Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Nhà cổ dưới chân đèo Liêu


Trong bốn ngôi nhà cổ dân gian năm ngoái được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật, thì ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (thôn 4, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) có niên đại cao nhất. Nhưng dâu bể thời gian đã làm che khuất, bỏ ngỏ nhiều điều, khiến lai lịch ngôi nhà còn là ẩn số. Ai cũng ngạc nhiên, không hiểu vì sao đã trải 200 năm mà ngôi nhà vẫn còn nguyên trạng, dấu mối mọi rất ít.

Tiên Cảnh cách thị xã Tam Kỳ 35 km, cách Đà Nẵng 105km, là vùng đất trung du, gò đồi cảnh quan khá kỳ vĩ nằm giữa đèo Liêu và con sông Tiên nước chảy ngược dòng, cũng là quê hương của cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Nơi đây vốn nổi tiếng với các loại cây quế, chè, chuối, mít và nhất là lòng bong, loại trái cây được gọi là “nam trân” thường dùng làm sản vật đem về Huế dâng vua ngự thiện. Đến Tiên Cảnh là đến với những ruộng bậc thang trải dài dưới chân núi, những ngôi nhà trên đồi, lẩn khuất dưới vườn cây trái và nhất là để chiêm ngưỡng những lối đi quanh co, những ngõ xưa vắng lặng được xếp đặt bằng đá tự nhiên của miền đất trung du đầy khói sương nắng gió. Nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh cách nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng khoảng 500m, được xây cất trên đồi cao. Đường hun hút với những tầng cấp xếp đá, giữa những hàng cây che bóng, cứ ngỡ như đang từng bước lên non thăm một ẩn sĩ đời xưa.

Khác với nhà cổ Huế thanh thoát và dành nhiều không gian để thư nhàn ngắm trăng đàm đạo, uống rượu ngâm thơ của các quan lại, quý tộc thời trước, nhà Quảng Nam xây dựng theo kiểu “ăn chắc mặc bền”, vừa là chỗ ở, vừa là nơi làm việc (thu thuế, tính thóc lúa, ghi chép sổ sách nông vụ…) và trước nhà chính luôn có sân phơi, dãy nhà phụ để làm bếp, chỗ nghỉ, chỗ để nông cụ, lương thực… Nhà cụ Anh được xây cất theo phong cách như thế: Nhà gỗ với vật liệu tồn bằng gỗ mít gồm 36 cột rất chắc chắn, đặc biệt là 16 cột cái rất to, chu vi vòng cột đến 1m, có dãy nhà phụ. Kết cấu vì kèo theo kiểu tam đoạn (ba đoạn kèo tính từ thượng lương xuống) mà theo chủ nhà cho biết, mỗi đoạn kèo ngay trước được chạm khắc cả tháng công cho một người thợ. Đầu kèo lồng ba khắc chạm tinh tế công phu hình tùng lộc, mai điểu và nhiều loài khác nhu bướm, én trĩ… Nhà có bố cục ba gian, hai chái. Phía đằng Tây dành thờ tổ tiên, bàn thờ hương án còn nguyên vẹn với hai cột câu đối, như một niềm mong ước mà người xây nhà gởi lại đời sau: “Bách tải thiện bằng bồi phước trạch. Nhất sinh trì thủ trọng cương thường” (Dịch nghĩa: Làm trăm việc thiện để đắp bồi phước đức. Đời người quan trọng là giữ đạo lý cương thường - tam cương, ngũ thường của Nho giáo). Gian chính giữa thờ thần linh. Nghệ thuật khắc chạm, trang trí hoa văn của người thợ Vân Hà xưa thể hiện rất ấn tượng ở phần tương quả, gia thu, thủ quyển trên trần nhà.

Cụ Anh năm nay đã 90 tuổi, kể rằng cụ là đời thứ tư, nhà do ông cố nội xây và qua mỗi đời đều dành cho con trai trưởng trông coi làm nơi thờ tự. Có lẽ vì thế mà ngôi nhà được giữ gìn rất cẩn thận, hơn nữa vùng Tiên Cảnh là vùng gò đồi, nhà lại ở trên cao nên tránh được cái hư hại của lũ lụt miền Trung. Ban đầu nhà lợp bằng tranh, nhưng vào năm 1941, cụ Anh cho lợp lại ngói vồng, xây tường đá, tô bằng vôi trộn với đường, mật mía.
Ngôi nhà cổ này đã nhiều lần có người quyền cao chức trọng - kể cả tổng thống chế độ cũ - tìm đến hỏi mua, nhưng tất cả đều bị từ chối. Lời từ chối không dễ dàng chút nào, nếu chủ nhà không có một tấm lòng hiếu nghĩa với cha ông, với di sản của tiền nhân để lại./.
Bài: Hồ Sỹ Bình; Ảnh: La Thanh Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét