Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

City tour Sài Gòn xưa

"TTXuân - Con đường hiện đại đầu tiên ở Đông Dương (Indochina’s first modern road) là một dự án du lịch dựa trên lịch sử của Sài Gòn - với nét độc đáo không nơi nào có: đó là thành phố đầu tiên xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại châu Âu thời đó, tại vùng Đông Dương.

Ý tưởng này tôi nảy ra khi đi thăm Con đường Lãng mạn (Romantic Road) ở Đức, Xa lộ Lịch sử (Historical Highway) ở Nhật và thăm Con đường Hiện đại châu Âu tại thành phố Kobe. Minh Trị thiên hoàng đã mở cửa canh tân nước Nhật, bắt đầu từ cảng Kobe. Người châu Âu đã đến đó xây dựng thành phố theo kiểu hiện đại. Nay Chính phủ Nhật chi ra nửa tỉ USD mua lại các tòa nhà đó, trùng tu và xây dựng thành một “city tour” độc đáo.






Cô gái Pháp gốc Việt Caroline, 29 tuổi, đến TP.HCM với hộ chiếu ngoại giao cho phép cô ở lại đây lâu hơn, ít nhất là ba năm. “Tôi yêu Sài Gòn - TP.HCM như là mối tình đầu của tôi” - Caroline nói với tôi. Cô cố gắng vẽ ra con đường mà cô sắp đi du lịch nhằm ôn lại quá khứ. “Tôi yêu mái ngói đỏ dưới ánh nắng mặt trời. Chúng khiến thành phố có nét độc đáo riêng. Mỗi tòa nhà đều gợi lại cho tôi một vài điều giống như ở quê nhà Paris”. 

“Ồ, tại sao chúng ta không thực hiện một chuyến đi vòng quanh cảng Sài Gòn (1860) bây giờ để khám phá những dấu ấn bắt đầu của vùng đất thuộc Pháp?”, Caroline reo lên: “Tại sao không?”. Nhưng bến cảng đã đóng cửa. Chúng tôi đứng trên bến cảng và tiếc rẻ nhìn những bảng panô to tướng sáng choang phía bên kia bờ sông. Những chiếc tàu đa quốc gia nhiều màu sắc làm cho bến cảng hiện đại hơn bao giờ hết, nhưng đối với tôi cũng như Caroline, không có điều gì trong quá khứ là hoàn toàn mất đi.














Chúng tôi rời cảng đến ngôi nhà nơi tọa lạc của Công ty Messageries Maritimes (1863) ngay bên bờ sông Sài Gòn chỉ vài phút đi bộ. Tòa nhà hiện nay được mang tên Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.HCM bởi nơi đây năm 1911, Người (Văn Ba lúc bấy giờ) lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Trên con đường hiện đại này, Bệnh viện Grall (1867) đã mọc lên. Bây giờ được gọi là Bệnh viện Đồn Đất hay Bệnh viện Nhi Đồng II, tọa lạc trên một ngọn đồi mà lúc bấy giờ có thể nhìn thẳng ra sông Sài Gòn, lúc đó vẫn đầy cá sấu.

“Sau khi xây dựng một vài cơ sở hạ tầng như cảng, bệnh viện, tổ tiên tôi lập tức đặt viên đá đầu tiên để bắt đầu xây dựng cơ quan đầu não hành chính đầu tiên của Pháp ở Đông Dương gọi là dinh Norodom (1868)” - Caroline như thì thầm bên tai tôi. Thế hệ của tôi thì quen với cái tên dinh Độc Lập, còn các con tôi gọi đó là hội trường Thống Nhất.

Chúng tôi tiếp tục chuyến đi đến tòa thị chính (1873), nay là trụ sở UBND TP.HCM. Mỗi ngày đi qua hay dự các cuộc họp ở đó, tôi đều cảm thấy tòa nhà tiết lộ với tôi một vài cái mới. Điều mới đó có thể là dãy đèn mới lắp đặt dưới đất bên ngoài tòa nhà, khiến nó sáng lên như một viên ngọc, hay là hình ảnh của một nữ hoàng ở phía trước hoặc một bức tranh tường mới vẽ lại bên trong. Caroline cố ngước lên một tí, nhìn vào những hình ảnh được tạc ở bên trên bức tường và nói chúng giống như kiểu kiến trúc Rococo, với một chuỗi các bức tượng phô bày trong nắng mưa của khí hậu nhiệt đới. 





Giờ đây mỗi lần đi qua đường Lê Thánh Tôn thấy những du khách nước ngoài bám vào những lan can sắt cố nhìn vào bên trong, tôi cứ tiếc sao HĐND và UBND TP không mở cửa cho khách tham quan như tòa thị chính San Franciso - thành phố kết nghĩa với TP.HCM. Nhưng thôi, hãy quên niềm nuối tiếc đó, vì chúng tôi đã đến tòa án (1881) rồi.

Tòa nhà được xây dựng thành một khối hình chữ U gồm ba khối nhà. Đây là một trong những kiểu kiến trúc Pháp đẹp cổ điển. Caroline bỗng cười lớn, nói: “Tòa án không tách rời nhà tù”, khi biết cùng với tòa án người Pháp dựng bót cảnh sát Catinat (1881) kiên cố.

Đó chính là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch bây giờ. Mọi thứ đã trở nên xinh đẹp, thanh bình và xa hoa.

Chúng tôi quay lại dinh Thống đốc (1885) nằm trên hành trình đi tìm thời gian đã mất. Dinh này có tên là dinh Gia Long (bởi vì nó tọa lạc trên đường Gia Long), bây giờ là Bảo tàng Cách mạng TP.HCM.

Tôi bỗng nhớ một người nổi tiếng, Graham Greene, người đã viết tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng năm 1955, một năm sau thời kỳ “100 năm nô lệ giặc Tây” kết thúc, với dòng chữ sau cùng: “Tôi nghĩ đến ngày đầu và Pyle ngồi bên cạnh tôi ở Continental. Mọi việc đã qua đi từ khi ông ta mất, nhưng tôi vẫn mong muốn làm thế nào để có thể nói: tôi rất tiếc”. 

Còn tôi, mỗi khi đến khách sạn Continental - tức Bộ Giáo dục thuộc địa Pháp (1885) - dự tiệc cưới, tôi thường tự nhủ: “Rất tiếc, vì những người quản lý khách sạn đã không làm nổi một bức tượng Graham Greene và mô hình bìa cuốn Người Mỹ trầm lặng để biến nơi đây thành một điểm du lịch có “chủ đề” và thú vị hơn”.

Rời khách sạn Continental, chúng tôi đi qua tòa bưu chính trung tâm (1886), nay là Bưu điện TP.HCM. Phía trước được trang trí tượng Mercure biểu tượng cho cộng đồng. Mỗi cột của tòa nhà được tạc khuôn mặt của các nhà khoa học, những người đã cống hiến to lớn cho sự phát triển của ngành viễn thông. Và đây rồi, cột này là tạc hình Voltage, kia là hình của Ohm, và đây nữa là hình Descartes. Ông Võ Hòa Bình, nguyên phó giám đốc Bưu điện TP.HCM, có lần đã nói với tôi: “Chúng tôi muốn biến nơi đây thành một điểm du lịch chính thức, nhưng các cuộc họp vẫn chưa đi đến đâu”. 

Năm 1886 trôi qua nhanh như chưa hề tới, và năm 1887 đến với việc xây nhà thờ Đức Bà - nhà thờ Chính quốc (1887). Còn đây là Nhà hát lớn (1900). Đối diện Nhà hát lớn là quán cà phê kiểu Pháp Givral như còn lưu giữ hình ảnh nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn mà Larry Berman làm “sống” lại trong cuốn tiểu thuyết Điệp viên hoàn hảo: “Sáng nào, ông (tức Phạm Xuân Ẩn) cũng đánh một vòng qua các trung tâm sản xuất tin đồn, trước khi tạt vào Givral ăn trưa, sau đó đi họp báo và rồi quay lại Givral” - Larry Berman viết.

Một trong những điểm liên lạc của Phạm Xuân Ẩn là chợ Cũ hay chợ Chim (1911) cũng được người Pháp xây dựng cùng với chợ Bến Thành (1911), giờ đây là biểu tượng của TP.HCM, chưa có gì thay thế được. City tour mang tên “Con đường hiện đại” dừng lại vào năm 1928 với Sở thú và Viện bảo tàng (1928).

Để kết thúc về city tour “Con đường hiện đại đầu tiên vùng Đông Dương” từ 1860-1928, tôi trích một câu thơ của thi sĩ Pháp lừng danh Paul Eluard: Ta vẫn nghe tiếng em ngân vang trong muôn tiếng động cuộc đời. Mời bạn thử làm một city tour “Con đường hiện đại” để thấy rõ “hồn thu thảo” trên mỗi “dấu xưa”. 

TRẦN NGỌC CHÂU". " 

( Nguồn: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=297422&ChannelID=100 ) 







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét