Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Lễ đeo vòng cầu sức khỏe của đồng bào Ê đê

Cũng giống như lễ cúng bến nước, lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng hồn lúa người Ê đê quan niệm lễ cúng cầu sức khỏe (lễ đeo vòng sức khỏe) là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.
Để chuẩn bị lễ cúng cầu sức khỏe, đồng bào Ê đê tỉnh Đăk Lăk chuẩn bị lễ vật từ rất sớm: lễ vật gốm những ché rượu cần đã được buộc vào các cột gươl, treo các bộ chiêng, một con gà trống và vòng đồng.
Già làng A Ma Loan thực hiện nghi lễ cúng cầu sức khỏe
Già làng A Ma Loan thực hiện nghi lễ cúng cầu sức khỏe.
Lễ vật đã chuẩn bị sẵn sang, thầy cúng bắt đầu khấn: “Ơ Yang! Hôm nay chúng con cầu khẩn thần linh, các vị thần Đất, thần Núi, thần Sông, thần Rừng, các vị tổ tiên ông bà đã khuất đã đem lại sức khỏe dồi dào, luôn bảo vệ nó suốt chặng đường đi, luôn là đứa con ngoan, hiếu thảo làm việc đến nơi đến chốn, luôn bảo vệ, che chở khi ốm đau để khỏe khoắn làm gia đình luôn vui. Đây là nghĩa tốt đẹp, là điều tốt lành nay tôi khấn để các thần linh khắp chốn cùng biết, lời khấn các thần cũng nghe, thần nước đã nghe thần núi đã hiểu. Tôi khấn xin các thần phù hộ, bảo vệ chở che chi nó không gặp tai ương. Ơ Yang!”

Nghi thức đeo vòng cầu sức khỏe
Nghi thức đeo vòng cầu sức khỏe.
Lời khấn vừa dứt, tiếng cồng chiêng lại rộn rã vang lên. Thầy cúng cầm vòng đồng đeo vào tay phải và đeo chuỗi cườm vào cổ chủ lễ, miệng lẩm nhẩm đọc lời khấn cầu sức khỏe. Sau khi vòng tay đã được đeo, thầy cúng mời các thành viên trong gia đình lên chúc mừng người chủ lễ.
Đông đảo du khách tham dự lễ đeo vòng cầu sức khỏe
Đông đảo du khách tham dự lễ đeo vòng cầu sức khỏe.
Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên nữ chủ nhà là người có uy quyền lớn nhất lên chúc mừng sau đó đến các cô, dì, chị em trong nhà. Sau khi những người phụ nữ trong gia đình chúc xong, đàn ông trong nhà mới tiến đến chúc mừng người được đeo vòng sức khỏe. Trên tay ai cũng cầm theo một món quà: chuỗi hạt, vòng đồng, áo, khăn, chăn… mang tặng để chúc mừng sức khỏe cho chủ lễ.

Người chủ lễ thực hiện nghi thức uống rượu
Người chủ lễ thực hiện nghi thức uống rượu.
Sau lễ này là đến nghi thức uống rượu cần Mnăm Ring, nghi thức uống rượu cũng theo thứ tự của lễ chúc mừng. Sau đó, gia chủ mời tất cả ăn cơm nếp, ăn cơm tẻ, ăn thịt heo nướng, thưởng thức tiếp hương vị rượu cần của các ché vừa được bổ sung. Vừa ăn, mọi người vừa được xem các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, kèn đing túut, đing năm, hát ayray, hát kưưt…
Đồng bào Ê đê hòa tấu nhạc cụ mừng lễ cầu sức khỏe
Đồng bào Ê đê hòa tấu nhạc cụ mừng lễ cầu sức khỏe.
Già làng A Ma Loan thổi tù và mừng lễ đeo vòng sức khỏe
Già làng A Ma Loan thổi tù và mừng lễ đeo vòng sức khỏe.
Lễ đeo vòng sức khỏe không chỉ là phong tục độc đáo nằm trong nghi lễ vòng đời người của đồng bào Êđê. Mà đây còn là môi trường giáo dục văn hóa truyền thống và đề cao những giá trị cao đẹp của gia đình mẫu hệ trong cuộc sống cộng đồng.
Tố Oanh

Lễ cầu sức khỏe của đồng bào Ê - đê
Theo phong tục của người Ê-đê, khi chủ nhà bước qua 60 mùa rẫy (nghĩa là từ 60 tuổi trở lên) thì con cháu trong gia đình tổ chức lễ Băh Ênang (cầu an - cầu sức khỏe) cho ông bà, cha mẹ nhằm thể hiện lòng hiếu nghĩa đối với người sinh thành, nuôi dưỡng mình.
Đây là một phong tục đẹp, gần giống như lễ mừng thọ của người Kinh nhưng phong tục này được đồng bào Ê-đê tổ chức trong một lễ hội truyền thống, mang tính cộng đồng và đậm bản sắc văn hóa.
 
Để chuẩn bị cho lễ này, trước đó một mùa rẫy, gia chủ đã xin phép bà trưởng họ và ông chủ buôn. Sau khi được sự đồng ý của bà trưởng họ và ông chủ buôn, gia chủ giao cho con cháu lo việc ủ nhiều ché rượu lớn, nuôi ba con heo thiến, giã nhiều gùi lúa trắng như bông, dệt mới các bộ váy áo, khố, sửa sang lại nhà cửa, sửa lại cầu thang nhà dài, mua thêm nhiều chiếc chiếu hoa để tiếp khách; đồng thời cho con cháu đi mời bà con trong buôn và các buôn gần gũi trong vùng. Đặc biệt, gia chủ trực tiếp đến gặp ba đội chiêng mời dự lễ để các đội chiêng có thời gian tập lại các bài chiêng cúng Giàng trong lễ Băh Ênang.

Con gái, con trai dâng quà, chúc mừng sức khỏe cho cha mình trong lễ Băh Ênang.

Đến ngày lễ, không khí trong gia đình và buôn làng nhộn nhịp hẳn lên, ngày ấy mọi người không lên rừng, lên rẫy mà ở nhà dự lễ Băh Ênang. Tại ngôi nhà dài của gia chủ, 12 ché rượu đã được buộc vào các cột gơng thành một dãy dài ngay gian khách theo thứ tự từ lớn đến nhỏ tính từ ngoài cửa vào. Ché thứ nhất dùng để cúng thần linh; ché thứ hai dùng để cúng Phát Atâo (tổ tiên, ông bà); 5 ché tiếp theo đều được đeo các chuỗi cườm ở cổ dùng làm lễ Băh Ênang(cầu an- cầu sức khỏe) cho gia chủ; 5 ché còn lại dùng để đãi khách quý và bà con buôn làng đến dự lễ. Tiếp đến là việc treo các bộ chiêng: bộ chiêng thứ nhất gọi là Knah Điết (chiêng nhỏ) - dùng đánh báo mời bà con trong buôn đến dự lễ; bộ chiêng thứ hai gọi là Knah Măn Drưng (chiêng vừa) - dùng đánh báo mời các vị thần linh, tổ tiên, ông bà về dự lễ; bộ chiêng thứ ba gọi là Knak Prông (chiêng lớn) - dùng đánh cúng thần linh trong lễ Băh Ênang.

Vào lễ, dàn chiêng Knah Điết đánh bài Iô Wit H’gum (gọi về sum họp) ngân vang rộn rã khắp buôn làng, núi rừng. Tiếp đến là bài chiêng đánh từ dàn chiêng Knah Man Drưng mời gọi các vị thần linh về dự lễ Băh Ênang. Thầy cúng sắp mâm lễ gồm một con heo thiến (chỉ dùng đầu, đuôi, bốn chân), một con gà mái, một con gà trống, một bát đồng đựng rượu cần, một bát thịt heo thái nhỏ, ba bát cơm, một cây nến thắp sáng. Đọc xong lời khấn mời gọi thần linh về dự lễ, thầy cúng cầm tô rượu pha tiết heo đổ vào cột nhà chính (với ý nghĩa mời các thần coi giữ ngôi nhà này cùng hưởng). Làm xong việc này, thầy cúng lấy một ít thịt gà, thịt heo, cơm, rượu trong mâm mời gia chủ dùng, tiếp đến mời vợ, chị, em, cậu, con cháu trong nhà cùng thưởng thức (gọi là nghi thức ăn, uống cộng cảm với thần linh, tổ tiên, ông bà). Sau lễ này, gia chủ cùng vợ con và người thân trong gia đình đều thay những bộ trang phục tuyền thống mới để làm lễ Băh Ênang. Thầy cúng sắp mâm lễ mới, gồm: một con heo thiến (chỉ dùng đầu, đuôi, 4 chân), một con gà trống, 5 bát đựng rượu pha tiết heo được lấy từ 5 ché rượu có đeo chuỗi cườm, 5 bát thịt heo thái nhỏ, 5 bát gạo lúa mới trắng như hoa Pơ lang, 5 tô canh, một đĩa trầu cau, hai cây nến được thắp sáng. Vào lễ Băh Ênang, tiếng cồng chiêng nổi lên trầm bổng ngân vang theo từng bài chiêng. Đầu tiên là dàn chiêng Knah Điết, rồi đến dàn chiêng Knah Man Drưng, cuối cùng là dàn chiêng Knah Prông rồi lại quay vòng trở đi, trở lại nhiều lần, gọi là Dơng mdêch (nghĩa là liên khúc chúc mừng ngày vui).

Một lúc sau tiếng chiêng mới tạm dừng, thầy cúng hướng về mâm lễ  đọc lời khấn. Lời khấn thần vừa dứt, tiếng cồng chiêng lại rộn rã vang lên. Thầy cúng mời gia chủ đến ngồi bên ché rượu đầu tiên có đeo chuỗi hạt cườm và trao cần rượu cho ông. Chủ nhà cầm cần rượu hút một hơi dài. Rồi thầy cúng cầm vòng đồng đeo vào tay phải và đeo chuỗi cườm vào cổ gia chủ, miệng lẩm nhẩm đọc lời khấn cầu sức khỏe.

Tiếp đến là nghi thức chúc sức khỏe cho gia chủ của người thân trong gia đình và trong dòng họ. Đầu tiên là người vợ đến trao vòng đồng, chuỗi cườm cho ông chủ nhà, rồi đến chị gái, em gái, các ông cậu, các con, các cháu (theo thứ tự nữ trước, nam sau). Người nào cũng có quà: chuỗi hạt, vòng đồng, áo, khăn, chăn… dâng tặng để chúc mừng sức khỏe cho gia chủ. Sau lễ này là đến nghi thức uống rượu cần Mnăm Ring, đó là cùng nhau uống rượu cần nối tiếp nhau thành một dãy dài, tức là người này cầm cần rượu uống trước rồi trao cần rượu cho người kế tiếp và cầm cần rượu của người ở ché tiếp theo, cứ thế mọi người trao nhau cần rượu cho hết 12 ché. Sau đó, gia chủ mời tất cả ăn cơm nếp, ăn cơm tẻ, ăn thịt heo nướng, thưởng thức tiếp hương vị rượu cần của các ché vừa được bổ sung. Vừa ăn, mọi người vừa được xem các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, các cô gái, chàng trai biểu diễn kèn đing túut, đing năm, hát ayray, hát kưưt… Những bản nhạc, lời ca ấy đều hướng về sự cầu an, chúc mừng sức khỏe cho chủ nhà. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến khi rượu nhạt mới dừng.

Lễ Băh Ênang là một lễ hội truyền thống nằm trong nghi lễ vòng đời người của đồng bào Êđê. Không chỉ là dịp con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ, thể hiện tình đoàn kết giữa cha mẹ với con cháu, bà con trong dòng họ và trong buôn làng, lễ Băh Ênang còn là môi trường giáo dục văn hóa truyền thống và đề cao những giá trị cao đẹp của gia đình mẫu hệ trong cuộc sống cộng đồng.
Trương Bi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét