Xứ cát Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ngày xưa khó khăn chồng chất, cuộc sống người dân thiếu thốn trăm bề. Nhưng ngày nay phận người đã khác, không còn ai sống trong cảnh nhà rười chụp trên cát. Và ước mơ có những con lộ để thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của người dân nơi đây đã thành hiện thực.
Đường về ba xã Ngư Thủy đã khang trang |
Đường về Ngư Thủy
Ngày nay Ngư Thủy được chia làm ba xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, và có ít nhất ba con đường nối từ quốc lộ 1A về với những làng biển bãi ngang này. Khi xưa, tiền nhân chọn đất đặt làng, khai canh, những dòng họ ở đây chỉ có một con đường duy nhất là lội qua các núi cát cao ngất để mở đất dựng nhà.
Cha ông của những hậu thế Ngư Thủy ngày xưa sinh sống chủ yếu dựa vào tự nhiên. Sản vật đều từ biển, cá dùng đổi gạo xứ ruộng. Khó khăn trong ký ức của những người già nhất ở các ngôi làng này đều chưa thể phai mờ.
Từ làng này qua làng khác đều băng qua cát. Từ xóm này qua xóm khác đều cật lực lội cát. Từ nhà này sang nhà khác đều phăm phăm trên cát. Đồng bào Ngư Thủy muốn ra thế giới bên ngoài phải vượt rú cát trắng khô...
Nay, từ Hồng Thủy một con lộ bằng nhựa ra với Ngư Thủy Bắc. Xưa, nơi đó là cát. Con lộ không lớn nhưng đủ cho chuyển vận bất cứ thứ gì cuộc sống ở đó cần. Nó không chỉ là đường sá cho người Ngư Thủy Bắc ra với bên ngoài mà còn là nơi để những xã vùng giữa huyện Lệ Thủy khơi thông ra biển xứ này trong trời hè nóng bức, ngột ngạt.
Ngư dân Ngư Thủy chuẩn bị ra lộng đánh cá |
Về Ngư Thủy Trung, một con lộ nhựa mới, phẳng phiu giữa rừng xanh trên rú cát cũng nối từ Hưng Thủy về, con đường đó khơi thông bức bí đi lại và xóa đi sự cô lập, khó khăn của mỗi mùa mưa bão với người dân xứ này. Còn ở Ngư Thủy Nam, con đường đất đỏ từ Sen Thủy về cũng làm nên nhịp điệu ấy với người dân.
Và từ ba xã Ngư Thủy, một đường trục dọc nối dài là thành quả của đường an ninh quốc phòng đã nối liền ba địa phương dọc dài trên cát. Cát khó khăn đi lại, nay đã đấu nối với con đường cấp phối, tuy nhỏ nhưng đủ để thoát cảnh đi bộ lạc hậu từ xa xưa.
Con đường đó không chỉ nối ba xã mà còn nối về xứ Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) láng giềng, và cũng theo về tận phố thị Đồng Hới nếu không muốn qua ngã quốc lộ 1A.
Thay đổi ngoạn mục
Ngày nay, về ba xã Ngư Thủy, cảnh nghèo còn, khó khăn còn, bởi làng xóm vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo nhất định. Nhưng thay đổi ngoạn mục từ lúc có những con lộ là đáng nhớ nhất. Bởi chính từng con đường đó đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người dân Ngư Thủy.
Cụ ông Ngô Văn Tùi nói: "Hồi chưa có đường, muốn có lít dầu, cân đường, lon sữa phải đi bộ qua mấy núi cát, đi bộ mấy cây số trên cát mới sang được quốc lộ, đi bộ mãi mới mua được những thứ cần thiết. Chừ người ta mở quán ra tận làng, xe đưa hàng hóa về tận nơi, tha hồ mua. Nhờ có đường vượt cát đó chú ơi!".
Con cá ở vùng Ngư Thủy không còn phải gánh đi bán mà thương lái đến mua tận nơi |
Còn chị Hoa ở Tân Hải (Ngư Thủy Bắc) kể: "Ngày xưa, đàn bà con gái phải giặt giũ, chừ cũng rứa, nhưng muốn có xà phòng thì lội cát mà mua. Nhà có việc không đi được thì gửi, mà ngày đó xà phòng hiếm lắm. Chừ thì quán tạp hóa mở ra, xà phòng hay bất cứ thứ chi chị em cần đều theo đường sá về làng. Trừ những thứ cao sang khác, còn lại có hết".
Đầu tiên là xe đạp, tiếp theo là xe máy theo đường về làng. Tất nhiên tốc độ di chuyển cũng tăng lên, từ đi bộ lội cát đến đạp xe đạp, rồi chạy xe máy. Giao thương cũng theo đó về làng cát Ngư Thủy. Nếu như ngày xưa người dân ở đây phải gánh cá qua cát để bán rồi mới mua gạo và bao thứ vật dụng khác về, thì nay con cá được thương lái đưa xe về tận bến thu mua.
Ngày trước, cây xăng chỉ có dọc quốc lộ, thì nay ở ba xã này đã có cây xăng đáp ứng ngay lập tức nhu cầu xăng dầu đi biển, buôn bán, vận hành xe máy... của bà con. Đời sống của người dân Ngư Thủy nhờ đó cũng phong phú hơn nhiều so với thời biệt lập như một ốc đảo.
Trước kia, để có một buổi coi phim, người Ngư Thủy phải đợi chờ nhiều tháng liền, thậm chí cả năm mới có đoàn chiếu bóng lội cát về phục vụ bà con. Ngày nay, nhờ mở rộng tầm làm ăn từ những con đường đó, họ đã chủ động việc giải trí bằng tivi.
Nhà chưa có điều kiện thì xem các kênh miễn phí, nhà có điều kiện thì đăng ký những kênh trả tiền. Thậm chí, thanh niên ở xứ "cuối trời" này đã dùng điện thoại di động, máy vi tính nối mạng, điều mà ngày chưa có đường, người ta khó hình dung.
Mùa cá ở ba xã Ngư Thủy không có cá lớn nhưng những con cá nhỏ đầy ắp mẻ lưới đủ nuôi sống người dân |
Chuyện xây nhà
Nếu ngày nay đi qua Ngư Thủy, thấy một ngôi nhà đang xây cũng là chuyện bình thường như ở bất cứ nơi nào. Nhưng trước đây, khi vùng này chưa có con đường vượt cát, phải là gia đình khá giả mới xây được một căn nhà cấp 4 và giá trị của nó cao gấp vài lần xây ở xứ ruộng.
O Lâm, một cựu pháo binh Ngư Thủy thời kháng Mỹ, kể: "Đầu tiên phải mua sắt thép, đá, xi măng, ngói, gỗ tập kết từ ngoài quốc lộ. Làm một cái chòi để giữ, hoặc cất nhờ ở nhà người quen, rồi gánh về từ từ".
Nếu nhà có nhân lực thì gánh trong vòng một tháng, nhà không có nhân lực gánh cả mấy tháng, vừa gánh vừa xây. Nhưng đa phần phải thuê gánh từng thứ một, tất cả đều gánh bộ trên cát.
Cụ Trương Văn Hiếu kể thêm: "Cứ giữa mỗi buổi gánh đồ về làng làm nhà, phải đãi tốp thợ gánh hàng chục người bữa ăn buổi nước lợ (dặm giữa buổi). Tính ra hằng tháng trời, tốn kém vô cùng. Công gánh như thế còn tốn hơn tiền mua vật liệu. Thợ xây thì làng biển khó tìm, thợ mộc cũng khó thuê, phải đi tìm ở trong xứ ruộng mới có. Nhưng họ ngại khổ, ngại khó, nên phải bấm bụng trả tiền công cao gấp ba, bốn lần".
Chiếc máy dò cá của Nhật Bản ở vùng Ngư Thủy |
Thuê được thợ rồi vẫn chưa yên tâm, còn phải cơm bưng nước rót, chăm chút nơi ăn chốn ngủ đàng hoàng, lo lót thêm để họ chú tâm vào công việc. Nhưng một điều lạ lùng nhất của việc xây nhà ở đây là phải gánh cát về làng biển. Cát ở Ngư Thủy dư thừa nhưng chỉ dùng đổ nền, không trộn hồ được. Cát của những dòng sông nước ngọt mới làm vữa kết dính.
Vậy là cát cũng phải gồng gánh về, từng thúng cát được đưa về một cách cẩn thận, chắt chiu. Đổ ra là lẫn vào cát biển, hốt lại rất khó. Họ chắt chiu, cật lực như những con dã tràng, thành quả cuối cùng là căn nhà xây nhỏ bé với nơi khác nhưng là niềm tự hào lớn lao của họ lúc đó, ở chốn này.
Ngày nay, công việc ấy đã thành dĩ vãng. Tất cả đều theo đường về làng và tiền công, tiền chuyên chở vật liệu cũng nhờ đó mà "dễ chịu" hơn. Chính con đường đã đưa trường cấp 2 về quê hương Ngư Thủy, đã kéo điện về với xứ biển. Và bây giờ đồng bào ba xã Ngư Thủy lại mong ước những con đường đất đỏ được trải nhựa hoặc bê tông hóa để hòa nhịp vào đợt phát triển mới, vượt bậc hơn nữa.
Ngư Thủy ngày nay đã khác. Tuy cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều lo toan nhưng người làng biển bãi ngang đã phấn đấu vươn lên để không thẹn với tiền nhân.
HÀN THƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét