Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Mối tình hiếm có giữa nữ tướng giả trai và khai quốc công thần nhà Hậu Lê

Lê Thái Dũng 
Mối tình hiếm có giữa nữ tướng giả trai và khai quốc công thần nhà Hậu Lê
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Nguyễn Chích là một danh tướng kiệt liệt của nghĩa quân Lam Sơn, sau thành đại công thần khai quốc của nhà Hậu Lê. Ít ai biết, ông và vợ quen nhau trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

Từ người anh hùng núi Hoàng Nghiêu đến công thần khai quốc
Nguyễn Chích (1382 – 1448) quê ở thôn Vạn Lộc, huyện Đông Sơn, châu Ái (nay là xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa); có tài liệu thì ghi ông người thôn Mạc, huyện Đông Sơn; tài liệu khác thì ghi quê ông ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.
Xuất thân trong gia đình nông dân, lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi chăn trâu, ở đợ kiếm sống nhưng ông bản tính thông minh, dũng lược, có ý chí.
Bởi vậy, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của triều Hồ thất bại vào tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), trong số các cuộc nghĩa nổi dậy sau đó, có cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Chích lãnh đạo.
Ông đã tập hợp lực lượng, lấy khu vực núi Hoàng và núi Nghiêu làm căn cứ (nay thuộc khu vực giáp giới giữa 3 huyện Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa). Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn chép: "Hiệu lệnh của ông được thi hành ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống và Ngọc Sơn".
Từ căn cứ của mình, Nguyễn Chích dần dần phát triển lực lượng, khống chế cả một vùng rộng lớn phía Nam Thanh Hóa và bắc Nghệ An.
Năm Mậu Tuất (1418), khi Lê Lợi xưng là Bình Định vương xướng nghĩa ở Lam Sơn, biết danh tiếng của Nguyễn Chích, Lê Lợi đã cho người đến kết giao để cùng phối hợp chống kẻ thù chung.
Nể phục uy thế, tài đức của thủ lĩnh Lam Sơn nên cuối năm Canh Tý (1420) Nguyễn Chích đã đem toàn bộ lực lượng theo về, tự đặt mình dưới sự chỉ huy của Lê Lợi và được phong là Thiết đột hữu vệ, Đồng tổng đốc chư quân; sau nhờ lập nhiều chiến công lại được thăng đến chức Nhập nội thiếu úy, thuộc hàng võ quan cao cấp nhất lúc đó.
Không chỉ anh hùng hào kiệt nể phục tài năng của Nguyễn Chích mà đến kẻ thù cũng muốn lôi kéo ông. Giặc Minh thông qua tên Việt gian Lương Nhữ Hốt nhiều lần dùng vàng bạc, chức tước để mua chuộc, dụ dỗ nhưng bị ông cự tuyệt, không những vậy ông còn đem quân tấn công, đánh bại Lương Nhữ Hốt ở Cô Vô (ven sông Chu).
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, có thể chia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn làm ba giai đoạn lớn: Giai đoạn hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa (1418-1423), giai đoạn tiến vào phía Nam (1424-1425) và giai đoạn giải phóng Đông Quan (1426-1427).
Nếu như giai đoạn đầu nghĩa quân thế lực còn mỏng, địa bàn hoạt động hẹp, gặp vô vàn khó khăn, lại liên tục bị quân Minh tấn công nhằm tiêu diệt, có lúc tưởng chừng tan rã hoàn toàn, như trong Bình Ngô đại cáo sau này có nhắc lại qua hai câu:
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Khi Khôi huyện quân không một đạo.
Trước tình hình đó, bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đã mở hội nghị quân sự đặc biệt quan trọng vào tháng 9 năm Giáp Thìn (1424) để tìm phương án tốt nhất để cho nghiệp lớn thành công.
Mối tình hiếm có giữa nữ tướng giả trai và khai quốc công thần nhà Hậu Lê - Ảnh 1.
Thủ lĩnh nghĩa quân núi Hoàng – Nghiêu. Hình minh họa – Nguồn: sachxua.net.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định bỏ vùng núi rừng ở Thanh Hóa để tiến vào phía Nam đánh chiếm Nghệ An theo kế sách của tướng quân Nguyễn Chích, với việc xác định lợi thế khi thay đổi địa bàn như sau:
"Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay hãy đánh trước lấy Trà Lân, chiếm cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ".
Có thể nói, nhờ kế sách này mà từ một cuộc khởi nghĩa nhỏ, lực lượng ít, khu vực hoạt động hẹp, trải bao gian khó, dần dần Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân đã từng bước phát triển lực lượng, mở rộng quy mô hoạt động, giành nhiều thắng lợi quan trọng để xoay chuyển dần cục diện.
Từ đó nghĩa quân Lam Sơn đã kiểm soát được một vùng rộng lớn từ đất Nghệ An trở vào Nam , giặc Minh chỉ còn co cụm cố thủ trong mấy tòa thành lớn bị bao vây trùng trùng lớp lớp.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành lại nền độc lập cho đất nước sau 20 năm rên xiết dưới ách đô hộ của giặc Minh bạo tàn, Lê Lợi cho ban bố "Bình Ngô đại cáo", lên ngôi vua sáng lập ra triều đại Hậu Lê. Với công trạng của mình, Nguyễn Chích được phong tước Đinh Thượng hầu, được ban quốc tính gọi là Lê Chích.
Những dấu ấn quan trọng của thắng lợi đó đều xuất phát từ kế sách của Nguyễn Chích, đúng như trong Kiến văn tiểu lục, Lê Qúy Đôn đã nhận xét rằng: "Bầy tôi có công khai quốc, kể về bậc tài trí không phải là hiếm, nhưng sở dĩ đã bình định được cả nước là do mưu chước của Lê Chích…
Không cần phải đánh mà được thành Đông Đô, lấy hòa hiếu để kết liễu chiến tranh, tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi, nhưng trước hết làm cho căn bản mạnh để thu lấy thắng lợi hoàn toàn, thực bắt đầu từ Lê Chích".
Chuyện tình của vị tướng quân có tài nuôi chim bồ câu
Thời gian đầu dựng cờ nghĩa, Nguyễn Chích lập căn cứ tại núi Hoàng và núi Nghiêu. Đây là một khu vực địa thế hiểm yếu, nhiều hang động, đường đi hiểm hóc nên quân Minh không dám đem đại quân đến đàn áp.
Để chiêu hiền đãi sĩ, anh hùng hào kiệt đến tụ nghĩa, Nguyễn Chích đã chọn động Chân Nghĩa nằm ở núi Nghiêu làm nơi tiếp đón; sách Thanh Hóa tỉnh chí có viết như sau: "Một vùng đất bằng phẳng, rộng hơn 10 mẫu, có núi che khuất là nơi đầu tiên tụ tập nghĩa sĩ từ bốn phương trước khi vào căn cứ".
Có nhiều người đã tìm đến với Nguyễn Chích để đầu quân, góp sức cùng nhau phá giặc cứu nước, cứu dân nhờ đó lực lượng của ông lên đến hơn 1000 người.
Nghĩa quân đã xây dựng nhiều đồn lũy, doanh trại, luyện tập quân sĩ, những nơi đó hiện vẫn còn để lại dấu tích ở huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa qua những tên gọi như cồn Pháo, cồn Voi, cồn Binh, cồn Lưỡi kiếm…
Về chuyện đời tư của Nguyễn Chích, mối tình của ông đến một cách rất tình cờ, đó là khi Nguyễn Chích vẫn là người đứng đầu lực lượng khởi nghĩa ở vùng núi Hoàng và núi Nghiêu, anh hùng nhân sĩ cùng chí hướng tìm đến tham gia khá nhiều.
Một hôm, khi ông đang ở trong doanh trại thì nghe nghĩa binh vào báo rằng có một tráng sĩ trẻ tuổi xin gặp chủ tướng. Khi người đó bước vào, Nguyễn Chích thấy đó là một chàng trai dáng người nhỏ nhắn, thư sinh tưởng chừng "trói gà không chặt", ông liền cất tiếng hỏi:
- Anh có tài năng gì, vì sao lại tìm đến đây?
Tráng sĩ đáp bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết và rất ngắn gọn:
- Tôi vốn học võ từ nhỏ, nay vì căm thù giặc nên đến xin đầu quân.
Nguyễn Chích liền nói:
- Anh đã nói như vậy, giờ hãy trổ tài cho ta xem.
Sau đó ông mời tráng sĩ ra ngoài tỉ thí võ nghệ với một bộ tướng của mình, không ngờ chỉ một thoáng, qua vài đường võ thuật tráng sĩ trẻ đã đánh ngã viên tướng kia.
Tiếp sau thì lần lượt hạ hết tướng này đến tướng khác khiến cho cả doanh trại từ chủ tướng Nguyễn Chích cho đến nghĩa binh ai nấy đều kinh ngạc, khâm phục.
Thấy người đó tuổi trẻ tài cao, Nguyễn Chích rất mừng bèn thu nhận vào đội quân của mình. Từ đó, qua việc quân hàng ngày, để ý thấy tráng sĩ kia có điều gì khác hẳn với mọi người, ông ngờ ngờ vì dáng vẻ thùy mị, khuôn mặt, làn da, vóc dáng, đi đứng, bày tay nhỏ nhắn; tất cả như những đường nét của một người con gái.
Quyết tâm giải đáp những thắc mắc của mình, Nguyễn Chích liền cho tổ chức một cuộc thi đấu vật cho toàn quân, lệnh ban ra ai cũng phải tham dự.
Lúc đó, tráng sĩ trẻ kia tìm cách từ chối khéo, thế nhưng trước mệnh lệnh và sự thúc ép của binh tướng, ở vào cảnh không thể làm sao được nữa, tráng sĩ kia đành thú thực với Nguyễn Chích rằng mình là gái giả trai, tên là Nguyễn Thị Bành.
Mối tình hiếm có giữa nữ tướng giả trai và khai quốc công thần nhà Hậu Lê - Ảnh 2.
Nữ tướng trổ tài cung kiếm. Hình minh họa – Nguồn: Đại Việt cổ phong.
Không lâu sau, vốn phục tài đức của nhau, Nguyễn Chích đã lấy Nguyễn Thị Bành làm vợ và phong làm phó tướng. Người vợ này trong giỏi nội trợ, ngoài tường binh thư kiếm pháp, đặc biệt lại cũng có tài nuôi chim bồ câu giống như chồng.
Từ nhỏ, Nguyễn Chích đã được bố truyền nghề nên ông có biệt tài nuôi chim bồ câu rất giỏi. Bồ câu được dạy một cách khéo léo, để xem khả năng của mỗi con, người ta đặt một chậu nước giữa sân, rồi cho chim tung cánh lên trời, những con chim nào dạy khéo sẽ bay rất thẳng, đến nỗi, bay cao lên tít mây xanh mà bóng chim vẫn in trong chậu nước.
Nguyễn Chích đã tập cho đàn chim của ông bay khéo như vậy và còn luyện cho chúng mang thư từ và đồ nhẹ đến nơi định sẵn và bay trở về.
Bấy giờ Nguyễn Thị Bành trở thành trợ thủ đắc lực cho chồng trong việc huấn luyện đội quân chim bồ câu. Không chỉ vậy, nàng còn nhiều lần tham gia chiến trận, đáng kể nhất là trận giữ thành Yên Mỗ.
Tòa thành này là một trong những địa điểm quân sự do Nguyễn Chích xây dựng, ở vị trí hiểm yếu nên quân Minh rất muốn triệt hạ. Tướng giặc là Trương Phụ có lần huy động một lực lượng khá đông đến vây hãm,
Nguyễn Thị Bành đã cùng chồng chỉ huy quân lính đánh cho quân giặc một trận thất điên bát đảo, giữ vững căn cứ.
Khi Nguyễn Chích gia nhập với quân khởi nghĩa Lam Sơn, ông cùng vợ đã mang toàn bộ binh sĩ và cả bầy bồ câu đi theo để giúp việc truyền tin. Có lần căn cứ Lam Sơn bị đánh úp, ở doanh trại chỉ có Lê Lợi và Nguyễn Chích cùng mấy trăm quân túc vệ.
Giặc Minh ở ngoài vây rất chặt, khó có thể phá được vòng vây hay cử người đi báo tin giải cứu. Nguyễn Xí liền thả chim câu đi đưa thư gọi được các cánh quân về cứu viện, trong đánh ra, ngoài đánh vào làm cho vòng vây của giặc tan vỡ, Bình Định Vương Lê Lợi rất khen ngợi, ban thưởng cho Nguyễn Xí và lấy thóc tẩm mật cho chim ăn để bồi dưỡng.
Cho đến nay người dân ở vùng đất xứ Thanh Nghệ vẫn lưu truyền bài thơ ca ngợi "đội quân" chim bồ câu của vợ chồng tướng quân Nguyễn Chích như sau:
"Bồ câu bồ các,
Nó hát cúc cù.
Cu đi Quan Du,
Cu về Bù Rộc.
Thư này hỏa tố,
Phải đợi cu về.
Ăn gạo vua Lê,
Đậu vai ông Chích.
Cu là cu thích,
Lại hát cúc cù!".
Sau chiến thắng quân Minh xâm lược, Nguyễn Chích trở thành khai quốc công thần nhà Hậu Lê, vợ ông là Nguyễn Thị Bành được phong làm phu nhân.
Từ đó, bà sống cuộc đời của người vợ hiền, lo việc gia đình giúp chồng nuôi dạy con cái, quán xuyến việc nhà kể cả lúc ông ở đỉnh cao danh vọng hay lúc bị nghi kị thất sủng.
Chính sử không nhắc gì đến người vợ tài năng của Nguyễn Chích, nhưng sự nghiệp của ông có thể nói có sự đóng góp ít nhiều của người vợ hiền Nguyễn Thị Bành.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 12 năm Mậu Thìn (1448) "Nhập nội đô đốc tham dự triều chính đình hầu Lê Chích chết. Chích là công thần khai quốc cũ, thời Thái Tổ đã tham dự triều chính, vì có lỗi mất chức, đến triều Thái Tông được khôi phục làm Đồng tổng quản châu Hóa, trấn thủ Thái Ải.
Người Chiêm hai lần đến cướp, vây thành, Chích lấy ít đánh nhiều cho đến khi phá được. Sau lại đi đánh Chiêm Thành có công, thăng dần đến chức này. Đến đây chết, tặng Nhập nội tư không bình chương sự, đặt thụy là Trinh Vũ".
Triều đình còn cho dựng đền thờ ông, về sau này lại cho khắc bia ghi tiểu sử và sự nghiệp của Nguyễn Chích, trên tấm bia "Quốc triều tá mệnh công thần" dựng năm Canh Ngọ (1450) có đoạn viết về ông như sau:
"Ông ít nói, ít cười, hiền lành, trung thực, có chí lớn, không chăm lo công việc làm ăn cho riêng mình… Lập chí kiên quyết, thấy được sự việc lúc mới phát sinh, tính toán cẩn thận, ứng biến mau chóng, công danh đầy biên quận, sự nghiệp đầy triều đình".
Tài liệu tham khảo:
1. 18 vị khai quốc công thần Lũng Nhai (Lê Văn Viện) – NXB Thanh Hóa, 2007
2. Các vị thần thời Lê Sơ (Vũ Thanh Sơn) – NXB Quân đội nhân dân, 2012
3. Danh tướng Việt Nam – danh tướng Lam Sơn (Nguyễn Khắc Thuần) – NXB Giáo dục, 1997
4. Đại Việt sử ký toàn thư (Các sử thần triều Hậu Lê) – NXB Văn hóa thông tin, 2006
5. Những mẩu chuyện lý thú về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Trịnh Mạnh) – NXB Giáo dục, 2007
6. Truyền thuyết Lam Sơn (Nguyễn Sơn Anh)
7. Võ tướng Việt Nam (Vũ Ngọc Khánh) – NXB Văn hóa thông tin, 2007
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét