Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

. . Long Tiên: thạch động ở Thủ đô

Người xưa kể rằng, từ thuở khai thiên lập địa, bỗng có sao tử vi sa xuống vùng đất Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm thành dãy Tử Trầm Sơn kỳ vĩ. Ngọn núi này trên có chùa, dưới có động, xung quanh phong thủy hữu tình nên được liệt vào hàng danh thắng.

Thạch động giữa đồng bằng

Dãy Tử Trầm Sơn vốn được coi là một hiện tượng độc đáo của trời đất khi một mình sừng sững giữa vùng đồng bằng trù phú. Người xưa cho rằng, dãy núi này có phong, có thủy, có động, có chùa nên không những là một danh thắng mà còn là nơi nhiều vượng khí. Trong lòng núi còn xuất hiện một thạch động rất đẹp. Từ xưa, người ta gọi đây là động Long Tiên.

Nhìn bên ngoài, cửa động khá hẹp, rộng chừng hơn 7m và chỉ cao hơn 3m. Trong động có chùa được xây dựng từ thế kỷ XV. Lần đầu đến với Tử Trầm Sơn, chúng tôi không khỏi bất ngờ và thích thú khi phát hiện ra một thạch động giữa đồng bằng. Nhìn từ bên ngoài, động Long Tiên là một vùng tối đầy bí hiểm. Bước vào đó hầu như rất khó có thể quan sát được mọi vật.

Mỗi người chúng tôi trong tay cầm một chiếc đèn pin, đi men theo những bậc đá lạnh để vào sâu hơn. Tiếng bước chân vang vào lòng núi, không khí ẩm ướt, lạnh lẽo, mùi trầm hương và tiếng tí tách của những giọt nước từ lòng núi tạo nên màu sắc huyền bí, rất liêu trai.
Chùa trong động Long Tiên được gọi là chùa Hang, được xây dựng rất độc đáo. Đầu tiên là dãy những tượng Phật bằng đá được đặt ở ngay lối vào. Càng vào sâu thì tượng phật lại được đặt cao hơn. Theo quan sát của chúng tôi, bức tượng Phật to nhất ở đây được đặt ở vị trí cao nhất, vào tầm lưng chừng lòng núi.

Chúng tôi phải leo dần theo những bậc thang hẹp, xoáy dần lên tới gần bức tượng Phật. Vào những ngày âm u, thật khó để chiêm ngưỡng những nhũ đá trong động sâu. Thế nhưng, những ngày trời nắng, ánh sáng chiếu qua những khe nhỏ bên sườn núi và trên đỉnh núi tạo nên khung cảnh thật tuyệt vời. Nhìn từ dưới lên, hàng ngàn nhũ đá với đủ các hình thù, màu sắc trông giống như một bức tranh được tạc vào vách đá vậy.


Trong bức tranh kỳ thú này, cuộc sống nơi tiên giới được thiên nhiên tạo tác với muôn hình vạn trạng. Nào là mái tóc tiên, khánh đá, chuông đá, nào là hình rồng, hình chim, hoa sen đá... rất sinh động. Thời xưa, vua Lê chúa Trịnh đã đặt hành cung ở đây để thưởng ngắm cảnh vật. Trong động, hiện còn lưu giữ được 15 tác phẩm thơ văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa. Đặc biệt nhất, trong động còn có hai lối đi, một lối lên đỉnh núi và một lối đi xuống hang sâu. Dân gian gọi đây là lối đi lên trời và đường xuống địa phủ.

Nơi Bác Hồ từng làm việc


Không những là một danh thắng mà động Long Tiên còn là nơi Hồ Chủ Tịch đã từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Do đặc điểm là một hang động sâu, lại nằm kín ngay dưới núi Tử Trầm, hơn nữa miệng hang lại hẹp, cây cối um tùm nên nhìn từ bên ngoài vào rất khó bị phát hiện.

Khi cách mạng mới giành chính quyền, tình hình lúc đó rất phức tạp nên Trung ương Đảng đã quyết định chọn nơi này làm địa điểm làm việc cho Bác. Cũng tại nơi này, lời hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch đã được phát đi.


Như vậy, động Long Tiên không chỉ là nơi Bác làm việc mà đây còn là trụ sở đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay người ta đã xây dựng trước cửa động một đài tưởng niệm về sự kiện này. Không chỉ là một địa điểm quan trọng trong thời kỳ đầu cách mạng, động Long Tiên nói riêng và cả cụm di tích chùa Trầm nói chung đều trở thành "tổng hành dinh" của bộ đội ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1967 đến 1975, nơi đây còn là "tổng hành dinh" của Sở chỉ huy K12, nơi điều hành bộ máy chiến đấu gồm các binh chủng: Tên lửa, ra đa, không quân, cao xạ... Không chỉ đơn thuần có giá trị thẩm mỹ mà động Long Tiên còn mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Chính vì những giá trị như vậy mà nơi đây có giá trị to lớn trong việc phát triển du lịch. Chỉ tiếc là các cơ quan chức năng lại chưa quy hoạch tốt điều này. Sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ chưa được đầu tư để phục vụ khách tham quan. Đa phần các hàng quán nơi đây đều do dân tự lập nên, tự kinh doanh. Không gian trước cửa động và cửa chùa đều bị "xẻ thịt" bởi những dãy bạt chăng tạm bợ trông rất mất mỹ quan. Xung quanh cụm di tích này, người dân còn lập ra những cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Hàng ngày tiếng mài đá inh ỏi, tiếng đục đẽo, tiếng máy khoan đá ầm ầm làm mất đi cảnh quan yên tĩnh vốn có của cụm di tích nổi tiếng này.
Theo Làng Việt
.

Thạch động Long Tiên - “Món quà” thiên nhiên ban tặng Thủ đô

(Dân trí) - Từng là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung và nơi Bác Hồ từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến, động Long Tiên vẫn giữ được nét cổ kính ngàn xưa.

Dãy Từ Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội vốn được coi là một hiện tượng thiên nhiên độc đáo của đất trời bởi hội tụ đầy đủ phong, thủy, động và chùa. Ngoài ra, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng cho một hang động tuyệt đẹp nằm sâu trong lòng núi, với tên gọi động Long Tiên.

Động rộng gần 200 m2, nhìn từ bên ngoài, cửa động khá hẹp, rộng chừng hơn 7m và chỉ cao hơn 3m. Người đặt tên cho động Long Tiên chính là Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông.

Do nằm sâu trong lòng núi, ít có ánh sáng chiếu vào nên động Long Tiên được bao phủ một vùng tối đầy bí hiểm. Chính vì vậy, khách du lịch vào tham quan động thường chuẩn bị cho mình những chiếc đèn pin để có thể dễ dàng đi lại và quan sát mọi vật bên trong.

Đặt những bước chân đầu tiên vào động Long Tiên nhiều người sẽ có cảm giác rùng mình bởi sự lạnh lẽo cùng không khí ẩm ướt. Tuy nhiên, cảm giác đó sẽ biến mất khi được tận mắt chiêm ngưỡng những tuyệt tác long lanh từ nhũ đá và nước ngầm của thiên nhiên.
Cửa động Long Tiên nhìn từ bên ngoài vào (ảnh: Internet)
Cửa động Long Tiên nhìn từ bên ngoài vào (ảnh: Internet)

Trong động Long Tiên còn có một ngôi chùa với tên gọi là chùa Hang được xây dựng từ thế kỷ XV với hơn 50 tượng đá được đặt ở các vị trí khác nhau.  Ngoài ra, chùa còn có các văn bia khắc trên vách động, trống đá, khánh đá đầy ấn tượng.

Được biết, động Long Tiên không chỉ là nơi vua Lê chúa Trịnh đã đặt hành cung để thưởng ngắm cảnh vật mà còn là nơi Bác Hồ từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Hiện nay, trong động vẫn còn lưu giữ 15 tác phẩm thơ văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1967 đến 1975, nơi đây còn là "tổng hành dinh" của Sở chỉ huy K12, nơi điều hành bộ máy chiến đấu gồm các binh chủng: Tên lửa, rađa, không quân, cao xạ...

Động Long Tiên có hang thông lên đỉnh núi, lại có ngách thông với hầm sâu nên cảnh sắc thêm lung linh huyền ảo.

Ra khỏi động, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm núi Tử Trầm và bao quát cả một vùng đất rộng lớn, trù phú dưới chân núi.

Với những giá trị lịch sử và vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên ban tặng, giờ đây, động Long Tiên đang trở thành địa danh hấp dẫn thu hút khách tham quan ở nhiều địa phương khác nhau.

Nhữ Trang – Duy Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét