Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Hủ tíu dĩa “nhập gia tuỳ tục”


[140590]DSCN2296
Cùng là món hủ tíu khô nhưng hủ tíu Sa Đéc được đựng bằng dĩa thay vì tô, như các loại hủ tíu khác. Đặc biệt hơn, hương vị món này tại bản xứ khác xa so với ở Sài Gòn.
Tạm lấy món hủ tíu khô ở quán Ngọc Yến, trên đường Nguyễn Sinh Sắc, cách chợ Sa Đéc khoảng 500m, để đối chiếu. Bởi nhiều người dân ở thành phố này tự hào về món ấy ở đây, và bình chọn ngon.
Khoảng 6g30 sáng, quán chật khách. Nhóm chúng tôi phải nhẫn nại đợi cỡ 10 phút, mới có ghế trống. Ấn tượng đầu tiên là sợi hủ tíu giòn giòn, thêm cục xí quách tươi ngọt, to cỡ cổ tay người lớn. Tiếc thay, muỗng nước xốt lại giàu đường. Song, số đông vẫn thắng thế. Một đồng nghiệp thở dài thất vọng. Còn tôi tự nhủ: “nhập gia tuỳ tục”.
Cũng như khi chen chân về Sài Gòn mở quán, các ông chủ gốc Sa Đéc, Cao Lãnh… phải hiểu quy luật này mới tồn tại được.
Bằng chứng là, Sa Đéc quán trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM, mới tròn chín tháng tuổi đã đạt doanh thu trung bình khoảng: 200 – 250 triệu đồng/tháng. “Tháng sau, lượng khách tăng cỡ 5% so với tháng trước. Riêng dịp tết ta vừa rồi, tăng thấy ham: 50%”, ông chủ Nguyễn Văn Tài, 55 tuổi, dân làng Bình Tiên, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cởi mở.
Vị ngọt của đường không có chỗ đứng quan trọng, trong hỗn hợp nước xốt ở quán này. Chỉ còn lại sự giao hoà giữa: nước cốt thịt heo nạc (hoặc tôm tươi) cùng một loại tương ngon với ít nước tắc (hoặc cam) để tạo độ chua thanh và toả hương thơm dễ chịu. Riêng nước dùng tương tự nồi nước lèo hủ tíu Mỹ Tho, có cả: tôm khô, mực nhỏ “góp sức” với mớ xương ống hầm để tạo độ ngọt thanh đậm.
Cọng hủ tíu cũng lớn gấp đôi so với chỗ quán Ngọc Yến. Đồng thời, độ: mịn, dẻo của dạng bột lọc lúa mùa này cũng cao hơn. Và dĩ nhiên, nó kém giòn hơn. Như vậy, hủ tíu tươi Sa Đéc có ít nhất vài ba loại khác nhau.
Bù lại, thực đơn ở đây cũng phong phú hơn, nào hủ tíu: bò, heo, hải sản, xí quách… Mặc dù, giá một tô đặc biệt không hề mềm: 48.000 đồng (còn quán kia giá từ: 20.000 – 35.000 đồng/tô).
Mặc dù, không còn giữ nhiều chất ngọt tinh nguyên của tinh bột gạo như hủ tíu Mỹ Tho, song thử ngâm sợi hủ tíu này vào tô nước dùng khoảng 15 phút vẫn không thấy bở. Ông Tài cho biết, mỗi ngày đặt một lò quen từ làng nghề bột Tân Phú Đông gửi lên khoảng 20 – 25kg, đủ bán 1 – 2 ngày. Nếu bán không hết, phải trữ trong tủ mát.
Có thể, chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương không ủng hộ một món hủ tíu tên tuổi “lai” phong vị Sài Gòn. Nhưng không ít người lại chấp nhận nó. Và vợ chồng ông chủ quán này, cũng rất tự hào về làng bột Sa Đéc.
bài và ảnh: Tấn Tới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét