Ông Sanh làm việc cho một tờ báo Hoa ngữ ở Sài Gòn. Do có đến 7 người con, ông cùng vợ phải nghĩ kế sinh nhai nuôi sống gia đình. Ông chọn món cà ri gà để mở quán Sinh Ký, lúc đầu nhờ người quen ủng hộ, sau trở thành nổi tiếng khu vực này, một phần cũng do quán đặt ở vị trí gần nhiều trường học và đông người qua lại. Những người kế nghiệp quán hiện giờ là mấy người con của ông Sanh.
Cô bạn đi cùng thưởng thức món bún cà ri gà rồi gật gù: quả đúng là lạ. Mùi cà ri không quá nồng mà thoang thoảng vừa đủ để khứu giác phát hiện ra một cái gì mới lạ mà không bị sốc. Thịt gà được tẩm ướp rất đậm đà. Lâu nay quen ăn bánh mì cà ri, giờ lại thấy bún cà ri "ngon hổng chịu nổi”.
Một người con của ông Sanh cho biết, ngay từ khi ra đời quán chỉ bán món bún cà ri chứ không hề có bánh mì. Rồi đến khi thực khách hỏi ăn thêm bánh mì phải chạy đi mua, nên sau đó quán đã quyết định bán thêm bánh mì ăn kèm. Vậy là có món cà ri gà và bánh mì cà ri gà. Tuy vậy, cũng có người ăn bún và ăn kèm thêm cả bánh mì cho đã thèm.
Không hiểu sao rất nhiều người gốc Hoa đã chọn món cà ri Ấn Độ để bổ sung vào thực đơn của mình, đơn cử như món cơm gà hay heo với sốt cà ri của người Hải Nam, hay món cá viên cà ri rất được yêu thích ở Hồng Kông, Đài Loan... Cà ri, theo chân người Hoa, đã trở nên phổ biến ở rất nhiều nước châu Á. Tại Sài Gòn, cà ri Ấn Độ được người Hoa nhấn nhá, gia giảm để phù hợp với khẩu vị người Việt. Bởi thế, có người sang Ấn Độ ăn cà ri đều lắc đầu không ăn được, mà cứ phải cà ri Sài Gòn mới mê.
Bữa nào trời mưa lắc rắc, ngồi thưởng thức một bún cà ri gà thì còn gì thú vị bằng. Trong ánh sáng vàng vọt buổi đêm, khu Chợ Lớn bỗng lung linh đủ sắc màu, khiến món cà ri trở nên hấp dẫn bội phần.
Giang Vũ
Mở cửa: từ 6h chiều đến tầm 10h - 11h đêm
Giá: Bún cà ri gà, bánh mì cà ri gà (60.000đ/phần)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét