Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Độc đáo kiến trúc Chùa Bầu

(LV) - Chùa Bầu tên chữ là Thiên Bảo Tự, toạ lạc tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Là nơi địa linh danh thắng, chốn linh thiêng lâu đời của vùng đất rộng lớn với diện tích 4000 m2.

Với khung cảnh thiên nhiên hài hoà trước mặt chùa là một hồ nước sâu và rộng, hồ thông với sông Đáy tạo nên mỹ quan đẹp và tô điểm thêm sự tĩnh lặng cho chùa. Theo thuyết âm dương ngũ hành, trước một ngôi chùa nào thường phải có một hồ nước vì theo truyền thuyết chùa tượng trưng cho dương, hồ tượng trưng cho âm. Dương và âm tạo nên thế cân bằng hài hoà trong trời đất và theo thuyết phong thuỷ thì chốn chùa chiền là nơi tôn nghiêm, thành kính. Hồ nước trước chùa như muốn nhắc nhở con người ta đến nơi này cần phải rửa sạch tay chân cho hết bụi trần để thành tâm vào bái lễ. Như vậy nét văn hoá tâm linh nơi đây không khác xa so với những ngôi chùa khác.
Chùa Bầu có kết cấu kiểu "Nội công ngoại quốc", lối kiến trúc đặc trưng của thế kỉ XVI, với ý niệm tách khỏi cuộc sống trần tục. Xưa kia chùa Bầu có kiến trúc khá cổ kinh vơi khuôn viên nhỏ, nhưng vào khoảng tháng 10 năm 1966 máy bay Mỹ đã trút bom xuống thành phố Phủ Lý. Kết quả là chùa Bầu bị phá hủy gần hêt. Sau này, nhờ tấm long hỏa tâm của bà con thành phố cùng những Phật tử gần xa, chùa Bầu đã được xây lại vào năm 2000 với diện tích gần 4000 m2. Bao gồm các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà mẫu và 2 dãy hành lang. Mặt tiền chùa quay hướng Nam, theo quan niệm của nhà Phật thì đó là hướng của "Bát Nhã" và "Trí Tuệ", gắn liền với hạnh phúc và điều thiện. Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ.
Nhà Tiền đường có quy mô 5 gian 2 dĩ, kết cấu kiến trúc kiểu con chồng đấu sen. Tòa nhà Tiền đường có 4 hàng cột chính tức là 8 cột cái, mỗi cột cao 4m, kê dưới dưới chân cột là những tấm đá được tạc theo khối đáy vuông ngọn tròn để tiếp nhận lực từ các cột trụ gỗ và phân bổ trọng lượng của toàn bộ nhà tiền đường trên nền đất, đồng thời tránh cho cột gỗ tiếp xúc trực tiếp với nền đất tạo nên độ bền tránh mối mọt, toàn bộ các cột được làm bằng chất liệu gỗ lim đường kính mỗi cột 25cm – 30cm đã làm nên một bộ khung vững chắc, các xà rui đều được làm bằng gỗ, xung quanh nhà tiền đường được xây bằng tường gạch. Các đầu đao được uốn cong như ở thế bay lên, tạo nên cảm giác nhẹ nhàng cho mái chùa Việt, các đòn bẩy và cột chống được trang trí khá đẹp, đặc biệt các đầu đao tạc nổi bởi những cuộn mây lửa và một vài con thú trông rất mềm mại uyển chuyển.
Nối giữa tiền đường và thượng điện là khoảng hành lang, có cây hương đá còn gọi là "Thạch trụ", bốn mặt khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân đóng góp tu sửa chùa.
Thượng điện cũng gồm 5 gian 2 dĩ, kết cấu giống nhà Tiền đường, mang đậm nét kiến trúc thời Hậu Lê, các vì kèo đòn bẩy, ván mê, xà ở đây đều rất ít hoa văn hoạ tiết phần lớn là để thô mộc, vì vậy đã tạo nên một dáng vẻ khoe mộc vững chắc không cầu kỳ như các công trình tôn giáo hay các ngôi chùa khác. Hệ thống tượng được bài trí rất phong phú, đa dạng hiếm thấy cùng những thâm ý tốt đẹp qua từng hàng, từng pho tượng. Hệ thống tượng trong ban Tam Bảo được bài trí theo thứ tự: Trên cùng là 3 pho Tam Thế; tiếp đến là A Di Đà và tứ Bồ Tát; lớp dưới là Văn Thù và Phổ Hiền; tiếp theo là Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu; tiếp nữa là Địa Tạng Vương và Phạm Thiên, Đế Thích; sau cùng là tòa Cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh.
Ở gian giữa toà Tam Bảo phía trên sát với cửa võng là bức Đại Tự chiều dài 2m được sơn thiếp vàng trong có đề 3 chữ “Điện Lưu Ly”. Hai bên tả và hữu là hai bức Đại Tự cân xứng cũng được sơn son thiếp vàng với nội dung : "Trangnghiêm đan hà" và "Uy nghi bạch diệp" ý muốn nói ở hai bức đại tự này là nghiệp Phật oai nghiêm. Toà tam bảo giống như một cung điện nguy nga ánh hào quang của màu vàng, của sơn son thiếp vàng trên các cửa võng đã làm nổi bất nên kiến trúc không gian ở phần bên trong là hệ thống các pho tượng đồ sộ.
Hai gian bên cạnh phía ngoài là nơi đặt hai pho tượng Hộ Pháp mà dân gian thường gọi là thần khuyến thiện và thần khuyến ác, hai pho hộ pháp này có chiều cao 2,5m có đặc điểm và bố cục gần giống nhau. Tuy nhiên mỗi khuôn mặt lại toát lên một chất hồn quan võ, vã quan văn.
Nhà hậu điện nằm ở vị trí cuối cùng và song song với nhà Tiền đường được nối với một cây cầu nhỏ tạo nên một dãy nhà kép kín hình chữ công bao bọc lấy Phật điện. Tổng thể nhà hậu điện bao gồm 5 gian, kết cấu vì kèo quá giang, đường kính hàng cột cái là 140cm. Cũng giống như nhà tiền đường nhà hậu điện mới được tu tạo làm mới nên các hoa văn hoạ tiết trang trí ở đây rất đơn giản, hầu hết các xà, đòn bẩy, vì kèo, đều để vẻ thô mộc tạo cảm giác nhìn cứng cáp vững chắc. ba gian ở giữa đặt tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, 2 gian bên thờ Mẫu sơn trang và Đức Thánh Trần
Tiếp đến là tượng Đức Ông đứng cạnh có Già Lan - Chân Tể và tượng Đức Thánh Hiền, đứng cạnh có Diệm Nhiên - Đại Sỹ.
Nhà thờ tổ và Nhà tăng cùng với quần thể lăng mộ được tách rời hoàn toàn với tổng thể kiến trúc chùa, được nằm về sau cách một khoảng sân gạch lớn. Nhà thờ tổ và nhà tăng ni là những công trình vừa được khánh thành 15/7/2003. Có kết cấu 5 gian, theo kiểu con chồng đấu sen làm giả cổ, dài 11,3m rộng 7,2m chung quanh được xây bằng xi măng gạch tương đối vững chắc, xét về mặt kiến trúc cũng như về mặt lịch sử thì công trình này chưa có nhiều giá trị do được xây dựng mới hoàn toàn. Nhà thờ tổ là nơi đặt bàn thờ Tổ, tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma và các sư trụ trì ở các thời trong chùa. Phía trước nhà thờ tổ là ban thờ “ Hàn Lâm tự” đặt tượng thổ địa.
Hiện nay, Chùa Bầu vẫn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (1663) như: 28 đạo sắc phong về Đức Pháp Vân Phật và đạo sắc phong cuối cùng vào năm thứ 9 vua Khải Định, một quả chuông với kích thước 0,95m, đường kính 0,57m được đúc vào mùa xuân năm thứ 3 Hoàng triều Minh Mệnh ( 1822) và một tấm bia đá xanh cao 1,25, rộng 0,8m.
Cùng với các nhà thờ, chùa chiền trên địa bàn thành phố, chùa Bầu là một ngôi chùa có rất nhiều nét kiến trúc cũng như trang trí nội thất mang phong cách truyền thống và hiện đại. Điều đó càng chứng tỏ rằng, mặc dù các hạng mục kiến trúc ở Hà Nam không có khác biệt lớn về phong cách so với kiến trúc cùng loại ở các vùng dân cư khác, nhưng vẫn có thể nhận ra những nét rất riêng của chùa Bầu ở các công trình kiến trúc này. Trước hết, các kiến trúc này đều chiếm lĩnh những khoảng không gian rộng rãi, cảnh quan thoáng đãng và tọa lạc gần công viên Nguyễn Khuyến, chứ không chen chúc nhau trong những khoảng không gian chật hẹp ở các vùng đô thị, và luôn tạo cảm giác thanh tịnh và yên tĩnh nơi thành phố ồn ào.
Thùy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét