Khi mua bất cứ tài sản có giá trị hoặc ngày con tròn 1 tuổi, thi đậu một khóa học, được mùa… bà con dân tộc Xê Đăng tại tỉnh Kon Tum lại tổ chức “Xoe”.
Theo tiếng Xê Đăng, “Xoe” ở đây được tạm dịch ra là từ Cúng của tiếng Kinh. Khi “Xoe”, người Xê Đăng làm lễ cúng Giàng, báo cáo với Giàng rằng tài sản đó là của mình, cầu xin Giàng ban cho sức khỏe, tài sản sử dụng bền lâu…
Già A Ek, làng Kon Nu, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) cho biết, trước khi vào vụ mùa, các gia đình trong làng đều “Xoe” rẫy. Lễ “Xoe” ở đây phải là gà trống, rượu ghè, nhà nào có điều kiện sẽ “Xoe” heo, dê tùy thuộc vào mức độ lớn, bé tương đương với món đồ cần “Xoe”. Đặc biệt, lễ “Xoe” không được làm thịt chó hoặc bò vì những con vật đó được cho là xui xẻo. Tục “Xoe” được truyền từ đời này sang đời khác nên Già A Ek cũng không biết nó có từ bao giờ, chỉ biết cha mẹ “Xoe” rồi con cái cứ thế làm theo.
Trước khi “Xoe”, chủ nhân phải nhờ Già làng xem ngày lành, tháng tốt, tránh ngày Chủ nhật rồi mới tổ chức “Xoe”. “Xoe” rẫy của người Xê Đăng theo từng giai đoạn, từ lúc phát rẫy đến đốt rẫy rồi dọn rẫy, sau đó “Xoe” Giàng rồi mới tỉa lúa. “Xoe” rẫy được thực hiện tại nhà với nghi lễ là một con gà trống hoặc heo, dê và ghè rượu cần. Sau khi làm thịt gà, heo, dê cắt lấy một phần miếng gan sống đem xiên vào hai thanh tre đã vót nhọn, tiết của những con vật tế lễ được nhỏ giọt vào hai ống lồ ô đã pha rượu cần vào trước rồi lắc đều cho chúng hòa vào với nhau. Phần gan sống được xiên vào thanh tre cộng với 3 ly rượu cần mang lên để trên bàn thờ “Xoe” Giàng.
Gan đem “Xoe” được tính theo số lẻ, không được “Xoe” số chẵn. Ghè rượu cần đặt ở nơi trang trọng, bên cạnh cột chính ngôi nhà, rồi được đánh dấu ngày tháng để nhìn vào ghè rượu sẽ nhớ là của ai và với kỷ niệm gì trong đời người. Khi các vật “Xoe” đã hoàn thành, chủ nhân đứng trước bàn thờ khấn Giàng cho sức khỏe và bình an cho khu vực rẫy của gia đình, cầu mong mùa màng bội thu... rồi tổ chức ăn thịt, uống rượu cần, cách một ngày sau mới tổ chức đi tỉa lúa.
Tục “Xoe” một món đồ mới mua cũng tương tự như thế nhưng có thêm một phần nữa là khi “Xoe” Giàng xong, sẽ mang hai ống lồ ô có đựng rượu cần và tiết con vật tế lễ ra để bôi vào vật dụng mới mua. Chủ nhân món đồ mới khấn Giàng ban cho sức khỏe và đồ vật dùng được bền hơn… sau đó lấy phần rượu tiết này chấm vào một góc của món đồ mới mua như tivi, xe máy… và tổ chức ăn uống tại nhà.
Anh U Ôn, làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà (Kon Tum) cho biết: “Nhà tôi mới mua một cái tivi. Tôi mới “Xoe” tivi. Mình có niềm vui, phải “Xoe” với Giàng để Giàng biết mà cho mình sức khỏe, cho cái tivi không bị hư. Các già trong làng nói ai mua đồ mà không “Xoe”, đồ nhanh hư lắm. Không “Xoe”, thấy bất an và không may mắn vì Giàng không phù hộ đâu.”
Anh U Rớp, làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà (Kon Tum) kể rằng, lúc anh đậu đại học không chỉ có gia đình vui mừng mà cả làng, cán bộ xã cùng đến chúc mừng. Do đó, U Rớp quyết định “Xoe” lớn để xứng với kết quả bao nhiêu năm miệt mài đèn sách. U Rớp “Xoe” Giàng một con heo và một con dê.
Ông Nguyễn Đình Lĩnh, Phó Chủ tịch xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà cho biết: “Tục cúng rẫy, cúng đồ mới của bà con nơi đây khá phổ biến, mặc dù chỉ mang tính chất hộ gia đình. Dân số xã Ngọc Réo hầu hết là người dân tộc Xê Đăng, chúng tôi tôn trọng và cùng giữ gìn những văn hóa đặc trưng của người dân tộc địa phương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét