(
Du lịch) -
Hiếm
có nơi nào người và tro gắn bó với nhau quanh năm suốt tháng như ở đây.
Tro hiện diện mọi lúc mọi nơi, trong chén cơm có bụi tro, trong ly nước
có tàn tro và ngay cả trong giấc ngủ cũng mang vụ mặn của tro. Có những
gia đình đã 2 – 3 thế hệ gắn bó với tro.
“Thương cảng” tro “độc nhất vô nhị”
Lọt vào kinh Trà Thôn, tới ấp Long Quới 1 (xã Long Điền B, Huyện Chợ
Mới, tỉnh An Giang) là coi như tới chợ tro “độc nhất vô nhị” ở miền Tây.
Dưới kinh ghe nhỏ, tàu lớn buôn bán tấp nập. Ghe, tàu nào cũng lố nhố
bóng người giậm tro, cào tro, đội tro,...Còn hai bên đường, đi tới đâu
cũng thấy những đụn tro chất đống, cao lêu nghêu đã được quây bạt che
mưa. Đó là những vựa tro được chủ vựa mua lại để chuẩn bị chuyển đi bán
lại cho các chủ vườn, nhà ruộng ở các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình
Dương, Đồng Nai.
|
“Thương cảng tro rơm” tấp nập ở kinh Trà Thôn |
Quẹt vội vệt bụi tro đang bám trên mặt, chị Võ Thị Bé Năm (42 tuổi)
cho biết, gia đình chị đã gắn bó với nghề tro này hơn 20 năm. Hầu như
ngày nào cũng “ăn ngủ” với tro. Mặt mũi không đen nhẻm là “ăn cơm không
ngon”.
Nhà chị Bé Năm có 3 người thì cả 3 sống bằng nghề tro. Chồng chị, anh
Trần Văn Chung (người dân quen gọi anh là Bảy Chuối) hằng ngày phải
rong ruổi tứ xứ cùng đứa con trai 17 tuổi để thu gom tro rơm đem về.
|
Sống được với nghề, những người dân nơi đây phải đổ những giọt mồ hôi nhuốm màu tro bạc |
Để có đủ nguồn tro rơm cung cấp cho chủ vựa, các chủ nghe như chị Bé
Năm phải lặn lội đi mua rơm ở các cánh đồng lúa sau mùa thu hoạch của
vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên, vào Nông trường Sông Hậu,
Nông trường Cờ Đỏ (Cần Thơ) hoặc phải qua tận các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh
Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.
|
Em Lê Thị Cẩm Tú (15 tuổi, áo đỏ) đang cào tro thuê cho ghe nhà chị Bé Năm và anh Chung (Bảy Chuối) |
Chị Bé Năm nói: “Có khi phải đi cả tuần mới về đến nhà. Cuộc sống chủ
yếu là ở trên ghe”. Phụ nữ xứ này không ai là không đen đúa như tro
nhưng vì hầu hết những người dân nơi đây không ai có ruộng vườn nên buộc
phải mưu sinh bằng nghề buôn bán tro. “Tụi tui hít bụi tro, ăn bụi tro
từ nhỏ nên riết rồi cũng miễn dịch với bụi tro. Mà cũng lạ lắm nghen,
tụi tui chả khi nào bị ho hen, sổ mũi. Mà tui cũng chưa thấy ai chết vì
cái nghề làm tro này. Trước đó, ông bà, cha mẹ tụi tui cũng mần nghề
này, nhưng họ vẫn sống khỏe mạnh tới già”, chị Bé Năm vừa cười vừa nói.
|
Phụ nữ xứ này không ai là không “đen đúa như tro” |
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (45 tuổi), đang hì hụi cào tro vào bao, vừa
nói: “Tui cũng làm nghề này lâu lắm rồi. Hồi còn nhỏ tới bây giờ. Dân
xứ tro mà không hửi bụi tro, không hít bụi tro, không đen đúa như tro
thì không phải dân ...xứ tro”.
|
Tro rơm đã cho cả vùng quê nghèo khó này công
ăn, việc làm. Trung bình một người làm thuê cho các chủ ghe, chủa vựa
mỗi ngày cũng kiếm được 100 – 150 ngàn đồng. |
Theo lời chị Thúy, thì không biết chợ tro này có từ hồi nào, nhưng
theo lời ông bà kể lại thì chợ tro ra đời từ những năm 1975. Lúc đầu chỉ
có lèo tèo vài ba hộ bán tro cho các điểm trồng hoa kiểng ở các xã lân
cận. Theo thời gian, nghề tro phát triển dần. Nhiều người trong xóm sống
được với nghề này nên lôi kéo các hộ khác tham gia. Ấp này hiện có
khoảng 100 hộ mua bán tro và vựa tro; còn số lao động gắn với nghề tro
có hơn 200 người.
Một trong 100 phiên chợ độc đáo của Việt Nam
Từ sáng sớm đến tận chiều, thương cảng tro rơm Trà Thôn lúc nào cũng
tấp nập ghe. Dọc theo kinh Trà Thôn, hàng trăm ghe chở tro nới nhau neo
đậu hai bên bờ kênh, ra tới dòng sông ông Chưởng, với bán kính khoảng
1.000m, kẻ mua, người bán nhộn nhịp. Hễ có tro, sau khi thỏa thuận xong
giá cả giữa chủ ghe và chủ vựa thì người cào tro thuê sẽ cào tro vào bao
và vác lên bờ. Người bán (chủ ghe) thường là những hộ gia đình chỉ có
ghe khoảng 10 tấn trở xuống. Họ bỏ công đi thu gom tro ở các tỉnh. Mỗi
đợt thu gom đầy ghe tro khoảng 10 ngày, rồi về lại bến Trà Thôn bán lại
cho các ghe lớn (chủ vựa). Nghỉ ngơi một vài ngày họ lại tiếp tục chuyến
khác.
|
Để gom được một ghe đầy tro như thế này, vợ chồng anh Chung phải mất cả chục ngày rong ruổi ở các tỉnh miền Tây |
Anh Trần Văn Chung (Bảy Chuối), cho biết, bình quân một ghe anh thu
gom từ 1.200 giạ đến 2.000 giạ tro rơm; nhưng phải mất cả chục ngày đi
gom. Về bán kiếm lời được vài triệu đồng. Nếu xoay vòng được nhiều
chuyến thì nguồn thu nhập nâng lên, lợi nhuận trung bình cũng kiếm được 3
– 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, giá tro rơm thường
rớt giá nên có khi chỉ huề vốn. Những năm gần đây, do bà con mình sử
dụng máy cắt lúa nên lượng rơm không có nhiều. Nên có khi cả nửa tháng
mới thu gom được một chuyến, chủ yếu lấy công làm lời.
|
Những phụ nữ kiếm thêm thu nhập bằng nghề “giậm tro” thuê cho các chủ vựa |
Chị Võ Thị Bé Năm (vợ anh Chung), cho biết thêm: “Nghề này vừa đen
đúa, vừa vất vả nhưng nếu không làm nghề này thì cũng không biết làm
nghề nào, vì nhà không có đất đai canh tác”.
Thời điểm này, giá tro dao động từ 3.800 – 4.000 đồng/ 1 giạ. Các chủ
vựa ở Trà Thôn sau khi mua sẽ đưa vào kho dự trữ đến tháng 8, tháng 9
sẽ chở đi (khoảng 10.000 – 20.000 giạ/ghe) bán lại cho những nơi có nhu
cầu trồng hoa kiểng, hoa màu ở các tỉnh Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai,
Tây Ninh,...với giá dao động từ 6.000 – 10.000 đồng/giạ. Ông Lê Văn
Than (57 tuổi, một chủ vựa ở Trà Thôn), cho biết: “Tro rơm là một loại
phân bón rất thích hợp với các loại hoa màu, cây kiểng nên được nhiều
nhà vườn sử dụng”.
|
Nhiều gia đình đã 2 – 3 thế hệ gắn bó với nghề tro rơm |
Có một điều khiến người dân xứ tro không giấu được niềm tự hào là vào
tháng 9.2011, chợ tro Trà Thôn được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam
(Vietkings) tặng danh hiệu 1 trong 100 phiên chợ độc đáo của Việt Nam.
Tranh thủ lúc nghỉ trưa, những anh chị em xứ tro lại vang lên cầu
vọng cổ cải biên bản vọng cổ Tình anh bán chiếu. Rằng “tro Trà Thôn cắm
sào khắp ngã/ thấy tôi đen đúa anh chớ vội cười/ tro này bán hỏng mắc
đâu/ ruộng vườn anh trúng, chúng mình nên duyên...”.
Trầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét