Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Bánh ướt “ướt át” như cao lầu…


31huongviquenha
Mọi sự làm mới trong ẩm thực nhằm tránh nhàm chán miệng… đời, đều lãnh đủ bao lời khen, tiếng chê. May thay, món bánh ướt đang đề cập, cứ làm người bán toát mồ hôi từng chập vì đông nghẹt khách.
Câu hỏi lớn đầu tiên khi chúng tôi quay lại TP Đà Lạt diễm lệ trong ngày mưa bão lê thê vẫn là: có món gì ngon? Không ngờ, đây là dịp tốt để chị bạn khá sành ăn – đã đến trước một hôm – xả núi tức trong lòng. “Ăn bánh ướt lòng gà chưa? – Ngon lắm luôn mà chảnh thấy ớn!”, giọng chị đầy ấm ức.
Không ấm ức sao được, khi chị dịu dàng mời chủ quán này tham gia hội ẩm thực Tây Nguyên tầm cỡ – cơ hội tốt để quảng bá đặc sản vùng miền – có cả phí hỗ trợ 3 triệu đồng của ban tổ chức. Nhưng chị nhận được câu trả lời lạnh hơn cả sương đêm chốn này: “Không đủ sở hụi (vốn)!”.
Cho nên chúng tôi quyết định, dù nổi giông bão cấp 10 – 12, cũng phải lặn lội đến nơi ăn thử, từ 14 giờ, ở 15F Tăng Bạt Hổ, P.1, TP Đà Lạt.
Điểm lạ đầu tiên là, bánh được bày trong tô chứ không phải trong dĩa, như ở một số quán Sài Gòn hoặc tại Phú Yên. Dưới đáy tô, có ít nước luộc gà ngọt thơm đã nêm vừa đủ mặn, không cần thêm nước chấm. “Dáng” tô bánh khá giống món cao lầu hoặc mì Quảng hơn.
Ở cao nguyên sẵn có máy lạnh trời cho này, thường các món nước chiếm ưu thế hơn món khô. Bởi chúng sẽ giữ nóng lâu hơn và âm thầm truyền hơi ấm dễ thương – chở cả hương vị đặc trưng của món ăn quyện vào mũi, sưởi ấm làn da thực khách – gieo niềm thống khoái ban sơ. Cho nên không chỉ tô bánh ướt mà dĩa bánh bèo cũng được rưới nước nhưn sền sệt.
Song như vậy lại là, một thử thách lớn cho miếng bánh ướt trắng phau kia. Bánh có thể nở phình ra bất cứ lúc nào, bở như sợi bún mắc mưa và lạt tệ.
Nhưng không! Khả năng xấu nhất không xảy ra. Bánh rất dẻo dai và hơi “ngon ngót” (ngòn ngọt), độ ngọt của tinh bột chỉ kém bánh ướt Hoà Đa, Phú Yên đôi chút.
Trong lòng chiếc tô sành mộc mạc, gam màu sáng của bánh như nâng đỡ cho miếng mề gà màu nâu đất. Còn quả trứng non vàng rộm lại “kéo” mấy lát ớt đỏ chót (giòn ngọt, không cay) như dịu lại… Và một bức tranh chân quê sống động, thiết thực hiện ra – đầy ắp hình bóng, hương vị quê nhà! Nhà báo Vũ Kim Hạnh đúc kết đó là: “gia tài của Mẹ”!
Lắng nghe tiếng tính tiền của bà chủ, tôi ướm hỏi: gốc chị ở Phú Yên phải không? – “Không, Bình Định rặt”. Đã rõ, dân hai tỉnh giáp đèo Cù Mông này không chỉ có chất giọng tựa nhau, mà còn “nuôi” những lò bánh tráng ăn là ghiền thật sự chứ không ngoa ngôn như quảng cáo. Và trong những lò bánh dư mê (dụng cụ phơi bánh) ấy, người thợ còn cán cả bánh ướt, bánh phở, hủ tíu chất lượng.
Thảo nào, chị Hoài Hạnh, phó chủ tịch hội đầu bếp Lâm Đồng, vừa tự tin vừa tràn trề cảm xúc khi nhắc về quán này. “Quán đã qua hai đời chủ tiếp nối, nhưng hương vị vẫn không đổi”. Cũng như TP.HCM, Đà Lạt vốn là thành phố của dân nhập cư tứ xứ: Huế, Quảng Nam, Bình Định, Bắc Hà… Nhờ vậy, món bánh ướt lòng gà kiểu cao lầu, mì Quảng mới định hình và nổi danh chốn thành phố ngàn hoa.
bài và ảnh: Tấn Tới
Ảnh: “Dáng” tô bánh ướt khá giống món cao lầu hoặc mì Quảng hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét