Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Những nét đặc sắc trong Tết cổ truyền của đồng bào H’Mông ở Vân Hồ

Dân tộc H’Mông ở Vân Hồ (Sơn La) có rất nhiều nghi lễ đặc biệt đón năm mới khác biệt với các dân tộc khác trên dải đất hình chữ S.

Hằng năm, khi công việc nương rẫy được hoàn tất, những chiếc váy xòe sặc sỡ không còn được phơi ở ngoài sân mà xuất hiện trên những con đường của bản làng cũng là lúc Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc H’Mông đến.
Trẻ em H’mông vui đùa trong dịp Tết.
Ở một số bản làng của huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), tiếng khèn, tiếng sáo bắt đầu xuất hiện khắp bản, những đứa trẻ con vui sướng nô đùa trong bộ quần áo mới và trong mỗi nhà, khói hương ấm áp lan tỏa khắp nơi…
Đồng bào Mông ngày ngày chăm chỉ lao động, họ mong Tết đến để có bữa no, được vui chơi thỏa thích bù cho những ngày làm việc vất vả, khổ cực.
Giống như các dân tộc khác, người H’Mông đón Tết trong niềm hân hoan, vui vẻ. Thế nhưng, qua những lễ nghi thờ cúng, mâm cỗ... họ còn thể hiện lòng tôn kính của mình với tổ tiên ông bà – những người đã khuất.
Bàn thờ một gia đình người Mông trong ngày Tết.
Từ ngày 27, 28 âm lịch, nhiều gia đình trong bản đã bắt đầu giết lợn, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón năm mới sang. Và ngày 30 là ngày có thể coi là quan trọng nhất với rất nhiều nghi lễ truyền thống của người H’Mông.
Trên ban thờ của người H’Mông, những tờ giấy lễ của năm cũ được tháo bỏ và dán lên giấy mới với hy vọng một năm nhận được nhiều sự bảo vệ của các đấng bề trên. Theo đó, gia chủ sẽ tự tay cắt và dán lên bàn thờ những loại giấy lễ theo phong tục của dân tộc mình một cách trang trọng và tôn kính.
Được biết, mỗi dòng họ khác nhau sẽ có cách trang trí bàn thờ, dán giấy lễ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các gia đình người H’Mông đều sử dụng một loại giấy trắng đặc biệt được làm bằng cây tre, cây nứa.
Bàn thờ suốt những ngày Tết luôn được thắp đèn, thắp nhang liên tục tạo nên sự ấm cúng trong căn nhà những ngày Tết.
Ngoài ra, những ngày Tết, các công cụ lao động thường ngày sẽ được dán giấy trắng, đặt cạnh bàn thờ để thờ. Nghi lễ này người H’Mông làm để tỏ lòng biết ơn các vật dụng đã cùng con người tạo ra sản vật, giúp cuộc sống của họ được ấm no hơn.
Không chỉ có thế, một trong những nghi lễ đón Tết cổ truyền đặc biệt của đồng bào dân tộc H’mông ấy là cúng gà.
Chiếc bánh dày của người dân tộc Mông.
Đợi khi bánh dày được làm xong, giấy dán đã hoàn thành, bàn thờ Tổ tiên được trang hoàng đầy đủ. Chủ nhà bắt con gà đang sống, mang lên trước bàn thờ, xin phép và mời tổ tiên ông bà về đón Tết cùng con cháu.
Sau đó, chủ nhà tự tay cắt tiết gà ngay trước bàn thờ. Những chiếc lông gà được dán lên giấy đặt sẵn trên bàn thờ. Việc làm này theo như chia sẻ của họ là để mọi người trong nhà sẽ được kiểm soát và bảo vệ bởi các thế hệ đi trước, công việc làm nương làm rẫy được an toàn và thuận lợi hơn.
Những ngày Tết, đàn ông H’Mông sẽ là người chăm lo hương khói cho Tổ tiên và tiếp đón khách. Còn người phụ nữ H’Mông sẽ miệt mài dưới bếp, chuẩn bị những món ăn đặc sắc của nhà mình để chiêu đãi khách đến chúc Tết gia đình.
Mâm cỗ mời khách đón Tết cùng gia đình.
Trong mâm cơm Tết của người H’Mông không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh dày, thịt lợn, bát tiết canh và rượu. Họ hàng, làng xóm đến thăm, chúc mừng năm mới sẽ cùng nhau nâng chén rượu đoàn kết,cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng.
Ngày nay, một vài nét văn hóa của người H’mông đã bị pha lẫn với người Kinh trong cuộc sống. Song, họ vẫn luôn tự hào về những nét đặc trưng của dân tộc và cố gắng giữ gìn, bảo vệ.
Song Trà

Không khí đón Tết của người Mông ở Sơn La

Người Mông tại bản Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã bắt đầu đón Tết với nhiều phong tục truyền thống như mang nông cụ vào nhà dán giấy để tri ân, làm bánh dày cúng lễ tổ tiên hay chơi ném pao, thổi khèn...


VTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét