Theo Dân trí
Năm 2002, đền ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hoá, có hai kỳ lễ hội lớn là Rằm tháng 3 Âm lịch (lễ hội khai điểm) và ngày Lễ hội giỗ ông Hoàng Mười (10/10 Âm lịch).
Đầu đội Lam giang mỏ chầu Đồng trụ
Đền ông Hoàng Mười nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoàng 2 km theo đường chim bay. Được xây dựng năm 1634 (thời hậu Lê), đến thờ các vị phúc thần như Song đồng Ngọc Nữ, thờ ông Nguyễn Duy Lạc (một võ tướng thời Lê, quê ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh), thờ hệ thống đạo Mẫu tứ phủ Liễu Hạnh. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười.
Khi nhắc đến ông Hoàng Mười, không chỉ những người theo đạo Tứ phủ (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Thánh mẫu và Đệ tứ khâm sai) mà người dân từ Bắc chí Nam ai cũng ngưỡng mộ và nhiều nơi lập đền thờ vọng Ngài. Tuy nhiên, đền thờ chính của Ngài thì có lẽ vẫn chưa nhiều người biết đến. Trong một bài hát chầu văn có câu "Đền thờ Mỏ Hạc ngã ba Tam Kỳ". Một bài ca dao cũng có đoạn: "Đường về xứ Nghệ nghĩa tình, sông Lam núi Quyết địa linh bao đời, Tam Kỳ Mỏ Hạc là nơi, Đền thờ lăng mộ đời đời khói nhang...". Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Văn Đạt cho biết, từ những câu thơ này, ông đã đi tìm Mỏ Hạc, hình dung Hạc là một sinh vật đẹp, người xưa thường lấy Hạc và Rùa làm biểu tượng âm dương. Tìm đến làng Xuân Am, trước đây gọi là Âm Công (cuối thời nhà Nguyễn thì đổi tên thành xã Yên Pháp, nay là xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) thì thấy quả là nơi có hình tượng đầu một con Hạc đẹp tuyệt vời do những con sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành, đầu con Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Đấy là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười linh thiêng, "Mỏ Hạc Linh Từ" là tên chữ của đền, có nghĩa là ngôi đền linh thiêng toạ trên vùng đất có hình "con hạc" mà đền lại nằm ở vị trí phía "mỏ".
Người anh hùng dân tộc
Tương truyền, theo sự phân công của Vua cha là Long thần Bát Hải Đại Vương và đệ nhất thánh Mẫu Thiên Tiên công chúa, ông Hoàng Mười được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm sát khâm sai ở xứ Nghệ. Quan Hoàng Mười là một người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ông luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ những người dân lao động nghèo khó. Tín ngưỡng dân gian cho rằng, ông Hoàng Mười là hoá thân của các vị Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Duy Lặc, Nguyễn Duy Nhân và cả Nguyễn Xí. Đó là những nhân vật lịch sử của xứ Nghệ, có nhiều công trạng và lý lịch na ná như ông Hoàng Mười. Truyền thuyết kể rằng ông Hoàng Mười quê ở làng Xuân Am, tổng Yên Đổ, phủ Hưng Nguyên xưa (nay là Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An). Ngài là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, hy sinh trong trận Âm Công đánh vào thành Lục Niên. Âm Công là một trận nghi binh làm voi giả, chiến thuyền giả. Ngài kéo quân đánh tập hậu, tả xung hữu đột làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía. Ngài đã bị thương nặng, chỉ kịp phi ngựa về đến quê nhà thì mất. Triều đình lấy làm thương tiếc nên lấy đất Âm Công - quê hương Ngài để tưởng nhớ công ơn. Nhà Vua ban tặng cho Ngài 4 câu thơ:
"Đế thích long chương khai thái vận,
Thiên sinh thần võ dực hồng đồ,
Sinh bất hư sinh, sinh nghĩa đảm,
Tử thuỷ vô tử, tử trung can"
(Tạm dịch:: Vua tặng sắc phong mừng vận đẹp, Trời sinh tướng giỏi giúp non sông, Sống chẳng sống thừa lòng nghĩa dũng, Chết mà không chết dạ can trường).
Linh hồn của Mỏ hạc linh từ
Ông Hoàng Mười còn được nhân dân xứ Nghệ tôn vinh "Đức thánh minh", là một vị quan nằm trong hệ thống điện thần thờ Mẫu tứ phủ ở Việt Nam (được xếp bậc thứ 10 trong hệ thống đạo Mẫu). Nơi nào trên dải đất Việt Nam có điện thờ Mẫu là nơi đó có tượng hoặc bàn thờ ông Hoàng Mười. Giáo sư - Nhà nghiên cứ văn hoá dân gian Võ Ngọc Khánh nhận xét: "Ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại nhưng lại gần gũi thân quen và được nhân dân quý trọng, tôn sùng vì ông rất hợp với tâm lý và phong cách xứ Nghệ. Con người đáng trân trọng có chí nam nhi phải là anh hùng ngang dọc, phải có văn võ, có trí, có dũng. Con người phải biết lo lắng cho cuộc sống bình an của dân chúng, phải biết vì dân vì đời. Nhưng con người ấy phải là con người không ham danh lợi, biết yêu thiên nhiên, thích văn chương, yêu phong nguyệt. Hơn thế nữa, nếu là con người xứ Nghệ thì phải rất tình tứ, biết say cái đẹp, biết đến với tình yêu như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... lại phải có đôi nét phóng khoáng nghịch ngợm của Hồ Xuân Hương. Những đức tính ấy, phong cách ấy trong ngũ vị vương quan, thập vị Hoàng tử, Thập nhị tiên cô đều không có đủ. Vị này có nét này, vị kia có nét kia, song không ai có đầy đủ tất cả như ông Hoàng Mười". Do đó, ông Hoàng Mười là vị thần được thờ chính, là linh hồn của Mỏ Hạc Linh Từ.
Ông Trương Văn Thái, Trưởng Ban quản lý di tích đền ông Hoàng Mười cho biết: "Di tích đền ông Hoàng Mười còn có giá trị địa lý, cảnh quan lý tưởng, rất hấp dẫn du khách, thuận tiện giao thông và thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh. Di tích toạ lạc trên vùng đắc địa, rất "sơn thuỷ hữu tình". Phía sau là núi Dũng Quyết làm chỗ dựa vững chắc, phía trước là dòng Lam, dòng Mộc, dòng sông Vĩnh uốn lượn. Đền lại nằm giữa một cánh đồng lúa bát ngát, biệt lập với làng mạc nên không khí hài hoà, trong lành, tĩnh lặng. Thật sự là nơi: "Thánh nhân nghe được sự tâu bày của chúng sinh nhiều hơn trong không gian êm ả tụ linh này".
Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích về Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả đã hợp thành một bức tranh sinh động, có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc, mà điểm sáng là ngôi đền linh thiêng thờ ông Hoàng Mười.
Đền Ông Hoàng Mười
Tương truyền các ông Hoàng đều có gốc tích là con trai Bát Hải đại Vương ở hồ Đông Đình nên đều là Long Thần nhưng trong các văn chầu từng ông cũng như truyền thuyết ở từng địa phương thì phần lớn các ông là nhân thần, những danh tướng có công đánh giặc, khai phá đất đai.
Ông Hoàng Mười được thờ tại đền là một danh tướng thời nhà Lê, gốc ở tỉnh Nghệ An, được nhân thế hoá, phàm tục hoá thành Thái uý Vĩ quốc công, trở thành vị thần chính ở đền Xuân Am hay đền đức thánh Hoàng Mười, còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ.
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), vua Khải Định có sắc Phong “Quang uý Trung đẳng thần”, trong tín ngưỡng tâm linh nhân dân tôn vinh là “Thượng đẳng thần”.
Ông Hoàng Mười được thờ tại đền là một danh tướng thời nhà Lê, gốc ở tỉnh Nghệ An, được nhân thế hoá, phàm tục hoá thành Thái uý Vĩ quốc công, trở thành vị thần chính ở đền Xuân Am hay đền đức thánh Hoàng Mười, còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ.
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), vua Khải Định có sắc Phong “Quang uý Trung đẳng thần”, trong tín ngưỡng tâm linh nhân dân tôn vinh là “Thượng đẳng thần”.
Địa điểm: Tại đền thờ và mộ đức thánh Hoàng Mười - Xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ AnLễ hội diễn ra hai lần trong một năm, gọi là lễ hội rước sắc vào ngày 15/3 âm lịch.
Lễ khai điển vào ngày 10/10 âm lịch - ngày kỵ ông Hoàng Mười để ghi nhớ công đức của Ngài
Phần lễ:
- Sáng ngày 14/3 âm lịch: lễ yết cáo
- Tối ngày 14/3 âm lịch: lễ đại tế
- Sáng ngày 15/3 âm lịch: Lễ dâng hương
- Tối ngày 15/3 âm lịch: lễ yết cáo
- Tối ngày 09/10 âm lịch: lễ đại tế
- Sáng ngày 10/10/âm lịch: lễ tưởng niệm,dâng hương
- Tối 10/10 âm lịch: Lễ tạ
Phần hội :
- Chiều ngày 14 tháng ba và chiều ngày 09 tháng mười âm lịch: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền.
- Chiều ngày 15 tháng ba và chiều ngày 10 tháng 10 âm lịch: Hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người.
- Sáng ngày 16 tháng ba và chiều ngày 11 tháng mười âm lịch: Rước sắc bằng thuyền từ đền về nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét