Bạn tôi, từ người mới du học vài năm đến những người sống ở nơi khác và đã từng đến Nha Trang, đều “chat” với tôi rằng “thèm đồ ăn Nha Trang quá”! Phải chăng “Bụt chùa nhà không thiêng” nên tôi chưa có cảm giác như vậy. Rồi tôi lang thang khắp phố, và chợt nhận ra phố biển này hội tụ nhiều món ăn, lạ mà quen, đến không ngờ…
° Từ đặc sản Nha Trang…
Nha Trang vốn mê hoặc du khách bởi vẻ quyến rũ của bờ biển cát vàng ngập tràn nắng và níu chân người bởi vị đậm đà của món bánh canh, bún cá nơi góc phố. Bất kể ngày nắng hay mưa, người Nha Trang đều có thể thưởng thức món ăn bình dị nhưng đầy lôi cuốn này. Một tô bánh canh ngon, ắt chả cũng phải ngon. Muốn vậy, cá phải tươi, phải được róc kỹ xương; quết cùng thịt giã nhuyễn với gia vị, tiêu, hành, tỏi. Chả cá chiên xong đượm màu vàng nâu thơm phức, chấm với nước mắm, tỏi, ớt giã nhuyễn, thật không gì bằng! Mỗi sáng trước khi đi làm hay chiều về, nhiều người Nha Trang thường ghé tới những quán bánh canh ven đường, tranh thủ xì xụp một tô cho “đã”. Cũng ngần ấy nguyên liệu nhưng tùy vào cách gia giảm, chế biến mà hương vị bánh canh mỗi nơi mỗi khác. Quán Bà Thừa (trên đường Yersin) đượm mùi thơm của cá dầm và vị cay nồng của tương ớt, hành tây. Sợi bánh mềm mà dai. Bánh canh cô Lộc (đường Phan Chu Trinh) lại ngọt nước, viên chả cá chiên vo tròn, vị đậm đà, đặc biệt nước mắm ngọt rất ngon với ớt, đường giã nhuyễn pha mắm nhĩ, tạo thành một thứ nước chấm đặc biệt hấp dẫn. Loại mắm này, chấm chả viên thôi cũng thấy thú vị. Bánh canh “chị Lan - anh Việt” trên đường Bà Triệu lại làm hài lòng thực khách bởi có thêm trứng, gan, da, lòng và mắt cá. Thoạt nghe chẳng có gì hứng thú, nhưng khi nếm thử một tô “lòng - trứng”, tôi lại “kết” ngay cái vị bùi bùi của trứng, cái giòn sần sật của lòng cá ngừ đại dương (còn gọi là cá bò gù).
Một món dân dã khác của Nha Trang cũng lấy chả cá làm chủ đạo là bún cá. Món bánh canh, bún cá cũng phải chế nước dùng từ xương ninh và thịt cá biển tươi. Ninh càng lâu, nước dùng càng ngọt. Bún cá thường ăn kèm rau xà-lách xắt nhỏ và giá sống y như món rau ghém cho món mì Quảng, bún bò Nha Trang. Thêm chút nước cốt chanh, một chút mắm tôm, chút xíu ớt tươi xay rồi trộn đều, thế là hoàn thiện hương vị cho tô bún cá đậm đà hương vị biển. Thực khách cũng có thể gọi một tô bún sứa, độ hấp dẫn không hề kém. Quán “5 Beo” gần chợ Đầm cũng là quán được nhiều người biết tới. Tình cờ đọc được bài viết về quán ở Heritage, tạp chí của hãng Vietnam Airlines, cô bạn tôi, là khách “ruột” của quán, liền mang ngay cho bà chủ xem. Bà chủ còn “giật mình” vì… “cái quán nho nhỏ của mình cũng được lên báo”! Cũng không thể thiếu trong danh sách liệt kê này, đó là quán “cô Đông” trên đường Nguyễn Trãi, quán “Loan” (đường Ngô Gia Tự), quán Bún Cá (đường Hoàng Văn Thụ, gần chợ Đầm) hay quán trên con đường nhỏ đối diện khách sạn Quốc Tế, đường Nguyễn Thiện Thuật… quán nào cũng ngon.
° … đến mì “Tàu chính hiệu”!
Người Hoa ở Nha Trang sống nhiều nhất ở khu chợ Đầm, địa điểm buôn bán sầm uất từ trước năm 1975. Nhắc đến món ăn quen thuộc của người Hoa, phải kể đến mì hoành thánh. Ngày nay, mì hoành thánh đã rất thông dụng với người Nha Trang. Quán gia truyền xưa nhất thành phố, có lẽ là Lợi Ký - quán của ông Trương Hải Lợi, người Phúc Kiến, di cư sang Việt Nam. Cách đây 32 năm, quán nằm ngay cổng chính chợ Đầm. Năm 1990 thì dời về đường 2-4. Người ta thích thưởng thức mì hoành thánh ở đây bởi vị ngọt thanh của nước dùng bằng xương ninh, hoành thánh mềm nhưng không nhão. Ông chủ có bí quyết nhào mì riêng. Bí quyết đó, theo cô con gái ông, đến giờ ông “vẫn chưa truyền lại cho ai”. Chỉ ông mới làm được những vắt mì hấp dẫn. Ngoài ra, hoành thánh, bò viên, xá xíu…, cũng được quán làm thủ công theo bí quyết riêng. Sợi mì của quán luôn giòn mà dai, hài hòa giữa bột và trứng. Tới đây ăn mì hoành thánh, thưởng thức gần hết tô mì mà nước dùng vẫn nóng rẫy. Quán đông khách nên thường mở cửa rất sớm và đóng cửa cũng khuya. 1 - 2 giờ sáng, nếu đói bụng, bạn vẫn có thể ra quán kiếm tô mì. Riêng Thứ bảy và Chủ nhật, quán phục vụ thêm mì vịt tiềm thuốc Bắc. Dân TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là người ở quận 5 đến Nha Trang thường ghé quán ăn vì hợp khẩu vị. Những diễn viên trong Nam như Lam Trường, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh…, thậm chí cả đoàn kịch nói miền Bắc, trong đó có Chí Trung, cũng hay ghé quán mỗi lần đến Nha Trang lưu diễn.
Không hiểu sao, mỗi lần lang thang trên phố, thưởng thức những món ăn ấy, tôi lại có cảm giác vừa quen vừa lạ nhưng rất hào hứng. Lại chợt nhớ lời nhắn nhủ của cô bạn bên trời Tây: “Tết này, phải về Nha Trang bằng được! Thèm đồ ăn Nha Trang quá đi!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét