Hàng năm, khoảng từ mồng 3 đến 29 tháng Chạp, mỗi gia đình người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì, Hà Nội đều tổ chức một lễ cúng cuối năm tại nhà để tạ ơn Bàn Vương, tổ tiên và Tản Viên sơn thánh – vị thành hoàng đã phù hộ, che chở cho gia đình trong suốt một năm qua. Đồng thời, nhân lễ tạ ơn, đồng bào còn báo cáo về những thành quả đã đạt được trong năm, cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc sẽ đến trong năm mới.
Lễ vật trong lễ cúng tạ ơn của người Dao Quần chẹt. |
Lễ vật cúng mời tổ tiên về ăn tết của người Dao Quần chẹt gồm một cái thủ lợn được các gia đình chọn nuôi từ nhỏ. Con lợn được làm sạch, để dưới bàn thờ tổ tiên. Một con gà trống, 42 chiếc bánh dầy (trắng, đỏ) tượng trưng cho những viên gạch, thể hiện tấm lòng của con cháu, còn là sự chuẩn bị chu toàn cho tổ tiên mang về sửa sang nhà cửa. Trên bàn thờ phải có 5 chén để rót rượu, hai bát chân hương và không thể thiếu là một bát nước trượng trưng cho cho nước thiêng tổ tiên dùng để sinh hoạt.
Khi lễ vật đã được chuẩn bị xong, thầy cúng thực hành nghi thức cúng tạ ơn, nội dung của bài khấn: “Năm Bính thân vừa qua, gia chủ rất biết ơn thuỷ tổ và tổ tiên cũng như thần núi Tản Viên đã che chở cho gia đình gặp nhiều may mắn, phù hộ chúng con làm ăn, trong năm qua nhờ sự bảo vệ của các vị mà việc chăn nuôi được nhiều thuận lợi. Lợn đầy chuồng, gà đầy sân, trâu bò trên núi cũng béo tốt đầy đàn. Với tất cả lòng biết ơn, gia chủ thành tâm kính dâng lên chư vị một con lợn, con gà và chén rượu thơm”
Thầy cúng Triệu Văn Lịch dâng cúng tiến vàng kính biếu tổ tiên . |
Sau đó, thầy cúng tiếp tục rót rượu và đếm tiền giấy cho tổ tiên. Tiền âm phủ này được đóng dấu hình tròn kính cho tổ tiên cúng biếu người âm phủ, và tiêu xài. Theo quan niệm đồng bào mỗi ngôi mộ là một ngôi nhà, nhưng với người âm có ba hồn bẩy vía thì ba hồn sẽ ở lại âm phủ trông coi nhà, bảy vía sẽ theo hương gạo về ăn tết cùng con cháu. Khi tung ‘cháo’ xin sấp ngửa và tổ tiên đã đồng ý nhận tiền giấy.
Sau khi hóa vàng gia chủ quét sạch rác ở mọi nơi trong nhà rồi hót vào chiếc lu cở mang đổ tại đường rẽ, khi gùi rác đi tay cầm theo ba nén hương và khấn: “những mong mọi điều sui xẻo, lười nhác theo rác mà đi, năm mới ăn nên làm ra, lợn gà đầy chuồng, một hạt thóc xuống trăm hạt nải mầm, bốn mùa không hạn hán ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng...”.
Điệu múa chuông độc đáo của đồng bào dân tộc Dao. |
Khi phần lễ được kết thúc cũng là lúc những điệu múa chuông, múa rùa được vang lên. Đây là những điệu múa cổ truyền vô cùng đặc sắc của các chàng trai, cô gái Dao đến từ thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Những điệu múa vui nhộn với tiết tấu nhanh, khoẻ khoắn thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai trong lao động sản xuất.
Cũng trong lễ hội này, người Dao thôn Yên Sơn cũng đã tái hiện trích đoạn múa Xuất Peng pịa chủng. Đây là một điệu múa mô phỏng việc luyện binh tướng bảo vệ tổ quốc của Bàn Vương xưa kia. Vì vậy, điệu múa này không thể thiếu trong tết nhảy của người Dao.
Người Dao tái hiện trích đoạn điệu múa Xuất peng pịa chủng . |
Từ đời này sang đời khác, người Dao Quần chẹt ở Ba Vì vẫn giữ truyền thống làm lễ tạ ơn tổ tiên, nét văn hoá này trở thành phong tục truyền thống. Trong lễ này tất cả những khó khăn, vất vả, những mâu thuẫn, xích mích được dẹp bỏ, mọi thành viên trong gia đình dù xa, gần đều đến chung vui.
Nghi lễ thờ cúng ngày tết của dân tộc Dao Quần chẹt ở Ba Vì chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn thể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên. Vì thế công tác chuẩn bị và bày trí cho nghi lễ này được đồng bào rất chú trọng.
Tố Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét