Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
ANTD.VN - Chính sách cấp đất cho dân ra đời từ đầu thời Lê, đến cuối triều đại này thì công điền bị thu hẹp, tư điền phình ra. Vì các chúa Trịnh đã ban hành những chính sách cởi mở hơn như: Giảm thuế chợ, nới rộng buôn bán và tự do sản xuất thủ công nên các làng nghề ven Thăng Long ào ra kinh đô lập cơ sở. Những chính sách đó đã thúc đẩy kinh tế phát triển, giao thương hàng hóa giữa các vùng với Thăng Long mở rộng.
Phố Hàng Gai năm 1988 thế kỷ trước (Ảnh: William E Crawford)
Theo thời gian, Thăng Long dần hình thành những nơi vừa sản xuất vừa bán sản phẩm đồng thời cũng là nơi nhận đơn đặt hàng theo yêu cầu của các nhà buôn. Việc nhiều người cùng một phường bán các sản phẩm giống nhau đã sinh ra câu thành ngữ “Buôn có bạn, bán có phường”.
Trong một cuốn sách, nhà truyền giáo Filippo de Marini đến Thăng Long năm 1663 viết: “Ở đầu mỗi phố đều treo một tấm biển gỗ trên đó có ghi tên mặt hàng”. Tấm biển này do dân chúng buôn bán ở phố đó treo để tiện cho việc mua bán. Tuy nhiên nó không phải là đơn vị hành chính. Đó là xuất xứ của phố tên Hàng sau này.
Năm 1831, Vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính lớn, trong đó có việc phân chia và đặt tên mới theo địa giới hành chính cấp tỉnh thì Thăng Long bị sáp nhập với một số khu vực khác thành tỉnh Hà Nội với diện tích rộng hơn, gồm 4 phủ, 15 huyện. Trong số 15 huyện của tỉnh Hà Nội thì 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận vẫn thuộc phủ Hoài Đức và “36 phố phường” đều nằm trong địa phận 2 huyện này.
Huyện Thọ Xương có 18 phường, gồm: Yên Thọ, Hà Khẩu, Báo Thiên, Đông Hà, Đồng Xuân, Đông Tác, Đông Các, Cổ Vũ, Xã Đàn, Đồng Lạc, Thái Cực, Diên Hưng, Khúc Phố, Phục Cổ, Phúc Lâm, Kim Hoa, Hồng Mai, An Xá. 18 phường của huyện Vĩnh Thuận là: Bích Câu, Quảng Bá, Thụy Chương, Yên Thái, Hòe Nhai, Tây Hồ, Nghi Tàm, Nhật Chiêu, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Yên Lãng, Công Bộ, Thạch Khối, Hồ Khẩu, Thịnh Quang, Yên Hoa và Quan Trạm. Trong các phường này có các phố chuyên bán một mặt hàng.
Theo nhà sử học người Pháp Philippe Papin, tác giả của cuốn “Lịch sử Hà Nội”, danh từ phố bằng chữ Nôm có nghĩa là “nơi mua bán, là khu dân cư tập trung quanh khu vực bến thuyền”. Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc thì chữ phố nguyên nghĩa là chỗ bán hàng và phố có thể là một nhà bày bán hàng, dần dần phố có nghĩa là nơi có nhiều cửa hàng. Trong bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, tác giả Nguyễn Văn Uẩn giải thích: “Phường được sử dụng trong giấy tờ của nhà chức trách còn phố do dân gọi và lâu mà thành, phố vẫn nằm trong phường”.
Việc buôn bán ngày càng phát triển dẫn đến lộn xộn va chạm, nếu chờ chức sắc của phường đến giải quyết thì rất lâu nên bà con buôn bán cần có người trông coi quản lý an ninh trật tự, để dàn xếp bất đồng ngay lúc đó, vì vậy họ đã chọn một người có uy tín làm trưởng phố.
Theo Philippe Papin, chức trưởng phố xuất hiện từ năm 1850. Điều đó có nghĩa phố tên Hàng do dân gọi có từ trước đó nhưng nó không nằm trong ngạch quản lý hành chính của chính quyền. Dần dà, trưởng phố trở nên quan trọng hơn cả chức sắc của phường. Và tên phố và phố bắt đầu bằng chữ Hàng chính thức có trong văn bản triều Vua Tự Đức.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn (đời Tự Đức) soạn chép là phố và khi đó có 19 phố trong đó có 12 phố bắt đầu bằng chữ Hàng. Còn “Chuyến đi Bắc Kỳ” năm Ất Hợi 1876 của Trương Vĩnh Ký cũng dùng chữ phố và Hà Nội khi đó gồm 21 phố gồm: Hàng Buồm, Quảng Đông, Hàng Mã, Hàng Mâm, Báo Thiên, Phố Nam (hay là Hàng Bè), Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Giày, Hàng Mây, Đồng Lạc,Thái Cực (phố Hàng Đào), Đông Hà (phố Hàng Hát), Phước Kiến (bán đồ đồng, đồ thiếc), Hàng Muối, Đồng Xuân, Thanh Hà, Hàng Gai, Hà Bao, Hàng Trà (chè), Quảng Minh Đình.
Trong 21 phố có 13 phố bắt đầu bằng chữ Hàng. Trong ghi chép của nhiều người Pháp từng đến hoặc sống tại Hà Nội giai đoạn 1875 đến 1888 cho thấy, họ sử dụng từ “rue” (tiếng Pháp nghĩa là đường phố, phố). Tuy nhiên bản đồ Hà Nội trong sách “Đồng Khánh địa dư chí” soạn vào đời Đồng Khánh (năm 1888) lại chép Hà Nội có 36 phường ở mà không có phố, nghĩa là không có phố tên Hàng.
Khi Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882 sau đó chiếm Hà Nội năm 1883, công sứ Hà Nội, đốc lý đã ban hành nhiều văn bản để quản lý thành phố. Một nghị định đăng trong công báo ngày 21-4-1890 của Thống sức Bắc Kỳ đã qui định chiều dài, chiều rộng, vỉa hè của các phố và nghị định này cũng chính thức sử dụng phố tên Hàng.
Theo nghị định này, Hà Nội năm 1890 có 67 phố và 4 đường, trong đó có 38 phố bắt đầu bằng chữ Hàng. Riêng Hàng Bông có 2 phố là Hàng Bông phía Đông và Hàng Bông phía Tây; Hàng Chiếu cũng có 2 phố là Hàng Chiếu cói và Hàng Chiếu (sau là phố Jean Dupuis).
Nhưng “Hà Nội 36 phố phường” là thế nào? Có bao nhiêu phố Hàng? Một trong số các bài ca về 36 phố phường được ghi trong sách “Việt Nam thi văn hợp tuyển” của Dương Quảng Hàm có nội dung như sau:
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền”.
Trong bài ca này chỉ có 32 phố Hàng như vậy nó ra đời trước khi có nghị định về phố của Thống sứ Bắc Kỳ. Thực ra 36 phường chỉ có trong thời Lê, đến thời Vua Tự Đức, Hà Nội có tới 153 phường, thôn, trại. 36 là số đẹp nên “Hà Nội 36 phố phường” là cách nói mang tính biểu tượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét