Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Đám cưới truyền thống của người Mảng

Đám cưới truyền thống của người Mảng gồm nhiều nghi lễ. Đôi nam nữ yêu nhau và có ý kết duyên thì chàng trai về báo với bố mẹ để mượn một ông mối qua nhà cô gái thưa chuyện. Lần thứ nhất ông mối sang trình bày việc con trai bên nhà tôi và con gái nhà ông đã yêu nhau, tôi sang để có lời của người lớn. Lần thứ hai, ông mối sang xin thời gian cho chàng trai đến ở rể nhà cô gái. Lần thứ ba, ông mối sang nhà cô gái để thống nhất lễ vật tổ chức đám cưới. Thống nhất xong lễ vật, nếu nhà họ trai chuẩn bị được sớm thì tổ chức đám cưới sớm và thời gian ở rể sẽ ngắn, nếu thời gian ở rể dài thì lễ vật thách cưới sẽ ít hơn. Sau khi cưới, vợ chồng bắt buộc phải sang nhà bố mẹ vợ 3 lần.

Chọn được ngày tốt, đoàn ông bà mối và đại diện nhà trai mang lễ vật lợn, gạo nếp, vải trắng, cá sấy, chuột sấy, sóc sấy sang nhà gái xin dâu; ngoài 5 giờ chiều mới được vào nhà.

Những ông mối chính quỳ ở gian nhà đầu tiên quỳ lạy làm lý với bố mẹ cô dâu và người đại diện nhà gái để xin dâu.

Đại diện nhà gái kiểm tra lễ vật của nhà trai.

Chú rể và đại diện bố mẹ cô dâu thực hiện lý châm thuốc lào để cầu cho cô dâu, chú rể sau này làm nương được mùa.

Đám cưới của Lò Văn Ca, 20 tuổi ở bản Nậm Sập, xã Nậm Pì và cô gái Lò Văn Kem, 18 tuổi ở bản Huổi Van, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn được tổ chức sau khi chàng trai ở rể được gần một năm. Lễ vật thách cưới là 2 con lợn, mỗi con trên 70 kg; 50 kg gạo nếp; 9 con gà; 30 con sóc sấy khô; 10 con cá sấy; một sấp vải trắng. Lễ vật chuẩn bị xong, gia đình mượn trong bản những người biết ăn biết nói, uống rượu tốt để làm ông, bà mối đại diện sang nhà gái xin dâu. Số lượng ông mối và bà mối ngoài con số bảy ra thì gia đình họ gái và trai mượn được bao nhiêu cũng được. Mối một, mối hai, mối ba phải là con trai để tiếp rượu thưa chuyện được với đại diện của nhà họ gái và nhà họ gái khi sang nhà họ trai cũng vậy.

Sau khi thực hiện lý xin dâu xong, các cô gái chàng trai cùng nắm tay nhau múa hát, người đứng ngoài lấy hạt ngô ném vào để cầu mùa màng bội thu, thóc đầy bồ, vật nuôi đầy đàn cho cô dâu chú rể.

Khách đến chúc mừng gia đình mang quà vải, rượu, gạo nếp tặng, ra về cũng được nhận quà cảm ơn của cô dâu chú rể.

Gia đình nhà gái chuẩn bị quà, 3 đồng bạc trắng và 1 đồng bạc nhỏ cho cháu sau này và vật dụng sinh hoạt cho cô dâu về nhà chồng.

Đoàn nhà trai ra về được nhà gái bôi nhọ vào mặt với lý làm vậy mới đưa được cô dâu về nhà, nhà gái cũng chúc rượu thầy, bà mối đến lúc say để tỏ lòng quý trọng khách. 

Mọi người vui vẻ thực hiện lý lấy nước xối vào nhau để cầu mưa cho ruộng nương không bị hạn hán và mất mùa.

Đoàn nhà trai sang nhà gái hay nhà gái sang nhà trai đều đứng dưới hỏi “nhà có kiêng gì không”, chủ cử người ra mời lên thì mọi người cùng lên.

Khi đoàn ông mối, bà mối và khách nhà gái ra về, nhà trai đứng tiễn khách, rót rượu cảm ơn.

Đoàn rước dâu từ nhà gái về, bên nhà trai mổ gà, lợn chuẩn bị để đón. Sau khi cưới thì vợ chồng bắt buộc phải sang nhà bố mẹ vợ 3 lần với thời gian khác nhau: cách lễ cưới một tuần, vợ chồng về thăm bố mẹ vợ và có quà về tạ hiếu bố mẹ. Sau một năm nữa thì vợ chồng lại về thăm bố mẹ vợ, lúc này phải mang 3 đến 4 con gà mổ sạch luộc chín tặng bố mẹ, lúc con ra về bố mẹ có gì thì cho con làm quà. Ba năm sau, 2 vợ chồng tiếp tục về thăm bố mẹ vợ và phải mang 1 con lợn nặng 30 kg trở lên sang biếu bố mẹ. Lần này bố mẹ có gì thì cho con cái nấy, nếu có cháu rồi mang sang thăm ông bà thì ông bà tặng cháu một đồng bạc trắng. Sau 3 năm, con cái về thăm bố mẹ lúc nào cũng được, có quà cũng được, không có quà cũng chẳng sao, bố mẹ vẫn yêu quý con cái và các cháu. 

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét