Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

"Nhờ ơn" ngọn rau muống, con lợn con gà, gái làng Tây Hồ trở thành vợ vua

S.T
"Nhờ ơn" ngọn rau muống, con lợn con gà, gái làng Tây Hồ trở thành vợ vua

Dù khác biệt về danh vị nhưng trong tình yêu, đế vương hay thường dân đều gắn với chữ Duyên nhiều khi rất tình cờ, ngẫu nhiên và lạ thường.

Với muôn dân vua là người cực kỳ tôn quý; bản thân họ không ít người tự cho mình được thiên mệnh trao trọng trách lớn lao, là bậc thiên tử uy quyền.
Thế nhưng dù thế nào thì hoàng đế hay quân vương cũng chỉ là người trần mắt thịt như bao người khác, bởi vậy tình cảm, chuyện yêu đương của họ cũng mang những cung bậc của tình yêu nói chung.
Còn điểm khác là ở chỗ vì đế vương nắm giữ quyền hành tối cao, có ảnh hưởng đến cả quốc gia nên có những mối tình của họ gắn bó với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, nhưng cũng có mối tình lại rất mộc mạc, giản đơn và hồn nhiên, dung dị.
Dân gian quan niệm rằng, gặp nhau đã là có "Duyên", mà muốn gắn bó cả đời với nhau thì cần thêm chữ "Phận".
Duyên phận đưa người ta đến với nhau có khi thật tình cờ, như câu chuyện về hai cô gái họ Phạm ở làng Đông ngoại thành Thăng Long xưa, trở thành vợ vua Lý nhờ tiếng nói hay và món rau muống lạ.
Chuyện xảy ra vào thời Lý, nhưng cụ thể vào đời vua Lý nào thì không được rõ vì chuyện đã cách xa cả nghìn năm rồi, nhưng nội dung chính của câu chuyện lạ này vẫn được lưu truyền tại địa phương cho đến tận ngày nay.
Làng Đông (tức Đông Xá) là một làng cổ thuộc vùng Kẻ Bưởi, phường Yên Thái, ngoại thành Thăng Long (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội), làng nằm sát Hồ Tây và cũng rất gần Hoàng thành (đường Hoàng Hoa Thám hiện nay chính là dấu tích vòng thành thời Lý, chính vì thế trước đây còn gọi là Đường Thành).
Người ta nói vùng Kẻ Bưởi gần Hoàng thành đến mức "tiếng người ở đây nói to, vua ở trong thành cũng nghe thấy". Làng Đông thuộc Kẻ Bưởi lại là một làng càng nằm gần phía ngoài Hoàng thành.
Trong làng có gia đình họ Phạm sinh được hai người con gái đều xinh đẹp, nết na, hiếu hạnh, chăm chỉ; cô chị giỏi chăn nuôi gà lợn, cô có tiếng nói rất hay, nghe trong trẻo, thánh thót mà lại vang xa như tiếng chuông ngân.
Nhờ ơn ngọn rau muống, con lợn con gà, gái làng Tây Hồ trở thành vợ vua - Ảnh 1.
Chiều chiều, cô cất tiếng gọi con gà, con lợn về chuồng, tiếng của cô vang mãi vào cung cấm, vua Lý một hôm đi dạo bất chợt nghe thấy tiếng cô mà đâm yêu mến, rồi từ đó vua để tâm chú ý lắng nghe tiếng cô gái cất lên vào mỗi buổi chiều tà.
"Người xinh tiếng nói cũng xinh", nghe nhiều khiến nhà vua đâm mê tiếng cô gái ấy, rồi mê luôn cả người. Vua sai quan quân mang lễ vật đến làng Đông làm sính lễ đón cô chị vào cung phong làm phi tần.
Cô em gái nhờ có chị là vợ vua nên thỉnh thoảng được ra vào cung cấm thăm chị. Nếu như trong công việc thôn dã, cô chị giỏi chăn nuôi thì cô em lại giỏi trồng rau; cô có sáng kiến làm ra một loại rau muống có hình dáng kỳ lạ.
Cô chọn lựa được những vỏ ốc nhồi to đặt cạnh bờ ao, mảnh ruộng rồi bắt mỗi ngọn rau vào trong một vỏ ốc chăm bón hàng ngày khiến rau dần cuộn tròn trông rất ngộ, ngọn mập và trắng nõn nà như hình con ốc, nhìn thì lạ mắt, ăn thì ngon miệng.
Một hôm cô em vào cung thăm chị, có mang theo những ngọn rau đặc biệt ấy, người chị sai ngự thiện phòng làm món rau muống dâng lên vua. Nhà vua thưởng thức món rau lạ lấy làm hài lòng, hỏi ra thì biết loại rau đó do em gái phi tần họ Phạm tạo ra.
Món rau vừa lạ vừa ngon ấy được dân làng gọi là rau muống tiến vua, còn nhà vua cũng yêu mến luôn người trồng ra nó, thế là cô em, tức là cô gái khéo trồng rau cũng được tuyển vào cung như cô chị.
Một nhà hai con gái trở thành vợ vua còn đem lại vẻ vang, vinh dự cho cả làng Đông. Không những thế, nhà vua còn cắt một thửa ao rất rộng, nước rất trong ở làng làm quà cho họ Phạm nên ao đó về sau được gọi là "Ao Quà", đến nay dấu tích vẫn còn.
Người ta còn đồn đại rằng, hai cô gái họ Phạm nhờ gánh nước ao đó về nấu ăn, tắm gội mà càng trở lên xinh đẹp, rồi ao đó lại là món quà vua ban, mà nhưng gì liên quan đến vua đều rất cao quý, linh thiêng.
Bởi thế dân trong vùng truyền nhau nước ao có khả năng làm tăng sắc đẹp cho những người dùng nước đó để tắm, thế nên mới có câu phương ngôn: "Người xấu như ma, tắm nước Ao Quà lại đẹp như tiên" hoặc câu: "Ai mà người xấu như ma, tắm nước Ao Quà cũng đẹp như tiên".
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Truyện hay trong lịch sử Việt Nam", trang 65-68, NXB Hồng Đức.
Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét