(LV) - Lễ phục thầy cúng của thầy cúng người Dao Quần Chẹt ở thôn Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc gồm có áo, dây lưng, váy, mũ và xà cạp.
Áo
Đáng chú ý là ở nhóm Dao này thầy cúng cao tay thường có 3 loại áo, có 3 loại mặc trong, giống như áo dài của người Việt, cắt kiểu 5 thân từ vải màu vàng hay hồng nhạt, dài tay, cổ đứng cao, cài bằng nút vải chéo từ cổ xuống nách và thẳng suống đến eo.
Loại thứ 2 là áo dài mặc ngoài, kiểu dài tay như áo dài của nữ giới, được cắt may từ vải chàm, dài quá đầu gối, ống tay dài và hẹp. Áo dài này được thêu trang trí các hoa văn hình cây thông, hình chân chó, hình hoa lá, hình chữ thập; phía sau lưng áo có thêu một dấu ấn của Bàn Vương.
Trang phục thầy cúng của người Dao Quần Chẹt. |
Loại áo dài tiếp theo có màu đỏ, không tay, thân nửa dưới loe rộng hơn, may kiểu áo chui đầu, 2 thân áo được thêu các họa tiết xen lẫn các chấm sao theo thứ tự từ trên xuống dưới là: 2 chữ thọ, 2 con rồng chầu, mặt hổ phù, 2 rồng chầu mặt nguyệt, 2 ngựa bạch chầu, cuối cùng là sóng biển. Ngoài ra còn có một số loại áo dài không tay, cắt kiểu xẻ giữa, không khuy, trước ngực thêu 2 con rồng, sau lưng thêu “ cung địa ngục”.
Váy
Váy của thầy cúng được cắt may từ vải chàm, dạng hở, có dây ở phái cạp để buộc khi mặc. Phần phía dưới váy xòe rộng hơn so với phần phía trên, có thêu hoa văn hình chữ thập ngoặc, hình chim và hình hoa lá.
Dây lưng
Đối với thầy cúng người Dao Quần Chẹt ở thôn Thành Công- xã Lãng Công- huyện Sông Lô- tỉnh Vĩnh Phúc, dây lưng có 2 loại.
Một loại dài khoảng 6cm x 200cm, được dệt từ chỉ trắng xen lẫn với chỉ xanh, không trang trí hoa văn. Loại dây lưng thứ 2 cũng dài như loại dây lưng trên, được dệt từ chỉ màu đỏ, màu tím và màu vàng, đặc biệt là mỗi đầu của loại dây lưng này có đính 6 hoặc 7 cái khăn vuông nhỏ. Tất cả các khăn vuông đó được thêu hoa văn kín cả mặt khăn bằng các chỉ màu. Có điều là, khi đính vào dây lưng các khăn vuông này đều phải được gấp chéo.
Mũ
Qua khảo sát cho thấy, mũ của thầy cúng ở đây có 2 loại. Loại mũ đầu bằng thường đội khi làm lễ phật. Còn loại mũ kia đầu nhọn, dạng hình thang cân lộn ngược dùng để đội khi làm lễ thánh thần. Xung quanh mũ được trang trí hình ảnh của một số thần linh khác nhau. Dây buộc mũ được trang trí ở hai đầu bằng cách đính nhiều hạt cườm và núm len màu đỏ sặc sỡ.
Xà cạp
Khi hành lễ, thầy cúng của người Dao Quần Chẹt ở đây thường đi xà cạp bằng vải trắng, dài khoảng 1m, có thêu hoa văn hình chữ thập ngoặc kép và hình chim theo chiều dài của xà cạp.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, trang phục dân tộc thường chỉ mặc trong những ngày lễ, hội…Việc trồn bông, dệt vải cũng bị mai một dần. Hiện nay, để duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa, một số vùng dân tộc đã khôi phục lại nghề trồng bông, dệt vải nhưng cũng chưa phát triển mạnh như trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đỗ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét