Nếu kỳ công hơn, ta có thể băm nhuyễn rắn mối với một chút mỡ heo, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi quấn lá lốt nướng trên than hồng, thơm nức mũi; vị ngọt, béo của thịt rắn mối nướng, cộng với vị nhân nhẩn và mùi thơm đặc trưng của lá lốt khiến ai ăn một lần là nhớ mãi món này.
Rắn mối là loài bò sát có hình dáng giống với kỳ nhông nhưng mập mạp hơn nhiều và có lớp vảy bóng óng ánh. Chúng thường sống trong vườn nhà, dưới các lùm cây, bụi rậm vùng quê. Gọi là rắn mối vì thức ăn ưa thích của chúng là những con mối sống ở các ụ mối, trong các hốc cây mục, rỗng...
Nhiều người khi nhìn rắn mối đã thấy sợ nhưng ai đã một lần ăn thịt chúng thì đảm bảo không thể nào quên cái hương vị thơm ngọt, đậm đà.
Rắn mối đi kiếm ăn trong các hốc cây.
Được người bạn rủ qua cù lao nhậu “mồi bén” là rắn mối nướng mỡ hành, chúng tôi hăm hở… vượt sông, vì từng nghe giới thiệu chứ chưa được ăn món này. Khi đến nơi thì rắn mối đã được làm thịt gần xong.
Nhìn rổ thịt rắn mối trắng tươi, quả thật chưa thấy hấp dẫn, nhưng khi nướng chín rồi thì… thơm ngon hết kể. Thịt rắn mối có thể chế biến được rất nhiều món ngon miệng như nướng than, chiên giòn, xào sả ớt, cháo rắn mối… Món nào cũng dễ chế biến mà hương vị cũng như sự đậm đà của mỗi loại lại rất đặc trưng.
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trẻ con đêm ngủ thở khò khè, cho ăn thịt rắn mối sẽ khỏi, phụ nữ ăn thịt rắn mối giúp da mặt thêm mịn màng...
Anh Mo ở xã Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) vừa làm thịt rắn mối vừa kể: Rắn mối rất dạn, lại ham mồi. Chúng xuất hiện nhiều nhất vào những hôm trời nắng, lúc gần trưa. Người ta thường bắt nó bằng cách câu như câu cá.
Chỉ cần móc con cào cào vào lưỡi câu, nhẹ nhàng thả vào trong các bụi cây có rắn mối sinh sống thì thế nào cũng có vài con dính mồi. Khi miệng rắn mối vừa dính lưỡi câu thì giật lên một cái là xong, chừng hơn tiếng đồng hồ buổi ban trưa thì vài ba người đi câu có thể câu được vài chục con rắn mối để làm thịt. Hồi trước nhiều lắm, nhưng bây giờ bắt đầu hiếm vì có nhiều người biết ăn thịt rắn mối nên chúng đã trở thành thương phẩm đặc sản.
“Thỉnh thoảng không có việc làm, tui cũng đi quanh các vườn chuối, vườn nhãn câu rắn mối bán. Mỗi con có giá từ 7.000- 10.000đ tùy theo lớn nhỏ; con lớn nhất bằng ngón chân cái, con nhỏ cỡ ngón tay cái. Mỗi ngày nắng tốt, từ khi nắng lên đi câu đến khoảng nắng nóng lưng kiếm được khoảng 20- 30 chục con, bán được khoảng 150.000đ. Nếu có bạn ở Vĩnh Long qua, như mấy anh vậy đó, điện thoại cho hay trước thì đi câu đãi khách. Ai ăn xong một lần là nhắc hoài đó!”- anh Mo vui vẻ nói.
Rắn mối được nướng trên than hồng thơm phức.
Cách làm rắn mối cũng đơn giản: Bắc ấm nước sôi, rắn mối bắt đập chết, sau đó bỏ vào thau chế nước sôi vào, ngâm khoảng 1- 2 phút lấy ra cạo vảy, mổ bỏ hết phần ruột, giữ lại lá gan và lớp mỡ úp quanh thành bụng. Trong quá trình làm thịt, nên hạn chế rửa rắn mối bằng nước lạnh vì dễ bị lên mùi tanh, tốt nhất nên rửa sạch bằng rượu trắng.
Rắn mối làm sạch thì chuẩn bị bếp than. Làm mỡ hành cho thơm phức, chờ khi rắn mối bốc mùi thơm trên bếp than đỏ rực thì chế mỡ hành lên thịt từng con, nướng thêm vài phút nữa. Đến khi thịt rắn mối bốc mùi thơm phức, lấy xuống ăn ngay khi còn nóng, kèm với vài cọng rau thơm, lá cách, rau quế… và có rượu đế nữa thì không còn gì bằng.
Rắn mối có thể chế biến được nhiều món. Sau khi làm sạch, món ăn nhanh nhất và dễ chế biến nhất là rắn mối chiên giòn. Chặt rắn mối ra làm hai, ướp gia vị rồi bắc chảo dầu lên bếp, chiên đến vàng và thơm lừng là được. Xếp rắn mối ra dĩa, kèm với vài cọng rau thơm, dưa leo, món này ăn cơm hay làm món nhậu cũng tuyệt.
Nếu kỳ công hơn, ta có thể băm nhuyễn rắn mối với một chút mỡ heo, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi quấn lá lốt nướng trên than hồng, thơm nức mũi; vị ngọt, béo của thịt rắn mối nướng, cộng với vị nhân nhẩn và mùi thơm đặc trưng của lá lốt khiến ai ăn một lần là nhớ mãi món này.
Đôi khi bắt được rắn mối mà không có đầy đủ điều kiện để chế biến thì có thể ăn xổi bằng món rắn mối nướng mọi; món này không cần làm da, mổ bụng, chỉ đập chết con rắn mối rồi ném vào lửa rơm, đợi cho chín vàng, bốc mùi thơm ngào ngạt thì lấy ra, cạo sạch tro than, bỏ ruột, bẻ từng khúc ăn với muối hột và ớt xanh cũng ngon đáo để.
Để nấu cháo, người ta cho thịt rắn mối vào luộc sau đó xào sơ qua với hành tỏi, tiêu, nước mắm cho thấm. Kế tiếp, dùng nước luộc rắn mối bỏ gạo nấu đến khi cháo nhừ thì bỏ thịt rắn mối đã xào vào cháo và nêm gia vị, tiêu cho vừa ăn. Đơn giản vậy thôi mà có được nồi cháo thơm, ngon ngọt, ai ăn một lần sẽ không thể nào quên cái vị đặc trưng của rắn mối.
Hồi trước về quê thường hay bị giật mình bởi tiếng động của rắn mối chạy len trên những tàu chuối khô hay bãi cỏ khô, bởi ca dao có câu “Con chi rọt rẹt sau hè/ Hay là rắn mối tới ve chuột chù?”
Mấy năm gần đây, những món ăn dân dã từ rắn mối đã trở thành đặc sản, được cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu nơi thành phố. Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là ở quê miệt vườn. Lâu lâu rủ bạn bè cùng nhau đi câu và chế biến món ăn đậm đà hương vị vườn quê này cũng là một cách thư giãn rất tốt vào những ngày cuối tuần.
Theo HÙNG HẬU (Vĩnh Long Online)
Rắn mối, món ăn sành điệu xứ vườn Nam Bộ
Rắn mối là loài bò sát có hình dáng giống thắn lằn nhưng to hơn nhiều, sống chui rúc ở các vườn tược ĐBSCL và từ lâu được xem là mồi nhậu khoái khẩu của giới bình dân.
Một con rắn mối trưởng thành to bằng ngón tay cái thân mình tính từ đầu đến đuôi dài xấp xỉ chiếc đũa tre. Ở quê khi bắt được rắn mối người ta cạo vảy, mổ bụng rồi nhét đậu phộng vào, nướng lửa than củi riu riu. Thịt rắn mối trắng phau, bốc mùi thơm phức. Rắn mối nướng xé phay ăn chẳng cần nêm nếm gia vị, hay ăn kèm rau quả. Ở các vùng quê, các bà các cô cũng truyền miệng nhau rằng mỡ rắn mối mịn thơm có vị hàn nên dùng làm kem bôi mặt là da mặt mịn trân, tốt hơn xài kem dưỡng da nhiều!
Mấy năm gần đây, do mốt ăn "hàng độc" như đuông dừa, đuông chà là, bò cạp, rầy nâu... nên rắn mối cũng không thể nằm ngoài thực đơn ở các nhà hàng. Các món như: rắn mối cạo vảy chiên nguyên con hoặc băm nhỏ nấu cháo hay chặt bỏ đầu nấu cà ri. Món nào cũng thơm ngon, béo ngậy. Mỗi con rắn mối tùy theo chúng còn sống hay chết mà các nhà hàng quán nhậu bình dân thu gom từ 1.500-2.000đ/con. Qua sơ chế, một đĩa rắn mối chiên 2, 3 con giá bèo cũng 15.000đ/đĩa. Nhiều người khi ăn rắn mối xong quả quyết rằng thịt thằn lằn núi Bà Đen (Tây Ninh) thua xa!
Ở ĐBSCL, anh Lê Hoàng Dũng (ngụ thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre) là người đầu tiên nuôi loài bò sát này. Trong căn nhà chật hẹp của mình, anh Dũng xây nhiều hồ nhỏ, mỗi hồ anh bỏ gạch ống vào cho rắn mối có chỗ trú thân. Rắn mối Dũng thu gom lại từ các tay săn bẫy rắn mối ở Bến Tre với giá 2.000đ/con còn sống. Sau 1 tháng thu gom bây giờ trong tay Dũng đã có đàn rắn mối hơn 80 con. Do sống trong thiên nhiên, mỗi cặp rắn mối ngự trị một lãnh thổ nên khi nhốt chung nhau tù túng rắn mối đã cạnh tranh lãnh thổ cắn nhau và biếng ăn mồi. Dần dần đã quen thấy chủ nuôi, chúng không chạy trốn nữa và chịu ăn mồi. Anh Dũng nói: "Rắn mối dễ nuôi, có điều chăm sóc cực. Tôi nuôi 50 con mà chết chỉ vài ba con do cắn lộn nhau. Rắn mối khoái ăn mồi động như trùn hay tổ mối. Mấy ngày đầu nuôi chúng, tôi phải chạy bở hơi tai mới kiếm đủ tổ mối, trùn cho chúng ăn. Sau này nuôi quen cho ăn gì chúng cũng ăn hết, từ thịt heo bằm nhỏ hay thức ăn công nghiệp". Dũng nói do nhà chật hẹp nên anh chỉ dừng lại ở việc nuôi rắn mối công nghiệp, nếu có khu đất rộng hơn anh sẽ nuôi rắn mối để làm mồi đãi bạn nhậu và kinh doanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét