Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

'Chuyện tình' anh bán chiếu Định Yên

.(Du lịch) - Không chỉ là quê hương của đồng lúa, vườn cây, xã Định Yên (nằm giữa 2 dòng sông Tiền và sông Hậu của huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) còn là nơi có làng nghề dệt chiếu nổi tiếng cách đây khoảng hơn một trăm năm.
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, biết bao làng nghề truyền thống đã dần mai một; nhưng những người dân Định Yên vẫn quyết tâm giữ nghề, vẫn đang từng bước đi lên trên con đường hội nhập.
Cả làng lúc nào cũng rực rỡ bởi những sợi lác xanh, đỏ, vàng, trắng, tím,… phơi từ trong nhà ra ngoài ngõ
Cả làng lúc nào cũng rực rỡ bởi những sợi lát (nguyên liệu dệt chiếu) xanh, đỏ, vàng, trắng, tím,…
Ở Định Yên có những gia đình có cả 3 thế hệ đều làm nghề dệt chiếu. Bà Đặng Thị Lợi (70 tuổi), người đã có hơn 45 năm gắn bó với nghề dệt chiếu, cho biết, cả 3 thế hệ trong gia đình bà đều làm nghề dệt chiếu và là một trong số ít ỏi những hộ còn duy trì nghề dệt chiếu bằng tay. 
Người thợ làng chiếu đang đang nhuộm màu cho lát, từng đoạn, từng đoạn một với từng thớ màu tươi mới
Người thợ làng chiếu đang đang nhuộm màu cho lát, từng đoạn, từng đoạn một với từng thớ màu tươi mới
Nếu dệt tay, trung bình một ngày, 2 người dệt được 2 - 3 chiếc (dệt tay cần phải có hai người). Những năm gần đây, có máy móc thay thế, mỗi ngày mỗi người dệt được hơn chục chiếc (dệt máy chỉ cần một người và máy).
Có một thời, chiếu nhập khẩu lấn át nghề chiếu truyền thống, người dân phải nghĩ cách làm cho chiếc chiếu truyền thống có chất lượng hơn, đẹp hơn. Do dệt chiếu bằng thủ công, nên số lượng chiếu không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, người dân đã tìm cách chuyển sang dệt chiếu bằng máy.
Những năm gần đây, Định Yên lại vui tai với tiếng dệt máy. Khung máy dệt được trang bị thêm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Những năm gần đây, Định Yên lại vui tai với tiếng dệt máy. Khung máy dệt được trang bị thêm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Theo người dân nơi đây, người khởi xướng dệt máy đầu tiên là chàng thanh niên trẻ tuổi quê ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), đã từ bỏ công việc với mức lương hậu hĩnh ở một công ty xuất khẩu chiếu tại TP.HCM để trở về làng chiếu Định Yên mở xưởng sản xuất.
Người dân phải nghĩ cách làm cho chiếc chiếu truyền thống có chất lượng hơn
Người dân phải nghĩ cách làm cho chiếc chiếu truyền thống có chất lượng hơn
Lúc mới đầu, máy dệt nghe “nhức đầu” lắm, mặt chiếu xù xì, năng suất kém, người dân không mặn mà lắm nhưng chàng thanh niên vẫn hì hục cải tiến qui trình, máy móc rồi vận động hội Phụ nữ mời người thợ làng chiếu chỉ quen dệt tay truyền thống đến dạy cách dệt máy miễn phí.  Dần dà các thợ dệt bắt đầu quen máy. Từ ngày chuyển sang dệt máy, năng suất chiếu được tăng lên, chất lượng ngày càng cải tiến, chiếu Định Yên ngày càng vươn xa. Nhiều người cho rằng, đó là nhờ một phần tâm huyết của chàng trai trẻ đã tìm cách đưa máy dệt vào làng nghề. Và vì vậy, họ nói vui rằng đó giống như câu chuyện tình của anh bán chiếu.
Đôi tay thoăn thoắt của những người thợ đang dệt chiếu
Đôi tay thoăn thoắt của những người thợ đang dệt chiếu
Chuyện buôn bán chiếu ở đây giờ cũng nhanh và giản đơn hơn nhiều. Bà Đoàn Thị Dễ (64 tuổi, hơn 40 năm làm nghề dệt chiếu tại Định Yên), cho biết, hồi trước khi chiếu được dệt thành phẩm, người dân đem ra chợ bán. Chợ chiếu hồi trước chỉ họp vào ban đêm. Cứ tầm 12 giờ đêm là chợ họp, vài giờ là tan chợ nên mọi người còn gọi là… “chợ ma”. Các thương lái mua chiếu Định Yên rồi đem bỏ mối ở khắp các chợ dọc sông Tiền, sông Hậu. Có khi những ghe thương hồ ấy lênh đênh theo con nước, bán dạo khắp vùng sông nước Cửu Long. “Còn bây giờ, chợ ma không còn nữa nên không phải thức khuya dậy sớm. Bạn hàng tới tận nhà để mua. Mình chỉ cần ở nhà gọi điện thoại thỏa thuận giá cả, số lượng ngày giờ giao hàng là có thương lái cho xe hoặc ghe đến chở chiếu đi. Nguyên liệu dệt chiếu cũng vậy, gọi điện là họ sẽ giao tận nhà”, bà Dễ nói.
Chọn sợi lát, vật liệu để dệt nên những chiếc chiếu
Chọn sợi lát, vật liệu để dệt nên những chiếc chiếu
Một chiếc chiếu có giá từ 60.000 - 70.000 đồng. Trong khi giá lát nguyên liệu là 14.000 - 15.000/kg, cộng thêm phẩm màu, tính ra bán một chiếc chiếu tiền lời không được là bao. Nhiều người dân Định Yên cho biết, nghề dệt chiếu không mang lại sự giàu có nhưng đã nuôi sống biết bao gia đình, là nghề gắn bó với tên làng, tên đất.
Những sợi lác xanh, đỏ, vàng, trắng, tím,… phơi từ trong nhà ra ngoài ngõ
Những sợi lát xanh, đỏ, vàng, trắng, tím,… phơi từ trong nhà ra ngoài ngõ
Năm 2003, xã Định Yên được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là làng nghề truyền thống, với hơn 3.000 hộ hoạt động ngành nghề có liên quan đến nghề dệt chiếu. Trên địa bàn xã Định Yên hiện có khoảng trên 500 chiếc máy dệt với công suất 4.000 chiếc/ngày.
Chiếu Định Yên có nhiều loại: chiếu trắng, chiếu in hình hoa văn, chiếu con cò, chiếu cưới trang trí lộng lẫy,... Sản phẩm chiếu đa dạng về màu sắc, hoa văn. Bởi đặc điểm đó mà chiếu Định Yên không chỉ được dân ta ưa chuộng. Các thương lái còn mang chiếu giao cho các bạn hàng tận Campuchia, Thái Lan,…
Những chiếc chiếu trải phơi đầy khắp các khoảnh sân
Những chiếc chiếu trải phơi đầy khắp các khoảnh sân
Với ngần ấy thời gian, với biết bao con người, bao thế hệ làm nên thương hiệu chiếu Định Yên, có lẽ vì thế mà chẳng ai ở đây lại không biết dệt chiếu. Tất thảy, làm nên hơi thở, nhịp đập chẳng thể thiếu của vùng đất này.
Theo quan niệm của người dân nơi đây, đứa bé vừa sinh ra nằm nôi cũng cần đến chiếc chiếu, lớn lên cưới vợ, gả chồng dẫu có nệm gối gì chăng nữa cũng phải mua cặp chiếu tượng trưng để đám cưới kết hôn… nên nghề chiếu không thể mai một.
Những đôi bàn tay thoăn thoắt, tiếng máy dệt đều đặn cứ tiếp nối - ngày lại ngày - làng chiếu truyền thống Định Yên vẫn sẽ còn đó. Đâu đó vang lên tiếng hát: “Giúp em đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo…”.
Tây Phương

Thăm làng chiếu Định Yên

PNO - Định Yên là làng nghề có trên trăm năm tuổi bên bờ sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp. Với người dân vùng ĐBSCL, chiếu Định Yên là sản phẩm văn hoá thiêng liêng, chất lượng cao và độc đáo bởi chợ chiếu Định Yên chỉ nhóm họp vào ban đêm.
    Do chợ chiếu Định Yên nhóm họp với thời gian, không gian và phương thức mua-bán hết sức ngẫu hứng… nên còn được gọi là “chợ ma”. Chiếu “chợ ma” có khi nhóm trên sông, có khi trên bờ, rồi lúc sớm-khi muộn ứng theo con nước lớn nước ròng của sông Hậu, nhưng nhóm họp nhiều nhất tại khu vực cổng sân chùa An Phước (An Phước cổ tự, xã Định Yên).
    Làng nghề thu hút trên 4.000 lao động ở hai xã Định An và Định Yên tham gia các công đoạn nhuộm, phơi lác, dệt, vận chuyển…Hiện, chiếu Định Yên được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực và châu Âu với tổng sản lượng trên 2 triệu chiếc/năm, doanh số trên 150 tỷ đồng.
    Nhiều khả năng doanh số cũng như thị phần này sẽ tiếp tục tăng nhanh sau sự kiện Làng nghề dệt chiếu Định Yên được công nhận là “Di sản văn hoá Phi vật thể" cấp quốc gia.

     Lát, loài cỏ thân 3 cạnh là nguyên liệu chính làm ra chiếu Định Yên

     Nhuộm màu cho lát

     Phơi lát đã nhuộm trước khi đưa vào dệt

     Dệt chiếu theo phương pháp truyền thống ở làng chiếu Định Yên

    Để đáp ứng nhu cầu thời thị trường, làng nghề đã đầu tư  trang bị trên 1.000 khung dệt bằng máy

    Dù máy móc tối tân đến mấy, nghề dệt chiếu vẫn cần bàn tay tài hoa của người làng Định Yên

    May bìa vải phục vụ nhu cầu khách hàng cao cấp

     Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán

     Chuyển hàng đi nhiều tỉnh, thành 

    TÙNG HƯƠNG

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét