(LV) - Nhắc đến văn hóa Thái người ta thường liên tưởng đến những điệu xòe, những cô thiếu nữ dịu dàng hòa vào những làn điệu múa nón nhịp nhàng, uyển chuyển. Nhưng không thể không nhắc đến Khắp - làn điệu dân ca đặc trưng, độc đáo giàu bản sắc văn hóa của đồng bào Thái.
Với người Thái ở Lang Chánh (Thanh Hóa), làn điệu Khắp luôn có mặt trong các cuộc sum họp và giữ vai trò quan trọng để tạo nên không khí vui, ấm áp trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Từ lâu Khắp đã gắn liền với cuộc sống của người lao động và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Thái.
Làn điệu Khắp của đồng bào Thái
Khắp mang ý nghĩa gốc là hát thơ, nhưng cũng đồng nghĩa với hò, ngâm Khắp cũng có nghĩa là thơ ca, làn điệu dân ca, cách trình diễn thơ ca… những lời Khắp có văn vẻ như thơ nhưng hơn nữa nó còn có nhịp điệu và tiết tấu rất cao.
Cộng đồng người Thái đã dùng thơ để hát, từ đó với người Thái có thể coi thơ đã quy định giai điệu của ca. Song, sự đa dạng của dân ca có những nét cơ bản mang đặc trưng thanh nhạc Thái, gồm các loại hình cơ bản là: Khắp Xư (hát thơ) thể hiện bằng giọng đọc để người nghe hiểu được nội dung câu chuyện trong thơ nên người Khắp dùng giọng ngân nga hơi dài; Khắp Mo - dùng trong nghi lễ và diễn ca sử thi Tay Pú Xơc toát lên vẻ nghiêm trang, mạnh mẽ. Khắp Mo còn dùng làm ma thuật chữa bệnh, loại hình thanh nhạc mang tính cảm thụ tôn giáo làm cho người nghe sùng bái các điều tín; Khắp Chương dùng cho giọng nam trung, nam trầm diễn các tập sử thi anh hùng ca; Khắp Ôi dùng hát đối đáp nam nữ, hát giao duyên, giọng Khắp Ôi cũng rất phong phú, lời Khắp thơ rất lý lẽ, chặt chẽ giọng điệu chữ tình và sâu lắng.
Những chàng trai, cô gái Thái trong làn điệu Khắp. |
Người Thái sử dụng cốt truyện của các tác phẩm văn học như: Xống chụ xôn xao, Khun Lu Nàng Uả, Tán chụ xiết xương của chính dân tộc mình sáng tác và sử dụng những tác phẩm của văn hóa của 3 dân tộc Việt, Lào, Trung Quốc phỏng dịch làm truyện thơ như các tác phẩm: Tống Chân Cúc Hoa, Lương Sơn Bá Trúc Anh Đài, Tam Quốc Diễn Nghĩa... Từ đó sáng tác nên các bài Khắp cho chính cộng đồng mình sử dụng, thông qua những tác phẩm văn học người Thái đặt mình vào tâm trạng để nói lên tâm tư tình cảm, những cái nhìn chủ quan đồng cảm với những nhân vật bất hạnh, hay ca ngợi khí phách, kiên cường và dũng mãnh của các anh hùng.
Ngoài những cốt truyện trong tác phẩm văn học người Thái còn sử dụng rất nhiều đề tài khác nhau để sáng tác nên những bài Khắp ý nghĩa như những quan niệm về con người, kể chuyện bản mường (Quan Tô Mương, Nhọng có Mính mương), những bước đường chinh chiến của cha ông (Táy Pu Sơc), những kinh nghiệm trong cuộc sống mà đời trước muốn truyền lại cho thế hệ sau, những câu chuyện về cuộc sống, những tâm tư tình cảm, chuyện làm ăn và sinh hoạt hàng ngày (Luk khe Mệ nạ, Thám khao, báo sáo, Páy háy-Páy na, Xướn Cun…).
Khắp của người Thái ở Lang Chánh vô cùng đa dạng và phong phú về thể loại, ngữ điệu và lối gieo vần câu trước câu sau, ngữ nghĩa phải được liên kết hết sức chặt chẽ để người nghe cảm thấy du dương êm ái, sâu lắng, trìu mến mà thân thương. Thơ Thái bao gồm các thể thơ từ đơn giản đến phức tạp, từ ít chữ đến nhiều chữ, từ hai ba đến bảy tám chữ hoặc nhiều hơn nữa. Có thể độc lập về số chữ, có thể nghiêm túc về luật thơ, có thể tự do phá vần, phá luật. Như vậy, thể thơ Thái đã phát triển mạnh và khá hoàn chỉnh.
Trong đó các thể thơ từ bốn chữ trở xuống ít ngâm hát được, thể thơ chính thống có thể ngâm hát được là từ năm chữ trở lên và thể thơ bảy chữ là thể thơ trụ cột của nên thơ Thái.
Khắp và những thách thức bảo tồn
Một số làn điệu Khắp trước đây rất phổ biến trong các bản, mường như những cuộc hát giao duyên, đám cưới, sinh hoạt văn hóa, hát mo lễ hội đã dần dần vắng bóng. Hiện nay, nó chỉ hiện diện chủ yếu trong các dịp diễn ra lễ hội và các ngày hội văn hóa thể thao do các cơ quan văn hóa địa phương tổ chức, đã được cải biên nâng cao.
Các phương tiện sinh hoạt văn hóa tinh thần bằng các đồ điện tử, băng đài, đầu đĩa, đàn oóc gan đã dần thay thế cho khèn bè, kèn môi, kèn lá, trống, chiêng, pí, sáo.
Hiện nay, ở huyện Lang chánh, các cán bộ quản lý văn hóa đã bắt tay vào thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn và phát huy Khắp trên toàn địa bàn huyện. Người Thái ở huyện Lang Chánh tập trung chủ yếu ở các xã Trí Nang, Lâm Phú, Yên Thắng, Yên Khương, Tân Phúc, Tam Văn. Những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Thái của địa phương trong Dự án bảo tồn hát Khắp dân tộc Thái Thanh Hóa chủ yếu là đưa các nghệ nhân của các xã đi giao lưu và tham gia cuộc thi Khắp trong huyện, tỉnh... Ngoài ra còn có hoạt động sưu tầm các làn điệu dân ca do một số nghệ nhân ghi chép và sưu tầm thêm các bài Khắp để giữ lại cho đời sau có thể tìm được những tài liệu quý này, hoạt động sưu tầm này rất có ý nghĩa vì nguy cơ mai một các làn diệu dân ca ngày càng cao.
Trong các buổi sinh hoạt văn hóa, đám cưới, lễ tết và những dịp sum họp trong cộng đồng người Thái ở huyện Lang Chánh vẫn hát Khắp cho nhau nghe nhưng không còn phổ biến nhiều nữa, vì số lượng người biết hát Khắp rất ít và nhiều người không hiểu và không nghe rõ được tiếng hát Khắp.
Hiện nay trên địa bàn huyện Lang Chánh có khoảng 100 người biết Khắp và 50 người biết Khắp và am hiểu về Khắp. Trung bình mỗi xã có khoảng 25 người biết Khắp, nhưng hầu hết những người biết Khắp đều là những người cao tuổi và một số người trung tuổi nên hoạt động truyền dạy càng phải cần gấp rút được thực hiện.
Muốn bảo tồn, phát huy làn điệu Khắp một cách hiệu quả, bền vững hơn, cơ quan quản lý văn hóa phải có một chính sách đầu tư hợp lý hơn, mạnh mẽ, thỏa đáng hơn, phải quan tâm, khuyến khích những nghệ nhân đang dốc lòng, dốc sức trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Thái.
Nguyễn Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét