Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Thăm Quốc Tử Giám của Nam Bộ và Văn Miếu ở Cố đô

Trong phần này, chúng ta sẽ được đi thăm Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai) và Văn Miếu Huế để cùng thấm nhuần truyền thống hiếu học mà ông cha ta lưu giữ bao đời nay nhé!
1. Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai)
 
Đối với người dân Trấn Biên, họ cũng xây cho riêng cho mình một Văn Miếu để tiếp nối truyền thống hiếu học, nơi lưu danh các bậc hiền tài của đất nước. Văn Miếu Trấn Biên được xem như “Quốc Tử Giám” của Nam Bộ.
 
Đường vào Văn Miếu Trấn Biên.
 
Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng vào đời vua Hiển Tông năm Ất Vị thứ 25 (tức năm 1715). Công trình được Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký Lục Phạm Khánh Đức cho xây dựng tại thôn Bình Thành và Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai).
 
Theo sách "Ðại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn miêu tả, Văn Miếu Trấn Biên được ghi nhận là Văn Miếu được xây dựng sớm nhất ở miền Nam (mặc dù ra đời sau Văn Miếu Quốc Tử Giám hơn 700 năm). Văn Miếu Trấn Biên thờ Khổng Tử, các bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa, giáo dục của đất nước, đặc biệt là các nhân sĩ, hào kiệt phía Nam.
 
Khuê Văn Các và…
 
… nhà thờ chính với hồ nước trong xanh ở giữa đã tạo nên một khung cảnh lung linh, tuyệt sắc.
 
Gắn liền với Văn Miếu Trấn Biên là một nền giáo dục phát triển, nơi đã sinh ra nhiều danh nhân làm rạng rỡ miền đất phương Nam như: Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Ðức, Nguyễn Ðình Chiểu, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Ðịnh.
 
Khi quân Pháp đánh chiếm Biên Hòa năm 1861, chúng đã phá hủy hoàn toàn Văn Miếu Trấn Biên nhằm dập tắt tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ. Văn Miếu Trấn Biên bị hủy hoại sau 146 năm tồn tại.
 
Văn Miếu Môn.
 
Ngày 09/12/1998, Văn Miếu Trấn Biên được khởi công khôi phục lại trên nền Văn Miếu cũ với số tiền đầu tư gần 20 tỷ đồng. Văn Miếu Trấn Biên hiện nay sừng sững, uy nghi tọa lạc trên diện tích rộng 20.000m2 tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai.
 
Nổi bật trong kiến trúc Văn Miếu là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc bằng gốm tráng men, có lầu bia uy nghi tráng lệ. Từ cổng vào là nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng Tam quan, nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Đặc biệt, bia Tiến sĩ được khắc bằng đá xanh với câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".
 
Bia thờ Khổng Tử
 
Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ: Đặt bàn thờ Bác Hồ ở gian giữa, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương. Trong gian thờ chính có trưng bày 18kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời Vua Hùng, cội nguồn của dân tộc.
 
 
Văn Miếu khi về đêm.
 
Trong Văn Miếu Trấn Biên thì đặt bàn thờ đức Khổng Tử, bàn thờ Quốc tổ và Lịch đại đế vương. Gian bên trái thờ các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Lê Quý Ðôn. Gian bên phải thờ Võ Trường Toản, Ðặng Ðức Thuật và ba vị anh hào "Gia Ðịnh tam kiệt": Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh.
 
Phía trước nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền - Hậu hiền.
 
Vào dịp lễ hội, Văn Miếu thu hút rất đông du khách tham quan, viếng lễ.
 
Văn Miếu Trấn Biến là nơi bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa – giáo dục từ xưa đến nay của Nam Bộ nói riêng và của cả nước nói chung. Hàng ngày có rất nhiều các bạn trẻ và du khách thường xuyên tham quan và viếng lễ tại Văn Miếu.
 
Văn Miếu Huế
 
Văn Miếu Huế hay Văn Thánh Huế là cách gọi tắt tên Văn Thánh Miếu được xây dựng tại Cố đô của chúng ta.
 
Trước đây, các chúa Nguyễn đã xây dựng Văn Miếu tại thủ phủ rồi đã thay đổi vị trí qua ba địa điểm khác nhau: làng Triều Sơn, làng Lương Quán, làng Long Hồ. Năm 1808, dưới triều vua Gia Long, Văn Miếu Huế được xây dựng ở địa điểm hiện nay. Ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ (miếu thờ cha, mẹ Khổng Tử).
 
Văn Miếu Huế với địa thế tựa núi, nhìn sông rất gần gũi với thôn quê và truyền thống con người Việt Nam.
 
Văn Miếu được xây dựng uy nghi, đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Phú Xuân cũ. Văn Miếu quay mặt về hướng Nam.
 
Toàn bộ kiến trúc chính của Văn Miếu đều được dựng trên ngọn đồi cao gần 3m so với nền đất xung quanh, trước mặt là sông Hương, phía sau là làng mạc, núi đồi. Các công trình của Văn Miếu được xây dựng trong mặt bằng hình vuông: mỗi cạnh chừng 160m, xung quanh xây la thành bao bọc. Tất cả có 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, đặc biệt là 32 tấm bia tiến sỹ và 4 tấm bia khác.
 
Bên trong Văn Miếu nhìn ra sông Hương với một khung cảnh ẩn nét lặng lẽ và sâu đậm của lịch sử, văn hóa.
 
Từ cổng Đại Thành Môn vào bên trong, chính giữa Văn Miếu là Đại Thành Điện thờ Khổng Tử. Đại Thành Điện là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu, toàn bộ được xây dựng trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m. Cấu trúc của đại điện phỏng theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Hai bên trước điện Đại Thành dựng hai ngôi nhà đối diện nhau là Đông Vu và Tây Vu. Cả hai ngôi đều có bảy gian để thờ thất thập nhị hiền và các tiên nho.
 
Đại Thành Môn.
 
Trước sân miếu có hai nhà bia, bia bên phải khắc văn bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng), bia bên trái khắc bài văn bia của Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị).
 
Ngoài cổng Đại Thành Văn Miếu, bên trái có Hữu Văn Đường, bên phải có Dị Lễ Đường, là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái dùng để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở Miếu.
 
Lối đi được lát gạch nung bên trong Văn Miếu. Hai bên là hai hàng bia Tiến sỹ.
 
Những tấm bia còn lại được lưu giữ khá cẩn thận với nhà che và được sắp xếp rất khoa học.
 
Đặc biệt hơn, phía trước là hai dãy bia gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sỹ thi đỗ trong 39 kỳ thi Hội, thi Đình tổ chức dưới triều Nguyễn.
 
Ngoài ra, Văn Miếu còn có các công trình khác như: Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), Đại Thành môn, Văn Miếu môn... Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim, kiến trúc, trang trí đăng đối, uy nghi.
 
Những tấm bia Tiến sỹ thời Nguyễn đang được lưu giữ tại đây
 
Hiện nay cùng với một số Văn Miếu lớn của cả nước như: Quốc Tử Giám, Trấn Biên (Đồng Nai)… Văn Miếu Huế chính là lưu giữ những minh chứng về sự nghiệp giáo dục của cả nước. Cùng với đó là giá trị truyền thống nhân văn của người Việt Nam ta luôn được gìn giữ và phát huy từ xưa đến nay.
 
Văn Miếu đã trở thành một điểm đến tham quan của rất đông du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ với mong muốn được lưu danh bảng vàng như những danh sĩ đã được khắc tên tại các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét