Một cô gái Êđê khi đã vừa ý một chàng trai nào đó, sẽ nhờ ông mối đem chiếc vòng đồng sang nhà trai để hỏi chồng. Chàng trai thấy "ưng bụng" thì sờ tay vào chiếc vòng đồng ấy, rồi làm lễ nhận vòng. Khi đó họ có quyền tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân. Đây là nét văn hóa thể hiện rõ nét vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân, truyền thống độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Êđê nói riêng.
Người Êđê theo chế độ mẫu hệ. Phụ nữ được chủ động hơn quyền cưới chồng, con gái theo họ mẹ và có vị trí đặc biệt trong gia đình.
Nhà gái chuẩn bị lễ vật mang sang nhà trai hỏi chồng.
|
Ông mai đưa vòng hỏi ý kiến chú rể.
|
Các cô gái Êđê đến tuổi trưởng thành tìm được người vừa ý, sẽ chủ động đi hỏi chồng. Lễ hỏi chồng thường được tổ chức sau mùa rẫy, bởi khi đó mọi người rảnh rang, lúa gạo đầy nhà, ủ được nhiều rượu cần, mua được nhiều vật dụng quý, có nhiều trâu, bò, gà, heo…
Cô dâu cùng đại diện nhà gái đến nhà trai.
|
Theo tục lệ, một cô gái Êđê khi đã vừa ý một chàng trai nào đó, sẽ nhờ ông mai sang nhà trai hỏi chồng. Ông mai (Pô buk kông) thường là người cậu hoặc người lớn tuổi trong dòng họ, có uy tín, khỏe mạnh, am hiểu luật tục và ăn nói lưu loát. Để tiến hành lễ hỏi, nhà gái chuẩn bị một ché rượu và một chiếc vòng đồng cho ông mai mang đến nhà trai hỏi, gọi là lễ đưa vòng (Myor Kông) hay lễ hỏi chồng (Ê mul ting mô). Vào ngày lành tháng tốt, ông mai cùng gia đình nhà gái mang lễ vật sang nhà trai ngỏ lời.
Cô dâu rước chú rể về nhà.
|
Khi ông mai cùng nhà gái đến hỏi, nhà trai tổ chức họp bàn, rồi cử một người cao tuổi (thường là anh, hoặc em trai bên mẹ) cầm chiếc vòng do ông mai nhà gái đưa sang hỏi ý kiến chàng trai. Nếu chàng trai nhận lời sẽ cầm vào chiếc vòng đồng.
Sau lễ đưa vòng, đại diện hai họ tiến hành các nghi thức của lễ trao vòng và chính thức đặt quan hệ thông gia. Lúc này, nhà gái phải mang lễ vật đến, gồm: Một ché rượu, một con gà làm lễ để nhà trai mở tiệc thết đãi ông mai và gia đình nhà gái. Tại lễ trao vòng, nhà trai thỏa thuận vật thách cưới và thời gian rước lễ.
Cô dâu và chú rể chạm tay vào vòng đồng để nhận lời chúc hạnh phúc trọn đời.
|
Nếu người con trai không đồng ý, thì nhà trai tổ chức một nghi lễ nhỏ mời nhà gái đến dự để tỏ lòng tôn trọng và duy trì sự hòa thuận với nhau sau này. Bởi theo quan niệm của đồng bào Êđê, việc từ chối hôn lễ là sẽ gây tổn thương rất lớn đến lòng tự trọng của không những một gia đình mà còn cả dòng họ. Do đó cần thiết phải có sự thể hiện gắn bó đoàn kết của cả cộng đồng.
Trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, hai họ thực hiện thủ tục “gửi dâu” (K’năm). Đại diện nhà gái (Pô eemuh) dẫn cháu gái đến ở nhà chồng chưa cưới theo thỏa thuận giữa hai bên. Đây là thời gian thử thách lòng chung thủy, nết na của người phụ nữ. Lễ vật “gửi dâu” gồm: Một con gà, một nắm xôi và một ché rượu để làm lễ K’năm.
Các thanh niên trai, gái đón đường, té nước vào người cô dâu và chú rể thay cho lời chúc phúc.
|
Hết thời gian gửi dâu, nhà gái đưa sang nhà trai một con gà, 1 nắm xôi gói trong lá chuối và 1 ché rượu làm lễ thỏa thuận, đây là lễ vật thể hiện sự kính trọng của nhà gái với nhà trai. Trong buổi lễ, mọi người cùng uống rượu, ăn xôi, gà và thỏa thuận về lễ cưới và các vật thách cưới. Vật thách cưới thường là 1 con heo, 7 ché rượu và của hồi môn là 1 con trâu (bò), chiêng, ché...
Sau khi đã thỏa thuận xong, cô dâu và chú rể trao vòng đeo tay (vật tượng trưng cho sự gắn bó, thủy chung của đôi trai gái) trước sự chứng giám của thần linh và hai gia đình. Tiếp đó, gia đình nhà gái trao cho nhà trai 8 chiếc vòng (tượng trưng cho sự ràng buộc), 1 cái bát đồng (tượng trưng cho nồi cơm và bầu sữa mẹ luôn tràn đầy), 1 cái chăn (tượng trưng cho sự ấm cúng của gia đình). Sau khi hoàn tất các thủ tục xong, hai gia đình thỏa thuận chọn ngày để rước rể.
Nghi thức trao vòng cho cô dâu chú rể.
|
Trong ngày rước rể (Tuhan), nhà trai làm lễ tiễn con bằng một ché rượu, một con heo, sau đó nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình. Trên đường về, đoàn rước rể phía nhà gái lần lượt trao vòng đồng cho chú rể thay cho lời chúc tụng. Khi đám rước gần về đến nhà gái, một đại diện nhà trai bước ra chặn lại, nhà gái phải trao cho người đó một chiếc vòng đồng thì mới được đi tiếp. Nghi thức ra chặn đường này thể hiện sự níu kéo, lưu luyến giữa gia đình nhà trai với chú rể.
Trên đường về nhà gái, một nhóm các thanh niên trai gái sẽ đón đường, té nước vào người cô dâu và chú rể thay cho lời chúc phúc đôi bạn trẻ. Theo quan niệm của người Êđê, đám cưới nào càng có nhiều người té nước, cô dâu, chú rể ướt càng nhiều thì đôi vợ chồng đó sẽ càng nhiều may mắn và hạnh phúc bền lâu.
Khi về tới nhà gái, sẽ tiến hành phần lễ chính thức, gồm lễ cúng Giàng, cúng tổ tiên và cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. Người trưởng họ đại diện hai gia đình tuyên bố cuộc hôn nhân của hai người được chấp nhận theo luật tục, rồi ông đưa chiếc vòng đồng cho đôi vợ chồng trẻ chạm tay vào lần cuối để chúc phúc vợ chồng sống hạnh phúc trọn đời bên nhau. Sau đó gia đình, bạn bè lần lượt tặng quà cho đôi vợ chồng trẻ và cầu chúc cho họ sống hạnh phúc, con cháu đầy nhà, nương rẫy nhiều lúa, bắp... Khi phần lễ kết thúc, những người tham dự cùng ăn uống, ca hát, nhảy múa theo nhịp chiêng để mừng đôi tân hôn.
Bí ẩn chế độ mẫu hệ người Ê Đê: Sơn nữ Ê Đê đi hỏi chồng
TP - Ẩn mình dưới tán rừng xanh ngút ngàn, cuộc sống của người Ê Đê ở Tây Nguyên luôn chứa đựng nhiều nét hoang sơ, huyền bí khiến nhiều người phải tò mò khám phá, trong đó có chế độ “mẫu hệ”. Trong gia đình của người Ê Đê, phụ nữ có vai trò, quyền lực đặc biệt như: Quyền cưới chồng, con cái sinh ra mang họ mẹ, của cải trong nhà thuộc về phụ nữ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét