(LV) - Mỗi dân tộc có những món ăn rất riêng. Đặc biệt là trong những dịp lễ hội thì ẩm thực của người Êđê ở Buôn Kroa B, xã Cuôr, Huyện Cư Mgar, Tỉnh Đắk Lắk.lại càng phong phú và độc đáo hơn.
Djam mdơk
Đây là một loại rau thuộc họ môn nhưng mọc ở ven suối, ven đầm lầy, vùng trũng. Người ta nấu nước với cà đắng khô hoặc tươi, nhưng thường là cà khô, trong một cái nồi đồng to. Khi nước sôi, họ bỏ mđơk, đu đủ (đu đủ một lượng vừa phải sao cho phù hợp với món ăn). Khi mđơk đã teo đi do độ nóng của nước, họ mới bỏ thịt heo, bò hoặc trâu vào nồi canh và cứ thế họ tiếp tục bỏ mđơk vào cho đến khi nồi canh vừa đủ đặc thì mới thôi. Sau đó họ bỏ wêch vào nồi canh sao cho vừa đủ đắng, để tăng vị ngon cho món canh. Khi mọi nguyên liệu đã nhừ, họ bắt đầu nêm phụ gia, bột ngọt, muối và củ nén trong nồi canh. Khi ăn món ăn này, người ta ăn kèm với muối ớt được làm bằng cách: cho sả, ớt, củ nén bột ngọt và muối sao cho vừa đủ rồi giã nhuyễn.
Djam bua (môn)
Đây là một loại rau rất ngứa, thường mọc hai bên bờ suối hoặc những vùng trũng. Rau này được người Êđê khai thác để chế biến thành món ăn rất đặc sắc trong dịp lễ hội, có khi cho cả hàng trăm người. Khi chế biến, môn được bỏ lá, tước bỏ vỏ, cắt từng khúc nhỏ dài bằng ngón tay; còn quả mít non thì bỏ vỏ; đu đủ được bỏ hạt rồi cắt thành từng miếng. Cũng như nấu mđơk, để nấu djam bua, trước tiên người ta phải nấu nước với cà khô. Khi nước sôi thì thả nguyên liệu vào: gồm môn, đu đủ, mít, thịt bò, thịt heo hoặc thịt trâu. Những nguyên liệu nấu cùng môn như: mít, đu đủ, cà đắng cũng phải vừa đủ. Khi môn teo nhỏ dần thì người ta tiếp tục cho môn vào đến khi nước đã sền sệt. Lúc đó người ta tiếp tục cho phèo non của loài động vật ăn cỏ vào trong nồi canh sao cho vừa đủ, không quá nhiều, vì quá nhiều sẽ bị đắng. Khi nguyên liệu đã nhừ thì tiếp tục nêm gia vị sao cho vừa vặn. Lúc này cần phải giảm lựa đun và cứ đun nóng như vậy cho đến khi đến bữa ăn mới nhấc nồi canh ra.
Ẩm thực trong lễ cúng của người Êđê. |
Êbung msăm (măng chua)
Măng le (êbung) là một nguyên liệu khai thác trong rừng và chỉ có theo mùa nên thường được để dành cho những mùa khan hiếm.Măng le mọc vào mùa mưa, nên cứ đến mùa mưa, gia đình nao cũng đi vào rừng bẻ măng. Muốn làm măng chua ngon, để được từ 1 đến 2 hoặc 3 năm, người Êđê không bẻ măng mới nhú từ dưới đất mà đơi đến tháng 9 dương lịch bẻ măng đã vươn dài ra khỏi đầu người.Họ lấy phần đọt non, không rửa bằng nước mà lau bằng khan khô, thái nhỏ, trộn với muối hạt với lượng 3 măng 1 muối, thêm vào là ít ớt khô. Đem bỏ vào ché, bịt kín lại bằng đá hoặc nilon, cất ở nơi cao ráo, thoáng mát. Một thời gian sau, măng có vị nồng, chua, thơm là có thể ăn được.
Djam pung (bột gạo)
Bột gạo thường được nấu với một số nguyên liệu khác. Để có bột, người ta ngâm gạo với nước làm cho gạo mềm, sau đó vớt gạo ra để thật ráo nước rồi giã với lá yao. Nguyên liệu được nấu với bột gạo là thịt cùng với thân cây chuối non hoặc mít non.Khi nấu djam pung, người ta đun sôi nước rồi bỏ thịt heo(bò hoặc trâu) vào nồi…Khi thịt đã chín thì bỏ mít hoặc thân cây chuối non vào. Lúc tất cả những nguyên liệu đã chin, mới bỏ bột vào và đun thật đều lửa. Khi bột đã chin thì bỏ củ nen và phụ gia vào. Món djam pung giống như nồi cháo đặc của người Kinh. Người Gia-rai cũng nấu món này trong dịp bỏ mả. Món này ăn với cơm, thịt làm tái, tiết canh.
Clim luk êrah (tiết canh)
Tiết canh được chế biến là tiết của những động vật nuôi được làm thịt trong các lễ hội, như trâu, bò, heo,gà….Khi làm thịt con vật xong họ lấy tiết của con vật rồi hòa với muối trong dụng cụ đựng tiết để tiết khỏi bị đông.Nhân tiết canh là tim, gan,ruột, cật,xương sườn, thịt, da con vật đã được luộc chín.Bên cạnh đấy còn có cả thân cây chuối non băm nhuyễn. Sau đó tất cả được trộn với thính (được làm từ gạo rang, ngô rang, giã nhuyễn). Món tiết canh được ăn kèm với phụ gia, gia vị như rau thơm, củ nén, ớt. Món này chủ yếu sử dụng trong nghi lễ cúng yang.
Cim brông (thịt lam)
Món này được chế biến từ các loại thịt heo, trâu, bò…Để lam, thịt được thái từng miếng nhỏ hoặc băm, sau đó ướp với bột ngọt, muối, sả, ngò gai, củ nén…Sau đó bỏ thịt vào ống tre, nứa loặc lồ ô, dùng lá chuối đậy kín miệng lại rồi mới bỏ vào đống lửa. Để thịt chín đều, người nấu luôn phải xoay ống đựng thức ăn. Mùi thơm của ống tre, nứa, lồ ô xanh sẽ quyện với mùi gia vị và vị ngọt thơm của thịt, khiến món này rất ngon.
Clim ăm (thịt nướng)
Thịt bò, heo, trâu, gà, cá đều được người Êđê dùng để nướng. Cách nướng của họ cũng rất đơn giản. Trước đây, khi họ mổ thịt động vật xong là cắt từng miếng to rồi nướng và khi ăn thì chấm với muối và gia vị. Dụng cụ nướng là tre và nứa.
Djam guôl
Để nấu món này, người ta lấy những loại cây thường mọc ở suối, như hwiê rừng( có vị ngọt, đắng) và guôl. Đây là món ăn được dùng phổ biến trong dịp lễ hội. Món ăn này được nấu như sau: lấy thân cây non thái mỏng, đem đun với nước; khi nguyên liệu đã chín thì bỏ thêm rau (môn, mdơk), cà đắng và thịt. Khi những thứ này đã chín thì bỏ pung yao vào (tùy theo từng địa phương mà có cách cho pung yao khác nhau: có nơi chỉ lấy nước của pung yao đã giã; có nơi thì lấy pung yao đổ vào nồi canh, vì thế nên sẽ tạo nên canh đặc hay canh loãng). Sau đó họ nêm với bột ngọt, muối và củ nén vào nồi canh trước khi nhắc khỏi bếp.
Cim mnu (thịt gà)
Gà là một loại gia cầm được người Êđê lấy làm vật hiến sinh trong nghi lễ gia đình như lễ cúng cơm, lễ đặt tên, lễ cúng sức khỏe…Trước đây người ta thường thui gà chứ ít khi dùng nước sôi như ngày hôm nay. Xưa kia khi nướng thịt gà người ta ít khi ướp gia vị để giữ mùi thơm của gà, gà nướng có thể chấm với muối ớt.
Món gà của đồng bào Êđê. |
Nếu là thịt gà nấu canh; luộc để chấm với thức chấm hoặc nướng giã để làm tiết canh. Khi nấu canh thịt gà người ta thường nấu với măng chua. Để nấu canh người ta làm sạch gà, đun nước sôi sau đó cho gà vào. Khi nước sôi lên thì cho măng chua vào, sau đó bỏ ớt vào cho cay. Sau khi chín thì thêm bột ngọt, hành lá vào cho thơm.
Rượu cần (kpiê ceh)
Rượu cần được sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và đặc biệt là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ hội của họ.Nó mang nhiều giá trị thiêng liêng trong các nghi lễ, là lễ vật trong các đám cưới, xử phạt. Ngoài ra nó còn thể hiện sự hiếu khách khi khách đến nhà hay đến thăm buôn làng. Không gia đình nào là không có rượu cần, những ché rượu cần còn là thước đo cho sự giàu sang trong gia đình. Đối với họ sự giàu có thực sự là khi có đủ gạo để làm được nhiều ché rượu cần lớn và đủ heo, trâu, bò để cúng thần.
Tuệ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét