ANTD.VN - Sau khi tiếm quyền nhà Lê, Mạc Đăng Dung đã lập triều Mạc nhưng bị cho là “ngụy triều”. Trong thời gian nhà Mạc ở Thăng Long, quân đội của Lê - Trịnh ở Thanh Hóa thường xuyên ra vây đánh thành, các nhà sử học gọi là cuộc chiến Nam - Bắc triều.
Lũy La Thành đắp cách đây gần 268 năm từng là hàng rào bảo vệ thành Thăng Long (Trong ảnh: Đoạn Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân ngày nay xưa vốn được Vua Mạc Mậu Hợp cho đắp lũy, đào hào để tránh sức ép liên tục của quân đội Lê - Trịnh)
Trước sức ép liên tục trong nhiều năm của quân đội Lê - Trịnh, tháng Giêng năm Mậu Tý (1588), Vua Mạc Mậu Hợp đã ra lệnh cho các quan ở tứ trấn quanh Thăng Long gồm: Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương và Kinh Bắc điều động dân về đắp lũy, đào hào. Lũy đất này dựa theo vòng thành Đại La cũ, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu (nay Nhật Tân) chạy men theo bờ tây của hồ Tây (nay là đường Lạc Long Quân) đến chợ Bưởi vòng qua trại Thủ Lệ chạy đến xã Thịnh Quang rồi quanh ra phía Nam vượt qua xã Kim Hoa đến bờ sông Hồng (nay là đường đê La Thành, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân đến Lương Yên) dài khoảng 16 cây số.
Hàng vạn người quần quật gánh đất suốt ngày đêm trong một thời gian dài đã làm thành 3 vòng lũy (tam trùng thổ lũy) vây quanh thành Thăng Long. Thành lũy đất đắp cao hơn cả mặt thành Thăng Long vài trượng. Mặt lũy rộng khoảng 25 trượng (11,75m) làm đường cho người và ngựa đi. Quanh thân lũy đều cho trồng tre và cây cối. Giữa các lũy đất là hào nước để ngăn cản bước tiến của đối phương. Quanh lũy có 3 cầu bằng gỗ bắc qua 3 hào nước gồm: Cầu Dền (cuối phố Huế, đầu phố Bạch Mai hiện nay); cầu Dừa (ngã tư Khâm Thiên ngày nay) và cầu Muống (Kim Liên ngày nay). Người bên trong muốn ra và người bên ngoài vào bắt buộc phải đi qua 3 cầu này.
Cuối năm 1591, Tiết chế Trịnh Tùng đem quân ra Bắc trực tiếp uy hiếp kinh thành Thăng Long. Để đối phó, triều đình nhà Mạc cũng điều động hơn 10 vạn binh mã tiến đến tận Hiệp Thượng, Hiệp Hạ huyện Ninh Sơn nghênh chiến. Nhưng quân Mạc thua to phải rút về thành. Đội quân Lê - Trịnh thừa thắng đuổi theo đến tận thành Thăng Long. Cùng với các cánh quân khác, đội quân Lê - Trịnh đã được chiếm thành Thăng Long. 3 cha con tướng Nguyễn Quyện ở lại thành tử thủ thì hai con là Bảo Trung hầu và Nghĩa Trạch hầu đều tử trận còn tướng Nguyễn Quyện bị bắt.
Tiết chế Trịnh Tùng sai người dẫn Nguyễn Quyện đến trước trướng hỏi kế sách giữ thành. Nguyễn Quyện nói rằng chúa nên cho san phẳng lũy vì san lũy thì quân Mạc dù có quay về được cũng không còn gì làm chỗ ẩn náu để dựng căn cứ được nữa. Trịnh Tùng nghe xong liền cho là phải, nên đã điều động toàn bộ binh mã san lấp hào lũy suốt từ Nhật Chiêu đến tận Lương Yên. Tuy nhiên kế này cũng giúp quân Mạc có thời gian rút lui sang Kinh Bắc an toàn. Vì lũy có 3 lớp nên việc san phẳng cũng mất nhiều công sức, thời gian và một số đoạn lũy lại là đê ngăn lũ sông Tô Lịch nên phải giữ lại là đoạn từ cuối phố Hoàng Hoa Thám (ngày nay) kéo đến Cầu Giấy. Từ đó, trong kinh thành Thăng Long đi các trấn bên ngoài không còn các lớp hào lũy ngăn trở nữa.
Trong nửa đầu thế kỷ XVIII, dân chúng ở quanh kinh thành nổi dậy chống lại triều đình. Triều đình nhà Lê nhiều lần cử quân đi dẹp nhưng không nổi. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1749) chúa Trịnh Doanh đích thân cầm quân đi dẹp nhưng lại sợ thành Thăng Long bị quân của Nguyễn Hữu Cầu uy hiếp nên nghe quần thần cho đắp lại lũy. Và dân chúng khắp nơi lại được huy động về Thăng Long è cổ đào đất đắp lũy bao quanh thành theo quy mô lũy đất thời Mạc. Sau khi đắp xong, chúa cho mở 8 cửa để giao tiếp với các trấn bên ngoài, khi không có việc các cửa này được đóng lại. Cùng với hệ thống cửa là các ô và suốt chiều dài lũy và phía đê sông Hồng có 16 ô để dân chúng đi lại. Các ô đều có lính canh.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã chuyển kinh đô vào Huế năm 1802 và hạ cấp thành Thăng Long xuống là Bắc thành đồng thời cho xây thành mới trên thành thời Lê với diện tích nhỏ hơn. Vì Thăng Long mất vai trò là kinh đô nên lũy đất bao quanh thành cũng không còn ý nghĩa phòng thủ. Tuy nhiên, triều Nguyễn cũng không cho phá lũy, nhưng các ô thì dần bị phá.
Theo bản đồ tỉnh thành Hà Nội 1831 có tên Hoài Đức phủ toàn đồ do Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ từng được Trần Huy Bá vẽ lại và chú giải bằng quốc ngữ năm 1956, thì lũy vẫn còn và 16 ô. Khi người Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội năm 1883, họ đã lập kế hoạch và thực hiện cải tạo khu phố cũ, xây dựng khu phố mới ở phía nam hồ Gươm thì Hà Nội bắt đầu có sự thay đổi lớn. Cuối những năm 1890, chính quyền thành phố mở rộng đường thì một số đoạn lũy gần ô bị phá bỏ. Ví dụ như phá một phần lũy Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt để mở rộng đường phố Huế - Bạch Mai.
Nhưng dần dần thân lũy và chiều dài, tên gọi có sự thay đổi. Người ta không gọi là lũy mà gọi là đê. Đầu những năm 1990 khi mở rộng quốc lộ 1 và đường Đại Cồ Việt, người ta đã phá bỏ đoạn lũy từ ghi chắn tàu Kim Liên đến ngã tư Bạch Mai - Trần Khát Chân. Tiếp đó đầu năm 2000, lũy Trần Khát chân cũng bị san phẳng để làm đường nay chỉ còn lại một đoạn ngắn. Nếu những năm 1980, bờ lũy Ô Chợ Dừa còn là nơi phơi giấy phế liệu của các bà đồng nát thì sau đó ít lâu người ta đã làm nhà, mở cửa hàng trên thân lũy, mặt lũy. Tình trạng này diễn ra gần như toàn tuyến, từ cuối phố Hoàng Hoa Thám kéo đến chỗ ghi chắn tàu Kim Liên. Di tích lũy La Thành đắp cách đây gần 268 năm hiện méo mó, biến dạng và cũng rất ít người biết nó từng là hàng rào bảo vệ thành Thăng Long xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét