Trong hậu cung các vương triều phong kiến Việt Nam khi xưa, tuy sử sách ít nhắc đến nhưng nơi ấy âm thầm mà đầy khốc liệt vì cảnh tranh
giành địa vị của các phi tần, đặc biệt là tranh giành ngôi vị cho con
trai mình trong việc kế thừa ngôi báu. Tuy nhiên, cũng có bà hoàng khi
con được đưa lên ngôi lại tìm cách từ chối vì bà biết rằng ngai vàng chính là nơi gây họa cho con trai của mình, và điều tiên đoán đó đã "linh nghiệm".
Bà hoàng phi đó là mẹ của vua
Trần Phế Đế (1377 - 1388), vị hoàng đế thứ 11 của vương triều Trần. Sử
sách chép rằng, Trần Nghệ Tông ở ngai vàng được 2 năm (1370 - 1372) thì
truyền ngôi lại cho em trai là Trần Kính (tức Trần Duệ Tông) để lên làm Thái thượng hoàng.
Trần Duệ Tông đăng quang ngôi vị hoàng đế ngày 9 tháng 11 năm Nhâm Tí (1372), làm vua đến tháng 1 năm Đinh Tị (1377), ở ngôi được 5 năm thì chết
trận khi đi đánh giặc ở phương Nam. Bấy giờ thấy quân Chiêm Thành nhiều
lần cướp phá biên cương, Trần Duệ Tông quyết định xuất quân đi đánh để
trấn yên biên cương. Tháng 12 năm Bính Thìn (1376), vua dẫn 12 vạn quân
ra trận, đến tháng giêng năm Đinh Tị (1377) vua Chiêm cho người đến vờ
xin hàng nên khi tiến vào kinh đô Chà Bàn thì bị phục binh quân Chiêm
vây hãm, Trần Duệ Tông và nhiều quan tướng bị chết trong đám loạn quân,
hôm đó là ngày 24 tháng 1 năm Đinh Tị (1377), vua mất ở tuổi 40.
Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông
nghe tin dữ, bèn lập con trưởng của Trần Duệ Tông là Trần Hiện (còn có
tên là Trần Nghiễn) lên ngôi kế vị, xưng là Giản Hoàng, được bề tôi dâng
tôn hiệu là “Hiến thiên thể đạo khâm minh nhân hiếu hoàng đế”.
Tân hoàng đế sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân
Sửu (1361), lúc lên làm vua mới 16 tuổi, quyền hành trị quốc đều do
Thái thượng hoàng quyết đoán. Sử sách cho hay, mẹ vua là Gia Từ hoàng
hậu họ Lê (không rõ tên) trước đó, khi biết tin con mình được chọn làm
người kế vị đã cố sức từ chối nhưng không được, bà lấy đó làm điều đau
khổ, day dứt, lo lắng cho số phận con trai của mình.
Bà Gia Từ quê ở xứ Thanh Hóa, là em họ của Lê Qúy Ly (sau khi lên ngôi đổi thành Hồ Quí Ly), được tuyển vào cung làm vợ Trần Duệ Tông, ban đầu được phong làm Nguyên phi, đến tháng 2 năm Qúy Sửu (1373) được phong làm Gia Từ hoàng hậu.
Sống ở thời buổi mà vương triều Trần khi
ấy đang trên đà suy thoái với những cuộc thanh trừng nội bộ, nhất là sự
âm thầm thâu tóm quyền hành của người anh họ Lê Qúy Ly với những tham
vọng lớn. Có lẽ bà Gia Từ nhận thấy rằng con trai mình tuổi trẻ, năng
lực có hạn, lại đảm trách ngôi vị đế vương trong tình cảnh khó khăn như
vậy là điều quá sức, thậm chí có thể gây họa nên bà không muốn, chỉ vì
hào quang hư danh của chiếc ngai vàng mà bị sát thân.
Chân dung một hoàng phi (Tranh minh họa)
Thế nhưng trước quyết định của anh chồng
là Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, con trai bà Gia Từ vẫn được đưa lên
ngôi. Đánh giá về vị vua này, sách sử có viết như sau: “Vua là người ngu
hèn, chẳng biết làm gì, uy quyền ngày một về tay người dưới, xã tắc nghiêng đổ, đến thân mình cũng chẳng giữ được. Thương thay!...” - Đại Việt sử ký toàn thư. Sách Việt sử tiêu án cũng
chê Trần Phế Đế “là người hôn ám, hèm kém không làm được việc, để quyền
về tay kẻ dưới, làm cho xã tắc nghiêng đổ, đến thân cũng không giữ
được”.
Còn trong cuốn Việt giám thông khảo tổng
luận có lời bình rằng: “Giản Hoàng lại càng non trẻ, giữ đức không
thường, đem của cải chôn giấu ở Thiên Kiện, lấy cớ kiếm hậu tứ cho Qúy
Ly, chống giặc không mưu mô, uy lệnh không chấn tác, rốt cuộc kẻ mặc áo
bồ hoàng đắc chí, mà chùa Tư Phúc mình phải cầm tù”.
Vua Trần Hiện về sau không những bị cầm
tù mà còn bị bức tử. Lúc bấy giờ thấy quyền hành của Lê Qúy Ly ngày một
lớn, vua bàn với con của Thái thượng hoàng là Trang Định vương Trần Ngạc
và một số triều thần như Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị… bàn kế định diệt trừ hậu
họa, nhưng mưu đó bị tiết lộ. Lê Qúy Ly biết được đã vào cung tố cáo sự
việc với Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Đến ngày mồng 6 tháng 12 năm
Mậu Thìn (1388), Thái thượng hoàng vờ chuẩn bị về đất Yên Sinh (nay
thuộc Đông Triều, Quảng Ninh), rồi cho gọi vua đến bàn việc nước. Vừa
vào đến nơi, vua bị Thái thượng hoàng ra lệnh bắt, đem giam ở chùa Tư
Phúc, rồi ban chiếu phế truất ngôi vua, giáng làm Linh Đức đại vương, sau đó đưa đến phủ Thái Dương thắt cổ giết chết ngay trong ngày hôm ấy.
Cảnh bắt giữ vua Trần Phế Đế (Tranh minh họa)
Trần Hiện chết, thọ 28 tuổi, vì bị phế truất nên sử gọi ông là Trần Phế Đế. Lúc vua bị bắt
giam trong chùa, các tướng Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Lê
Lặc, Nguyễn Bát Sách định đem quân vào cứu vua ra nhưng ông không đồng
ý, bảo họ giải tán quân lính và không được làm việc trái ý Thượng hoàng.
Không lâu sau, những người đồng mưu với vua lần lượt bị giết, hoặc bị bắt đi đày, vì thế sách sử mới chê trách rằng:
“Trang Định vương Ngạc làm Thái úy và là
con của Nghệ Hoàng, thấy xã tắc sắp đổ, nếu biết lấy lẽ phải làm cho
vua cha sáng tỏ hiệu lệnh, khiến cho quần chúng theo như bạn bè, thì dẫu
Nghệ Tông già lẫn lại trở về, Giản Hoàng nhu nhược lại lập lên, thì
quyền bính có chủ, mệnh lệnh từ trên ban ra, thì lòng tham của họ Hồ tự
phải dẹp đi. Trang Định không tính đến kế ấy; Á Phu cũng không hiểu là
vua không có tài cương đoán, lại khuyên vua giết Qúy Ly mà cơ mưu không
cẩn mật, để cho nó biết trước. Trang Định lại không quyết đoán sớm, làm
lỡ cơ hội, đến nỗi việc hỏng, bản thân bị chết, vạ lây cả đến những quân
tướng giỏi. Đáng than thay!” (Đại Việt sử ký tiền biên).
Vậy là tiên đoán của mẹ vua Trần Phế Đế đã trở thành hiện thực, sách Đại Việt sử ký toàn thư
viết: “Trước kia hoàng hậu của Duệ Tông là Lê thị, tức là mẹ sinh của
Linh Đức vương, là em gái con nhà chú của Lê Qúy Ly, khi Duệ Tông đi
đánh phương Nam không trở về, hậu gọt đầu làm ni. Đến khi Nghệ Tông lập
Linh Đức lên nối ngôi, hậu cứ từ chối mãi, Thượng hoàng không nghe, bà
bèn khóc bảo người thân rằng: “Con ta kém đức, khó kham trách nhiệm to
lớn, đến phải tai họa thôi. Tiên hoàng mất đi, kẻ chưa chết muốn chết,
không muốn trông thấy việc đời nữa, huống chi lại trông thấy con mình
sắp nguy ư?”. Hậu băng được 2 năm thì Linh Đức bị giết”.
Sách Việt sử tiêu án cũng có
đoạn viết: “Cung nhân của vua Duệ Tông, là mẹ của Linh Đức Vương, là em
gái họ của Qúy Ly. Vua Duệ Tông đi đánh phương Nam bị chết, bà liền cắt
tóc làm ni cô, đến khi vua Nghệ Tông lập Linh Đức làm vua, bà cố từ chối
mà không được, lại vào ở trong cung, nói chuyện với Thái úy Thích, có
vẻ lo lắm: “Con tôi bạc phúc, khó kham được trách nhiệm to. Tiên hoàng
mất đi, tôi không chết theo được, không còn muốn trông thấy việc đời
nữa, huống chi còn nỡ trông thấy con nguy đến thân hay sao”. Rồi bà
mất”.
Sử thần nhà Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên có lời
bàn liên quan đến việc phế lập như sau: “Việc lập Linh Đức cũng là do
Nghệ Hoàng, mà phế bỏ cũng do Nghệ Hoàng. Trước kia Nghệ Hoàng không
nghe lời của Lê hậu là vì nghĩa, sau nghe lời gièm của Qúy Ly là vì lòng
riêng. Nhưng trước kia lập lên sao mà sáng suốt thế, mà sau bỏ đi sao
lại tối tăm vậy. Lại thắt cổ giết đi, qúa đáng đấy!” (Đại Việt sử ký tiền biên).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét