Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Độc đáo lễ cúng thần lúa của người Êđê

Trong đời sống, người dân tộc Êđê ở các tỉnh Tây Nguyên tổ chức nhiều nghi lễ (nghi thức và lễ hội) gắn với vòng đời người hoặc chu trình sản xuất… Cúng thần lúa là một trong những nghi lễ quan trọng nhất gắn liền với phong tục sản xuất của người Êđê đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phục dựng để bảo tồn.

Địa điểm được chọn để phục dựng nghi lễ cúng thần lúa là buôn T’Liêr, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, bởi ở đây đồng bào vẫn còn trồng lúa ở trên rẫy. Theo những người già ở đây, cúng thần lúa phải trải qua nhiều nghi thức khác nhau như: cúng thần gió, cúng cái cào cỏ, lễ trỉa lúa, lễ cầu mưa, lễ cúng lúa sắp trổ bông, cúng tuốt lúa đầu mùa, cúng ăn cơm mới, cúng hồn trữ kho… 

Để chuẩn bị cho việc cúng rẫy, chủ rẫy phải chuẩn bị các bước dọn rẫy (như phát hoang, đốt rẫy, dọn đất), sau đó, dân làng chuẩn bị lễ cúng thần lúa và các thần khác. Mục đích của lễ cúng là cầu các thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu, kinh tế phát triển, đời sống được ấm no, hạnh phúc. Lễ cúng thần lúa được thực hiện ở nhà, trên rẫy và trên đường lên rẫy, với những lễ vật do chính đồng bào làm ra như: rượu cần, lợn, gà… 

Lễ cúng thần lúa.

Trước tiên là cúng thần gió để mong tránh bão dông. Lễ vật dâng thần gồm 1 ché rượu, 1 con lợn và 1 ống cơm lam. Tiếp đến là cúng cái cào cỏ. Nghi thức này thực hiện trước lúc trồng tỉa, ở bến nước để cầu mưa thuận gió hòa, rẫy ít cỏ, bắp lúa tốt tươi. Khi thực hiện, người thầy cúng cầm cào cỏ cào mấy lần tượng trưng cho mùa làm rẫy bắt đầu. Lễ vật cũng giống như cúng thần gió. Sau cúng thần gió và cái cào cỏ là lễ cúng trỉa lúa. Đồng bào dựng 2 chòi ở nơi trước đây đã làm lễ cúng thần gió, với ý nguyện: “mong mưa phùn đủ nước, mong mưa rào no rẫy”. Nghi thức này được thực hiện cả ở nhà và ngoài rẫy. Lễ vật cúng ở trong nhà gồm 1 bộ cồng chiêng, 7 ché rượu và lợn, gà đã làm sẵn để dâng cho các thần. Ở ngoài rẫy dựng một chòi có 3 cái bồ lúa đựng đất (thể hiện thần lúa nằm trong đất); một chòi ở cho Thần Lúa (Yang bao), có tượng 2 vợ chồng tượng trưng cho thần canh giữ rẫy, nằm dưới chòi có 1 tượng thần độc ác bị buộc chặt vào cột nhà ý là không để cho phá phách. 

Cúng ngoài rẫy còn có thêm các lễ vật khác như: cây cắm tổ ong, nhiều hình giả các loài thú (nai, heo rừng, nhím, chuột, sóc…), brui (tượng trưng cho bông lúa), hạt giống thật (lúa, bắp, hạt bí, bầu…), cây chọc lỗ, ống lồ ô đựng hạt để trỉa lúa, các loại bẫy phòng tránh thú vật phá hoại… Cúng hạt giống (Tring mjel) cầu cho hạt lúa lên đều; đồng thời tái hiện lại cảnh lao động sản xuất, tạo mưa cho mùa màng tươi tốt, đặt các loại bẫy để xin các thần đừng cho các con thú nhỏ (chim, sóc, chuột) phá hại lúa đang nảy mầm. Hạt giống gồm các loại: lúa, bắp, bí, bầu… Lễ này được cúng cho chủ nhà và cả cộng đồng. 

Sau khi cúng xong ngoài trời, bà con về nhà đánh cồng chiêng mời các thần ăn uống rồi người dân lần lượt ăn uống. Sau đó tiếp tục cúng đưa đi và xua đuổi thần sấm sét trở về nơi của mình. Đến lúc lúa sắp trổ bông, chủ rẫy lại chuẩn bị lễ vật cúng. Cầu lúa trổ bông đều dài đầy hạt đạt năng suất cao. Chủ nhà chọn một mô đất quanh bụi lúa giữa rẫy, cắm một tre nhỏ giữa nắm đất, tượng trưng cho thần lúa. Lễ này cúng cho các thần: thần núi, thần lúa, người đã qua đời. Khi lúa đến mùa thu hoạch, chủ rẫy lại chuẩn bị lễ cúng tuốt lúa đầu mùa và nghi lễ ăn cơm mới. Người nhà lên rẫy tuốt một gùi đem về, phơi giã nấu cơm cúng. Trên các ngả đường lên rẫy, gia chủ đều phải bầy lễ vật cúng tạ thần mưa. Những người họ hàng được báo đều đến chia vui với chủ nhà. Thời gian ăn cơm mới kéo dài khi tuốt lúa cho đến khi lúa chín hết trên rẫy. Lúa được mang về nhà, chủ rẫy lại tổ chức lễ cúng hồn lúa trữ kho để cầu mong ăn nhiều, dư nhiều, phần dư bán để sắm tài sản làm giàu cho gia đình…

Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk) cho biết, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Êđê nói riêng là một kho văn hóa khổng lồ, với nhiều nghi lễ đặc sắc. Sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất, hình thức canh tác đã làm cho nhiều nghi lễ bị mai một và có nguy cơ biến mất trong đời sống buôn làng, trong đó có lễ cúng thần lúa. Việc phục dựng lại nghi lễ này không nằm ngoài mục đích lưu giữ lại một nét văn hóa độc đáo của cha ông cho các thế hệ con cháu mai sau. Đắk Lắk đang tích cực phục dựng lại nhiều nghi lễ khác gắn với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk như: Cúng bến nước, cúng sức khỏe voi...



Anh Dũng (TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét