Từ lâu, Châu Đốc nổi tiếng với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Lâm Viên Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư... Ngoài ra, Châu Đốc còn có nhiều đặc sản cây trái như thốt nốt, mít, mãng cầu ta... và ẩm thực như mắm thái, khô cá tra phồng, đường thốt nốt, bún cá, đặc biệt là bánh canh Vĩnh Trung mà du khách gần xa đều biết tiếng và tìm đến thưởng thức cho bằng được mỗi khi có dịp du lịch hành hương đến vùng Bảy Núi.
Từ Châu Đốc theo Quốc lộ 91, dọc kênh Vĩnh Tế, đi 5 km là đến núi Sam. Ôm cua bên phải quả núi đi tiếp 15 km sẽ đưa du khách đến thị trấn Nhà Bàng. Tại đây rẽ phải theo Tỉnh lộ 948 khoảng 9 km du khách đến chợ xã Vĩnh Trung. Đây chính là cái nôi của món đặc sản dân dã bánh canh Vĩnh Trung nổi tiếng từ nhiều thập niên qua.
Sau khi ăn xong tô bánh canh nóng hổi ở quán Út Diễm, tôi hít hà khen ngon và bắt chuyện với chị chủ quán chừng ba mươi tuổi, nước da ngăm đen. Chị vui vẻ “bật mí”: “Để có được tô bánh canh ngon lành, hợp khẩu vị thực khách, trước hết phải có nồi nước súp thật đặc sắc được chuẩn bị từ khuya”. Đưa tay chỉ tôi nồi nước súp đường kính chừng 5 tấc, cao độ 3 tấc, đang bốc khói trên bếp lò, chị tiếp: “Nước súp phải tổng hợp vị mặn ngọt... tự nhiên của củ cải trắng, củ sắn và nhất là bốn loại thịt cá gồm: 1-2 con gà thịt nuôi thả vườn vùng Bảy Núi, 1-3 giò heo nặng 1,5-2 kg/giò, 2-3 con cá lóc nặng 1-2 kg/con và 1-2 kg bò vò viên! Số lượng “nguyên liệu” này tăng giảm tùy mùa đông khách hoặc ít khách cho phù hợp, đồng thời lượng nước cũng tăng giảm tương ứng. Bò vò viên rửa sạch, gà, giò heo, cá lóc làm và nhổ lông thật sạch cho vào nồi nước sôi hầm lửa riu riu độ 30 phút thì vớt cá ra trước. Giò heo, gà, vò viên hầm 45 đến 90 phút, tùy mức độ dai, thì vớt ra vì nếu hầm lâu quá thịt sẽ quá nhừ, ăn giảm ngon. Sau đó thêm nước mắm, đường, muối, bột ngọt... cho vừa ăn là có một nồi nước súp như ý để chế biến tô bánh canh ngon”.
Tuy nhiên, nồi nước súp ngon chỉ mới đạt 50% chuẩn của tô bánh canh ngon, bởi sợi bánh canh cũng góp phần quan trọng làm nên thương hiệu bánh canh Vĩnh Trung và tạo nên sự khác biệt với các loại bánh canh khác! Sợi bánh canh Vĩnh Trung được làm từ bột gạo nhồi ra từ hạt gạo thơm thuần khiết vùng Bảy Núi nên sợi bánh bóng mượt, vừa dẻo vừa mềm thơm thấm tận kẽ răng, đầu lưỡi! Một đặc điểm nổi bật nữa của bánh canh Vĩnh Trung là sợi bánh không tròn như đầu đũa như các loại bánh canh khác mà lại dẹp, rộng chừng 4-5 ly, dày độ 2 ly.
Ngắt bánh canh ước vừa đủ lượng cho một tô, bỏ vào vợt trụng chừng 5-10 giây cho nóng rồi cho vào tô. Giò heo xắt thành khoanh, thịt gà xắt thành miếng, vò viên xắt làm đôi, cá xé thành miếng, cho vào vợt trụng cho nóng xong xếp lên lớp bánh canh trong tô. Múc nước súp vào tô cho vừa ngập lớp bánh, rắc một nhúm hành lá xắt nhỏ, ngò... lên trên rồi thêm vào tô một muỗng nhỏ tỏi cháy mỡ... là có thể ra lò một tô bánh canh Vĩnh Trung nóng hổi, thơm ngon!
Tùy ý thích, khách có thể bỏ thêm giá, ớt băm hoặc ớt trái, tiêu, hành lá xắt nhỏ, nặn tí chanh... Vị ngọt, mặn, chua, cay... hòa quyện vào nhau tạo thành một hương vị tổng hợp đặc trưng của bánh canh thương hiệu Vĩnh Trung mà các loại bánh canh khác không có được.
Cách chợ Vĩnh Trung chừng 100 m về phía núi Cấm, hiện có hai quán ăn nằm kề nhau cạnh Tỉnh lộ 948 mang bảng hiệu Út Diễm và Út Oanh. Quán ăn được bày biện đơn sơ chuyên bán bánh canh Vĩnh Trung, mở cửa phục vụ du khách gần như suốt ngày. Ngoài ra còn một số quán ăn khác cũng bán bánh canh Vĩnh Trung nằm rải rác phố núi Tịnh Biên. Sau khi lên núi Cấm tham quan chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lạt lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, chùa Phật Lớn... suốt buổi sáng. Trưa bụng đói thì không gì hơn dùng bữa trưa bằng tô bánh canh Vĩnh Trung...
ĐÀO DUY HÒA
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét