với miền núi Tam Đảo hoang sơ, kỳ vĩ.
Từ chân núi Thiên Thị, qua 200 bậc đá, xuyên qua khu rừng trúc thâm u, tĩnh mịch, du khách sẽ đến đền Bà Chúa Thượng Ngàn và chùa Vàng.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn có kiến trúc phương Đông ước lệ, mái lợp ngói miểng Thổ Hà, phía trên ngay cửa chánh điện có đắp phù điêu cặp rồng xanh đang giương nanh múa vuốt (lưỡng long tranh châu). Các cột trụ vuông bốn mặt giả đăng đỉnh (trụ đèn), dọc cột có những hàng chữ Nho. Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn là con gái đầu của Quốc Mẫu Âu Cơ. Theo một truyền thuyết dân gian khác, Mẫu Thượng Ngàn chính là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương.
Từ một nàng công chúa, nhờ có công chăm nom, dạy dỗ chỉ bảo muôn loài, bà được Ngọc Hoàng phong là Chúa Thượng Ngàn. Vào những ngày lễ, hội hoặc rằm âm lịch, ở đền Mẫu có hát chầu văn, hầu đồng và múa bóng rổi. Du khách sẽ thấy mình như hòa nhập vào thế giới tâm linh với mùi khói nhang man mác và thán phục bởi điệu múa huyền ảo, lạ lùng của các “bà bóng” trong tiếng hát văng vẳng như vọng về từ cõi u nhiên, tịch mịch!
Bên cạnh đền Chúa Thượng Ngàn có đền Bà Quốc Mẫu Âu Cơ là mẹ sinh ra các dân tộc Việt Nam. Thuở hồng hoang khai quốc, Bà đẻ ra trăm trứng, nở trăm con. Mẹ Âu Cơ đã dẫn 50 người con lên miền núi dựng nghiệp. Đền Mẹ Âu Cơ mới xây dựng sau này, gọn đẹp và trang nghiêm, trầm mặc. Từ đền Mẫu, đền Mẹ Âu Cơ, theo vài mươi bậc đá ta sẽ đến chùa Vàng. Tam quan chùa Vàng kiến trúc theo lối cổng lăng của các bậc vương, tướng phong kiến, cổ kính, thâm nghiêm. Qua cổng tam quan, du khách được dịp chiêm ngưỡng rất nhiều pho tượng Phật, Bồ Tát được tạc, đẽo bằng đá trắng rất công phu tinh xảo.
Ấn tượng nhất là bộ tượng Thập Bát La Hán mỗi người một vẻ thể hiện tinh thần “bi, trí, dũng” của nhà Phật. Bộ tượng Phật Bà Quan Âm, trong đó có tượng Phật 9 đầu, 18 tay khiến người xem phải nghiêng mình thán phục, vô cùng ngưỡng mộ những nghệ nhân vô danh đã lao động công quả âm thầm giữa núi rừng hoang vắng để tạo nên những tác phẩm mang đậm màu sắc tôn giáo nhưng vẫn đầy nét tài hoa nghệ thuật... Những bức bích họa thiếp vàng tinh tế, chói lọi được bố trí bên trong, quanh vách chùa đã làm nên danh tiếng “chùa Vàng” Tam Đảo. Ở chùa Vàng có một pho tượng Phật Thích Ca lớn, màu đen tuyền rất lạ, không rõ bằng đá hay bằng đồng, có từ rất lâu và không ai biết được xuất xứ! - sư trụ trì Hòa thượng Thích Hải Hòa cho biết.
Sau khi khám phá những bí ẩn của đền Mẫu, chùa Vàng, du khách đi tiếp lên đỉnh Thiên Thị, nơi có tháp tiếp sóng truyền hình Tam Đảo với hơn 1.200 bậc đá uốn lượn quanh co. Con đường xuyên rừng này hai bên phong cảnh rất hoang sơ tĩnh mịch. Ta sẽ nghe thấy tiếng ve ngân rền rỉ, tiếng chim hót vút cao, lảnh lót, sương mù bay la đà, rừng già thâm u bí ẩn, thi thoảng tiếng chuông chùa Vàng ngân nga đồng vọng khiến cho du khách thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, bay bổng, quên đi những âu lo phiền muộn.
Đứng trên đỉnh Thiên Thị, bạn sẽ thấy ngọn Rùng Rình sừng sững uy nghi cao vời vợi, ẩn hiện trong mây ngàn trắng xóa mênh mông. Những khi trời quang, ta có thể thấy hồ núi Cốc ở phía đông bắc long lanh như viên ngọc bích thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Về phía tây nam, thành phố Vĩnh Yên lấp loáng, lô nhô giữa màu xanh như mạ non của châu thổ sông Hồng bao la, xa tít tắp đến tận mút chân trời.
ĐẶNG HOÀNG THÁM
Trekking Tam Đảo mùa thu
1. Thông thường, các bạn trẻ thường chọn trekking Tam Đảo để rèn luyện thể lực leo Fansipan. Nhưng ai từng trek Tam Đảo hầu hết thừa nhận đây là một cung đường độc lập rất đáng để khám phá, thậm chí còn hấp dẫn và phiêu lưu hơn Fansipan rất nhiều.
TTO - Mùa thu, tiết trời khô ráo, mát mẻ, theo chân một số bạn trẻ trekking (đi bộ xuyên rừng, núi) ba đỉnh Tam Đảo, rèn luyện thể lực để leo Fansipan, tôi đã thật sự ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ của núi rừng Tam Đảo và sự tươi đẹp của thiên nhiên nơi đây.
Đường mòn đi vào rừng quốc gia Tam Đảo - Ảnh: Kim Chi
|
Không chỉ là điểm du lịch nghỉ mát hấp dẫn, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) còn là một điểm đến hấp dẫn các bạn trẻ và du khách ưa khám phá trong ngoài nước, bởi đây là điểm xuất phát cho các cung đường trekking xuyên rừng quốc gia Tam Đảo và chinh phục những đỉnh núi cao nhất trong dãy Tam Đảo.
Dãy Tam Đảo dài gần 80km, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Dãy Tam Đảo bao gồm nhiều đỉnh núi, trong đó đỉnh núi cao nhất là đỉnh Tam Đảo Bắc cao 1.591m. Nhưng ba đỉnh núi thường được nhìn thấy ẩn hiện trong mây mù, tạo nên tên gọi Tam Đảo là Thiên Thị (cao 1.375m), đỉnh Thạch Bàn (cao 1.388m) và Phù Nghĩa (cao 1.400m). Trong số đó cung đường thường được lựa chọn nhất là trek ba đỉnh Tam Đảo: Thiên Thị, Thạch Bàn và Phù Nghĩa.
|
Bao trùm Tam Đảo là những cánh rừng nguyên sơ, biến đổi liên tục theo độ cao của núi, từ rừng rậm nhiệt đới ẩm với các thân cây to, lá to, dây leo chằng chịt, bụi rậm ẩm thấp ở dưới chân núi, tới cây lá kim, thấp và nhỏ dần ở trên cao. Lên gần tới đỉnh núi lại là những rừng trúc bạt ngàn với thân nhỏ, chắc, thẳng tắp, lá xanh mươn mướt ken dày đặc vào nhau.
Đi trong rừng trúc, phảng phất một chút sương khói do độ cao tạo nên, cảm giác “liêu trai” bao trùm khắp không gian…
Dọc đường đi, các “trekker nghiệp dư” là chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp rất nhiều loài hoa lạ ở ven đường. Nhiều nhất là phong lan, các loại hoa họ mua màu hồng nhạt. Ngoài ra còn vô số loài hoa dại không biết tên với đủ sắc màu sặc sỡ tím vàng, hương thơm rất lạ… Những cánh hoa rừng đủ màu sắc làm tăng thêm hứng khởi của các trekker trên đường chinh phục đỉnh cao.
Ba đỉnh núi hùng vĩ tạo nên tên gọi Tam Đảo: Thiên Thị, Thạch Bàn và Phù nghĩa - Ảnh: Iris |
Không bất ngờ khi bạn dễ dàng gặp ở dọc đường đi, hay bên các khe suối những đàn bướm đầy màu sắc bay lượn dập dìu bởi nói đến rừng quốc gia Tam Đảo thì không thể không nhắc tới các loài bướm với khoảng 150 loài bướm khác nhau. Trong những năm qua, nạn săn bắt bướm trái phép bán cho khách du lịch châu Âu, Nhật Bản đã làm số lượng bướm giảm đáng kể, nhưng tiết trời thu mát mẻ cùng nhiều loại hoa khoe sắc hương sặc sỡ đã thu hút không ít loài bướm kéo về, mang lại những màu sắc tươi mới cho rừng già...
2. Trục trặc xe cộ nên đoàn chúng tôi bị chậm lịch trình. Theo kế hoạch, phải cắm trại ở đỉnh Thạch Bàn (đỉnh núi thứ 2 trong số ba đỉnh núi), nhưng mùa thu, trên núi trời tối nhanh, đoàn phải cắm trại ở đỉnh Thiên Thị. Cắm trại đêm trên núi, lại vào một tối giữa tháng, trăng sáng vằng vặc, thật là một cảm giác phiêu bồng.
Đêm, đứng trên đỉnh núi, nhìn ra xung quanh, thấy đất trời tối thẫm một màu như được nối liền bằng một dải sương bàng bạc. Xa xa thấp thoáng một vài ánh đèn của thị trấn Tam Đảo ẩn hiện trong làn sương. Chênh chếch sang bên phải là đỉnh Thạch Bàn và Phù Nghĩa, bao quanh là rất nhiều đỉnh núi lớn nhỏ đứng trầm mặc như canh gác cho những người khách bộ hành. Văng vẳng trong đêm tiếng kêu của muông thú đi ăn đêm.
Cắm trại trên đỉnh núi - Ảnh: Kim Chi |
Càng về khuya trời càng lạnh. Sương lúc này đã đọng thành từng hạt rơi lộp bộp trên mái lều, xào xạc trên các tán cây rừng. Mấy anh em cùng chú Oanh, người dẫn đường của đoàn, quây quần bên bếp lửa, ăn thịt nướng và ngọn su su xào - món đặc sản của Tam Đảo mà mấy anh em đã mang từ chân núi lên, rồi ngồi chuyện trò vui vẻ.
Giữa rừng núi mênh mang sương lạnh, bồng bềnh như tiên cảnh, nhấp một ngụm rượu chuối ngọt thơm mà chú Oanh mang theo, thấy ấm áp lạ kỳ...
Chừng 11g đêm, mọi người thấm mệt, lục tục ai về lều nấy ngủ để lấy sức mai trek nốt hai đỉnh còn lại. Đêm khuya nằm trong lều, nghe cái lạnh núi rừng thấm sâu vào cơ thể, dù dưới lều đã trải rất nhiều lá khô và lá dương xỉ, nghe tiếng gió đùa trên nóc lều phần phật, những người khách lữ hành thiếp đi lúc nào không hay biết.
Để rồi nửa đêm giật mình tỉnh dậy vì hơi lạnh đã thấm sâu, thấy trăng treo vằng vặc trên đỉnh lều, lại mơ hồ nhớ tới câu thơ cũ của người xưa: "Sàng tiền minh nguyệt quang - Nghị thị địa thượng sương" (Lý Bạch - Đầu giường ánh trăng rọi, ngỡ mặt đất phủ sương…).
Dãy núi Tam Đảo điệp trùng trong sương sớm - Ảnh: Kim Chi |
3. Cảnh sắc đẹp và nên thơ là vậy, nhưng đường trek Tam Đảo phần nhiều đi qua rừng rậm, rừng trúc, độ dốc không quá lớn nhưng rất nhiều đoạn, đặc biệt những đoạn gần tới đỉnh Thiên Thị, Thạch Bàn và phần lớn đường leo lên đỉnh Phù Nghĩa có độ dốc khá cao, nhiều đoạn gần như thẳng đứng, không có lối đi.
Các thành viên trong đoàn phải bám vào các rễ cây, tảng đá để leo lên. Nhiều đoạn gần như phải đu mình trên các rễ cây rừng, nếu không cẩn thận có thể trượt xuống rất nguy hiểm. May mà không gặp mưa rừng, chứ không chỉ còn cách chăng dây thừng mà leo.
Ngay cả các đoạn đường ít dốc đi xuyên qua rừng cũng nguy hiểm không kém, nhiều chỗ không có đường mòn, nếu không tập trung bước theo chân của guider, không chú ý vào các vết dao chặt trên thân cây để đánh dấu thì lạc đường như chơi.
Chú Oanh kể một vị khách nước ngoài đi trước chúng tôi không lâu, do mải mê chụp ảnh nên bị lạc đường, lang thang suốt trong rừng ba ngày mới tìm ra được đến thị trấn. May mắn thức ăn dự trữ cũng vừa hết, nhưng người thì bị vắt cắn sưng phồng khắp nơi.
Những đoạn đường cheo leo, nguy hiểm - Ảnh: Kim Chi |
Những vách núi dựng đứng - Ảnh: Kim Chi |
Trở về - Ảnh: Kim Chi |
Vượt qua bao khó khăn với không ít hiểm nguy, các đỉnh Thạch Bàn, Phù Nghĩa lần lượt được chúng tôi chinh phục. Trên đỉnh núi, ngồi nghỉ ngơi, uống nước rồi thong thả ngắm cảnh núi rừng, ngắm đất trời mở rộng về bốn phía mới thấy đẹp đến nao lòng. Thú vị là đứng trên đỉnh Phù Nghĩa vào những ngày trời trong, còn có thể nhìn thấy TP Thái Nguyên và hồ Núi Cốc thấp thoáng ở xa xa.
Sau khi đã kết thúc bữa trưa bằng đồ ăn khô mang theo, cả đoàn lại lục tục xuống núi. Đi khoảng 10km theo con đường mòn cắt ngang chân núi, xuyên qua rừng trúc và những khu rừng ẩm thấp rậm rạp thì ra đến thị trấn Tam Đảo. Nhìn ngắm thị trấn Tam Đảo nhỏ bé, xinh đẹp hiện ra trong nắng chiều mùa thu vàng như rót mật, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì chuyến đi đã kết thúc thành công và an toàn.
IRIS
Một vài điểm lưu ý khi trekking Tam Đảo
1. Cần xin phép ban quản lý rừng quốc gia Tam Đảo để vào rừng và cắm trại trên núi. Tuyệt đối tuân thủ các quy tắc về phòng chống cháy rừng. Không săn bắt các loại thú và chặt phá trái phép cây rừng.
2. Thời gian thích hợp để trek là từ tháng 9 tới tháng 4 năm sau, thời tiết khô ráo, tránh được vắt và nhiều loại côn trùng khác. Trong trường hợp đi vào các thời gian khác, việc phòng chống vắt bằng các thuốc chuyên dụng là khá cần thiết. Các biện pháp phòng rắn cắn cũng cần được lưu ý.
3. Vì cung đường trek còn khá hoang sơ, nhiều đoạn chưa thành đường mòn, lại có rừng rậm rạp bao phủ, nên rất dễ bị lạc đường, bởi vậy nhất thiết phải có guide (là người địa phương) dẫn đường.
4. Trong vài năm trở lại đây số lượng người lên trek Tam Đảo ngày càng đông. Lượng rác từ đồ khô, đồ hộp các bạn ăn vứt lại ngày càng tăng lên, gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, vì một cung đường đẹp và bền vững, các đoàn đi hãy có ý thức thu gom rác của mình và mang xuống thị trấn Tam Đảo bỏ vào thùng rác để các đơn vị vệ sinh môi trường ở đây thu gom và xử lý.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét