Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Giáo xứ Tân Định: xưa và nay



WGPSG -- Giáo xứ Tân Định được hình thành từ năm 1861, là một trong các Họ Đạo đầu tiên của Địa phận Tây Đàng Trong.
Tân Định nằm ở khu vực đông dân cư, và là đầu mối giao thông, thuận lợi cho việc làm ăn buôn bán, nên đời sống vật chất của giáo dân ở đây tương đối thoải mái. Giáo xứ Tân Định có diện tích rộng lớn để có thể xây dựng các cơ sở vật chất khang trang phục vụ cho các sinh hoạt tôn giáo.
Sơ lược lịch sử giáo xứ Tân Định
Có thể chia làm 5 giai đoạn:
  1/ Giai đoạn Hình thành:
    Từ 1860 - 1874.
  2/ Giai đoạn Củng cố và xây dựng:
    Từ 1874 - 1926.
  3/ Giai đoạn Trưởng thành:
    Từ 1926 - 1945.
  4/ Giai đoạn Phát triển:
    Từ 1945 - 1974.
  5/ Giai đoạn: từ năm 1974 - đến nay.
Giáo xứ Tân Định: xưa và nay
Xin"click" lên hình để xem các hình trong album này
Giáo xứ hiện nay
Giáo xứ Tân Định hiện nay có 9 giáo khu, hơn 1000 gia đình với tổng số giáo dân là 6500 người.
Hơn mười năm qua, kể từ năm 1998 – 2010, nhờ hồng ân Chúa ban, dưới sự dẫn dắt và chăm sóc của cha sở GB. Võ Văn Ánh, giáo xứ Tân Định đã có những đổi thay rõ rệt:
Nhà Chúa ngày càng đẹp hơn, cơ sở khang trang, sinh hoạt của giáo xứ ngày càng phong phú, Hội đồng Mục vụ qua mỗi nhiệm kỳ được kiện toàn hơn về tổ chức cũng như nhân sự, đời sống đức tin của giáo dân ngày càng vững mạnh: sống mến Chúa yêu người và “tốt đạo đẹp đời”. Giáo xứ trở thành một Cộng đoàn Phụng tự, Cộng đoàn Đức tin, Cộng đoàn Bác ái, Cộng đoàn được sai đi để đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.
Đặc biệt, nơi đây nổi bật về những công việc từ thiện. Giáo xứ không chỉ chăm sóc cho đời sống giáo dân mà còn cho mọi người bất kể tôn giáo. Mỗi ngày, hơn 200 phần ăn miễn phí phục vụ cho những người neo đơn cùng khổ. Giáo xứ còn tổ chức khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo nơi Phòng khám Đa Khoa đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ nhiều năm nay. Giáo xứ thường xuyên tổ chức các cuộc bác ái từ thiện, và giúp đỡ rất nhiều cho các giáo xứ nghèo cần xây dựng nhà thờ, nhà xứ...
Cha sở Tân Định
Ngày 15-6-1998, Đức Tổng Giám mục đã ra Bài Sai cử cha GB. Võ Văn Ánh về làm  chánh sở giáo xứ Tân Định. Cha GB. Võ Văn Ánh còn được giao nhiệm vụ Hạt trưởng Hạt Tân Định, và là Đại diện Giám mục đặc trách Giáo dân Giáo phận TP. HCM. 
Là Hạt trưởng Hạt Tân Định, cha GB Võ Văn Ánh đã tổ chức tĩnh tâm hàng tháng, chuyển tin tức của Tòa Tổng Giám mục cho các giáo xứ, thành lập các ban Giới Trẻ, Thiếu nhi, Gia đình, Ơn gọi, Truyền giáo của Hạt. Được cha Giuse Đinh Tất Quý- hạt phó - tận tình cộng tác, cha đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ hạt trưởng trong hơn 10 năm qua.
Trong nhiệm vụ Đại diện Giám mục đặc trách Giáo dân Giáo phận TP. HCM, cha đã chăm lo để các hoạt động của mọi đoàn thể trong giáo phận được phát triển tốt đẹp.
Quá trình xây dựng nhà thờ
Nhà thờ Tân Định là một trong những công trình tôn giáo được xây dựng rất sớm ở Sài Gòn, được khởi công năm 1870 và khánh thành ngày 16/12/1876.
Công trình này luôn được sửa chữa, nới rộng trong nhiều đợt khác nhau, nhưng không hề xóa đi kiến trúc ban đầu. Năm 1896, nhà thờ được nối thêm hai căn và hai hàng ba có xây tường chung quanh.
Từ năm 1926, nhà thờ được nới rộng thêm. Cũng trong thời điểm này, tháp chuông được xây dựng cạnh công lộ Hai Bà Trưng, cao 52,6m. Ngày 6/01/1929, nhà thờ nhận được ba bàn thờ cẩm thạch Ý trị giá 50.000 quan do một gia đình dâng tặng. Năm 1949, sườn nhà thờ được chỉnh sửa lại, thay đổi kèo và đòn tay bằng sắt. Năm 1957, sân nhà thờ được tráng nhựa.
Tháng 12/1976, để kỷ niệm 100 năm xây dựng, nhà thờ được sơn lại, gỡ bỏ các hàng rào sắt. Đồng thời cung thánh cũng được đổ cao hơn, tráng lại bằng đá mài màu xanh cho hợp với các cột chung quanh. Một công trình khác cũng được thực hiện vào thời gian này là sửa và sơn lại tháp chuông, tô lại trần. Với màu hồng đặc trưng, tháp chuông cao vút của nhà thờ Tân Định luôn nổi bật trên nền trời xanh thẳm trông rất đẹp mắt. Tháng 7/1999 và tháng 9/2000, nhà thờ tiếp tục được sơn lại cả bên ngoài lẫn bên trong.
Khám phá kiến trúc nhà thờ
Nhà thờ Tân Định là một trong những kiến trúc đẹp nhất thành phố. Tổng thể kiến trúc mang phong cách Gothic kết hợp Roman, pha chút Baroque ở những nét trang trí. Màu sơn hồng và những đường nét hoa văn trang trí màu trắng làm cho toàn bộ công trình nổi bật trên nền trời xanh, tạo một vẻ lộng lẫy và tươi mới.
Nhìn từ phía mặt tiền, du khách có thể thấy toà tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp là chóp hình bát giác với cây thánh giá đồng cao 3 m. Trong tháp có 5 quả chuông, nặng tổng cộng 5,5 tấn. Hai bên tháp phụ có những tháp đèn, có nhiều lỗ thông gió và những hoa văn tạo vẻ vững chãi, rất duyên dáng. Hai dãy hành lang có mái vòm, lợp ngói vảy cá, những ô cửa tròn với hoa lá trang trí, tượng thiên thần rất tinh xảo.
Thánh đường bên trong khá bề thế với hai hàng cột Gothic, dẫn tới bàn thờ chính. Cùng với mặt tiền, hai hàng cột này được đánh giá là những nét đẹp nhất trong cả công trình kiến trúc. Hàng cột biên bên trái là tượng các thánh nữ, bên phải là tượng các thánh nam. Các bàn thờ trong thánh đường được làm bằng đá quý đưa từ Ý sang.
Tọa lạc bên cạnh một đường phố nhộn nhịp người xe qua lại, nhà thờ Tân Định có hình dáng thật mỹ lệ, từ những vòm cung cong cong cho đến các chi tiết chạm khắc tỉ mỉ. Vào mỗi buổi chiều tà, khi chuông thánh đường ngân vang từng hồi thánh thót, mây trắng từng cụm bay về, tháp chuông nhà thờ như in trên bầu trời một vệt hồng, tinh xảo và thơ mộng.
Vâng, nhà thờ Tân Định quả là thật đẹp, vì là một công trình kiến trúc có giá trị, được đưa vào danh mục những địa chỉ lịch sử, văn hoá, du lịch của thành phố, và còn đẹp hơn nữa, vì là nơi thờ phụng của bà con giáo dân, là nơi tổ chức hoạt động từ thiện của những tấm lòng mến Chúa yêu người.
Ôn cố tri tân
Nói về giáo xứ Tân Định cũng là một cách để nói lên lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã dày công khai phá thiết lập, cũng đặc biệt biết ơn các vị chủ chăn đã từng đóng góp công sức với cả tấm lòng, nhằm giúp giáo xứ Tân Định mãi phát triển với đà tiến bộ của thời đại.
Vì thế, không lạ gì, mỗi lần có dịp được tham dự thánh lễ tại đây, ai nấy đều có cảm giác như được hành hương đến một nơi đất thánh linh thiêng và cổ kính.
Đề cập đến những công trình xây dựng và phát triển của giáo xứ Tân Định hơn 10 năm qua, xin được kết thúc với lời đơn sơ khiêm tốn của cha chánh sở: “Có đi đâu hoặc làm gì cũng chỉ là phục vụ Chúa, phục vụ anh chị em và mọi người. Chúa sai thì mình phải đi, phải làm thôi”.
Nhà thờ Tân Định

Nhà thờ Tân Định tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng thuộc phường 8, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh là một trong những nhà thờ cổ và đẹp nhất thành phố được khởi công xây dựng năm 1870 và hoàn thành vào ngày 16/12/1876. 

Tổng thể công trình mang phong cách Gô-tích kết hợp Rô-man, pha chút Ba-rôc ở những nét trang trí. Đến năm 1929, khu nhà thờ được tôn tạo: giáo đường được mở rộng hơn, một tòa tháp cao 52,60m được xây thêm. Vào tháng 12/1976, nhân dịp kỷ niệm 100 năm, nhà thờ lại được trùng tu, nền Cung Thánh được tôn cao hơn, sơn sửa lại tháp chuông.

Với màu sơn hồng và những đường nét hoa văn trang trí màu trắng làm cho toàn bộ công trình nổi bật trên nền trời xanh, tạo một vẻ lộng lẫy và tươi mới.

Nhìn từ phía mặt tiền, sẽ thấy tòa tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp là chóp hình bát giác với cây thánh giá đồng cao 3m. Trong tháp có 5 quả chuông, nặng tổng cộng 5,5 tấn. Hai bên tháp phụ có những tháp đèn, có nhiều lỗ thông gió và những hoa văn tạo vẻ vững chãi nhưng rất duyên dáng.

Hai bên hông là dẫy hành lang có mái vòm, lợp ngói vẩy cá, những ô cửa tròn với những hoa lá trang trí, tượng thiên thần rất tinh xảo.

Thánh đường bên trong khá bề thế với hai hàng cột Gô-tich, dẫn tới bàn thờ chính. Cùng với mặt tiền, hai hàng cột này được đánh giá là những nét đẹp nhất trong cả công trình kiến trúc.

Hàng cột biên bên trái là tượng các Thánh nữ, bên phải là các tượng Thánh nam. Các bàn thờ trong Thánh đường được làm từ các loại đá quý đưa từ Italia sang.

Nhà thờ Tân Định thực sự không chỉ là một công trình kiến trúc có giá trị, được đưa vào danh mục những địa chỉ lịch sử, văn hóa, du lịch của thành phố, là nơi thờ phụng của bà con giáo dân, mà còn là nơi tổ chức những hoạt động từ thiện của những tấm lòng sống “tốt đời đẹp đạo”.
(Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét