Đặng Tuấn
Trần Nhật Duật ghi tên mình vào sử sách như là vị tướng đầu tiên dẹp yên quân nổi loạn bằng một bát rượu mà chẳng cần tốn một mũi tên hòn đạn nào.
Bậc kỳ tài về văn hóa và ngôn ngữ
Từ thủa thiếu thời, Trần Nhật Duật nổi tiếng là vị hoàng tử hiếu học. Nhờ sự miệt mài trong học tập, khổ công trong rèn luyện mà tài năng của ông nở rộ trên nhiều lĩnh vực như: Chính trị, quân sự, am hiểu sâu về văn hóa, phong tục tập quán của nhiều dân tộc. Đặc biệt ông còn rất ham mê ngoại ngữ.
Để thoả mãn niềm đam mê của mình, ông thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (một thôn do vua Lý Thánh Tông đánh chiếm được của Chiêm Thành), nơi có nhiều người Chiêm sinh sống để luyện nói. Còn khi muốn học tiếng Trung, Trần Nhật Duật hay đến chùa Tường Phù để nói chuyện với nhà sư người Tống.
Rồi mỗi khi có người nước ngoài đến kinh thành, ông thường mời họ về nhà chơi. Nếu là người Tống thì ngồi ghế đối nhau đàm luận suốt ngày, là người Chiêm Thành hay các người các dân tộc khác thì đều theo quốc tục của họ mà tiếp đãi.
Sử khổ học công phu khiến cho khả năng ngoại ngữ của ông ngày càng tiến bộ. Đến mức mà, có lần ông tiếp sứ thần triều Nguyên bằng tiếng hán một cách vui vẻ, tự nhiên suốt cả một ngày mà chẳng cần đến phiên dịch hỗ trợ. Khiến sứ Nguyên khăng khăng cho rằng Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (gần Bắc Kinh) sang làm quan bên Đại Việt.
Chính bởi tài năng vượt trội của mình, Trần Nhật Duật đã được vua Trần Nhân Tông giao đặc trách những công việc liên quan đến các dân tộc khác ngay khi ông mới 20 tuổi. Trong sách Các triều đại Việt Nam có chép lại câu nói đùa của Vua Nhân Tông về ông như sau: "Chiên Văn Vương có lẽ không phải người Việt, mà là hậu thân của giống Phiên, Nam".
Dẹp quân phản loạn với tài uống rượu bằng mũi
Năm 1280, tù trưởng địa phương ở đạo Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống lại triều đình.
Tin dữ đến với vua quan nhà Trần trong lúc nhà Nguyên đang sửa soạn quân xâm lược Đại Việt lần thứ hai, vì vậy cần phải mau chóng dẹp ngay mối bất hòa trong nước. Người đảm đương trọng trách này không ai hơn Trần Nhật Duật. Vương tử trẻ tuổi dưới cờ hiệu "Trần thủ Đà Giang" làm lễ ra quân lên đường.
Khi Trần Nhật Duật dẫn quân tới đạo Đà Giang, Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh đưa thư nói: "Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay".
Trần Nhật Duật nhận lời, rồi đem năm, sáu tiểu đồng cùng đi. Các tướng can ngăn, ông thản nhiên nói: "Nếu y phản trắc thì triều đình sẽ có người khác đến, không cần phải lo".
Tới doanh trại địch không chút run sợ, Nhật Duật bình tĩnh đi giữa mấy vòng gươm giáo của đám lính mang sắc phúc kỳ dị cố ý uy hiếp tinh thần vị hoàng tử trẻ.
Ở phía cuối 2 hàng lính, Trịnh Giác Mật đang đứng chờ sẵn. Đến nơi, tù trưởng chưa kịp mở lời Nhật Duật đã nói với hắn bằng chính ngôn ngữ và cư xử theo đúng phong tục của dân tộc xứ Đà Giang: "Lũ tiểu đồng của ta đi đường thì nóng tai trái, đến đây thì nóng tai phải".
Điều này khiến từ Giác Mật đến các đầu mục đều sững sờ, kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và tục lệ địa phương của Trần Nhật Duật.
Nhưng vẫn muốn thử thách thêm vị hoàng tử nhà Trần. Tù trưởng sai lính bưng mâm rượu lên rồi nheo mắt đầy thách thức, đưa tay mời. Chỉ có quả bầu cắt đôi sóng sánh rượu và đĩa thịt nai muối. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, tay cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm bầu rượu từ từ dốc vào lỗ mũi hết sức thành thạo.
Sách Danh nhân Hà Nội có chép lại rằng Trịnh Giác Mật nhìn thấy thế vội thốt lên:
"Chiêu Văn Vương là anh em với ta". Nhật Duật bèn đáp: "Chúng ta xưa nay vẫn là anh em", rồi gọi tiểu đồng đến gần, tự tay mở tráp, lấy ra những chiếc vòng bạc sáng lấp lánh, trao tận tay từng đầu mục đạo Đà Giang và chọn riêng cho tù trưởng Giác Mật một chiếc vòng lớn có lồng thêm một chiếc vuốt cọp.
Sau đó, Trịnh Giác Mật đem cả gia thuộc đến doanh trại của nhà Trần xin hàng. Mọi người thấy thế, ai cũng vui vẻ, kính phục.
Khi về kinh, Trần Nhật Duật dẫn cả Giác Mật và gia đình của y theo vào yết kiến Trần Nhân Tông. Vua khen lắm, cho Giác mật và vợ con về, chỉ giữ lại một người con ở kinh sư. Trần Nhật Duật hết lòng thương yêu thương dạy dỗ con của Trịnh Giác Mật, lại xin phong tước cho, sau này cũng cho về nốt.
Tham khảo từ:
- Danh Nhân Hà Nội – NXB Hà Nội năm 2004 – Trang 193; 194; 195; 196; 197
- Các triều đại Việt Nam – NXB Thanh Niên năm 2001 – Trang 125; 126; 127
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét