Nhà văn Uông Triều
ANTD.VN - Phố Lý Nam Đế còn có một tên gọi là “phố nhà binh.” Tại sao lại là “phố nhà binh”? Vì phố này có rất nhiều cơ quan quân đội đóng ở đây và mỗi sáng hay chiều, con đường này lúc nào cũng thấp thoáng những bóng áo xanh người lính.
Nhà số 4 phố Lý Nam Đế không chỉ là một di sản kiến trúc, một địa chỉ văn hóa, mà đã trở thành “thương hiệu” của những nhà văn khoác áo lính
Xót xa cảnh lầm than tủi cực
Từ thời Pháp thuộc, phố Lý Nam Đế đã có nhiều đơn vị quân đội đóng ở đây, thời đó phố có tên là phố tướng Giốp (Joffre). Con phố nguyên là một cạnh phía Đông của thành Hà Nội xưa và có một cửa trổ ra khu dân cư. Bây giờ cửa trổ ra trên đường Lý Nam Đế là một trong những lối chính vào trụ sở Bộ Quốc phòng, có tên gọi Cửa Đông.
Chính ở cửa phía Đông này thời Pháp thuộc đã diễn ra những cảnh lầm than tủi cực của người dân Việt lúc đó. Những đồ ăn thừa của binh lính Pháp ở khu quân sự được tuồn bán ra ngoài và những dân nghèo thành thị tranh nhau mua lại kiếm lời hoặc sinh nhai bằng thứ thức ăn thừa đó để khỏi phải chết đói. Đọc những trang văn của các nhà văn tiền chiến như Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan… miêu tả những cảnh người dân nghèo ăn cơm canh thừa trong đêm Giao thừa mà lòng không khỏi xót xa.
“Nhà số 4” gắn với cuộc đời các nhà văn quân đội
Một tòa nhà rất đẹp ở đầu phố Lý Nam Đế ở địa chỉ số 4, trước đây là nơi ở của sĩ quan cao cấp quân đội viễn chinh Pháp, giờ là trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đây là một kiểu biệt thự pha trộn phong cách Á đông và kiểu châu Âu. Ai đi qua tòa biệt thự này đều có cảm giác tòa nhà giống như một ngôi chùa cổ kính vì những mái đao cong cong, những cửa sổ tròn cách điệu, nhưng thực ra bên trong tòa nhà hiện đại, thoáng mát, có lò sưởi kiểu châu Âu, sàn gỗ lim hàng trăm năm tuổi vẫn đen bóng, những hành lang có cửa sổ tạo thành không gian thoáng đãng vừa hiện đại, vừa cổ kính. Nhưng nhắc đến tòa nhà này, không hẳn vì kiểu kiến trúc đặc trưng của nó mà nơi đây những thế hệ nhà văn Việt Nam tài năng nhất đã từng sống và làm việc.
Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4 Lý Nam Đế từng là nơi ở và làm việc của những nhà văn lừng danh một thuở: Thanh Tịnh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Nguyễn Thi, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa… Hầu hết các thế hệ nhà nhà văn quân đội đều trưởng thành từ tòa nhà này. Tôi may mắn được ở căn phòng của nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi năm xưa và biết rằng, ngày nhà văn Nguyễn Thi lên đường vào Nam chiến đấu, dường như ông đã linh cảm trước về cuộc đời mình và ông đã nắn nót viết những dòng chữ bằng phấn đỏ “Adieu Hà Nội” (Vĩnh biệt Hà Nội) lên cánh cửa phòng mình. Và sự linh cảm chẳng lành ấy đã thành sự thực.
Nguyễn Thi (bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn) hy sinh trong một trận chiến ở Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Nhà văn đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc nhưng rất nhiều tác phẩm của ông còn sống mãi và trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam như: “Người mẹ cầm súng”; “Mẹ vắng nhà”…
Trước sân tòa biệt thự xưa mà các nhà văn quân đội thường gọi thân thương là “Nhà số 4” ấy có 2 cây đại cổ thụ có tuổi đời bằng tòa nhà. Mỗi mùa xuân, sáng thức dậy là thấy hoa đại rụng trắng như tuyết trên mặt sân gạch lấm chấm vết rêu.
“Phố nhà binh”, “Phố điện tử”
Phố Lý Nam Đế có nhiều cây. Con phố này có rất nhiều xà cừ và sấu cổ thụ và đặc biệt thỉnh thoảng lại nhìn thấy những chú sóc tự do chuyền cành, nhất là vào mùa nhãn, mùa trứng gà, những cây ăn trái ở “Nhà số 4” buông thõng những chùm quả rất đẹp mắt.
Và đúng như tên gọi “phố nhà binh”, không con phố nào ở Hà Nội lại có nhiều đơn vị bộ đội đóng quân như ở Lý Nam Đế: Truyền hình; Báo; Tạp chí Văn nghệ; Điện ảnh; Tòa án; Nhà in; Nhà xuất bản… đều có trụ sở trên phố này. Vì phố của nhà binh nên ngày trước đầu phố có cổng đóng mở và cảnh vệ đứng gác soát giấy tờ, mãi sau này cổng gác mới bị bỏ. Đi trên phố bây giờ rất dễ nhìn thấy những người lính trẻ làm nhiệm vụ cảnh vệ, đứng nghiêm trang suốt 24 giờ.
Phố Lý Nam Đế thời mở cửa nổi tiếng là con phố có rất nhiều cửa hàng điện tử, điện lạnh. Từ đầu phố đến cuối phố, các cửa hàng điện tử san sát và người ta hầu như có thể tìm thấy bất cứ mặt hàng nào liên quan đến thiết bị điện tử ở đây và đã có thời Lý Nam Đế có thêm một cái tên khác: “Phố điện tử”.
Phố Lý Nam Đế xưa và nay
Phong phú những loại bánh ngon
Ngoài sự phổ biến của các đơn vị bộ đội và các cửa hàng điện tử, phố Lý Nam Đế còn có một hàng bánh rán rất nổi tiếng, đó là hàng bánh rán Gia Trịnh nằm ở giữa phố. Gọi là hàng bánh rán cho quen chứ thực ra cửa hàng có rất nhiều loại bánh, mà tôi không ngần ngại cho rằng không có hàng bánh nào ở Hà Nội có sự phong phú, đa dạng như thế: bánh rán mặn, ngọt, bánh lá gai, bánh mít, bánh ít, bánh cốt dừa, bảy sắc cầu vồng…
Có đến vài chục loại bánh được gói rất xinh xắn, hình vuông, chỉ to bằng bao diêm nhưng rất dễ thương và ăn vừa miệng. Bánh được làm ở khu riêng biệt, trên phố chỉ là nơi trưng bày, bán hàng. Những loại bánh đủ màu sắc, hương vị được xếp trên những cái mẹt nhỏ xinh xắn. Không gian nhà hàng khá rộng rãi, thoáng mát, phong cách hiện đại, khác hẳn những hàng bánh rán dân dã bán ở các vỉa hè. Những dịp lễ Tết, người xếp hàng mua bánh đông nghịt và phải đi từ sớm để có thể mua được món quà xinh xắn, dễ thương cho gia đình.
Dấu ấn lịch sử của vị vua đầu tiên xưng đế
Nhưng nhắc đến con phố này, không thể không nói đến danh nhân con phố được mang tên. Vua Lý Nam Đế (503-548) tên thật là Lý Bí, là người mở đầu cho triều đại Tiền Lý và lịch sử phải nhắc nhiều đến vị vua này vì chính ông tạo ra những dấu mốc quan trọng trong lịch sử nước Việt.
Trước hết, Lý Bí là người đầu tiên đã xưng đế trong lịch sử nước Việt và cũng là người đầu tiên có niên hiệu riêng. Lý Nam Đế khi lên ngôi đã lấy niên hiệu là Thiên Đức và đặt tên nước là Vạn Xuân. Kinh thành của ông xây dựng ngay trên cửa sông Tô Lịch ngày trước. Từ đó nước Việt có tên mới, có hoàng đế, khẳng định sự độc lập chủ quyền với nước Trung Hoa láng giềng.
Nhưng để có được quốc gia độc lập, Lý Bí đã phải nỗ lực đánh bại sự đô hộ của nhà Lương và trong tay ông lúc đó có những vị tướng tài ba mà lịch sử vẫn còn nhắc tên như Phạm Tu, Triệu Quang Phục… Và câu chuyện về lão tướng Phạm Tu 70 tuổi vẫn còn ra trận đánh giặc là tấm gương hy sinh lẫm liệt của các anh hùng dân tộc.
Nhà Tiền Lý kéo dài không lâu và vương triều của Lý Nam Đế cũng sớm tan vỡ vì các thế lực ngoại xâm lúc đó còn quá mạnh nhưng nhà nước non trẻ Vạn Xuân đã ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam, là niềm cảm hứng mạnh mẽ thôi thúc các thế hệ sau chiến đấu, bảo vệ và giữ gìn nền độc lập lâu dài. Vị vua đầu tiên xưng đế và đặt quốc hiệu cho nước Việt xứng đáng là cái tên quan trọng mà lịch sử phải ghi nhớ.
Và đúng như tên gọi “phố nhà binh”, không con phố nào ở Hà Nội lại có nhiều đơn vị bộ đội đóng quân như ở Lý Nam Đế: Truyền hình; Báo; Tạp chí Văn nghệ; Điện ảnh; Tòa án; Nhà in; Nhà xuất bản… đều có trụ sở trên phố này. Vì phố của nhà binh nên ngày trước đầu phố có cổng đóng mở và cảnh vệ đứng gác soát giấy tờ, mãi sau này cổng gác mới bị bỏ. Đi trên phố bây giờ rất dễ nhìn thấy những người lính trẻ làm nhiệm vụ cảnh vệ, đứng nghiêm trang suốt 24 giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét