Cần biết - Đèo Hải Vân có thể nói là ranh giới thiên nhiên giữa hai vùng đất Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, từ đây, du khách có thể nhìn bao quát thành phố Đà Nẵng tráng lệ trải mình về phía đông nam.
Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải) hay đèo Mây (vì đỉnh đèo thường có mây che phủ) nằm ở độ cao gần 500m so với mực nước biển với chiều dài đường đèo là 21km vắt ngang qua những ngọn núi cao của dãy Trường Sơn hùng vỹ.
Tọa lạc trên đỉnh đèo giữa mây ngàn gió lộng gần hai thế kỷ là công trình Hải Vân Quan với vọng gác, cổng thành, cửa trông về hướng Thừa Thiên - Huế đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông về hướng Đà Nẵng đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (đây là từ đề tặng của vua Lê Thánh Tông khi dừng chân ngắm cảnh nơi này vào thế kỷ 15). Dãy núi hiểm trở kiến tạo nên đèo Hải Vân cắt ngang đất nước từ biên giới phía Tây đến tận sát bờ biển Đông nên đã tạo ra những đặc điểm riêng về khí hậu, văn hóa của hai vùng miền. Vì thế, đến với Hải Vân là đến với nơi giao thoa giữa hai vùng đất, hòa mình trong âm vọng sử thi của bao dấu chân người Việt xưa đi mở cõi.
Với địa thế cao chênh vênh, đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây, ẩn hiện giữa cây rừng, đá núi, đèo Hải Vân như một bức tranh thiên nhiên hoành tráng do kỳ công của tạo hóa và bàn tay của con người tạo ra. Tuy địa hình đường đèo khá hiểm trở do núi cao, vực sâu, song nơi đây lại là một nơi thưởng ngoạn lý tưởng của du khách ưa thích loại hình du lịch mạo hiểm.
Lên đỉnh Hải Vân vào những ngày nắng đẹp, nhìn bao quát về phía bắc là cảnh đồi núi trập trùng với mây trắng bay là đà, xa xa là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ. Nhìn về phía nam, du khách có thể thấy rõ toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.
Càng thú vị hơn khi chạy dọc đường đèo, biển xanh sẽ luôn hiện diện trong tầm nhìn của du khách, khi thì trải rộng ra đến muôn trùng, khi lại ở rất gần, rì rào và xanh thẳm... Ở những đoạn đèo thích hợp, du khách có thể đứng trên đèo và nhìn xuống đoạn đường ngoằn ngoèo, gấp khúc mình vừa đi qua phía dưới, trông vô cùng ngoạn mục.
Do địa hình phức tạp, độ dốc tương đối cao, đường quanh co liên tục với nhiều đoạn cua rất mạo hiểm, nên kể từ tháng 6/2005, khi công trình hầm Hải Vân được hoàn thành và đưa vào hoạt động, làm cho giao thông giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng trở nên thuận tiện, an toàn hơn rất nhiều, hầu hết các phương tiện đều lựa chọn phương án đi qua đường hầm. Do vậy, lượng người qua con đèo này càng ít đi, chủ yếu là khách du lịch thích khám phá thiên nhiên và trải nghiệm cảm giác mạnh… Với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, đèo Hải Vân đã trở thành một cung đường du lịch đối với du khách trong nước và quốc tế. Các điểm dừng nghỉ trên đèo đã được xây dựng, tạo điều kiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn khi đi vãn cảnh trên đèo.
Nguồn: Tổng cục Du lịch
Tàu anh qua núi...
TTO - Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi… Hải Vân là một mạch núi của dãy Trường Sơn Bắc đâm ngang ra biển tạo nên một ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế. Núi cao, vực sâu, những đoạn đường đèo quanh co, khúc khuỷu mà từ xưa đã khiến Hải Vân có mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Phóng to |
Trên đường xuyên Việt bằng tàu lửa, đèo Hải Vân luôn là một địa danh ấn tượng đối với du khách. Đường xe lửa qua đèo Hải Vân phải đi qua 7 hầm xuyên lòng núi, có chiều dài tổng cộng 3.290m với hầm ngắn nhất 85m và hầm dài nhất 562m (hầm Sen) cùng ba cây cầu cheo leo trên vách núi.
Từ độ cao 132m (so với mực nước biển), khách đi tàu có thể thỏa thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của nước non, mây trời. Thật thú vị khi tàu đi qua những cung đường quanh co, hành khách ngồi ở toa đầu tiên có cảm tưởng mình sẽ “chạm” tay được vào những toa cuối cùng. Đoàn tàu như một con rắn khổng lồ chậm chạp bò ngang qua những sườn núi, những vực sâu đá dựng, qua những chiếc cầu cheo leo bên vách núi in đậm dấu ấn thời gian…
Bạn say sưa ngắm cảnh bỗng trời đất tối sầm. Khi bạn vừa hoàn hồn nhận ra tàu đang đi trong đường hầm xuyên qua núi thì đất trời lại bừng sáng. Và một không gian mới lại hiện ra. Biển-núi-mây-trời… như hòa chung làm một trong không gian lung linh, huyền ảo.
Phóng to |
Ngang qua biển |
Qua vực sâu |
Đã nhiều lần đi tàu Bắc-Nam ngang qua đèo Hải Vân, lần nào lòng tôi cũng bồi hồi, xúc động, thì thầm giai điệu bài hát Tàu anh qua núi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, cố nhoài người qua cửa sổ toa tàu để ngắm vẻ đẹp hùng vĩ “đệ nhất hùng quan”. Và sau cảm giác bồng bềnh phiêu lãng là cảm giác tiếc nuối vì không có cơ hội ghi lại những hình ảnh đẹp mình vừa chiêm ngưỡng.
Vừa rồi, nhân chuyến đi công tác Hà Nội, tôi quyết tâm phải chộp được vài khoảnh khắc “Tàu anh qua núi” cho thỏa ước nguyện. Duyên may, trên đường về, tàu qua đèo Hải Vân vào buổi sáng. Nhưng cái khó là chộp thế nào?
Tàu SE dùng máy lạnh, cửa kính đóng kín mít, giữa toa chỉ có một cánh cửa mở được (nhưng bị khóa). Xin phép người phụ trách toa mở cửa để nhìn ra ngoài thì bị từ chối với lý do: máy lạnh, mở cửa thì… tốn điện, rồi không an toàn cho hành khách, cấp trên phê bình... Nhưng nhân viên này cũng mách nước: “Ngay chỗ giáp toa có cửa sổ nhỏ, cứ thò máy ảnh ra và chụp”. Tôi háo hức đi về phía chỗ giáp toa. Nhìn cái cửa thông gió bé tin hin chỉ vừa đủ thò cái máy ảnh ra, chụp thế nào được? Đành giở “bài” năn nỉ, kỳ kèo mãi rồi cũng thành công.
Xin giới thiệu với bạn đọc vài khoảnh khắc “Tàu anh qua núi”.
Phóng to |
Qua những chiếc cầu chênh vênh |
Đi giữa núi và biển |
Qua hầm xuyên núi |
Những cung đường khúc khuỷu tưởng có thể chạm được đuôi tàu |
Phóng to |
Qua những đoạn dốc thẳng đứng |
Phóng to |
Chiêm ngưỡng thiên nhiên hoang sơ |
Dấu xưa hùng vĩ
TT - Trải dòng lịch sử bi tráng của nước Việt, Hải Vân không chỉ là cung đèo kỳ vĩ mà còn đẫm máu xương vệ quốc.
Hải Vân quan được xây từ triều Minh Mạng, xuống cấp dần khi quân Pháp chiếm đóng VN - Ảnh tư liệu |
Từ hàng thế kỷ trước, nhiều lữ khách nước ngoài và cả những tay súng thực dân đã vượt ải thiên hiểm này để kể lại bao chuyện xưa bí ẩn...
“Những lần có dịp xuôi Nam ngược Bắc tôi đều cố đi thật chậm, thật chậm qua đèo Hải Vân để cảm nhận hồn thiêng sông núi hội tụ ở đây. Chính thành ải thiên hiểm này đã góp phần tạo nên bao khúc hùng tráng lịch sử của dân tộc Việt”.
Một chiều cuối đông năm 2010, giáo sư Đỗ Văn Ninh trải lòng mình như vậy. Ông tâm sự từ trẻ đã đắm lòng với bài thơ Đèo Hải Vân của Bích Khê: ...
Đường đời thành bại chòm mây bạc
Tiếng cũ anh hùng ngọn gió lau
Nhìn cảnh nước non non nước ấy
Ngàn xưa dâu bể chạnh lòng đau.
Tiếng cũ anh hùng ngọn gió lau
Nhìn cảnh nước non non nước ấy
Ngàn xưa dâu bể chạnh lòng đau.
Trong mắt Doumer
Chính viên quan toàn quyền Đông Dương Paul Doumer công du qua đèo Hải Vân cũng ngơ ngẩn trước cảnh quan tuyệt vời này.
Nguyên văn hồi ký của Doumer được in lại trong cuốn Những người bạn của cố đô Huế, tập VII, 1920:
“Bây giờ chúng tôi ở đỉnh đèo. Con đường bị chặn lại bởi một thành phòng thủ người An Nam chắc chắn, đẹp mắt, thế đứng uy nghiêm. Cũng như chúng tôi, thành thu mình trong sương mù. Lính gác thành của vua đưa ngựa mới cho tôi cùng với thức ăn.
Chúng tôi uống một chén trà và lên ngựa, khi chúng tôi mới đến thì mây xung quanh chúng tôi bay nhanh hơn, bay dồn dập, tan loãng và biến mất vì gió thổi. Thế là không gian khô ráo, trong trẻo, có ánh nắng. Tất cả sáng ra dưới mắt chúng tôi, bên dưới chúng tôi cửa biển Đà Nẵng hiện ra.
Thật là mê mẩn. Không có một cảnh thần tiên nào ở bờ biển Địa Trung Hải mà vừa đẹp mắt vừa lớn lao như vậy...”.
Viên toàn quyền Đông Dương về sau còn nhiều lần qua lại đèo Hải Vân với tầm nhìn vừa lãng mạn của một nhà du hành vừa rất lý trí của người phương Tây: “Ta đưa cái cửa biển đẹp nhất của Pháp trên bờ biển Côte d’Azur để làm ví dụ.
Lấy diện tích của nó mà nhân với 10, lấy các vùng đất được trông thấy và độ cao của các địa thế xung quanh mà nhân với 100 thì đáp số sẽ là Đà Nẵng gồm cái vịnh và cánh đồng bằng được nhìn thấy từ đèo Hải Vân ở độ cao 500m so với mặt nước biển.
Thật vậy, chỉ riêng cái cảnh trời nước ở đây cũng đủ kêu gọi những kẻ nhàn rỗi thực hiện một chuyến du lịch từ Pháp sang Viễn Đông để thưởng thức biết bao sự vật quyến rũ và kỳ thú”.
Mê mẩn với cảnh biển trải dài từ Huế vào nhưng Doumer cũng không bỏ sót cảnh núi rừng thâm u, hùng vĩ của đèo Hải Vân mặc dù đã có sự tác động của người Pháp khi làm lại con đường này:
“Kia là đường mòn của người An Nam chạy lên đèo, chẳng khác gì các đoạn đường mòn khác mà chúng tôi đã đi qua. Nó chạy theo đường thẳng, dốc dựng đứng, sạn đá gồ ghề giống một chuỗi bậc cấp thì không đúng, mà phải nói là giống một cái thang leo áp một bức tường đứng thẳng...
Đường đèo Hải Vân tiến tới, chạy quanh co giữa các bức tranh phong cảnh tuyệt vời, bám sát vào núi, thỉnh thoảng lõm xuống như các giao thông hào, rồi trồi lên băng qua các cây cầu bạo dạn trên các ngọn đồi... với quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với muôn vạn loài cây cỏ đã mang đến cho nó một bối cảnh không gì có thể so sánh được”.
Đó chỉ là một ít trong những gì Doumer đã nhìn thấy vào tháng 3-1897. Đây cũng là lần đầu tiên viên toàn quyền Pháp đến Huế bằng hộ tống hạm I’Isly, và trung chuyển từ cửa Thuận An lên kinh thành với thuyền hơi nước.
Khi trở về, ông ta đã quyết định đi ngả bộ theo con đường thiên lý từ Huế qua đèo Hải Vân để đến Đà Nẵng. Từ đây, ông ta mới lên tàu thủy vào Sài Gòn. Doumer đã vượt cung đèo này bằng ngựa với cả đoàn người gồm lính thủy đánh bộ Pháp và cả quan lính triều đình Huế.
Đó là thời điểm cung đường qua núi này đã được công binh Pháp “chỉnh gọt” bớt hiểm trở nhưng vẫn còn nhiều nguyên trạng vì công trình chưa thể hoàn thành.
Thâm tâm Doumer (về sau trở thành tổng thống Pháp) có lẽ cũng ngậm ngùi nhắc nhớ bao quân tướng thực dân từng sa lầy, không thể vượt qua nổi thành ải tự nhiên này để uy hiếp kinh thành Huế.
Chính từ đó cuộc viễn chinh xâm lược bằng ưu thế pháo hạm phải chuyển vào sông Sài Gòn rồi khởi lan ra khắp Nam kỳ.
Và không chỉ Paul Doumer mà nhiều người phương Tây xưa đã từng đặt chân qua đèo Hải Vân. Khởi đầu từ thế kỷ 16 là người Bồ Đào Nha rồi đến người Anh, người Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Có người là giáo sĩ, là thương nhân, nhà hàng hải thám hiểm, sĩ quan quân đội. Rất nhiều ghi chép, du ký của những người phương Tây từng bước chân trên con đường thiên lý chập chùng núi đèo thiên hiểm này.
Đoạn giữa đèo Hải Vân - Ảnh tư liệu |
Hải Vân và giọt lệ Huyền Trân
Sử quán triều Nguyễn kể rằng ngọn núi cao nhất trên dải Hải Vân Sơn được vua Minh Mạng ban tên là Cao An Lĩnh với độ cao 1.192m.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong cả dải quần sơn có địa thế giống như một bức tường thành chắn ngang xứ Huế và đất Quảng, tạo nên hai nền khí hậu khác biệt. Trong đó phía bắc Hải Vân có các ngọn Hải Sơn, Bà Sơn, phía nam giáp với đất Quảng có núi Thông, núi Liên, Chân Sảng, Sơn Chà.
Các triều vua Nguyễn về sau đã đổi tên một số ngọn núi này, khác với danh truyền từ dân gian.
Sử xưa kể rằng chính Chế Mân, vua Chiêm Thành, vì muốn cưới công chúa Huyền Trân đã trao “sính lễ” là hai châu Ô, Lý cho vua Trần Anh Tông nước Đại Việt. Với quà cưới là núi rừng hoang vu “ngàn dặm vuông” này, Hải Vân hoàn toàn nằm trong châu Lý.
Nhà Trần tiếp nhận đã đổi tên thành châu Thuận và châu Hóa. Và Hải Vân lúc ấy thuộc huyện Tư Dung, châu Hóa.
Cái tên Tư Dung bắt nguồn từ câu chuyện Huyền Trân công chúa ly hương đến viễn quốc. Tư là tưởng nhớ, dung là dung nhan mỹ nhân nước Việt. Đây cũng là nơi mà Huyền Trân đã quỳ bái biệt cố quốc nên địa danh được đặt tên là Tư Dung, tri ân phận má hồng đã chấp nhận thiệt thòi cho đất nước.
Chính vua Lê Thánh Tông khi qua Hải Vân, cảm thán tấm lòng người xưa và cảnh non sông thiên hiểm, đã làm bài thơ Tư Dung hải môn lữ thứ:
Thuyền lâu nổi trống đến Ô Long
Cửa ải sông đây hiểm lạ lùng
Chặn giặc núi xanh bày rợp mắt
Liền trời sóng vỗ biếc muôn trùng
Dấu xưa sự nghiệp bao triều đại
Đất cũ nhà Nam vạch núi sông...
Cửa ải sông đây hiểm lạ lùng
Chặn giặc núi xanh bày rợp mắt
Liền trời sóng vỗ biếc muôn trùng
Dấu xưa sự nghiệp bao triều đại
Đất cũ nhà Nam vạch núi sông...
Người đời sau, tiến sĩ Dương Văn An triều Mạc, biên soạn Ô Châu cận lục, đã tả về Hải Vân:
“Núi ở cửa Hải Vân, huyện Tư Vinh (đời Mạc đổi tên Tư Dung thành Tư Vinh - PV). Chân sát lợi bể, ngọn ngất từng mây; núi chia hai đường nam bắc, mây đưa những khách đi về. Chính là giới hạn chia hai tỉnh Thuận Hóa với Quảng Nam rất là hiểm hóc.
Từ địa phận Thuận Hóa, theo đường bộ ước hơn một ngày đường thì đến địa phận Quảng Nam. Thật là một nơi xung yếu lớn của hai hạt, ở đó lập đồn ải để canh phòng”.
___________
Tổ tiên triều Nguyễn đã thấy thế thiên hiểm của Hải Vân. Họ căn dặn con cháu phải biết dạy dân, luyện binh để gìn giữ cơ nghiệp đến muôn đời.
Thiên hiểm
TT - Lần giở những thư tịch bạc màu thời gian và sự chỉ dẫn của các bậc cao tuổi, chúng tôi rong ruổi đèo Hải Vân để tìm lại dấu xưa.
Cảnh vật thuở nào được tạo nên bởi bàn tay tiền nhân không còn mấy nữa, nhưng may mắn tòa Hải Vân quan vẫn đang sừng sững uy nghiêm trên đỉnh đèo.
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công thành Điện Hải, phòng tuyến phía nam đèo Hải Vân - Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng |
Lá thư tướng Lyautey
Trong cuốn Lettres du Tonkin et de Madagascar (Những lá thư từ Bắc kỳ và Madagascar), tướng Pháp Hubert Lyautey đã nhắc đến một dấu ấn của phòng lũy Hải Vân. Về sau tác giả H. Cosserat, một người Pháp đầu thế kỷ 20 nghiên cứu rất kỹ về Hải Vân, đã trích dẫn sách của viên tướng viễn chinh này và in lại trong bộ Những người bạn cố đô Huế tập VIII năm 1921.
Sách kể một kỷ niệm “ngậm đắng nuốt cay” của quân đội Pháp trên cung đèo thiên hiểm: “Đỉnh đèo được chặn lại bởi các lũy phòng thủ rất xưa của người An Nam, không cho tiến ra Huế.
Mới đây, trước khi có con đường mới, mà hàng ngàn phu lục lộ chúng tôi vừa xáp mặt trên đường đi qua, vẫn đang còn làm việc, thì lối vượt đèo dựng đứng về phía Đà Nẵng đã không thể nào thực hiện được.
Chính tại đây, năm 1856, một trong những đại đội đổ bộ của chúng ta bị lọt vào trong cơn lăn xuống của những hòn đạn tròn đặc ruột, mà cũng đủ bị nghiến xương đến 300 người, chứ đừng nói người An Nam phải nhọc công bắn xuống. Các đống đạn còn đó trong khi chúng tôi ăn cơm trưa bên cạnh mấy khẩu pháo xưa cũ đang cùng nhau ngủ yên mãi mãi...”.
Quốc sử quán triều Nguyễn không ghi chi tiết sự kiện này, nhưng tướng Lyautey đã tự viết lại sự bại trận của chính quân đội mình để người đời sau có điều kiện nghiên cứu thêm.
Ngày 30-8-1896, ông ta còn là viên thiếu tá chủ sự phòng quân vụ, đã cùng toàn quyền Đông Dương Rousseau, khâm sứ An Nam Bìere và một số lính Pháp, An Nam đi từ Huế đến Đà Nẵng.
Khởi đầu, họ lên chiếc tuần dương hạm Alouette đến Lăng Cô, rồi vượt bộ qua đèo Hải Vân. Chính hành trình này đã cho viên sĩ quan này thấy phòng lũy đặt trên dải hùng sơn để trấn giữ mạn Nam kinh thành Huế.
Sự thật từ nhiều thế kỷ, các vị vua chúa nước Việt đã rất chú trọng đến việc canh phòng nơi hiểm địa. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết hồi thế kỷ 15 đã ghi cửa ải Hải Vân (còn gọi là Ải Vân) chứng tỏ đã có việc quan phòng. Sau đó đến thời Lê Thánh Tông phạt Chiêm, ghi rõ thêm “lần đầu tiên đặt cửa quan Hải Vân để kiểm soát những người ra vào”.
Nội dung cho thấy ít nhất là từ triều Lê, Hải Vân đã là một đoạn của con đường cái quan thiên lý có nhiều người qua lại. Việc canh phòng vị trí này là cần thiết dù rằng lúc ấy nó còn vô cùng hiểm trở, khó đi như dân gian lan truyền Đi bộ thì sợ Hải Vân. Đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi. Và cái hang này cũng nằm ngay dưới chân dải Hải Vân.
Sau nhà Lê, tầm nhìn quốc phòng ở Hải Vân được nối tiếp. Chúa Nguyễn Hoàng mở cõi Đàng Trong đã dạy các hoàng tử tận dụng lợi thế thiên nhiên để bảo vệ bờ cõi.
Bộ sử Đại Nam thực lục tiền biên chép rằng: “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang bờ biển.
Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây dựng kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn”.
Đây cũng là thời điểm các nhà buôn Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha đổ xô vào giao dịch với Đàng Trong và hiểu rất rõ thượng đạo hiểm trở trên đèo Hải Vân.
Hải Vân quan cổng Huế vẫn còn rõ vết đạn chiến chinh - Ảnh: Q.Việt |
Núi rừng hoang hiểm
Nhà sư nổi tiếng người Trung Quốc Thích Đại Sán từng đi đường bộ vượt đèo này để đến kinh thành Huế. Hành trình đến xứ Đàng Trong bằng thuyền biển, nhà sư chính là một trong những chứng nhân về Bãi Cát Vàng, tức Paracel là quần đảo Hoàng Sa của VN và được ghi chép chi tiết trong bộ Hải ngoại kỷ sự.
Ông đến Huế vào cuối xuân, tháng 3-1695. Lưu lại đây giảng giải đạo pháp cho hoàng tộc khoảng nửa năm, ông vào Hội An để đi đường biển về nước. Ở thời điểm ấy, thương cảng Hội An là một bến tàu chính đến và đi giữa Đàng Trong với các nước mà trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, do gặp thời tiết xấu, ông mắc bệnh không thể đáp tàu về nước được nên phải nán lại Hội An. Triều đình Huế hay chuyện, lại thỉnh mời ông ra kinh thành. Ngày 12-10 năm Ất Hợi 1695, ông khởi hành bằng đường bộ qua đèo Hải Vân và đã làm thơ, ghi chép tỉ mỉ về thượng đạo đặc biệt này.
Một đoạn trong bản dịch Hải ngoại kỷ sự kể rằng: “Đi đến được vài mươi dặm, trời chiều khói tỏa, trăng lên bìa rừng ... Sáng bữa sau, đi chừng mươi dặm, qua ngang một cái khe, vượt qua một đèo nhỏ, lại qua một cái khe nữa thế là đến rừng Ngãi Lãnh (đèo Hải Vân); đi ngựa không được, đều đổi qua đi võng. Dân chúng ở dưới đèo rất khổ, quan dịch đi đông, bắt phu không đủ...
Quá trưa, lên đèo, đường sá gập ghềnh rất khó đi, hai bên đường toàn bụi rậm, dây leo chằng chịt. Càng lên cao, phía trên hai hàng cây cao vút chừng vài mươi trượng, không có cành phụ cong queo.
Mỗi cây đều bắt rễ trong rừng sâu, phải vượt lên cao để cướp hứng sương mốc. Quay nhìn xuống biển thấy thuyền cá nghìn buồm đứng chong. Vì đứng cao nhìn xuống nên trông thấy hình như mọi vật đều đứng im.
Cũng như ngửa trông lên trời, chẳng thấy các hành tinh vận hành vậy. Trông lên đỉnh núi che khuất trong mây, chỉ thấy một dòng suối từ trên cao chảy xuống trắng toát như cây lụa. Chỗ đương đứng vừa lưng chừng núi vậy. Phu đài đi thoăn thoắt, hình như chân không bén đất, quanh co trên đá rêu hang hốc, bỗng chốc đã đi tuốt vào trong mây...”.
Cùng với Thích Đại Sán, những người phương Tây từng qua Hải Vân quan không chỉ thấy vẻ đẹp mà cũng có cả nỗi sợ hãi hoang hiểm.
Sĩ quan hải quân Pháp Dutreuil de Rhins sau chuyến vượt đèo Hải Vân năm 1876, đã kể lại trong hồi ký Vương quốc An Nam và người An Nam một cách sợ hãi nhưng cũng nhuốm màu lãng mạn: “Mấy bó đuốc lóe lên những ánh ma thuật trên cảnh thiên nhiên hỗn loạn, và những bóng tối dị hình chạy theo sau những đám khói đỏ hồng. Đuốc có khi rực sáng, có khi biến mất qua các khuỷu đường, và cảnh rừng vùng lớn dậy bằng tất cả sự sợ hãi của bóng đêm. Đá sỏi lăn lóc dưới chân đi, và các phu cũng thận trọng ép sát vào bên phải sát sườn núi... Con đường mòn vừa đủ cho hai người sánh bước giờ đây lên lên xuống xuống nép theo sườn núi khi thì dốc dựng, khi thì um tùm bưng bít của đá núi. Hụt một bước, hòn đá con con phía bên trái long ra là lọt xuống vực toang hoác, sâu từ sáu đến chín trăm bộ”...
Lính thủy đánh bộ Pháp đã không thể vượt qua Hải Vân quan để uy hiếp kinh thành Huế. Người xưa xây dựng phòng lũy ở đây như thế nào?
|
Phòng lũy Hải Vân quan
TT - “Đặt hiểm để giữ vững là việc trước tiên trị nước, cất chứa đầy đủ là việc cốt yếu để đề phòng. Vì là có sẵn thì tự nhiên không lo, mà lo xa thì mới có thể thường yên được”.
Hải Vân quan, cổng Đà Nẵng - Ảnh: Q.V. |
“Trước khi có sự biến mất hoàn toàn các dấu tích cuối cùng của cửa quan ải An Nam trên đỉnh đèo Hải Vân, địa điểm cao nhất của đường cái quan nối liền Huế với Đà Nẵng, tôi nghĩ cần hồi phục các kỷ niệm của nó...
Than ôi, đây cũng là một trong những công trình xây cất hiếm hoi tại An Nam, khơi dậy hình ảnh của một thời rực rỡ và cường thịnh nay đã mất... Thời đó nó là một cơ cấu phòng thủ đủ để đẩy lùi các loại quân địch xuất hiện bất ngờ và ngăn chặn có hiệu quả mọi sự qua lại”.
Từ đầu thế kỷ trước, Henri Cosserat đã cảm thán như thế khi nghiên cứu, viết về thiên hạ đệ nhất hùng quan ở nước Việt.
Dấu xưa, nền cũ
Trong tập VIII, bộ Bulletin des Amis du Vieux Hue (Những người bạn cố đô Huế), người Pháp này đã viết lại những câu đầy trách nhiệm với hậu thế: “Từng ngày, từng giờ, thời gian đang hoàn tất công việc phá hoại của nó. Kỷ niệm đang phai mờ dần trong tâm tư những thế hệ tiếp nối, để rồi đây không còn lại gì nữa, nếu chúng ta không lưu tâm đến việc giữ gìn dấu vết của cửa ải đó bằng cách nhắc lại lịch sử của nó cho những kẻ đến sau chúng ta được biết”.
Một chiều chớm đông năm 2014, chúng tôi trở lại Hải Vân quan để trải nghiệm cảm xúc của Cosserat từ trăm năm trước.
Hình ảnh quan ải thực tế đã có phần hơi khác thời ông phác họa, nhưng những bậc đá từng lưu dấu tiền nhân vẫn còn lặng trơ trên đỉnh dốc cheo leo.
Khi Cosserat đến đây, người Pháp đã làm lại con đường thuộc địa qua cung đèo này. Cổng Hải Vân xưa được triều Nguyễn xây dựng để kiểm soát khách bộ hành giờ nằm cách xa vài mét bên cạnh chứ không còn ngay trên đỉnh đầu người đi đường.
Mở đầu Cosserat viết: “Từ Đà Nẵng ra, khi theo con đường ngoằn ngoèo, ngoạn mục lên đến đỉnh Hải Vân, ở đây ta thấy bên phải một cổng lớn bằng gạch rất đẹp, vòm bán nguyệt, kiến trúc công phu chẳng khác gì các kiến trúc của cổng thành Huế.
Cổng này trồi lên cao phía Đà Nẵng, và người đi đường, khi lên đây từng chặng theo lối quanh co lên xuống của con đường, có thể thấy đỉnh vòm in hình rõ nét trên nền trời. Cổng này thường được gọi là cổng Đà Nẵng.
Cổng này là thành phần của một lũy phòng thủ xưa kia chắn lối toàn bộ đèo Hải Vân và là cửa ngõ để vào bên trong một vị trí phòng thủ có đường quan trước đây của người An Nam chạy ngang qua.
Đường quan này sau khi quẹo ngoặt về phía phải, đi xuyên qua vị trí phòng thủ, thì thấy tiếp tục vượt qua một cái cổng khác giống như cổng Đà Nẵng nằm ở phía Huế được gọi là cổng Huế”.
Hệ thống cửa lũy này theo cá nhân Cosserat thuộc Đồn Nhất, có nghĩa vị trí phòng thủ thứ nhất. Khi ông ta đến, bức tường bằng đá dày của lũy phòng thủ xưa kia chắn kín lối qua lại hai bên cửa vẫn còn đó, nhưng có một đoạn đã bị phá để người Pháp làm đường mới.
Các lỗ châu mai đặt pháo được bố trí đều nhau về bên trái và bên phải của cổng Đà Nẵng với mỗi bên ba lỗ. Tuy nhiên, thời điểm Cosserat có mặt pháo binh đã vắng bóng, chỉ còn mấy khẩu súng nằm dài trên cỏ dưới chân tường với tình trạng còn tốt. Chúng cho thấy người xưa đã đặt pháo trên đỉnh đèo này để án ngữ vị trí thiên hiểm nhất trên Hải Vân.
Từ phía nam muốn ra Huế phải qua được trận địa pháo binh. Những gì mà Cosserat nhìn thấy ở mặt cổng trên cao ngày nay vẫn còn đọc được dù đã hơi bị phai mờ. Đó là ba chữ Hải Vân quan được khắc lớn theo hàng ngang trên phiến đá ở cổng Đà Nẵng.
Còn hàng dọc có dòng chữ nhỏ hơn với nghĩa được xây dựng vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ bảy. Ở cổng Huế có khắc chữ nhưng là tên Thiên hạ đệ nhất hùng quan, và cũng có thêm dòng chữ nhỏ khắc được xây dựng vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ bảy.
Cosserat ghi lại chi tiết địa hình mà người sau vẫn có thể kiểm chứng là cổng Huế được xây ở trên vị trí cao hơn hẳn cổng Đà Nẵng. Người xưa từ Nam ra Huế, sau khi qua cổng Đà Nẵng phải leo thêm một số bậc cấp nữa mới đến được cổng Huế. Khách bộ hành qua lại đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Họ chỉ được đi khi có sự cho phép của quan trấn thủ. Khi Cosserat có mặt, các ngôi nhà ở của quan, lính vẫn còn dấu vết đổ nát. Ngoài ra còn có kho thuốc súng, đạn pháo và chiến cụ canh phòng...
Thành Điện Hải, phòng tuyến phía nam Hải Vân - Ảnh tư liệu |
Tầm nhìn quân phòng
Nhiều lữ khách phương Tây như Cosserat qua cổng đèo Hải Vân này đều có nhìn nhận cách quốc phòng nghiêm ngặt của người Việt.
Tuy nhiên, nó cũng có sự thay đổi theo biến động thời cuộc. Năm 1885, nhân viên bưu chính Camille Paris qua đèo thấy: “Cái cổng, được gọi là Hải Vân quan, do một đội trưởng và năm người An Nam canh gác. Một bức tường dày trên đầu có miệng răng cưa để bố trí pháo, liên kết điểm cao gần đó. Sáu khẩu pháo xưa cũ, ba khẩu mỗi bên...
Hai cánh cửa rất lớn bằng gỗ kiền kiền xoay quanh trên những bản lề gắn vào bức tường dày năm mét, một cánh chặn sự xâm nhập vào đỉnh đèo theo con đường đi Huế, một cánh thì phòng vệ mạn dốc thẳng đứng về phía vịnh Đà Nẵng. Không thể đi theo lối nào khác ngoài hai cánh cửa này... Hai cánh cửa được đóng lại từ khi mặt trời lặn cho đến lúc mặt trời mọc, hoặc thấy trời có vẻ như vậy”.
Đại Nam thực lục chính biên chép dưới triều vua Minh Mạng năm thứ bảy, 1826, việc xây dựng Hải Vân quan được thực hiện. Trước đó, ở đây đã có trạm nhưng chưa có công trình xây dựng quy mô kiên cố để đặt hỏa pháo bố phòng.
“Mùa xuân, tháng 2. Xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân, phía trước sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước bề cao và bề dài 15 thước 1 tấc, ngang 17 thước 5 tấc; cửa sau bề cao 15 thước, bề dài 11 thước, bề ngang 18 thước 1 tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc; hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường trước sau liền nhau). Sai Thừa Thiên và Quảng Nam thuê dân làm, vài tháng làm xong”.
Đã từng qua đèo Hải Vân, vua Minh Mạng hiểu rất rõ vị trí “yết hầu” của phòng thủ này. Ngay sau khi xây xong cửa quan, ông đã cho trang bị hỏa pháo. Về sau những gì mà người phương Tây nhìn thấy chỉ còn là chút tàn tích một thời vàng son của nhà nước An Nam.
Sử liệu Đại Nam thực lục ghi: “Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng năm cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên trấn thủ đóng giữ. Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam”.
Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chi tiết cả dải Hải Vân từ Nam đến Bắc, từ bãi biển lên đỉnh núi đều có quân đội bố phòng cẩn mật, liên thông, và được trang bị vũ khí tốt nhất để sẵn sàng tiếp ứng nhanh chóng cho nhau. “Đặt hiểm để giữ vững là việc trước tiên trị nước, cất chứa đầy đủ là việc cốt yếu để đề phòng. Vì là có sẵn thì tự nhiên không lo, mà lo xa thì mới có thể thường yên được”. Đó chính là lời của Bộ Hộ tâu lên vua Minh Mạng về tầm nhìn xa của việc quan phòng vệ quốc.
____________
Những người lính trấn thủ
TT - Cha ông Nguyễn Văn Ngọc hay kể lại cho con cháu những ký ức tổ tiên mình.
Bản sắc phong quan thành Điện Hải - Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng |
Đó là những câu chuyện truyền lưu được kể lại từ đời cụ cố đến đời ông nội, rồi đời cha và giờ đây là ông Ngọc về cha ông là những người lính trấn thủ An Nam.
Gia phả xưa của nhà ông Ngọc cũng ghi rõ gốc gác cụ tổ ở làng An Nghiệp, huyện Hải Hậu, Nam Định. Một lần phạm tội với triều Lê, họ bị đày vào miền đất hoang hiểm phương Nam.
Khi nhà Nguyễn khai mở xứ Đàng Trong, họ dần được xóa tội và nhiều đời làm võ quan, lính tráng cho triều đình...
Ký ức truyền đời
“Cha tôi kể lời tổ tiên rằng nhiều cụ từ đời ông cố của dòng họ trở về xưa làm cai đội và đi lính ở các cửa biển Hội An, Đà Nẵng. Khoảng đời thứ sáu có cụ đã hi sinh ở mặt trận Đà Nẵng khi tàu chiến Pháp tấn công năm 1858. Con trai ông, tức cụ đời thứ năm trước tôi tên Nguyễn An Vĩnh tiếp tục đi lính trấn thủ ở Hải Vân những năm cuối thế kỷ 19 và cũng hi sinh ở đây”- ông Ngọc đã gần bước sang tuổi 90, sống ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, vẫn nhớ rành rọt chuyện xưa.
Ông kể lời tổ tiên rằng sau khi phải lìa Hải Hậu theo án phạt của tổng đốc Nam Định, họ dắt díu nhau vào sống ở Quảng Nam và tiếp tục mưu sinh bằng nghề biển như từng sống ở miền biển Hải Hậu xứ Bắc. Các cụ đi lính được sung vào thủy quân luân phiên trấn thủ ở các cửa biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Cụ Vĩnh của ông Ngọc, khi cha bị chết trận, đã được vua Tự Đức đặc cách trao cho một chức quân nhỏ gì đó như là cai đội và vợ con được miễn thuế, phu suốt đời. Cụ từng trấn thủ ở cửa biển Đà Nẵng, rồi luân chuyển lên canh gác trên Hải Vân. Ông Ngọc tâm sự lời tổ tiên truyền lưu rằng: “Cụ tôi là người có học, biết sử dụng hỏa pháo nên được các vị tướng cầm quân nể trọng. Cụ có lính dưới quyền, được nhà vua tặng áo ấm mùa đông, ngựa tốt khi bảo vệ đèo Hải Vân”.
Ông Ngọc kể đến đời cha ông vẫn còn giữ được một giấy công lệnh của tuần phủ Quảng Nam trao, ghi rõ trách nhiệm quan phòng cũng như các khoản đặc cách ưu tiên cho cụ Vĩnh. Mãi đến năm 1968 tờ giấy xưa này mới bị cháy trong chiến sự ác liệt ở miền Trung.
“Tôi nhớ lời tổ tiên truyền kể rằng cụ Vĩnh bị trúng pháo chết trong một trận giao chiến với quân Pháp. Quân xâm lược không dám đánh cận chiến trực tiếp với lính An Nam mà bắn sơn pháo từ xa. Quân cụ dùng pháo bắn trả và lính Pháp cũng bị nhiều thương vong. Cụ mất, thi hài bị chôn vùi đâu đó gần đỉnh đèo đặt trạm Hải Vân quan. Đến đời ông cố và ông nội tôi còn cố công lên đèo này tìm mộ cụ nhưng không thành, vì nghe nói sau đó người Pháp có sửa sang đường sá, mạo phạm vào những nấm mộ người Việt bên đèo”- ông Ngọc tâm sự ngày xưa cha ông còn lưu giữ được nhiều chuyện về tổ tiên nữa, nhưng đến đời mình đã phai nhạt, thiếu đầu hụt đuôi mất rồi...
Bản sắc phong quan thành Điện Hải - Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng |
Lính bố phòng
Lần giở lại thư tịch xưa cũ Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có rất nhiều chi tiết ghi lại việc bố trí binh lính quan phòng nơi thiên hiểm Hải Vân.
Đại Nam thực lục chép năm Minh Mạng thứ 10 Kỷ Sửu,1829: “Mùa đông, tháng 11. Sai các quân thị nội thần sách đều cử một suất đội và 50 biền binh đi thú Hải Vân quan, mỗi tháng thay phiên một lần”. Sang năm Minh Mạng thứ 12 Tân Mão,1831, việc quan phòng Hải Vân lại bổ sung: “Mùa hạ, tháng 6. Đắp cửa ải Hải Sơn trên núi Hải Vân, đặt tên là núi Cao An. Thưởng cho biền binh làm việc ấy tiền lương một tháng”. Đến năm sau, “Mùa xuân, tháng 2. Định lại lệ biền binh đóng giữ hai cửa ải Hải Vân và Hải Sơn. Mỗi tháng phái một suất đội, 50 biền binh, thì một suất đội ấy và 30 biền binh đóng ở Hải Vân, còn một đội trưởng và 19 biền binh đóng ở Hải Sơn, đều do phòng thủ úy cai quản”.
Từng qua nơi chướng hiểm này, vua Minh Mạng cảm thông cảnh khổ của lính trấn thủ nên tiếp tục phê chuẩn: “Đặt thêm phòng thủ úy ở Hải Vân (trước đặt một viên). Lệ trước: biền binh trú phòng, mỗi tháng một lần thay phiên, còn phòng thủ úy đóng giữ mãi. Vua cho rằng nơi ấy lam chướng hơi nặng nề, đổi lại: biền binh 15 ngày thay phiên, phòng thủ úy một tháng một lần thay phiên”.
Trong những lữ khách phương Tây từng vượt đèo Hải Vân thì chính Paul Doumer, viên toàn quyền cai trị Đông Dương, lại là người có lời lẽ trân trọng nhất với những người lính An Nam trấn thủ trên đỉnh đèo này. Sau khi sang nhận nhiệm vụ vài tháng vào năm 1897, ông đã ra thăm triều đình Huế trên chiếc hộ tống hạm I’Isly để cố tình biểu lộ uy lực pháo hạm.
Tuy nhiên trở vào Sài Gòn, Doumer lại chọn đường bộ qua đèo Hải Vân rồi mới lên tàu ở Đà Nẵng. Dừng lại ở Hải Vân quan, công trình phòng thủ do vua Minh Mạng xây dựng, viên toàn quyền thực dân đã không tiếc lời: “Con đường bị chặn lại bởi thành phòng thủ của người An Nam chắc chắn, đẹp mắt và trang nghiêm”. Không nói rõ số lượng quân lính, vũ khí ở đây, nhưng Doumer đã kể về sự chừng mực của những người lính tuân lệnh triều đình cung cấp ngựa mới, thức ăn và nước chè cho khách nước ngoài.
Vượt Hải Vân trước toàn quyền Đông Dương nhiều năm, sĩ quan thủy quân Pháp Dutreuil de Rhins cũng kể chuyện nhìn thấy Hải Vân quan với quân lính trấn thủ như thế nào vào năm 1876: “Sườn chóp núi Bắc bây giờ gần chúng tôi hơn... gắng thêm một tí nữa, và đến sáu giờ rưỡi chúng tôi đến thành đèo mệnh danh là Hải Vân quan. Hai đỉnh núi lẫn vào mây cách bốn năm trăm mét trên đầu chúng tôi, và chân núi thoai thoải giao nhau tại đây. Đường đi rộng chừng năm chục mét, bị chắn ngang vì một bức tường đá cắt có bốn cửa. Cửa giữa to rộng, hai cánh cửa bọc sắt mở ra cho chúng tôi đi và khép lại ngay. Hải Vân quan chỉ là gạch nối giữa hai đỉnh núi, sau cửa này địa thế lại hụt hẫng lần nữa, con mắt chỉ bắt gặp khoảng không, bắt gặp hố sâu được chắn bằng một bờ rào gỗ che khuất đường dốc đáng sợ”.
Ví von dải hình tượng đèo hiểm trở như một cây cầu bắc cao trên lưng trời, Rhins kể thêm chi tiết: “Đèo này, hay đúng hơn là cây cầu này, cao 470m trên mặt biển, đây là lối độc đạo xưa nay giữa hai tỉnh Kouang - Nam (Quảng Nam - PV) và Huế, được canh gác do khoảng 50 lính, trong đó có tối đa một chục cư ngụ trong bốn năm chòi nhà cạnh nhau. Thế này cũng được việc cho chúng tôi, vì đêm bắt đầu buông bóng tối xuống vùng đất thú dữ này; nhưng vị võ quan trưởng đồn, người thấp bé đến bảo gần đây có chỗ ở tốt hơn. Các người bước theo tôi càu nhàu, bản thân tôi chẳng hài lòng gì hơn, vì tôi ngờ rằng chẳng có chỗ nào tốt hơn”.
Quân lệnh cẩn mật không thể cho phép toán lính thực dân xâm chiếm được ngủ tại vị trí bố phòng của Hải Vân.
Trong bộ sử Đại Nam thực lục, các vua triều Nguyễn đã nhiều lần căn dặn về sự nghiêm mật này và tăng cường hỏa lực bố phòng. Tự Đức năm thứ ba Canh Tuất, 1850: “Mùa xuân, tháng 2. Đặt thêm bảy cỗ súng ở cửa Hải Vân. Một cỗ súng bằng đồng Thảo nghịch tướng quân, bốn cỗ súng quá hải hạng lớn bằng đồng, hai cỗ súng quá sơn bằng đồng”.
Chỉ vài năm sau chiến hạm Pháp đã tấn công Đà Nẵng, nhưng lính thủy đánh bộ không thể vượt nổi đèo Hải Vân để uy hiếp trực tiếp triều đình Huế...
____________
Không chỉ là thành ải thiên nhiên, Hải Vân còn được triều đình mộ dân, lập làng. Người xưa sống trên con đèo hiểm trở ấy như thế nào?
Những ngôi làng trên đỉnh đèo
TT - Nhắc nhớ chuyện tổ tiên truyền lưu, ông Nguyễn Văn Ngọc, hậu duệ đời thứ năm của người lính trấn thủ Nguyễn An Vĩnh, tâm sự với chúng tôi.
“Tổ tiên mình truyền đời kể rằng đèo Hải Vân ngày xưa hoang lạnh, nhiều thú dữ và chướng khí độc. Lính trấn thủ đóng ải hay bị bệnh nên được luân phiên canh gác. Tuy nhiên, trên đèo cũng có làng dân ở, lính tráng có thể nhờ giúp đỡ hoặc mua bán với họ. Tôi còn nghe kể cụ tôi có người vợ thứ trên đó, rồi không rõ thế nào khi chiến tranh xảy ra...”.
Một ngôi miếu cổ bên cổng Hải Vân quan - Ảnh: Quốc Việt |
Mộ dân lập xóm
Chuyện xưa đã trôi qua cùng bao dâu bể thời cuộc. Ký ức hậu duệ người lính trấn thủ năm xưa cũng mờ nhạt theo dòng thời gian. Một chiều chớm đông năm 2014, chúng tôi trở lại đèo Hải Vân để lần lại dấu vết người xưa.
Các bậc cao niên kể rằng chiến sự triền miên suốt thế kỷ 20 đã làm những ngôi làng trù phú bên thượng đạo này phải ly tán.
Người ra Huế, kẻ vào Đà Nẵng, Sài Gòn. Ký ức làng quê tổ tiên trên cung đèo mây mù này đã nhạt nhòa theo thời gian. Gần đây đường bộ xuyên hầm đèo một lần nữa góp phần làm người dân phải rời dải Hải Vân. Xe khách đèo cao giảm hẳn. Hiện chỉ còn vài cụm quán xá tạm bợ nhỏ trông chờ lữ khách du lịch...
Ngược thời gian trở lại quá khứ, sử quán triều Nguyễn có nhiều ghi chép về việc mộ dân lập xóm trên con đèo Hải Vân thiên hiểm này. Ý các bậc chúa rất rõ ràng: cần phải có dân ở trên đó để sửa sang đường sá, đặc biệt là giúp đỡ lữ khách đi đường cực nhọc và sẵn sàng làm phu dịch khi quan quân có chuyện cần qua con đường thượng đạo này.
Bộ sử Đại Nam thực lục chép năm Minh Mạng thứ 18, Đinh Dậu, 1837: “Mùa thu, tháng 9. Mộ dân dời ra núi Hải Vân. Trước đây vua cho là núi Hải Vân, đoạn giữa đường hiểm và dài, chuyển lên chỗ đỉnh núi cao hơn 30 trượng, người đi khó khăn.
Sai viên kinh doãn và giám thành bộ công phải khám đổi lấy đường khác, đến khi đem dâng bản đồ lên thì đường mới và đường cũ này cũng dài bằng nhau, gián hoặc có một, hai đoạn hơi phẳng mà chuyển lên đỉnh núi, cao cũng như nhau...
Bèn dụ cho quan huyện ở kinh và quan tỉnh ở Quảng Nam thông sức cho dân thuộc hạt có người nào muốn làm nhà ở hai bên đường núi thì thuế thân và đi lính đi phu đều miễn cho, khai khẩn ruộng vườn, cấy trồng thóc lúa lấy hoa lợi cũng chuẩn cho miễn nộp thuế, người không đủ sức dời đến làm nhà thì quan cấp vốn cho”.
Mục đích vua Minh Mạng còn được ghi rõ: “Cốt để cho từ đỉnh núi đến chân núi đoạn nào cũng có nhà ở nối liền nhau, cho người đi đường có nơi dừng chân tạm trú, đói có chỗ ăn, khát có chỗ uống, còn số người đến ở chuẩn cho ba tháng tâu biết tình trạng. Rồi sau sáu người dân ngoại tịch ở Quảng Nam xin làm nhà ở đường núi, vua chuẩn cho cấp mỗi người 10 quan tiền”.
Sau đó, vua Minh Mạng còn cho xây đền thờ thần núi Hải Vân để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn. Việc xây dựng thuê người dân ở đây làm.
Chuyện sửa sang đường đèo, quan điểm vua Minh Mạng là vẫn phải giữ sự hiểm trở tự nhiên “để làm nơi che chở, bảo vệ nước nhà”.
Tuy nhiên, ông vẫn cho sửa chữa để tiện lợi cho người qua đường: “Hải Vân là chỗ hiểm trở thiên nhiên. Trước đây trẫm ngự chơi Quảng Nam, thấy đường sá gập ghềnh, đi lại không tiện, đã sức sai mở rộng sửa sang. Nay nghĩ trải qua năm tháng đã lâu, tất gai góc đã um tùm. Vậy đều phải chiểu theo địa phận từng hạt liệu thuê dân phu phụ cận, phàm chỗ nào bậc đá đổ khuyết thì xây vá lại, chỗ nào cây cỏ mọc xen vào thì phải bỏ đi”.
Một góc làng quê Đà Nẵng phía nam Hải Vân - Ảnh tư liệu |
Bắp cau, vàng, và cọp
Không chỉ sử liệu khô khan, nhiều nhà du hành nước ngoài xưa qua đèo Hải Vân cũng đặc biệt chú ý đời sống người dân nơi núi rừng thiên hiểm này.
John Crawfurd, đại diện sứ bộ Anh, đến Huế năm 1822, đã kể lại những hình ảnh đầy cảm tình với ngôi làng của người dân An Nam giữa đỉnh đèo Hải Vân: “Cạnh điểm cao nhất mà chúng tôi lên tới có một ngôi làng sạch sẽ, vừa là cái chợ hẳn hoi, và điều đáng nói ít ra đối với người châu Âu là khí hậu ở đây dễ chịu.
Các quán xá có bán thứ như chè, gạo và các món khác bày ra cho khách, một số lớn các thứ này chúng tôi bắt gặp trong chặng đường ngày hôm nay và ngày hôm qua...
Đàn bà và trẻ con đi đứng không mang theo khí giới, không có tùy tùng và ra vẻ chẳng sợ gì. Đây là điều vinh danh cho chính quyền có chăm lo và mạnh dạn...”.
Ngoài ngôi làng này, lữ khách phương Tây cũng quan sát cảnh tình người dân nơi khác. Sĩ quan thủy quân Dutreuil de Rhins đến Huế năm 1876 để lái tàu hơi nước Chính phủ Pháp tặng vua Tự Đức.
Trong hồi ký Vương quốc An Nam và người An Nam, ông kể lại hình ảnh đầy sức sống của ngôi làng trên đèo Hải Vân: “Đi đường bộ, ta ít nghe gọi tên làng mà là tên trạm được viết trên cửa. Tên một thôn xóm với sáu chục mái nhà tranh hai bên đường chẳng là gì hết. Từng tốp bé con vừa chạy vừa báo chúng tôi đến và vẩy bụi mù trước mặt. Đám thiếu nữ buông chày trong cối, ngưng hò hát, chạy núp sau bình phong dòm ngó chúng tôi. Giờ này đàn ông còn ngoài ruộng. Chẳng là chúng tôi thấy toàn phụ nữ nách con bên hông”.
Phần nhiều lữ khách phương Tây không hào hứng lắm những món ăn người dân bên đường bày bán.
Tuy nhiên cũng có một số hoàn toàn khác hẳn. Viên bưu tá Camille Paris qua đèo Hải Vân năm 1885 đã trầm trồ với đặc sản lạ mà chính người Việt đời sau cũng không mấy ai biết: “Cây cối xung quanh rất quyến rũ, một rào tre đan lồng với nhau chia cách khu vườn được khai hoang với núi rừng, hẳn nhiên là để ngăn cản sự đột nhập của thú dữ.
Trong vườn có đủ cau, chanh, xoài, ổi, mít. Chúng tôi làm món trộn rất ngon bằng bắp cau và các người phu thì cứ tranh nhau trái để nhai. Cái lõi màu trắng ăn rất ngon, nằm bên trong lớp vỏ cứ nở to ra, màu xanh tương tự như su lá, và là phần ngọn của cây cau.
Do đó muốn ăn món trộn này phải hạ xuống những cây, và đúng là những cây cau với hình dáng vượt vồng, thẳng đứng với tàu lá đung đưa, mềm mại mà nếu đem về trồng được trong vườn của nước Pháp thì ắt vườn đó sẽ không thiếu niềm kiêu hãnh”.
Đặc biệt, câu chuyện các mỏ vàng bí hiểm dưới chân đèo Hải Vân cũng được nhiều kẻ phương xa quan tâm. Thương nhân Pháp Pierre Poivre vượt đèo năm 1749 đã kể tỉ mỉ về một ngôi làng giàu có nhờ nằm cạnh mỏ vàng: “Con sông này xuôi dòng tới những mỏ vàng đáng giá hơn cả toàn bộ của Đàng Trong. Đây là những mỏ làm ít mà hưởng nhiều... Nhất là làng này thật giàu có vì nằm cạnh mỏ. Có một ngôi chợ được phu mỏ hằng ngày đưa đến những thứ mình thu hoạch được... Vàng pha trộn với một thứ đất đo đỏ và lắm khi tìm được những hòn vàng nặng tới hai ba lạng”.
Thời còn hoang hiểm thế kỷ 18, 19, lữ khách nào qua đèo Hải Vân cũng mê hoặc với rất nhiều loài thú để săn bắn như bò rừng, nai, hoẵng, dê sừng trắng, heo, khỉ, đặc biệt không hiếm tê giác, voi và cọp. Chúng cho người dân nguồn sinh sống tự nhiên.
Thuyền trưởng Rey tàu Henry, qua đèo năm 1819, đã kể bác sĩ của mình suýt làm mồi cho cọp. Rey mô tả chi tiết loại bẫy cọp bằng cũi dùng chó để nhử mà người An Nam rất thạo. Bẫy chỉ có một cửa vào. Cọp nghe tiếng chó bên trong xông vào săn mồi và lúc ấy cửa cũi sẽ sập xuống...
_____________
Con đường vượt đèo
TT - Lữ khách bây giờ qua đèo Hải Vân có ba ngả để đi: hoặc theo con đường cái quan xưa, tức quốc lộ 1 vượt trên cung đèo.
Người Pháp đang làm đoạn đường sắt phía nam Hải Vân - Ảnh tư liệu |
Đây chính là nẻo đường nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Hoặc chậm rãi, lắc lư theo tuyến xe lửa lúc vượt hầm, lúc vắt vẻo lưng chừng đèo, khi lại trườn sát bờ biển. Cuối cùng là đi ôtô rút ngắn thời gian với đường hầm dưới chân núi mới được thông đầu thế kỷ 21.
Và trên ngả nào cũng tiện lợi này, mấy ai biết ngày trước nó đã được khai mở, xây dựng thế nào...
Nỗ lực tìm lối mới
Trước khi người Pháp chiếm đóng Việt Nam, các bậc vua chúa đã thấy rất rõ nỗi vất vả, hiểm nguy của lữ khách qua đèo nhưng họ cũng nhận thức phải gìn giữ sự thiên hiểm “yết hầu” miền Trung này.
Sử liệu chép rằng đường vượt Hải Vân từ Quảng Nam ra Huế không chỉ một nẻo cái quan chính mà còn những lối tắt núi rừng. Để trấn thủ, vua Thiệu Trị năm 1842 đã sai chặn các ngả này.
Bộ Đại Nam thực lục ghi năm Thiệu Trị thứ hai, Nhâm Dần, 1842: “Mùa xuân, tháng 3. Cấm đường tắt núi Hải Vân. Ở Hải Vân quan, dọc núi chạy dài, đường nhỏ nhiều ngả, những kẻ trốn tránh phần nhiều do đó lẻn đi. Bèn sai kinh doãn và quan tỉnh Quảng Nam khám lại ở những chỗ giáp giới, đều sai lấp bằng đất đá, mỗi chỗ rộng một, hai trăm trượng, trồng chặn ngang những thứ cây gai góc để lấp lối kẻ gian lén lút. Người nào lẻn qua sẽ bắt tội”.
Vài năm sau cũng tại đây, vị quan trấn giữ đèo Hải Vân đã bị vua Thiệu Trị bắt tội, giáng chức vì để hai người con cháu nhà Lê đi đày Đàng Trong trốn qua đèo để về quê...
Người Pháp sau khi chiếm đóng Việt Nam cũng chú ý ngay đến cung đường hiểm trở nối liền Đà Nẵng và Huế.
Lý do không đơn giản chỉ mục đích dân sinh, mà như chính nhà nghiên cứu người Pháp Cosserat đã viết thẳng trong cuốn Bulletin des Amis du Vieux Hue (Những người bạn cố đô Huế, tập XIII, 1926) là vì nhu cầu quân sự:
“Phải thực hiện nhanh để đặt kinh đô nước An Nam vào sự giao thông dễ dàng, nhanh chóng nhất với thành phố Đà Nẵng, và không lệ thuộc vào giao thông đường biển quá nhiều điều bất ngờ, quá ít bảo đảm chắc chắn và hoàn toàn thiếu thốn cho những nhu cầu của quân đoàn chiếm đóng”.
Ngay khi tấn công Đà Nẵng năm 1858, Pháp đã hiểu họ rất khó vận hành chiến hạm mớn nước sâu vào các sông Huế. Trong khi cửa biển Thuận An cũng thường xuyên chịu bão tố, dễ bị cắt đứt trong mùa mưa bão. Việc làm đường thuận tiện vượt đèo Hải Vân trở thành bắt buộc với tướng lĩnh viễn chinh Pháp.
Ban đầu người Pháp chú ý đến những đường tắt khác với con đường cái quan qua đèo Hải Vân. Họ hi vọng tìm thấy lối đi ít hiểm trở và ngắn hơn để giảm bớt chi phí xây dựng.
Năm 1885, đích thân thiếu tướng Prudhomme, tư lệnh quân đội Pháp ở Trung kỳ, dẫn đoàn quan quân đi khảo sát qua cả đèo Hải Vân vẫn hi vọng tìm kiếm được các lối khác vào sâu hướng tây dải núi này. Viên tướng viễn chinh đã cảm nhận ngay sự khó nhọc nếu đi con đường cái quan chính thức của triều đình:
“Khỏi miếu ông Hổ thì bắt đầu leo trèo. Thật là công việc vô cùng mệt nhọc bởi vì đường bộ được phóng không hợp lý, và vì có ý đạt điểm cao bằng đường ngắn nhất nên đã sa vào cái dốc rất cheo leo. Những bậc bước là để cho người khổng lồ bước lên vì có độ cao 0,6m. Tới đỉnh đèo thật là mệt, đoàn người dừng lại nghỉ ngơi lâu trong một pháo đài bằng đá được dùng để canh gác lối đi”.
Hành trình tìm kiếm con đường mới của tướng Prudhomme càng nặng nề hơn. “Nhưng đoạn này rất cheo leo vừa mới được phanh phui, chỗ rộng nhất là 0,4m, dốc lên chổng ngược, dốc xuống dựng đứng, bị chặn lại bởi thân cây to đổ xuống nằm ngang hoặc bịt kín bởi những hòn đá phù lưu và đây chính là đường mòn của chồn, thỏ, hươu, nai. Đoàn người thật sự đang ở trong rừng rậm”.
Cuối cùng, viên tướng này vẫn ngả theo hướng cũ là chỉnh sửa lại con đường qua đèo Hải Vân.
Sau Prudhomme, nhiều sĩ quan Pháp khác tiếp tục nỗ lực tìm kiếm con đường mới lẫn nghiên cứu chỉnh sửa lại đường cái quan của người Việt để tiện lợi cho hành binh.
Năm 1886, đại úy Besson đang trên đường làm việc này thì bị nghĩa quân Quảng Nam tiêu diệt. Tiếp theo Besson là Nicod, Clavez, Leblond... Trong đó đặc biệt là trung úy thủy quân lục chiến Debay xin nghỉ phép hẳn một năm để tình nguyện nghiên cứu con đường nối Huế với Đà Nẵng và nhánh từ Quảng Nam đi Lào.
Rất nhiều hành trình đã được kể lại, nhiều ý kiến được nêu ra. Ngoài lần theo những con đường ngang lối tắt để vượt đèo Hải Vân của người An Nam, họ tìm cả những tuyến đường mới hoàn toàn mà đặc biệt là nằm sâu phía tây Hải Vân, cách xa bờ biển. Họ nghiên cứu cả về mặt cấu tạo địa chất nền đường, giải pháp thi công và bài toán chi phí...
Điểm dừng chân trên đỉnh đèo Hải Vân hiện nay - Ảnh: Q.V. |
Hai con đường qua đèo
Cuối cùng quyết định của toàn quyền Paul Doumer quan trọng nhất. Nhận nhiệm vụ từ năm 1897, ông ta đã tập trung nhiều cho việc cải thiện đường sá. Hành trình qua đèo Hải Vân được thực hiện cả hai giải pháp đường bộ lẫn đường sắt. Ấp ủ đường mới bị gác lại, Doumer tiếp tục cho chỉnh sửa con đường qua đèo Hải Vân.
Hồi ký viên toàn quyền này kể: “Cách đây vài tháng, người ta đã khởi công trở lại và dưới sự đốc thúc vội vàng nhưng không thiếu sự chỉ đạo do tôi chịu trách nhiệm, công việc sẽ có kết quả tốt một ngày gần đây.
Trước mắt người ta có thể đi ngựa hầu như suốt con đường mòn đã được nới rộng và nhiều đoạn có dáng dấp một con đường bình thường đúng nghĩa. Có những cầu tạm bằng tre tại các địa điểm mà rồi đây sẽ có cống bằng gạch, cầu bằng sắt”.
Trở ngại lớn nhất của đường cái quan cũ là nhiều dốc cao, Doumer kể các kỹ sư Pháp đã nghiên cứu chỉnh lại “một lộ trình dự án trên sườn núi để tới đỉnh đèo bằng các lườn dốc tương đối êm dịu từ 10 tới 12% tối đa”...
Sau đường bộ, con đường sắt qua đèo Hải Vân cũng được khởi động từ năm 1902. Mở đầu công trình từ phía Đà Nẵng, vừa đến chân đèo Hải Vân vào tháng 9-1902 người Pháp đã phải tạm dừng lại vì máy khoan hầm mua từ Mỹ chở về bằng tàu biển bị sự cố trên hành trình.
Nhà nghiên cứu Frédéric Hulot kể lại công trình đường sắt từ Đà Nẵng qua đèo ra Huế đã thông chuyến tàu đầu tiên vào tháng 12-1906, chậm 22 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Không như làm đường bộ qua đèo thuận lợi hơn vì phần nhiều là chỉnh sửa đường cũ của người Việt, công trình đường sắt qua đèo gặp khó khăn hơn nhiều. Một số đoạn gần tuyến đường bộ, nhưng nhiều đoạn tách biệt hẳn, leo dốc 15 mm/m qua sáu hầm. Đường hầm ở đầu đèo dài nhất với 950m và đường hầm ở đỉnh đèo khoảng 565m...
Sử quán triều Nguyễn thời suy tàn không kể nhiều về công trình vượt đèo Hải Vân của người Pháp nhưng cũng cảm thương tình cảnh khổ sở, chết chóc của người dân bị bắt phu làm đường. Đại Nam thực lục chép năm Đồng Khánh thứ hai, Đinh Hợi, 1887:
“Công trình sở ấy khó nhọc nặng nề, từ khi dời đóng đồn thứ nhất, đồn thứ hai đến nay, khí núi rất nhiều, dân phu 10 phần nhiễm bệnh đến 6-7, phần nhiều bị chết, quan Pháp ở đấy, ngày thường đánh phạt, tật bệnh càng nhiều, chuẩn cho viện thần tư bàn với viên khâm sứ, trả lời rằng việc đánh phạt đã sức cho quan Pháp, từ nay về sau, dân phu có lỗi, phải giao cho quan Nam xét xử”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét