(LV) – Người Ê Đê cho rằng trong việc bảo vệ nương rẫy, ngoài vai trò của các thần tự nhiên làm cho mưa thuận gió hoà, thì những vị thần khác đều có những công việc riêng liên quan đến việc thu hoạch mùa màng. Vì vậy nghi lễ nông nghiệp là một trong những hình thức tín ngưỡng vô cùng độc đáo của người Ê Đê.
Người Ê Đê có cách phân định thời gian sản xuất nông nghiệp một năm thành 12 tháng, căn cứ theo 12 lần trăng (mlăn) sáng: Mlăn mnăm hna: vui chơi, nghỉ nghơi, cúng bến nước. Mlăn đăm gua lua mnat: săn bắnm thăm họ hàng. Lễ bỏ má. Mlăn chi qui: đốt rẫy, săn bắn. Lễ bỏ mả. Mlăn ric rơc gô mlan hwa: dọn rẫy Mlăn guôn klim gian: chờ múa, trỉa lúa. Lễ cầu mưa, cúng mưa đầu mùa. Mlăn buh pla: trỉa hoa màu Mlăn ric roẻ mdiê: làm cỏ lúa. Mlăn bong ktơc: cúng rẫy, cúng lúa làm đòng. Mlăn bơt đrô: cúng lúa mới. Mlăn buốt bla: Chờ thu hoạch lúa. Cúng sức khoẻ. Mlăn buốt kli: tuốt lúa. Cúng tổ tiên, thần trời. Mlăn đi puốt nuốt: Tuốt lúa xong. Cúng nhập kho lúa.
Với thời gian nông lịch đó, trong mỗi thời điểm, mỗi công đoạn sản xuất nương rẫy cụ thể, người Ê Đê tiến hành. Các lễ cúng tương ứng để cầu xin các thần có liên quan giúp đỡ cho mùa màng thuận lợi, thu hoạch được nhiều thóc lúa. Cụ thể có các lễ cúng nông nghiệp sau:
Lễ cúng lúa trổ bông (Ảnh: internet). |
Kăm angin (Lễ cúng thần gió): Tổ chức vào tháng 2, tháng 3, khi bắt đầu phát rẫy. Lễ được tổ chức trong buôn, mỗi gia đình có một người đại diện tham gia. Trong ngày cúng, người ta mổ lợn và phát một ít cây cối ở cạnh làng tượng trưng cho nương rẫy, kiêng cấm người lạ vào buôn và người trong buôn đi ra ngoài. Trong lời cúng, người ta cầu xin các thần Yang Argin, Yang Tlua, Yang Kbũa, yang Lăn giúp cho không có gió lớn, không có bão giông để cho việc đốt phát rẫy được êm xuôi.
Kăm Hwar (Lễ cúng cào cỏ): Tổ chức vào tháng 4, khi bắt đầu việc trồng trỉa. Lễ cúng được làm ngay gần bến nước của buôn. Thầy cúng cầm cào cỏ cào trên đất tượng trưng cho mùa rẫy bắt đầu và đọc lời cúng cầu các thần cho mưa thuận gió hoà, rấy nương ít cỏ. Ngoài ra người ta còn treo một cành cây trên dàn cúng buộc những con ong được làm bằng gỗ, xin cho được nhiều mật ong.
Kăm Buh (Lễ trỉa lúa): Tổ chức vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Đây là thời kỳ bắt đầu trỉa lúa. Lễ cúng được làm tại đầu bến nước. Người ta làm một cái lều nhỏ tượng trưng cho nhà của Âc Die (ông trời).Trong nhà có tượng Âe Diê và tượng một người đàn bà, dưới gầm sàn có tượng Yang Liê bị thanh kiếm bổ trên đầu do Âe Diê chém. Cạnh nhà còn có một nhà nhỏ (tượng trưng cho kho thóc) và còn có một mảnh nương tượng trưng - Cạnh nương đặt những tượng giả người và các loại chim, chồn, sóc, nai… tượng trưng cho việc săn bắn.
Lễ cúng Thần lúa của người Ê-đê ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông (Đak Lak). Ảnh: Bá Thăng. |
Trốc mdiê (lễ cúng lúa giống): Từng gia đình đều làm riêng trong nhà sau khi dự lễ Kăm Buh. Người ta khấn các thần Âe Mtao Tlua, H’Bia Klu, các thần sông núi khác. Sau lễ này, hôm sau người ta mới bắt đầu lên rẫy chọc, trỉa lúa. Khi đi, mang theo rượu, gà đến nương cúng. Đổ rượu và tiết gà vào các giống cây trồng. Chiều tối về, lấy ché rượu mà lúc sáng đã cúng mang ra uống, và lấy một ché khác cúng sức khoẻ cho chủ nhà.
Mbulăn (Lễ cầu mưa): Được tổ chức ngay sau khi trỉa lúa khoảng tháng 5. Gia đình làm lễ cầu xin các thần: Âe Mtao Tlua, Âe Mdao, Yang Angin, Yang grăm, Yang Ea,.. cho mưa để hạt lúa vừa trỉa xong được nảy mầm.
Mlăn guôn klim gian (Lễ cúng trận mưa đầu mùa): Tổ chức khi xảy ra trận mưa đầu tiên trong năm, có thể vào tháng 4 hoặc tháng 5 tuỳ thời tiết từng năm. Người ta làm lễ cúng tạ ơn các thần Âe Diê, Yang Grăm đã cho mưa xuống và cầu xin thần sấm sét đừng làm hại con người.
Tuk Phun Mdiê (Lễ tưới lúa): Tổ chức vào khoảng tháng 7, lúc lúa mọc cao sắp làm đòng. Gia đình làm gà cúng ở nhà và mang theo rượu hoà với tiết gà lên rẫy đổ ở giữa và 4 góc nương nơi được coi là chỗ trú ngụ của hồn lúa, các giống cây trồng và củ ngãi (drao). Lễ cúng cầu cho cây lúa có nhiều hạt, không bị lép.
Lễ cúng cơm mới của người Ê Đê. |
Hma mngắt (Lễ ăn cơm mới): Được tổ chức vào tháng 11, khi lúa bắt đầu chín. Người ta cất một nhúm lúa chín sớm ở trên rẫy và mang về nhà làm lễ. Vật lễ là heo hay gà. Họ lấy trứng gà hoà rượu để trong kho lúa, ngoài ra còn đặt cạnh bên một bó lúa nhỏ, một bầu nước, mội chiếc vòng tay, một cái wăng. Lễ cúng này ngoài việc khấn xin các thần: Mtao Klu, H’Bia Kla, Âe Du, Âe Mghi, Âe mlăn, mtao Ea, yang Atâo,… cầu mong thu hoạch được nhiều thóc lúa.
Mnăm thun (Lễ ăn năm, uống tháng); Tổ chức khi đã thu hoạch xong, ăn mừng vụ mùa, thường diễn ra vào khoảng tháng 2 năm sau. Đây là lễ cúng tạ các thần linh, tổ tiên, hồn lúa đã phù hộ cho vụ mùa. Bà con, họ hàng, anh em người trong buôn đến vui chơi với nhau, đánh chiêng, trống, các nhạc cụ, vui chơi suốt ngày, thâu đêm. Những gia đình giàu thường làm 7 ngày, mỗi ngày mổ một trâu, một lợn: ăn uống, chiêng trống, ca hát không lúc nào ngừng.
Trôc hma: tổ chức vào tháng 2, nghi lễ tương tự như lễ Trôc Mdiê, nhưng chủ yếu là khấn hồn lúa và Yang Bao Mtao Sri cho được lấy lúa trong kho ra ăn, lúa ăn mãi không hết và không bị hồn lúa quở trách, làm cho thân thể người không bị ngứa khi lấy lúa trong kho.
Ngoài những lễ nghi liên quan trực tiếp đến chu trình canh tác nương rẫy, người Ê Đê còn có những lễ nghi nông nghiệp khác có tính cộng đồng toàn buôn tham gia như lễ cúng bến nước (A kọ kpin Ea) để tạ ơn và cầu xin các thần giúp đỡ - che chở dân làng được sống no đủ, bình yên.
Vân Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét