(PL&XH) - Là một trong những ngôi đình cổ đẹp nhất Việt Nam, đình Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc còn giữ được nguyên vẹn nhiều bức chạm khắc trên gỗ phản ánh sinh động những hoạt động đời thường của cư dân cách đây 400 năm. Đặc biệt hơn nữa, đây có thể xem là ngôi đình duy nhất trong cả nước thờ ba chữ “Hòa vi quý” – phản ảnh tinh thần và khát vọng đoàn kết, thuận hòa của dân làng Thổ Tang.
“Nam thiên tráng khí – Bắc khấu hàn tâm”…
Có dịp qua thị trấn Thổ Tang, tôi vô cùng ấn tượng về ngôi đình làng đồ sộ đậm nét rêu phong tọa lạc trên trên nền đất rộng rãi, không gian xanh mát bởi nhiều cây cổ thụ, trong đó có nhiều cây được xếp hạng cây di sản văn hóa um tùm tỏa bóng.
Với người dân Thổ Tang dù tha hương lập nghiệp hay còn ở lại quê nhà, cũng đều luôn giữ trong tâm hồn mình kí ức cũng như hình bóng yêu thương của ngôi đình làng. Ngôi đình cổ kính rêu phong ấy, không chỉ là nơi lưu giữ những kí ức buồn vui của bao thế hệ người dân, mà còn trở thành một biểu tượng của một vùng đất giàu giá trị truyền thống văn hóa, đến mức có câu đúc kết rằng: “Nếu chưa đến đình Thổ Tang, thì coi như chưa đến huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc”.
Cụ Thủ từ Nguyễn Văn Thiện, người có 10 năm làm Thủ từ đình làng Thổ Tang, năm nay đã ngoài 70 tuổi mà dáng người vẫn rắn rỏi nhanh nhẹn, dẫn tôi đi thăm và tỉ mỉ giới thiệu những nét độc đáo trong kiến trúc cũng như những giá trị văn hóa của ngôi đình.
“Đình làng Thổ Tang là nơi thờ danh tướng Phùng Lân Hổ, người có công phù Trần đánh giặc Nguyên Mông cứu nước. Khi giặc Nguyên Mông xâm phạm bờ cõi nước ta, hưởng ứng chiếu chỉ của nhà vua vời người tài giỏi thao lược đánh giặc cứu nước, Phùng Lân Hổ đã xin đi, và được vua Trần cho cầm quân cự giặc ở mặt Bắc. Ông dẫn quân lên vùng Bạch Hạc (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay) lập phòng tuyến chiến đấu ngoan cường, ngăn cản vó ngựa xâm lăng hung tàn của giặc Nguyên Mông, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Trước công trạng của ông, triều đình đã ban thưởng và phong cho ông tước Hầu – Lân Hổ Hầu” – cụ Thủ từ Nguyễn Văn Thiện hào hứng kể lại.
Trong một trận chiến không cân sức, giữa trùng vây của giặc thù tướng Phùng Lân Hổ cùng các binh sĩ của mình đã chiến đấu ngoan cường, nhưng bị một mũi tên địch bắn trúng vai khiến ông trọng thương. Vượt khỏi trùng vây, ông cùng một số thủ hạ thân tín của mình phi ngựa chạy đến vùng Thổ Tang thì dừng lại và hi sinh. Chỗ vết máu mà ông lưu lại được người dân Thổ Tang cắm cành trúc đánh dấu, dân làng nhớ ơn ông bèn lập miếu thờ còn gọi là Miếu Trúc. Sau này, khi giang sơn đã sạch bóng ngoại xâm, nhớ ơn những người anh hùng đã góp công đánh giặc, vua Trần bèn tuyên dương công trạng của tướng Phùng Lân Hổ và bạn tặng 8 chữ: “Nam thiên tráng khí – Bắc khấu hàn tâm” – tráng khí trời Nam, giặc phương Bắc khiếp sợ, đồng thời ban chiếu chỉ chấp thuận cho nhân dân xây đình tưởng nhớ.
Độc đáo trong kiến trúc…
Đình Thổ Tang được xây dựng theo kiểu chữ Đinh gồm hai phần Đại đình và Hậu cung. Ngoài việc đây là ngôi đình có kiến trúc đồ sộ, thì điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng khi chiêm ngưỡng chính là những hoa văn chạm khắc được trang trí hết sức cầu kì tinh xảo. Nếu như hoa văn thường thấy ở các ngôi đình làng là chạm khắc các biểu tượng rồng phượng, hoa lá… thì điều khiến cho đình Thổ Tang độc đáo chính là bên cạnh những hoa rồng phượng, còn có rất nhiều những bức phù điêu chạm khắc công phu, có nội dung phong phú phản ảnh những sinh hoạt đời thường của cư dân từ 400 năm trước.
“Về trang trí hoa văn thờ cũng, có các bức chạm “cửu long”; “lục tiên”, và nhiều biểu tượng linh vật khác. Nhưng điều độc đáo hiếm có mà chúng ta có thể nhận thấy ở ngôi đình này, đó là đình Thổ Tang hiện vẫn con giữ được khoảng 21 bức chạm khắc tinh tế khái quát về chu trình “lao động - hưởng thụ” của cư dân nông nghiệp. Các bức chạm khắc được trang trí trên thân rường, thân cột, tường… được xắp xếp thứ tự liền mạch theo đúng chu trình “lao động – hưởng thụ” của người dân. Bước vào của đình, ta bắt gặp bức chạm đầu tiên là “ngày hội xuống đồng”, rồi lần lượt đến các bức khác “săn bắt thú dữ - đánh hổ báo”, bảo vệ mùa màng thôn xóm. Cảnh vui chơi giải trí cộng đồng có các bức “đá cầu”; “chơi cờ”; “uống rượu”. Đời sống sinh hoạt gia đình cũng được phản ảnh sinh động qua các bức chạm khắc “tự tình”; “đánh ghen”; “vợ chồng lười nhác” hoặc “gia đình hạnh phúc”… Những bức chạm khắc này đều phản ảnh những sinh hoạt đời thường của cư dân từ 400 năm trước.” – cụ Thủ từ Nguyễn Văn Thiện không giấu vẻ tự hào cho biết.
Cũng theo lời cụ Thủ từ, đình Thổ Tang được làm toàn bộ bằng gỗ, trải qua thời gian nắng mưa nhưng đến nay vẫn giữ hầu như nguyên vẹn kiến trúc cổ từ khi khởi dựng. Đình có 60 cây cột gỗ to đều là cột gỗ lim đường kính cột to nhất 87cm, và cột nhỏ nhất là 60cm. Theo quan sát của phóng viên, phần lớn những thân cột này dẫu cho người lớn có tay dài đến đâu thì vòng tay cũng ôm không xuể. Điều đáng quý “tứ trụ - 4 cây cột chính” vẫn giữ nguyên cổ từ khi khởi dựng.
Được biết, đình làng Thổ Tang được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1964. Nhưng theo lời cụ Thủ từ Nguyễn Văn Thiện, khoảng hơn 10 năm trở lại đây ngày càng có nhiều du khách tới chiêm ngưỡng, và cũng có nhiều đoàn nghiên cứu tới làm việc. Trong đó theo đánh giá của nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, thì đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Cổ vật và sắc phong vẫn còn khá nguyên vẹn, đầy đủ.
Bức đại tự “Hòa vi quý”…
Không chỉ độc đáo về giá trị khiến trúc, một điều độc đáo khác của ngôi đình chính là ở bức đại tự thờ ba chữ “Hòa vi quý”. Có thể nói đây là nét độc đáo duy nhất chỉ có ở đình Thổ Tang mà không ngôi đình nào trong toàn quốc thờ ba chữ đó.
Bằng giọng kể chậm rãi nhưng hào hứng, cụ Thủ từ Nguyễn Văn Thiện giải thích nguyên nhân vì sao đình làng Thổ Tang lại có bức đại tự thờ ba chữ này. Theo đó, sử sách vẫn còn ghi lại người dân Thổ Tang vốn năng động, giỏi làm ăn kinh tế. Nhưng trong thời gian đình mới xây dựng xong, vẫn không thể khánh thành được vì nội bộ dân làng hay có sự cạnh tranh, gây gổ mất đoàn kết với nhau giữa họ này với họ kia, phường này với phường nọ…
Lúc bấy giờ, vào khoảng năm 1778 có vị tổng đốc Sơn Tây kinh lý qua vùng, biết vị tổng đốc là người hay chữ dân làng bèn thỉnh cầu ông cho chữ trên bức hoành phi. Sau khi nghe thổ hào, kỳ mục bẩm báo tình hình địa phương rằng hay xảy ra sự tranh chấp, mất đoàn kết. Trong đó đặc biệt là chuyện dân Tam Lâm và dân Tứ Xóm thường xuyên va chạm đánh nhau, thậm chí còn dùng hung khí là cật nứa vót nhọn đâm nhau trọng thương…
Biết chuyện, vị tổng đốc liền viết luôn ba chữ “Hòa vi quý”, ngụ ý nhắc văn thân hào lý và cư dân trong vùng nói chung, cần giữ lấy mối đoàn kết hòa hiếu làm trọng. Dân làng Thổ Tang nhận ra ý nghĩa tốt đẹp của ba chữ “Hòa vi quý” liền phấn khởi khắc vào hoành phi treo lên chính điện để thờ. Và qua đó nhắc nhở mỗi người phải luôn biết “Hòa là quý” - giữ mối hòa hảo đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng quê hương. Kể từ đó, những hiềm khích mâu thuẫn trong làng được hóa giải, thôn xóm trở nên bình yên. Cho đến tận ngày nay, làng Thổ Tang dù đã nổi danh là một làng quê giỏi làm ăn buôn bán, nhưng người dân vẫn luôn nhắc nhau tinh thần “Hòa vi quý” - Tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau trong quan hệ làng xóm láng giềng, cũng như quan hệ làm ăn buôn bán với người địa phương khác.
Thực tế cũng chứng minh, ở nơi nào có sự đoàn kết nhất chí, chung sức đồng lòng thì nơi đó mọi việc cũng thường trôi chảy. Người dân Thổ Tang làm ăn buôn bán rất phát đạt, phải chăng do họ biết đặt chữ “Hòa” làm đầu, nên công việc cũng luôn thuận buồm xuôi gió. Điều đó cũng có thể lý giải vì sao Thổ Tang trở thành một vùng đất phồn vinh nức tiếng.
Hàng năm làng Thổ Tang tổ chức hội làng trong hai ngày, ngày thứ nhất vào mùng 3 tháng Giêng là ngày giỗ mẫu – thân mẫu của thánh Phùng Lân Hổ; và ngày thứ hai mùng 10 tháng Giêng ngày mất của Đức thánh. Trong các ngày này, đông đảo người dân tập chung tại đình làng làm lễ, cầu lộc cầu tài, cầu bình yên hòa thuận.
Sỹ Hào / PL&XH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét