(LV) - Nhắc đến thuốc của người Dao đỏ ở Lào Cai, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thuốc tắm, bởi đây là bài thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Nhưng ít ai biết rằng, bên cạnh bài thuốc tắm nổi tiếng, người Dao đỏ còn nắm giữ nhiều phương thuốc bí truyền khác có tác dụng chữa bệnh hiệu quả, bồi bổ, nâng cao sức khỏe…
Dùng thuốc thay trà uống hằng ngày
Thuộc địa bàn thành phố Lào Cai, nhưng người Dao đỏ ở thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời lại sống trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ, thời tiết mát mẻ, thậm chí mùa đông còn có tuyết rơi. Nơi đây có nhiều loại thảo dược quý sinh trưởng và phát triển. Vì sinh sống bên rừng thảo dược, người Dao đỏ ở Phìn Hồ đã nắm giữ nhiều bài thuốc chữa bệnh hiệu quả, đặc biệt là thuốc chữa các bệnh về gan, dạ dày...
Khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu những bài thuốc của người Dao ở Tả Phời, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Hồ - Chảo Láo Sử cho hay: “Để tìm hiểu tất cả các bài thuốc của người Dao, chắc các anh phải về đây sống với người dân mấy năm mới hiểu hết được. Bởi lẽ, hầu như người Dao trưởng thành nào cũng biết lấy một vài bài thuốc như thuốc chữa rắn cắn, thuốc mát gan... Mỗi người có bí quyết lấy thuốc riêng, không ai giống ai”.
Người Dao đỏ Lào Cai có rất nhiều phương thuốc bí truyền có nguồn gốc từ cây rừng. |
Bỏ qua thứ thuốc lá tắm vốn đã quá quen thuộc, bài thuốc mà gia đình người Dao nào cũng dùng hằng ngày là thuốc mát gan. Có lẽ, đây mới là bài thuốc phổ biến nhất trong cộng đồng người Dao đỏ. Bài thuốc vừa có tác dụng giải độc, mát gan vừa bồi bổ sức khỏe để người Dao đi rừng, làm nương không biết mệt, uống rượu không biết say.
Bà Chảo Mùi Khé, 86 tuổi, là “thầy thuốc” nổi tiếng trong thôn Phìn Hồ, hiện có nhiều người đang theo học nghề lấy thuốc. Mới gặp bà Khé, chắc chẳng ai nghĩ năm nay bà đã cập tuổi 90, bởi vóc dáng khỏe mạnh, ánh mắt vẫn tinh nhanh. Hằng ngày, bà đều đặn vào rừng lấy thuốc chữa bệnh cho bà con trong thôn, trong xã.
Nói về bài thuốc mát gan, bà Khé chia sẻ: “Người Dao nào cũng biết tới bài thuốc này, mỗi người có cách lấy thuốc khác nhau, nhưng vị chủ đạo trong bài thuốc chủ yếu là giảo cổ lam và cây thuốc hình lá gan mà chính tôi cũng không biết gọi tên chính xác là gì. Dùng nước hãm thuốc này uống thay trà thì lá gan sẽ được thanh lọc, không lo mắc bệnh về gan”.
“Khắc tinh” của bệnh dạ dày
Không chỉ ở Tả Phời, thành phố Lào Cai mà trên địa bàn huyện Bát Xát và huyện Sa Pa, người Dao đỏ cũng nắm giữ nhiều bài thuốc quý. Ngoài dùng thuốc mát gan thay trà uống hằng ngày, người Dao đỏ còn nắm giữ bài thuốc chữa bệnh dạ dày, thậm chí có bài thuốc giúp người bị liệt có thể đi lại bình thường.
Vợ chồng ông bà Tẩn Sài Din - Tẩn San Mẩy, ở thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng (Bát Xát) được nhiều người biết đến với biệt tài chữa bệnh dạ dày, liệt, thậm chí cả bệnh phong… Trong căn nhà gỗ có cả một kho thuốc quý được 2 vợ chồng ông Din lấy từ rừng về tích trữ để chữa bệnh cho bà con. Đã có nhiều người bị bệnh dạ dày trong và ngoài địa phương được hai vợ chồng ông Din chữa khỏi. Chữa bệnh cho mọi người được ông bà lang Tẩn Sài Din - Tẩn San Mẩy coi là việc làm phúc. Ai được chữa khỏi bệnh, ông bà chỉ lấy vài trăm nghìn tiền công. Một bài thuốc chữa bệnh dạ dày cần tới 20 - 30 vị thuốc, tùy mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Các loại thuốc này, ông Din, bà Mẩy chẳng biết gọi tên là gì, chỉ phân biệt bằng hình dạng và mùi vị mà cũng chỉ bà Mẩy biết do được chân truyền từ bà ngoại.
Không chỉ bệnh dạ dày, vợ chồng ông Din còn có thể chữa bệnh cho người bị liệt đi lại như người thường. Trường hợp của chị Tẩn Tả Mẩy, ở thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng là một ví dụ. Hồi bé, chị Mẩy vốn không được tỉnh táo do bệnh về thần kinh. Đến năm 19 tuổi, chị bỗng lên cơn co giật và liệt tứ chi, không thể đi lại được. Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi, thậm chí đưa đi các bệnh viện lớn chữa trị mấy năm ròng đều không khỏi. Được sự tin tưởng của gia đình, vợ chồng ông Din đã vào rừng lấy thuốc, kiên trì chữa trong vòng 1 năm thì bệnh tình của chị Mẩy chuyển biến, đến nay, chị Mẩy có thể tự đi lại và khỏe mạnh hơn.
Nguy cơ thất truyền
Hiện tại, việc lưu giữ và truyền lại những bài thuốc của người Dao đỏ ở các thôn, bản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, bởi không có tài liệu ghi chép và nguồn dược liệu ngày càng khan hiếm…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các bài thuốc của người Dao đều được truyền lại bằng phương thức truyền miệng. Thậm chí, có dòng họ chỉ truyền lại cho con trai hoặc con gái, khiến các bài thuốc hay được giữ lại ngày càng ít.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng không muốn học nghề gia truyền mà đi tìm việc làm, lao động kiếm tiền, bởi việc học nghề thuốc và hiểu rõ dược tính của các loại cây thuốc trong rừng cần sự kiên trì, tỉ mỉ, chịu khó, chịu khổ.
Bà Tẩn San Mẩy sơ chế dược liệu lấy từ rừng. |
Theo bà Chảo Mùi Khé, bà cũng muốn truyền thụ lại các phương thuốc cho cộng đồng người Dao, thậm chí phổ biến ra ngoài dân tộc mình nhưng khó thực hiện được vì bản thân không biết chữ; các vị thuốc cũng không được đặt tên cụ thể mà chỉ dựa trên kinh nghiệm. Có một số người đến xin học, nhưng không phải ai cũng có thể thành “nghề” và tinh thông tất cả các vị thuốc. Bản thân bà lo một ngày nào đó, những bài thuốc quý của người Dao sẽ dần thất truyền. Một thời gian dài trước đây, các loại thuốc quý trên dãy Hoàng Liên Sơn cũng đã bị thương lái khắp nơi lùng sục thu mua đến mức cạn kiệt, khiến cho việc tìm vị thuốc ngày càng trở nên khó khăn.
Để “kho báu” của người Dao không bị thất truyền, một số người trẻ đã có ý thức giữ gìn khi bắt đầu nghiên cứu, nhằm bảo tồn những bài thuốc quý của người Dao đỏ, song số này rất ít. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương - nơi có người Dao đỏ sinh sống và các ngành chức năng nên có giải pháp để hỗ trợ dân tộc Dao lưu giữ vốn tri thức bản địa; đồng thời quy hoạch vùng dược liệu tự nhiên để bảo tồn nguồn thuốc quý trong cộng đồng dân tộc vùng cao...
Đỗ Hoàng (Nguồn: Báo Lào Cai điện tử)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét