Người Mảng cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu với gần 4.000 nhân khẩu. Xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu được xem là vùng đất tổ của dân tộc Mảng.
Theo người già kể lại, xã Nậm Ban (cũ) có các khối đá ghi dấu tích khai sinh, lập địa ở vùng đất này.
Xưa kia người Mảng cư trú theo dòng họ, mỗi họ cư trú trong một phạm vi riêng biệt và có quy ước ranh giới nhất định. Đồng thời, do đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên người Mảng tôn thờ trời đất, họ rất sợ bị trời trừng phạt, không cho cái ăn.
Hòn đá dê đực (trên), đá dê cái (dưới) là tích về họ Tào của người Mảng ở Nậm Ban.
|
Hòn đá hươu ở bản Pa Pảng (Nậm Ban) lý giải nguồn gốc của họ Tào ở đây. Chuyện kể, người đàn ông họ Tào ở Sơn La đi buôn, đến khe suối, mệt quá nên nghỉ chân rửa mặt. Lúc xuống suối, ông ta tiện tay mắc cái túi vào cành cây ở bờ suối. Rửa mặt xong, quay lên người đàn ông thấy con hươu cái khoác chiếc túi của mình bỏ chạy. Anh ta hốt hoảng đuổi theo để lấy lại túi, vì trong đó đựng tất cả vốn liếng làm ăn. Con hươu chạy mãi, chạy mãi, người đàn ông co cẳng đuổi theo. Khi đến vùng đất Pa Pảng hiện nay, có một tiếng sấm nổ to và con hươu cái biến thành hòn đá. Đúng lúc ấy, có một con hươu đực chạy tới, tiếng sấm lại nổ to. Con hươu đực cũng biến thành hòn đá.
Người đàn ông họ Tào chỉ biết chôn chân đứng nhìn, vốn liếng đi buôn mất hết. Không có tiền về nhà, anh ta đành vào bản người Mảng xin được làm con nuôi của một gia đình. Đúng lúc, gia đình ấy có một cô con gái đang chửa hoang. Bố mẹ cô gái gán ghép người đàn ông họ Tào với con gái mình. Hai vợ chồng chung sống hạnh phúc bên nhau, sinh con mang họ Tào. Họ Tào của người Mảng hiện nay, chính là nguồn gốc từ tích chuyện này.
Còn ba hòn đá kiềng kê chảo (Dê tăng lủi), kể về chuyện phân chia ranh giới của họ Lùng và họ Chìn. Ông Tào A Sỏn, 73 tuổi, ở bản Nậm Nó 2 (xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn) kể: Ngày xưa giữa dòng họ Lùng và dòng họ Chìn họp bàn để thống nhất phân mốc đánh dấu đất của mỗi dòng họ. Người hai dòng họ đông đúc, đường phân mốc lại dài nên cả hai bản đều thống nhất mổ trâu, nấu vào một cái chảo lớn làm thức ăn đi đường. Sau khi làm trâu xong, người ta lấy 3 hòn đá to để kê làm kiềng nấu. Nấu xong thì chia nhau ăn, còn lại mang chảo thịt ấy đi dọc tuyến chia mốc để ăn khi đói bụng. Ba hòn đá này hiện nay vẫn còn ở bản Nậm Nó 2. Khi rửa chảo người ta đổ nước ra và tạo thành dòng suối như suối Nậm Nó hiện nay. Cạnh 3 hòn đá kiềng ấy cũng có một tảng đá bằng, mà họ cho rằng đó là hòn đá thớt để chặt và băm thịt trâu. Hiện nay ở núi Nậm Ô có một khoảng đất lõm tròn như cái chảo, nên người ta cho rằng tổ tiên đã mang cái chảo thịt trâu đến đấy đặt, cùng ăn, ăn hết thì để chảo ở đấy nên người ta gọi ngọn núi ấy là núi Nậm Vạc.
Ba hòn đá kiềng ở bản Nậm Nó 2 kể về sự phân chia ranh giới thống nhất, hòa thuận giữa các dòng họ của người Mảng.
|
Cách ba hòn đá kiềng khoảng 3 km có hòn đá chống trời, thể hiện niềm tin tuyệt đối của người Mảng vào sự linh thiêng của trời đất. Câu chuyện kể rằng, vào một đêm bà con người Mảng ở đây bỗng thấy một vệt sáng trên trời rơi xuống. Nghĩ chuyện lạ, mọi người rủ nhau lại xem thì thấy một con lợn to. Mọi người sung sướng, khiêng con lợn về bản mổ, chia thịt cho cả bản ăn, ai cũng khen ngon. Những người đàn bà trong bản ăn hết thịt lợn vẫn thấy thèm, họ bàn nhau xếp đá lên cao để lấy con lợn trên trời về ăn. Người đàn bà đầu tiên trèo lên, gần tới nơi thì cây cột đá bị đổ, khiến bà ta rơi xuống, đầu đập vào đá chết. Từ đó, không ai dám xếp đá thành cột để trèo lên bắt con lợn trên trời nữa. Hòn đá chống trời đó giờ thuộc bản Nậm Nó 1 (xã Trung Chả, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cột đá nghiêng khoảng 60 độ, có đường kính khoảng 2,5 m, cao hơn 8 m. Trên mặt hòn đá cao tầm bằng đầu người lớn, có hai núm vú của đàn bà bị ngã chết năm xưa.
Ngày xưa, người Mảng chú trọng việc chia ranh giới giữa các dòng họ rành mạch nhưng mọi người họp bàn, thống nhất rõ ràng. Hòn đá Dê Đoằn kể về sự phân chia mốc giới giữa họ Chìn và họ Anh. Bà Lý Me Đươu, 73 tuổi, ở bản Nậm Ô (xã Nậm Ban) kể: Ngày xưa, hai dòng họ Chìn và Anh họp nhau lại để chọn mốc chia ranh giới. Hai dòng họ cử người xuống tận nơi giao giữa sông Đà và sông Nậm Na vác một hòn đá lớn. Mọi chia phiên nhau vác hòn đá về để đặt ở điểm mốc đã chọn. Hòn đá này có một quy ước, nếu bị đặt xuống đất thì sẽ không thể nhấc lên nổi. Đi gần về tới điểm đặt đá, mọi người mệt quá, không thể đi được nữa, quyết định bỏ hòn đá xuống đất nghỉ ăn cơm, uống nước. Nhưng khi nhấc hòn đá lên vai thì không thể nhấc nổi khỏi mặt đất. Hai dòng họ cuống cuồng dùng tay thi nhau cào đất về phía mình dòng họ mình. Vì vậy, hiện nay trên núi Nậm Ô có một hòn đá to, lõm một mảnh, đó là dấu đặt vai, bên cạnh hòn đá vẫn còn dấu vết tay cào của người xưa.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét