Huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An là huyện có đường biên giới
dài nhất của tỉnh Nghệ An với nước bạn Lào anh em. Là một trong những
huyện miền núi nghèo nhất nước, lại nằm ở vị trí ngã ba giữa tỉnh Nghệ
An, Thanh Hóa và các dãy núi liên tiếp vùng biên giới nước bạn Lào, Quế
Phong có đầy đủ những đặc trưng miền sơn cước Tây Bắc bộ.
Thiên nhiên Quế Phong vẫn giữ lại gần như nguyên vẹn những cánh rừng
nhiệt đới cổ thụ, những thung lũng ruộng bậc thang với lúa nương vàng
óng, thơm lừng của người dân tộc Thái. Cách thị trấn Quế Phong khoảng
15km là thác Sao Va hùng vĩ nhưng không kém phần nên thơ. Con đường đèo
độc đạo chạy khắp huyện có hàng loạt khúc cua tay áo rất ngoạn mục, mỗi
lần qua một khúc cua là khung cảnh sơn thủy lại thay đổi khiến du khách
như đang xem những bức tranh thủy mặc cổ xưa.
Thơ mộng và hoành tráng nhất tại Quế Phong là hồ thủy điện Hủa Na.
Với diện tích hàng ngàn ha trải dài theo hình chữ S suốt hai xã Đồng Văn
và Phong Thụ, hồ Hủa Na có đặc sản các trạch trấu, cá đối trắng thịt
dai, vị ngọt thanh rất độc đáo. Ngoài ra hàng chục loại thủy sản, măng
rừng, cây thuốc đặc sản của vùng Quế Phong được người dân địa phương nơi
đây khai thác hàng trăm năm nay. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Thái của
Quế Phong lưu giữ nhiều nét đặc trưng của văn hóa Thái từ ngàn xưa và
nổi tiếng hiếu khách. Anh Vũ Đình Tuấn, người làm công tác đền bù tái
định cư tại Hủa Na đã có thâm niên 5 năm “cắm bản” tại Quế Phong chia
sẻ, khi có khách đến nhà, người dân tộc Thái luôn dành cho khách chiếc
gối mới, cái chăn ấm nhất trong nhà, thậm chí có thể nhường cả cái
giường duy nhất trong nhà mà cả gia đình đang nằm cho khách còn vợ
chồng, con cái xuống dưới sàn ngủ. Người Thái còn thể hiện một tập quán
rất đặc biệt thể hiện sự tôn trọng khách quý là vắt cơm nếp đầu tiên,
chén rượu đầu tiên trong bữa ăn là dành cho khách…”. Theo con đường lên
vùng thủy điện Hủa Na, cách huyện Quế Phong khoảng 20km, thác Sao Va
(tiếng dân tộc Thái là 20 sải tay) trải rộng hơn 100m tung bọt trắng xóa
trong một thung lũng nhỏ với một truyền thuyết khá đặc biệt. Người dân
tộc Thái cho rằng đây là dòng thác các tiên nữ con gái của vua Thủy Tề
thường hay tắm mỗi khi xuống nhân gian. Bởi vậy các chàng trai còn đồng
nam không được phép tắm dưới thác nếu không sẽ bị các tiên nữ mang lên
trời.
Thác Sao Va có hồ nước lớn rộng khoảng 800m2 nơi chân thác. Hồ nước
này nhìn có vẻ hiền từ nhưng lại có độ sâu ít ai đo được. Theo bà con ở
đây kể lại, nó có độ sâu hai mươi sải tay, tương đương với 30m. Hàng
năm, về mùa mưa lũ, nơi thượng nguồn sẽ có lũ lớn đổ về, cùng với độ dốc
hai bên sườn núi sẽ làm cho đất đá lở xuống và tấp về hồ nước này nên
tạo ra trong hồ nước có những tảng đá lớn bằng cả ngôi nhà. Đã có hàng
ngàn trận lũ lớn cuốn tới hồ Sa Va trong những năm qua nhưng số đá lớn
đó xuống hồ rồi trôi đi đâu, về đâu mà hồ nước vẫn xanh trong thăm thẳm,
đây thực sự là một điều bí hiểm của vùng đại ngàn xứ Nghệ. Từ thác Sao
Va, nếu chịu khó có thể ngược dốc Phú Phương lên đỉnh Pú Pỏm để đến với
Đền Chín Gian, nơi khai lập 9 mường lớn, xem những dấu tích của lịch sử
từ những thế kỷ XV còn được mọi người kể hoặc được ghi lại trong sử
sách, để chứng kiến các nghi lễ truyền thống như Lễ rước, Lễ chém trâu,
Lễ Đại tế, Lễ tạ. Từ Thành phố Vinh, vượt gần 40 km đèo núi, mở ra trước
mắt chúng tôi là một vùng núi non hoang sơ đẹp như một bức tranh thủy
mặc với hồ nước rộng hàng trăm ha nằm nghiêng mình trong những dãy núi
trùng điệp của miền Tây xứ Nghệ. Lần đầu tiên đến với Hủa Na, nhiều
khách thăm quan đã không khỏi ngỡ ngàng với những cảnh đẹp quanh khu vực
này, nhiều người đã phải bật thốt lên “Có phải đây là Đà Lạt của xứ
Nghệ?”.
Nói cũng không ngoa khi ngay từ ngoại vi huyện Quế Phong, một vùng
thung lũng rộng lớn bằng phẳng trải dài theo hai bên bờ sông Chu hiền
hòa là hàng trăm ha ruộng lúa xanh mướt tầm mắt đang dập dờn trong nắng
thu vàng óng như mật ong. Đôi bờ sông có hàng chục chiếc guồng lấy nước
màu nâu sậm cao hơn 20m đang thong thả quay theo dòng chảy của sông đưa
nước phù sa vào các cánh đồng. Đàn cò trắng bay lượn rợp trời đem lại
cảm giác thanh bình không gì sánh nổi. Nếu chỉ có những thung lũng lúa
vàng, thác nước Sao Va hay đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái thì chưa
thể so sánh vùng núi rừng Quế Phong thành một thắng cảnh huyền thoại như
Đà Lạt. Điểm nhấn ở đây chính là Hồ Thủy điện Hủa Na. Với diện tích
2.042 km2, Hồ Hủa Na mới được tích nước hơn 1 năm nay nên giữ lại tất cả
những hoang sơ e ấp của miền sơn cước. Những vạt rừng nhiệt đới thẳng
tắp, với hàng trăm loại cây gỗ quý muôn hình muôn trạng được Công ty cổ
phần thủy điện Hủa Na giữ bảo tồn nguyên trạng bao bọc rập rạp và tỏa
bóng xanh ngát xuống mặt hồ. Những vạt cây rừng trong vùng lòng hồ vẫn
còn vươn ngọn lấp ló mặt nước đã trở thành nguồn thức ăn và nơi trú ngụ
cho nhiều loại thủy sản đang theo con nước sông Chu về làm tổ tại Hủa
Na. Mỗi chiều người dân trong các bản Huội Muồng, Nậm Khe lại có thêm
một nghề mới là bắt cá trên mặt hồ. Chị Lữ Thị Lý, thuộc khu tái định cư
Nậm Khe cho biết: “Chồng em và 3 người nữa trong bản mỗi ngày cũng lưới
được từ 60-80kg cá trên hồ nên thu nhập cũng ổn định và đều đặn”. Nhìn
những con cá tươi ngon mà người phụ nữ trẻ đang trên đường ra chợ bán,
chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang về trên Hủa Na, một vùng đất
hoang sơ còn đang cần được khai phá, phát triển.
Theo Petrotimes.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét