Nghi lễ trong đám cưới của người Hà Nhì ở huyện Mường Tè (Lai Châu) được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trai gái tự do tìm hiểu, khi hai bên cùng ưng thuận tiến tới hôn nhân thì gia đình tổ chức lễ cưới.
Sau khi chọn ngày tốt và chuẩn bị các thủ tục cần thiết xong, đám cưới của đôi trai gái sẽ được thông báo tại một cuộc họp gần nhất của bản, mọi người phải có mặt chứ chủ hôn không phải đi mời từng người. Cả nhà trai và nhà gái mời cô, dì, chú, bác (à khù già mì tú ma) về để cùng lo đại sự. Người trong bản, anh em, họ hàng về dự đám cưới, tùy theo điều kiện của mỗi gia đình mà mang theo gạo, rượu, con gà...
Cô dâu xinh tươi trong trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì.
|
Tối hôm trước ngày cưới, các dãy mâm cỗ đã được dọn sẵn tại gia đình nhà trai. Chủ nhà mời đại diện các gia đình trong bản, họ tộc đến ăn cơm và bàn, thống nhất về công việc. Tại đây bàn các công việc sau: Chọn người làm chủ hôn (dế mò), làm phụ rể (ù tù thò xò); chọn đoàn người đi đón dâu với điều kiện phải là những người khỏe, am hiểu lý lẽ, đặc biệt là không nghiện rượu; phân công ở nhà chuẩn bị các công việc.
Trang phục của cô dâu, chú rể theo qui định: Chú rể đi chân đất, đầu đội khăn xếp cuốn bằng vải chàm, mặc hai lớp áo, bên trong áo trắng bẻ cổ ra ngoài, bên ngoài là áo đen truyền thống của dân tộc. Cô dâu mặc quần, áo đúng theo bản sắc thiếu nữ dân tộc Hà Nhì, chỉ có khác so với ngày thường ở chỗ, đầu chùm khăn kín, đeo thắt lưng dài và đi chân đất.
Chú rể và cô dâu chúc sức khỏe, tạ ơn những người bậc cao niên của nhà gái.
|
Họ hàng, dân bản tập trung tại nhà gái để chúc tụng, tiễn cô dâu đi lấy chồng.
|
Sau nghi thức mời nước, mời thuốc của nhà gái, đoàn bên nhà trai có thể đi rửa mặt, chân tay, xong rồi về ngồi vào mâm và mỗi người bên nhà trai phải uống 4 bát rượu, có ý nghĩa tương ứng với hai chân, hai tay.
Nghi thức tiếp theo là trao đầu, chân gà của nhà trai mang theo được làm thịt ở nhà gái, các thủ tục nhận rể... Lúc này chú rể và phụ rể vẫn đứng sau cánh cửa, đến khi bố vợ, mẹ vợ cầm chai rượu, chén rượu và đồng bạc ra làm lý gọi là nhận mặt con rể.
Mẹ vợ nói: Ai là con rể của tôi?
Chú rể thưa: Con đây ạ!
Chú rể, phụ rể quỳ đầu gối xuống đất cầm khăn trên tay đón lấy ba chén rượu chia ba lần đưa lên miệng uống.
Mẹ vợ nói: Hôm qua không quen không biết, hôm nay đây mới chính thức là con rể của tôi.
Mẹ vợ ngắt lời thì chú rể, phụ rể đứng dậy đi lau nước mắt cho bố, mẹ, anh, chị trong họ nhà gái. Sau đó, chú rể, cô dâu, phụ dâu, phụ rể quay đầu về phía mâm quỳ gối xin tạ lễ trước sự cầu phúc của tất cả mọi người.
Tiếp theo là thủ tục đặt giá và cân tiền lễ của nhà họ trai mang sang, hàm ý trả một phần công lao nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ cô dâu. Giá cao hay giá thấp, tiền xin nhiều hay ít căn cứ vào khả năng và điều kiện kinh tế của gia đình nhà trai. Số tiền lễ, nhà gái không nhận hết mà để lại cho nhà trai một ít. Cuối cùng, mẹ vợ đưa số tiền này dâng lên bàn thờ để thắp hương và báo cáo ông, bà tổ tiên.
Trên đường về nhà trai, cô dâu, chú rể đội nón thể hiện sự e thẹn và tránh ma quỷ quở trách.
|
Trong đám cưới của người Hà Nhì, trong khi ăn uống, người dự cưới sẽ cầu phúc cho hai vợ chồng mới cưới và bỏ tiền mừng vào một cái chén không để trên bàn tiệc và phải bỏ làm 3 lần. Đây là phong tục hàm chứa sự hào phóng và trách nhiệm của mình với cô dâu, chú rể.
Sau cùng là lễ xin phúc nhằm sinh nở con cái được như ý. Lễ được tổ chức trong buồng bố, mẹ cô dâu. Bốn người gồm: chú rể, cô dâu, phụ rể, phụ dâu quỳ đầu gối, tay cầm khăn lậy xin chén rượu, giả vờ uống rồi trả chén rượu và cứ như vậy ba lần với từng người trong số bố, mẹ, chú, bác, anh, chị... của vợ.
Tiệc tan đoàn nhà trai dẫn dâu về và mang theo phần quà tạ lễ là thịt heo gồm một bên đùi, một bên vai dính đầu lợn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét