Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Trái bình bát









Cây bình bát.
(TBKTSG Online) - Miền quê Tây Nam bộ có đặc thù địa hình là những kênh rạch chằng chịt. Vùng đất thấp ven sông, dọc hai mé kênh, có nhiều phèn, cùng với khí hậu nóng ẩm là điều kiện để cây bình bát – một loại cây hoang mọc đầy, tạo nên một màu xanh ngát cả vùng.
Bình bát là loại cây gỗ nhỡ, cao khoảng 5 - 3 mét. Lá đơn, mọc so le, lá có mùi hôi đặc trưng. Cây bình bát thường được làm củi đốt. Người bình dân thường đốn bình bát về ngâm, bỏ lớp da ngoài, lấy lớp da trong làm dây bện thắt thành những chiếc võng đưa, vừa dai, vừa chắc. Trẻ con miền quê, sáng sáng thường hay đi dọc theo mé kênh, rạch để lượm bình bát chín.
Bình bát trổ bông màu trắng, cánh hình trái tim. Bông cho quả non màu xanh, da sần sùi, đến khi bình bát chín trái ngả sang màu vàng. Trái chín gặp cơn gió nhẹ là rụng xuống đất. Lượm bình bát chín bẻ ra ăn ngay vừa ngọt vừa có mùi hôi hôi đặc biệt. Cầu kì hơn thì đem những trái bình bát ấy về, dùng tay bẻ ra, gợt bỏ vỏ rồi bỏ vô ly dầm với đường, thêm ít viên nước đá là thứ giải khát tuyệt diệu lúc trưa hè.
Trái bình bát chín.
Bình bát dầm đường.
Cơm bình bát màu vàng nhạt, bên trong là hột màu vàng sậm hơn. Có người chỉ lừa ăn cơm bao quanh nhả hột. Có người lại khi ăn lại nuốt luôn cả hột cũng chẳng sao.
Theo kinh nghiệm dân gian, trái bình bát chín ăn nhiều trị được chứng thiếu máu, hay chữa được bệnh khí hư (huyết trắng) ở phụ nữ.
Trái bình bát xanh được sấy khô, nghiền thành bột dùng chữa tiêu chảy và bệnh lỵ. Vỏ cây giã nát dùng đắp quanh nướu răng để làm giảm nhức răng. Nước sắc vỏ cây bình bát được dùng như thức uống giải nhiệt.
Hột bình bát từ những trái già, giã nhỏ, nấu với nước làm nước gội đầu (không nên để nước bắn vào mắt), hoặc ngâm quần áo để trừ chí, rận. Ngoài ra, hột bình bát đốt thành tro, trộn với dầu dừa bôi chữa ghẻ rất hay. Nhưng lưu ý là tất cả các cách nói trên chỉ là từ những lời kể dân gian đều phải tham khảo ý kiến nhà chuyên môn khi áp dụng.
Đến đây, người viết bỗng bồi hồi nhớ lại câu ca dao mà bà đã hát thuở xưa, xin mượn tạm để thay cho lời kết:
Hương thôn sâu nặng nghĩa tình
Xa quê vẫn nhớ vị bình bát quê.
 Bài và ảnh: Thạch Ba Xuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét