S.T
Trong số các nữ tướng của Trưng Vương có rất nhiều nhân vật kiệt xuất nhưng chỉ một người vinh dự được bà nhận làm em kết nghĩa, đó là Quý Lan.
Gái má hồng dựng cờ cứu nước
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở Việt Nam là những trang sử vàng của một dân tộc không bao giờ cúi đầu trước cường quyền tàn bạo, không cam chịu xích xiềng nô lệ.
Trong những chặng đường khó khăn, gian khổ nhưng cũng vô cùng hào hùng đó, phụ nữ có những đóng góp rất to lớn, họ luôn sát cánh cùng cha anh, chồng con phất cao ngọn cờ đại hùng, nối tiếp nhau tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc.
Trưng Vương (Trưng Trắc) chính là hình ảnh tiêu biểu nhất của phụ nữ Việt Nam, người phụ nữ anh hùng dân tộc đầu tiên làm rạng rỡ nòi giống Tiên Rồng.
Căm hận sự tàn bạo của giặc Hán xâm lược, quyết lòng rửa thù nước trả thù nhà, bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị kêu gọi, vận động các tù trưởng, thổ hào nhiều nơi đứng lên lật đổ ách đô hộ của ngoại bang.
Ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40) nghĩa quân hội tụ ở bãi Trường Sa bên cửa sông Hát làm lễ tế cờ:
Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẹn vận sở công lênh này.
(Trích Thiên Nam ngữ lục diễn ca).
Sau khi tế cáo trời đất xin tổ tiên và chư vị thần linh phù hộ, bà Trưng Trắc phát lệnh dấy binh khởi nghĩa, thảo hịch kêu gọi các quận huyện cùng nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập cho đất nước.
Sách Việt giám thông khảo tổng luận viết vào thời Lê sơ có bình rằng: "Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng dũng lược; căm giận chính lệnh hà ngược của Tô Định, hăng hái đem người các bộ nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu"...
Trong Việt sử lịch đại tổng luận có đoạn ca ngợi: "Vua Trưng vì chồng trả thù, cùng em dấy quân, làm một trận mà lược định được 65 thành, tự lập làm vua, ấy cũng là bậc anh kiệt trong đám nữ lưu".
Người em gái kết nghĩa của Trưng Vương
Theo thần tích về nữ tướng này thì Quý Lan quê gốc ở đất Chí Linh (Hải Dương), cha là một hào trưởng trong vùng nhưng vì không chịu được cảnh áp bức của giặc Hán mới dẫn vợ lánh lên ở ẩn tại vùng đồi núi trang Tinh Luyện (nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc).
Một đêm người vợ nằm mộng thấy được cụ già đưa cho cành lan bạch diệp trắng muốt, từ đó thụ thai rồi đủ ngày đủ tháng sinh ra một bé gái; nhớ lại giấc mộng, hai vợ chồng đặt tên con là Quý Lan.
Khi trưởng thành, Quý Lan nổi tiếng thông minh, học giỏi, lại ham đọc binh thư, luyện võ nghệ. Nghe tin Trưng Trắc ở Mê Linh phát hịch kêu gọi các bậc anh kiệt cả nước cùng hợp sức lật đổ ách đô hộ của ngoại bang, Quý Lan xin phép cha mẹ về Mê Linh xin đầu quân.
Bà Trưng Trắc thấy nàng là người nhanh nhẹn, hoạt bát lại xinh đẹp nên rất yêu mến bèn đề nghị kết nghĩa chị em với Quý Lan.
Sau khi trở thành tâm phúc của Trưng Trắc, Quý Lan được giao nhiệm vụ đi chiêu dụ các gái tài để sung vào đội quân nội thị và nàng được giữ chức Nội Thị tướng quân.
Trước khi người chị kết nghĩa của mình phất cờ khởi nghĩa, Quý Lan đã về thăm bố mẹ và tập họp dân binh năm trang Tinh Luyện, Thản Sơn, Liễn Sơn, Ngọc Sơn, Liên Hồ thành một đội quân riêng tham gia khởi nghĩa.
Dẹp xong Tô Định, đuổi quân Hán về phương Bắc, Trưng Trắc lên ngôi xưng vua, Quý Lan được phong là An Bình công chúa.
Trưng Vương còn làm chủ hôn trong lễ cưới của Quý Lan với tướng quân họ Đinh, người trang Đào Khê bên sông Đà, nhà nối đời làm quan lang phụ đạo.
Ba năm sau, vào năm Quý Mão (43 SCN), giặc Hán lại kéo sang xâm lược, Quý Lan mang quân bản bộ theo sát Trưng Vương trong các trận đánh ác liệt với quân Hán.
Tại trận chiến ở ngã ba Bạch Hạc (nay thuộc Việt Trì, Phú Thọ), tướng giặc là Mã Viện huy động một lực lượng lớn vây hãm quân ta. Quý Lan hai tay hai kiếm tả xung hữu đột, bảo vệ Trưng Vương.
Đến trận ở Cẩm Khê (nay thuộc huyện Cẩm Khê, Phú Thọ), quân ta bị thua, Trưng Vương trước khi tự sát đã cầm tay Quý Lan ứa nước mắt mà nói rằng:
"Ta với em nghĩa là vua tôi, tình là chị em, nay gặp lúc thế cùng việc ngặt nói sao cho xiết".
Quân giặc ập đến rất đông, Trưng Vương nhìn Quý Lan mà cười rồi tắt thở. Truyền rằng, trước tình thế nguy nan, Quý Lan đặt thi hài Trưng Vương lên ngựa rồi cùng các nữ cấm quân mở đường máu chạy về phía núi Hùng (tức núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ các vua Hùng) tìm nơi an táng.
Sau đó nàng cùng các nữ binh vượt sông Lô rút về Thản Sơn tiếp tục chiến đấu cho đến khi sức cùng lực kiệt phải rút kiếm tuẫn tiết chết theo gương của Trưng Vương, người chị gái kết nghĩa của nàng.
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Truyện hay trong lịch sử Việt Nam", trang 5-8 , NXB Hồng Đức.
*Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét