Đình Phong Phú là ngôi đình nổi tiếng nhất trong TP.HCM. Theo Phó hội trưởng Hội tương tế Phan Văn Bon, đình thờ Thành hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Mặt bằng kiến trúc chính của ngôi đình được bố trí cân đối. Cổng làm theo kiểm tam quan. Ở giữa tam quan là tượng bạch mã. Sau tam quan là bàn thờ Thần nông, tiếp theo là hòn non bộ. Hai bên hòn non bộ có miếu thờ ngũ hành nương nương và miếu thờ bạch mã. Võ ca được đặt chính giữa đối diện với chính điện, cách chính điện 10,5m. Theo trục dọc công trình, giữa có tiền điện, chánh điện, nhà túc, nhà bếp, đối xứng qua trục chính bên phải là nhà truyền thống. Trên nóc mặt tiền có trang trí lưỡng long tranh châu cẩn mảnh sành nhiều màu. Bên trong đình tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Các họa tiết trang trí vẫn là những đề tài quen thuộc ở các đình miền Nam như: long, lân, quy, phụng, bát tiên, cá hóa long. Nét đặc biệt của đình Phong Phú là tượng tròn mà hầu hết các đình khác trong TP.Hồ Chí Minh không có.
Đình được công nhận Di tích quốc gia năm 2009
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các cụ trong hội đình đã có nhiều đóng góp trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ. Thời kháng Pháp, tại đình, lực lượng thanh niên tiền phong của làng Phong Phú đã tuyên thệ thành lập và phát triển thành lực lượng bộ đội địa phương. Từ đình Phong Phú bộ đội địa phương xuất quân đánh đồn Nhật, kết quả thu 5 súng trường. Ông hội trưởng đình Phong Phú đồng thời là Chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến xã. Ông đã hướng hoạt động của hội theo hướng vừa lo việc thờ thần vừa lo việc tổ chức nhân dân phục vụ kháng chiến chống Pháp. Thời kỳ chống Mỹ, đình Phong Phú là nơi tập hợp lực lượng cán bộ cách mạng của vùng Thủ Đức. Đình thường xuyên cung cấp tiền bạc, lương thực, thuốc men cho cán bộ cách mạng. Năm 1960 toàn bộ hội đình bị bắt vì bị tình nghi tiếp tế và quan hệ với cách mạng. Ở trong tù, mặc dù bị tra khảo nhưng các cụ cương quyết không khai. Khi ra tù các cụ lại tiếp tục con đường ủng hộ cách mạng. Trong đình hiện vẫn còn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ.
Lịch sử đình Phong Phú là hình ảnh điển hình thể hiện tình đoàn kết và sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Ở đây tín ngưỡng dân tộc được kết hợp với ý thức độc lập tự do tạo nên thành tích của đình Phong Phú.
Chánh điện thờ Thần hoàng bổn cảnh
Lễ chính của đình Phong Phú là lễ Kỳ Yên, diễn ra trong 3 ngày (14 - 16.11 âm lịch hàng năm). Lễ không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu quê hương, đất nước. Hằng ngày đình Phong Phú vẫn mở cửa đón khách đến cúng thần theo tín ngưỡng, ngoài ra thường xuyên có các thanh thiếu niên đến tham quan và cắm trại trong khuôn viên, kết hợp sinh hoạt vui chơi với học tập truyền thống cách mạng.
HL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét